Trang chủ Quốc tế PGVN Hải ngoại Phật giáo và nét văn hóa của Người Việt nơi đất khách

Phật giáo và nét văn hóa của Người Việt nơi đất khách

83

Chính vì thế, có hàng trăm ngôi chùa của người Việt đã được dựng lên, trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh của cộng đồng kiều bào. Cũng như ở quê nhà, đi lễ chùa đầu năm đã trở thành phong tục đẹp với cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

Tại Nürnberg thuộc tiểu bang Bavaria, miền nam nước Đức, chùa Vĩnh Nghiêm tổ chức lễ Thượng Nguyên và cầu an đầu năm đúng ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Tỵ. Phật tử và bà con kiều bào đã về dự rất đông.


Nền văn hóa Đông Nam Á  mang đậm triết lý Phật giáo, nhờ vậy đạo với đời đã song hành mấy ngàn năm nay và làm nên bao nét đẹp văn hóa và nhân cách rất Việt Nam:

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông

Lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước. Có bao mái chùa làm nơi che chở của các bậc vĩ nhân, anh hùng dân tộc, các chiến sĩ vô danh. Nhận thấy văn hóa tâm linh không thể tách xa với cuộc sống đời thường, chư Tôn Đức từ trong nước đã hiện diện nơi nơi, nâng đỡ và dìu dắt tâm linh cho những người con xa xứ.

Thật là một nhân duyên và phước huệ lớn, chùa Vĩnh Nghiêm (Nürnberg) được cung nghinh chào đón đoàn hoằng pháp của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Thượng Tọa – Tiến sĩ Thích Giác Dũng dẫn đầu. Trước khi tiến hành các nghi lễ cầu cho quốc thái, dân an. Thượng Tọa Thích Giác Dũng chia sẻ bài pháp thoại ngắn về ý nghĩa của mùa xuân Di Lặc.

Trước khi ra về, toàn thể Phật tử và bà con đồng hương đón nhận từ chư Tôn Đức những phẩm lộc của từ bi, an lạc và hạnh phúc.

Trên đất Ukraine, chùa Trúc Lâm (Kharkov) đã trở thành nơi thân thiết với kiều bào. Ngôi chùa nằm bình yên ngay cạnh làng Thời Đại – nơi có nhiều người Việt tập trung sinh sống ở thành phố Kharkov, Ukraine.

Đã thành thông lệ, hằng năm vào thời điểm giáp Tết cổ truyền, các chư tăng, phật tử tại chùa Trúc Lâm Kharkov đều tổ chức đón năm mới theo truyền thống dân tộc và nghi lễ tôn giáo, cùng nhau hướng về quê hương và cầu mong một năm mới đến sẽ mang lại nhiều điều tốt lành cho tất cả mọi người.

Trước đêm giao thừa, nhà chùa và toàn thể đạo tràng cũng chuẩn bị gạo, muối và nước để làm lễ, sau đó sẽ phát lộc cho tất cả mọi người đầu năm mới đến chùa dâng hương lễ Phật.

Mặc cho thời tiết ngoài trời lạnh giá đến âm 10 độ, nhưng không khí ấm áp tình người trong ngôi chùa Việt Nam duy nhất tại đất nước Ukraine đã làm cho những người Việt xa xứ cảm nhận được không khí Tết ở quê nhà, tạm quên đi những vất vả, lo toan trong cuộc sống mưu sinh.

Thái Lan là quốc gia có số chùa tổ chức các nghi lễ theo truyền thống Phật giáo Việt Nam nhiều nhất ở nước ngoài. Các ngôi chùa gốc Việt tại xứ “chùa Vàng” chính là nơi bà con kiều bào giao lưu, gặp gỡ và thăm hỏi lẫn nhau, nhất là trong những dịp lễ tết. Đó cũng là không gian để mọi người có thể bộc bạch và gửi gắm tình cảm đối với quê hương đất tổ, là địa chỉ văn hóa tâm linh của những người con xa xứ.

Một số tài liệu cho biết kể từ những ngày đầu tiên có mặt tại Thái Lan khoảng 200-250 năm trước, Annamnikaya hay còn gọi là An Nam tông luôn là chỗ dựa tinh thần của bà con người Việt, vốn vì những lý do khác nhau mà phải di cư tới để làm ăn sinh sống.

An Nam tông là một trong hai tông phái Phật giáo đại thừa duy nhất được các vị sư tổ người Việt Nam du nhập vào xứ “chùa Vàng”, nhận được những sự bảo trợ của các đời vua Thái Lan và sự quan tâm nể trọng của người dân địa phương.

Từ một hai ngôi chùa ở thủ đô Bangkok trong thời kỳ đầu, đến nay có tới 18-19 chùa An Nam tông phái trên toàn nước Thái, nơi chùa có tên gọi là Wat Yuon, nghĩa là “chùa của người Việt”.

Trong khi đó, với cộng đồng người Việt tại Nhật Bản nói chung và cộng đồng người Việt tại khu vực thủ đô Tokyo nói riêng, chùa Nisshinkustu trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và là nơi gặp gỡ giao lưu của bà con kiều bào tại Nhật Bản.

Chùa Nisshinkustu là một ngôi chùa lớn nằm ở gần trung tâm Tokyo, do Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi trụ trì. Hằng năm, chùa tổ chức Tết Dương lịch theo truyền thống của người Nhật Bản và Tết Nguyên đán theo truyền thống Việt Nam, lễ Phật đản, lễ Vu Lan, tổ chức rằm Trung thu… với sự tham gia đông đảo của bà con người Việt và bạn bè người Nhật Bản.


Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi còn tạo điều kiện mời các giảng sư của Việt Nam sang giảng pháp cho các phật tử Việt Nam. Ngôi chùa Nisshinkustu không những trở thành nơi gắn kết tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Nhật mà còn là nơi để bà con người Việt gặp gỡ trao đổi, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam dù đang ở trên nước Nhật.

Nhìn lại năm cũ, cầu an cho một năm mới – chính những điều này đã khiến những người Việt ở nước ngoài mong tìm về chốn tâm linh cao cả như một truyền thống đẹp. Đó cũng là một nét văn hóa của người Việt ở nơi “đất khách quê người”.