Trang chủ Thời đại Xã hội Phật giáo và môi trường

Phật giáo và môi trường

296

Năm 1992, “Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu” của Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil chủ yếu là để cứu trái đất. Hội nghị đã đạt được một số thoả thuận về việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên động vật, thực vật.

Coi trọng việc bảo vệ môi trường, trước hết phải biết bảo vệ trái đất, sông ngòi, biển cả, rừng sâu, núi cao và các loại động thực vật đang có mặt trên trái đất này. Giống như các bộ phận trong cơ thể con người, dòng sông tựa như dòng máu, lưu thông không ngừng nghỉ, có thể chuyên trở cung cấp các dưỡng phần: biển cả như quả thận, gìn giữ sạch sẽ, có thể phát huy công năng trao đổi chất; rừng rú như tim phổi, giảm bớt chặt đốn, có thể có tác dụng điều tiết không khí tốt lành; núi non như xương cốt, giảm bớt khai quật tàn phá, có thể duy trì được cán cân về đất và nước của trái đất; động vật như tế bào, không đi săn bắt giết hại, có thể duy trì cân bằng sinh thái. Tài nguyên trái đất nếu được giữ gìn bền vững, thì con cháu đời sau mới có thể an cư lạc nghiệp.

Phật giáo là một tôn giáo có ý thức bảo vệ môi trường một cách sâu sắc, không chỉ coi trọng bảo vệ tâm hồn bên trong, đồng thời cũng chú ý sự cân bằng sinh thái bên ngoài. Bảo vệ môi trường tâm hồn, cần phải bắt đầu dựa vào con người tịnh hoá tam độc tham, sân, si của bản thân; cân bằng sinh thái, thì phụ thuộc vào sự chung sức của mọi người để duy trì. Trong Bồ – tát Thiểm Tử kinh nói, Bồ – tát Thiểm Tử “bước chân xuống đất thường sợ đất đau” (lữ địa thường khủng địa thống), chính là ý thức từ bi trân quý môi trường.

Tư tưởng bảo vệ môi trường của Phật giáo bắt nguồn từ sự giác ngộ về “duyên khởi” của Đức Phật Thích ca Mâu ni, cho rằng vạn vật trên thế gian này đều được xây dựng trong mối quan hệ tồn tại phụ thuộc lẫn nhau. Ví dụ trong đời sống, chúng ta không thể nào rời xa các nguồn tài nguyên như ánh mặt trời, không khí, nước… Trong Tỳ – ni – mẫu kinh quyển 5, Đức Phật cho biết: “Nếu Tỳ – kheo vì Tam bảo mà trồng xuống ba loại cây: Một là cây ăn quả; hai là, cây có hoa; ba là, cây có lá: điều này chỉ có phước không có tội” (Nhược Tỳ – kheo vì Tam bảo chủng tam chủng thụ: Nhất giả, quả thụ nhị giả hoa thụ; tam giả, diệp thụ: thử đãn hữu phước vô quá). Trong Tăng nhất A hàm kinh quyển 10, Đức Phật cũng nói rằng: “Vườn trái cây cho sự mát mẻ, nhịp cầu giúp nhân dân; gần đường làm nhà xí, nhân dân được nghỉ ngơi” (Viên quả thí thanh lương, kiều lương độ nhân dân, cận đạo tác thanh xí, nhân dân đắc hưu tức). Trồng hoa, trồng cây ăn quả, để tịnh hoá làm sạch không khí, bảo vệ nguồn nước, lợi người ích vật, ích mình lợi người, tất nhiên có thể tăng thêm công đức.

Từ xưa tới nay, đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái, các bậc cao tăng cổ đức trong giới Phật giáo luôn là những mẫu người có tầm ảnh hưởng quan trọng. Như Pháp sư Minh Viễn, chùa Khai Nguyên, Từ Châu (nay là huyện Thiên Tứ), trồng hàng chục ngàn cây cối như tùng, thông, liễu, lim…, đã tránh được sự lan tràn của nước sông Hoài và sông Tứ. Một ví dụ khác, như Pháp sư Đạo Ngộ ở Lạc Dương Đông Đô, khuyến hoá quỹ từ thiện, xây đắp để ngăn chặn lũ lụt nguy hại ở Long Môn Hoàng Hà. Ngoài ra, sửa cầu lát đường, trân quý nguồn tài nguyên, chở che động vật, phóng sinh, đề xướng ăn chay, không sát hại sinh linh…, tất cả việc làm ấy cũng đều là công việc quan trọng bảo vệ môi trường thân tâm, vì vậy các nhà sư Phật giáo có thể nói là những người hoạt động bảo vệ môi trường.

Trong Phật giáo, chuyên gia bảo vệ môi trường nổi tiếng nhất là Đức Phật A-di-đà. Lúc bắt đầu tu hành. Ngài phát 49 đại nguyện để xây dựng thế giới thanh tịnh an lạc; trải qua thời gian lâu dài, đã thành tựu thế giới Tây phương Cực lạc vô nhiễm; việc bố trí các công trình công cộng trong thế giới ấy như: vàng bạc lát trên mặt đất, là quy hoạch về đô thị; cung điện lâu các làm từ thất bảo, là quy hoạch nhà ở; hàng cây bảy lớp, là quy hoạch về công viên; tám dòng nước công đức, là quy hoạch về nguồn nước. Chẳng những tiện lợi dân chúng, mà còn đẹp đẽ trang nghiêm. Đặc biệt, trong thế giới Tịnh độ, không có chúng sinh của ba đường ác (tam ác đạo), đều là thiện nhân gìn giữ tịnh giới, không có các ô nhiễm về không khí, nguồn nước, tạp âm, bạo lực, khí độc, năng lượng hạt nhân…, khí hậu trong sạch, mát mẻ, dễ chịu, người người thân tâm khoẻ mạnh, tuổi thọ kéo dài, là kiểu mẫu tốt nhất cho việc thực hiện triệt để công tác bảo vệ môi trường. Các trường hợp khác như Tịnh độ Lưu li của Phật Dược Sư, Tịnh độ Đâu – suất, cho đến quốc thổ thanh tịnh của ba đời chư Phật, toàn là nơi cư trú được quy hoạch tốt đẹp hoàn thiện.

Ngày nay, đối với việc bảo vệ môi trường, Phật giáo có ba chủ trương sau đây:

Thứ nhất bảo vệ mạng sống: Phật giáo đề xướng không sát sinh mà tích cực bảo vệ động vật. Phạm võng kinh Bồ tát giới nói: “Là con Phật, nếu lấy tâm từ bi, làm việc phóng sinh, thì nên niệm: “Tất cả người nam, đều là cha ta, tất cả người nữ đều là mẹ ta; từ đời này đến đời khác chúng ta đều thọ sinh từ đó, cho nên chúng sinh trong sáu nẻo đều là cha mẹ của ta; nếu giết để ăn thịt, tức là giết cha mẹ của ta, và cũng là giết th6an trước đây của ta”. Bảo vệ và không giết hại chúng sinh là sự tôn trọng đối với hết thảy sinh mệnh hữu tình, cho nên giới luật của Phật giáo về việc bảo vệ động vật, hàm chứa tư tưởng từ bi tích cực. Lục độ tập kinh ghi chép, trước khi thành tựu đạo giải thoát; Đức Phật đã từng trải qua một kiếp làm vua của bầy nai (lộc vương), tự nguyện xả thân thay cho một con nai cái (mẫu lộc), khiến cho quốc vương cảm động liền ban lệnh ra khu bảo vệ động vật, cấm săn bắt giết hại; Vua A – dục (Asoka) chủ trương mở rộng việc trồng rừng, che trở cho chúng sinh, thiết lập y viện động vật, quy định các vị đầu bếp của nhà vua trong cung đình không được sát sinh, tất cả điều này đều là kiểu mẫu của Phật giáo đối với “cách chăm sóc động vật hoang dã”.

Thứ hai, tích phước: Đây là nhận thức của Phật giáo đối với “đồng thể cộng sinh”. Chỉ có trân quý các nguồn tài nguyên tự nhiên, con người mới có thể mở rộng tư tưởng trong thế kỷ mới trên trái đất này. Phước báo giống như việc gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng; có dành dụm, tiết kiệm, mới có chi tiêu. Trong cuộc sống hàng ngày, tích cực phối hợp “phân loại rác, thu hồi tài nguyên”, để các tài nguyên có thể sử dụng tái chế, rác lúc ấy chính là của cải. Phương pháp tích phước có rất nhiều, nay tóm tắt làm bốn điểm: 1. Một chữ cũng phải trân quý, dùng đúng chỗ thì một chữ là cả ngàn vàng; 2. Một hạt gạo cũng cần trân trọng, không nên lãng phí, nghĩa là cần kiệm mới có thể là suối nguồn của giàu có; 3. Mỗi lần nói lời gì cũng cần suy nghĩ cẩn trọng như nhân gian thường nói “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là vậy. Không nói bậy bạ, mới có thể không chiêu hoạ, vì vậy đây là tiền đề của phước; 4. Sinh mệnh dù nhỏ đến đâu cũng cần bảo vệ, bảo vệ nó chính là bảo vệ chính mình, bởi vì đấy là gốc rễ của trường thọ vậy.

Ngoài ra, còn cần tích cực “khống chế, ngăn ngừa ô nhiễm”, đối với đồ phế thải có chất độc hại, mỗi người đều nên dựa vào lương tâm đạo đức, thực hiện tốt việc xử lý an toàn. Giới khoa học nên sớm phát minh ra dụng cụ không làm thiệt hại tự nhiên cho toàn nhân loại, tài nguyên vật chất tuỳ dùng tuỳ thu hồi, tái chế, tổ hợp lại nguồn năng lượng, mới là con đường cứu cánh.

Thứ ba, tịnh hoá: Phẩm Phật quốc của Kinh Duy-ma-cật nói: “Nếu Bồ – tát muốn được Tịnh độ, thì nên tịnh hoá tâm ấy; khi tâm ấy đã tịnh, thì cõi Phật liền tịnh”. Phật Quang Sơn vào ngày 4 tháng 3 năm 1992, tổ chức “Pháp hội tịnh hoá môi trường thân tâm tín đồ Phật Quang Sơn”, mục đích chính là muốn mọi người hưởng ứng cuộc vận động bảo vệ môi trường, từ việc tịnh hoá lục căn thân tâm đến việc tịnh hoá thế giới ngoài tâm. Bên cạnh đó, Hội Phật Quang Quốc tế (Buddha’s Light International Assciation/ BLIA) cũng rất tích cực dấn thân vào công việc giáo hoá công ích xã hội, chỉ dẫn bảy điều khuyến cáo, kêu gọi mọi người cùng nhau “tìm tâm trở lại”; đồng thời thông qua nhận thức môi trường và tham gia thực tế, tổ chức, tiến hành: trồng cây cứu lấy nguồn nước, bảo vệ động vật hoang dã, cứu trợ thiên tai trao tặng sự ấm áp, phục vụ thân thiện, thành lập đoàn chữa bệnh từ thiện…, nhưng việc làm này đều là có ích cho nhân quần xã hội, đạt được sự nghiệp, hoạt động hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường.

Ngày nay, các nhóm môi trên khắp thế giới đang tập trung, ra sức bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái là thành viên của “làng toàn cầu (global village), đều có trách nhiệm quan tâm đến sự sinh tồn bền vững của “địa cầu thôn”, bởi vì Phật pháp cho biết giữa hữu tình và vô tình đều có mối quan hệ cộng sinh đồng thể. Cụ thể, nguyên lý duyên khởi biểu thị rằng: “Cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không” (Thử hữu cố bỉ hữu, thử vô cố bỉ vô). Trong sự chuyển biến, trôi chảy vô cùng tận, cho dù một hạt bụi cực nhỏ cũng có mối tương quan vi diệu với môi trường chung quanh; đối với cấu bẩn nội tâm, chúng ta cố nhiên phải nỗ lực tiêu trừ, chuyển hoá, đối với sự ô nhiễm bên ngoài, cũng cần phải gợi lên ý thức cộng đồng, ra sức bảo vệ môi trường, có như thế, thì thế giới của con người trong thế kỷ 21 này chắc chắn là một thế kỷ tốt đẹp có thể tịnh hoá thân tâm.

Nguồn: Phật giáo và thế tục, in trong bộ sách Phật học giáo khoa thư của Đại sư Tinh Vân, NXB, Từ Thư Thượng Hải, năm 2008, trang 47 – 50.

Nguyễn Phước Tâm (dịch)

Chú thích:

  1. Trong hoạt động đề ra 12 mục cần thực hiện: Mở miệng thì cần phải nhỏ nhẹ, không tạo ra tiếng ồn; trên mặt đất phải sạch sẽ, không được vứt rác bừa bãi; trong tay không được cầm thuốc lá, không được làm ô nhiễm không khí; trân trọng thân tâm, không được hành động thô bạo; phải học cách nhường nhịn, lịch thiệp, không được xâm hại đến người khác; thường mỉm cười, không được thể hiện sự hung tợn; lời lẽ ôn hoà, không xuất hiện ác ngôn; mọi người giữ gìn giới pháp, không được cầu đặc quyền; mọi người phải giữ tiết nghĩa, không được vi phạm cương thường; chi tiêu tiết kiệm, không được tuỳ ý phung phí; sống thiết thực, không phù phiếm viển vông; hễ là việc thiện, không sinh tà ý.
  2. Tức khuyến cáo thuốc độc, sắc tình, bạo lực, trộm cắp, bài bạc, chè chén, và ác khẩu.