Trang chủ Thời đại Xã hội Phật giáo và hôn nhân đồng tính

Phật giáo và hôn nhân đồng tính

298

Người dân Thái đang đắn đo, suy nghĩ về vấn đề này. Đối với Thái Lan, Phật giáo Nguyên thủy là quốc giáo từ nhiều thế hệ. Chẳng bao lâu sẽ có những cuộc vận động để ủng hộ cho chuyện kết hôn này ở Thái Lan. Câu hỏi được đặt ra là, Đức Phật có phản đối sự kết hôn của những người có cùng giới tính không, và câu trả lời là “không”. Nói một cách chính xác hơn, Đức Phật không ủng hộ và cũng không phản đối hôn nhân của những người đồng tính luyến ái.

Không phải vì Phật giáo quá chất phác trong vấn đề này. Thực ra, trong tạng Luật, có đề cập đến hàng trăm chuyên đề về mối quan hệ tình dục mà hầu hết là những quan hệ bất bình thường, đã từng xảy ra trong xã hội Ấn Độ hơn 2.500 năm về trước.

Có nhiều trường hợp đã làm các nhà tâm lý học cũng như các bác sĩ tâm thần phải nhướng mày kinh ngạc như là chuyện giao cấu giữa người và thú vật, cũng như với xác chết.

Những chuyện này, cho chúng ta thấy Phật giáo đã đi sâu rộng trong xã hội Ấn Độ, và những mẩu chuyện này không phải là điều mới lạ trong cộng đồng Phật giáo. Cũng vậy, theo Tam tạng kinh, chúng ta thấy rõ Đức Phật thừa nhận sự khác nhau giữa lưỡng tính và đồng tính. Người lưỡng tính và hoạn quan (thái giám) không được chấp nhận trong hàng ngũ Tăng đoàn. Nhưng không có một sự phản đối nào về vấn đề đồng tính luyến ái.

Dĩ nhiên, đã có một trường hợp là, một vị Tăng thích quan hệ với người đồng tính, ông ta đã dụ dỗ bạn bè cùng những Tăng sĩ trẻ để có quan hệ tình dục với ông. Ông bị trục xuất ra khỏi Tăng đoàn, sau khi bị phát hiện. Sau đó ông lại quan hệ tình dục với những người chăn voi, chăn ngựa. Khi mà tin này lan tràn đến khắp nơi trong cộng đồng Phật giáo, Đức Phật đã ra điều luật là không cho những người đồng tính luyến ái gia nhập hàng ngũ xuất gia, đồng thời trục xuất toàn bộ Tăng sĩ đồng tính luyến ái.

Đức Phật đã khoan dung đối với nữ tu đồng tính hơn Tăng sĩ đồng tính. Những nữ tu này không bị trục xuất ra khỏi Ni đoàn, nhưng họ phải tự thú với bạn đồng tu và phải sám hối.  

Tuy nhiên điều luật của Tỳ kheo cũng không bảo đảm chùa chiền và tu viện hoàn toàn không có người đồng tính luyến ái. Thật vậy, điều luật chỉ nói rằng Tăng, Ni phải sống cuộc đời độc thân, không được lập gia đình. Trong lịch sử của các cộng đồng Phật giáo đã từng có tai họa về những chuyện đồng tính luyến ái này.

Ở Thái Lan, một câu chuyện xảy ra và được xem như là nỗi nhục nhã  lớn nhất từ trước đến nay trong cộng đồng Phật giáo. Vào năm 1819, thời vua Rama đệ nhị, có một vị cao tăng rất được sủng ái, ông cũng là vị trụ trì chùa Saket, lúc ấy ông vừa được tôn phong lên địa vị Vua Sãi tối cao của Phật giáo Thái Lan. Một ngày nọ, ông bị kết tội là hành dâm với những Tăng sinh của ông.

Tin này đã gây một chấn động mãnh liệt trong cộng đồng Phật giáo thời bấy giờ. Và được xem như là một tai tiếng lớn nhất cho Phật giáo Thái Lan trong suốt thế kỷ đó.

Đối với những cư sĩ tại gia mang chứng đồng tính, Đức Phật không có điều luật hay lời khuyên nhủ về vấn đề kết hôn này. Đức Phật đơn giản nói rằng Ngài là người chỉ đường, gợi ý rằng Ngài không dùng một quyền hạn nào để bắt buộc người khác phải làm gì. Nguyên tắc này cho thấy, nguyên lý giáo pháp của Đức Phật không bao gồm những quy tắc, phong tục xã hội cũng như hình thức nghi lễ đối với tôn giáo của Ngài.

Với nguyên tắc thương yêu tất cả mọi loài, mọi chúng sinh, Phật giáo không xét xử hay chỉ trích người khác, đơn thuần chỉ dựa trên tính chất của người đó vì điều này được xem như là một sự phán xét thiên vị.

Căn cứ vào quan niệm của Phật giáo về sự khởi đầu, Agga-asutta (thường được biết đến là cách ngôn trên tri thức của sự khởi đầu), sự phân chia nam giới và nữ giới là kết quả của sự tàn lụn. Khởi thủy, tổ tiên của loài người bắt đầu từ những dòng tâm thức không ô nhiễm, không giới tính nam nữ. Vì thế, tâm thức là tối cao và không giới tính, và điều này rất phù hợp để giải thích sự tồn tại của cõi trên. Điều quan trọng nhất rút tỉa từ nguyên tắc này là không có một giới tính nào cao hơn giới tính nào cả, cũng như những thành kiến với hình dáng con người bên ngoài, sự phân biệt màu da, chủng tộc. Đó chỉ là sản phẩm của con người mà thôi.

Căn cứ trên điều này, người đồng tính không nên bị kỳ thị, họ cũng là người, và phải được hưởng tất cả quyền lợi cũng như được tôn trọng như tất cả mọi người khác.

Điều này cũng không có nghĩa là Phật giáo Thái Lan sẽ ủng hộ quyền tự do cũng như sự kết hôn của người đồng giới tính, cũng không bảo đảm là thành viên bênh vực cho nhân quyền (quyền kết hôn đồng tính) sẽ thành công trong những cuộc vận động. Tin tưởng vào nghiệp quả đã ăn sâu vào phong tục tập quán Thái Lan.

Nhiều chùa chiền, tu viện, cũng như chư Tăng thường dạy Phật tử nhìn thế giới xuyên qua lăng kính nghiệp quả. Tất cả mỗi người được sinh ra để trả nghiệp trong tiền kiếp. Theo lời giải thích của họ, tất cả người đồng tính và những người có giới tính khác thường là kết quả của sự tham đắm ái dục trong tiền kiếp, và vì thế họ phải trả quả trong kiếp này. Cho nên, họ phải nhận chịu những gì mà xã hội đối xử. Hệ thống tín ngưỡng này đã tạo nên một sự bảo thủ vững chắc trong nền văn hóa của những quốc gia Phật giáo Nguyên thủy.

Với những lý do này, Phật giáo Thái Lan rất khó chấp nhận cho phép thông qua điều luật kết hôn cho người đồng giới tính. Vận động viên của giới đồng tính sẽ khó mà thành công như là những quốc gia ở châu Âu và Canada.

Khánh Văn Việt (dịch)