Gần đây, tiêu điểm bàn luận của báo chí tập trung vào sự kiện Công ty cổ phần hữu hạn Vedan, đơn vị có nhà máy xả nước thải làm ô nhiễm trầm trọng sông Thị Vải, được tuyên dương Top 100 sản phẩm “vì sức khỏe cộng đồng”. Sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận, với sự bất bình dâng cao. Còn Vedan, với việc tuyên dương “vì sức khỏe cộng đồng”, thì thương hiệu này xuất hiện trên trang nhất các tờ báo như một… màn tấu hài.
Thế rồi, báo chí lại phanh phui một số giải thưởng mà họ gọi là “có mùi” tương tự (xem báo Người Lao động, thứ hai ngày 2/11/2009).
Hình như, chưa lúc nào vấn đề hảo danh, giả danh, hư danh…được dư luận báo chí phê bình căng thẳng như lúc này.
Các công ty tư nhân cần danh, cần tiếng, cho dù đó có thể là danh thật, tiếng thật hay danh giả, tiếng giả, thậm chí là danh mua, tiếng mua…thì cũng đành. Vì họ cần nó để bán sản phẩm, để quảng cáo với người tiêu dùng. Chúng ta thông cảm ở một mức nào đó khi nghe nói công ty X, doanh nghiệp Y dồn hết sức để đạt được kỷ lục, bằng tuyên dương, bảng vàng công nhận… nào đó. Với những kỷ lục, bằng tuyên dương như kiểu “vì sức khỏe cộng đồng”…, đơn vị có được dùng nó như một phương tiện giành giựt người tiêu dùng với các cơ sở khác.
Tuy nhiên, cũng chạnh lòng nghĩ lại, khi trước đây, giới âm nhạc Phật giáo cũng gây xôn xao báo chí vì những tranh luận xung quanh những vấn đề “danh” như vậy.
Kết quả thế nào, phần phải thuộc về ai, thật tình, người viết cũng không để ý, vì nó không giống như sản phẩm tiêu dùng, có khi phải lấy những tiếng tăm kiểu “top”, kỷ lục, tuyên dương để mà tin, không bị hớ khi mua hàng. Còn nhạc Phật giáo, thì bài nào riêng mình cảm thấy hay thì nghe, nhạc sĩ nào sáng tác cũng tốt, có liên quan gì đâu tới kỷ lục, hay “top” như Vedan, để quan tâm vô ích.
Đó là nghĩ và nói theo kiểu thế gian của người đời, còn nghĩ trên cơ sở giáo lý đạo Phật, thì lẽ ra, những người biết đến đạo nên lánh xa danh tiếng, dù thực, dù giả, dù dưới bất kỳ hình thức nào.
Đức Phật xếp “danh” vào ngũ dục, năm loại ham muốn.
Tài (tiền của), sắc (sắc đẹp), danh (tức danh tiếng, điều mà chúng ta đang nói đến), thực (miếng ăn), thùy (ngủ nghỉ) là các thứ chướng ngại trên con đường tu học, người Phật tử, dù tăng ni hay cư sĩ đều phải tránh xa.
Đàng này, lại để xảy ra vấn đề danh, có liên hệ đến mảng âm nhạc Phật giáo, xảy ra lùm xùm trên báo chí.
Dù đó chỉ là việc tranh luận của riêng một hai cá nhân nào đó, nhưng dù sao, cũng có liên hệ đến Phật giáo. Quả thực, Phật giáo – một tôn giáo coi danh là một vấn đề phải tránh xa, nay lại có Phật tử tranh luận về các kiểu danh “kỷ lục”, “top” về âm nhạc Phật giáo, thì không hay chút nào trước dư luận rộng rãi.
Người ngoài đạo Phật nghĩ như thế nào khi đọc những bài qua lại về chuyện kiểu như vậy mà lại xảy ra ở Phật giáo?
Một số tờ báo coi chuyện tranh cãi về danh, về “kỷ lục” ở các nhạc sĩ Phật giáo là chuyện có thể thu hút sự chú ý của bạn đọc nên cố ý đăng tới đăng lui vụ việc, với lời người này, người kia bình phẩm.
Thật là không hay!
Nếu cứ nhằm tới kỷ lục này, top ten nọ, thì sớm muộn gì, hoặc là có khi bị “dụ” như một số báo đã cảnh báo, cũng có khi dẫn đến tranh chấp danh hiệu này, kỷ lục nọ. Vì bản thân việc giữ kỷ lục hay danh hiệu nào đó đã bao hàm trong đó khả năng tranh chấp tiềm tàng, từ đó trở thành chuyện để người bàn ra, kẻ bàn vào trên mặt báo.
Đối với đạo Phật, danh còn phải bỏ, nữa là hư danh.
Các Phật tử, là doanh nhân, là chủ doanh nghiệp, thiết tưởng, cũng không nên màng kiểu “danh” như “top” mà Vedan mới vừa được “phong tặng”.
Và tốt hơn hết, tất cả những người con Phật chúng ta đều nên không màng đến “danh”, dù đó là “danh” thực.
Vì đã là “danh” thì cũng không nhiều thì ít, nó gây chướng ngại cho việc tu tập, như lời Đức Phật đã dạy.
Theo thứ tự mà Đức Phật liệt kê, lỡ có ham, thì ham ngủ (thùy) ham ăn (thực), vẫn còn hơn ham danh!
MT