Trang chủ Diễn đàn Phật tử và Dân tộc Phật giáo và cuộc sống

Phật giáo và cuộc sống

204

Họ một lòng đến cửa Phật với hi vọng “Tu để diệt trừ bản ngã, tu để phụng sự mọi người, tu để xây dựng đất nước”. Có những ngôi chùa đường đi lại khó khăn, xa xôi cách trở nhưng với tâm thành, họ đã vượt qua tất cả, tấp nập về chùa trong trật tự, trang nghiêm. Do điều kiện có những chùa không đủ nơi cho mọi người ăn nghỉ, nhưng tất cả tín đồ cũng như những người có tâm với Phật giáo đều sẵn sàng nghỉ tạm qua đêm trên những tấm vải bạt trong từng khu lều trại rộng hàng trăm mét vuông do tín đồ tự dựng lên để chờ dự lễ hay nghe các nhà sư thuyết pháp. Có những chùa phục vụ ăn uống cho tất cả mọi người về tham dự, cũng có chùa không có điều kiện nên tín đồ tự lo ăn, ở nhưng tất cả đều không một lời phàn nàn vì họ đến chùa với tâm nguyện được nghe những lời giảng giải của tăng, ni làm cho tâm hồn nhẹ nhàng, giúp cho cuộc sống hòa hợp, an lành. Sau mỗi lần tham dự sinh hoạt ở chùa, những tín đồ lại ra về đều thể hiện sự hồ hởi, phấn chấn, một niềm tin, mãn nguyện trên nét mặt. Nhiều người đã ở tuổi 70-80, cá biệt có người hơn 80 nhưng không ngại đường sá xa xôi cũng về chùa tham dự các hoạt động. Vì sao đông đảo Phật tử đến với chùa kể cả ở những nơi sơn lâm xa vắng? Nếu không có mặt ở những ngôi chùa chắc khó có thể hiểu được vì sao số lượng tín đồ từ nhiều nơi lại “đổ” về đông thế.   

Với trách nhiệm của nhà tu hành, những vị sư trụ trì chùa đã giành nhiều thời gian giảng giải để mọi người hiểu mỗi tín đồ phải làm gì để thực hành giáo lý, giáo luật và làm theo lời dạy của Đức Phật. Một mặt, mỗi tín đồ phải sống có lý tưởng trong sáng, hướng thiện, hằng ngày cần tự xem lại bản thân đã làm việc gì tốt, chưa tốt; mặt khác, họ còn được nghe giảng về những người con Phật phải tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh và hạnh phúc…

Với sự phát triển vượt bậc của khoa học cùng với tư tưởng tiến bộ của nhân loại, hầu như những cái lạc hậu, thiếu khoa học đều phải tự đào thải. Trong khi đó, Phật giáo đã tồn tại hơn 25 thế kỷ và chứng minh rằng Phật giáo có sức sống mãnh liệt, bắt nguồn từ một giá trị tinh thần phong phú, đó là sự thể hiện giáo pháp trong đời sống con người. Thực vậy, bên cạnh những thành tựu vĩ đại mà khoa học đem đến cho con người thì nó còn mang lại không ít những vấn đề nhức nhối trên hành tinh thân yêu này, như: khủng hoảng kinh tế, môi trường bị hủy hoại, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng,…và chính con người phải chịu trách nhiệm của những hậu quả do họ gây ra. Trong những buổi nghe thuyết pháp, tín đồ từng bước được giải tỏa, hiểu dần từng bước về Đức Phật và Phật giáo.

Khi còn tại thế, Đức Phật với lòng từ bi cứu khổ và trí tuệ sáng suốt, và với vai trò là bậc đạo sư đã chủ động tìm cho mình và hội chúng tăng già một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, một đạo tràng tu tập hướng tới giác ngộ và giải thoát. Đức Phật đã chọn cây Bồ đề ở trong rừng để làm nơi cư trú và phát triển tâm linh, cuối cùng ở đó Ngài đã chứng được quả vô thường chính đẳng, chính giác. Trên bước đường hoằng hóa, Đức Phật cùng đệ tử vẫn thích sống nơi núi rừng tĩnh lặng. Những lời của Đức Phật dạy đều nhằm đưa con người trở về sống với môi trường tự nhiên trong lành, từ bỏ những tính xấu ác như tham, sân, si… Qua thực tiễn, tín đồ thấy rằng giới luật Phật giáo được xây dựng trên nền tảng đạo đức và lấy tự giác, tự nguyện làm động lực thực hành, là nền móng chắc chắn để xây dựng ngôi nhà hạnh phúc. Mọi người giữ gìn được năm giới căn bản đúng mức thì chắc chắn sẽ góp phần xây dựng một thế giới hoàn hảo vì “Nền tảng đạo đức Phật giáo là năm giới cấm”. Từ ngũ giới căn bản đó nếu biết vận dụng sẽ kiến tạo được một thế giới thật sự tốt đẹp, bởi lẽ nền tảng của các điều giới này đều được xuất phát từ đạo đức, từ những mối quan hệ chuẩn mực giữa con người và môi trường xung quanh. Những điều Đức Phật dạy cách đây hơn 2.500 năm đến nay tinh thần ấy vẫn luôn có giá trị đích thực, tốt đẹp cho các mối quan hệ. Do đó, tín đồ, Phật tử biết giữ mình theo giới luật sẽ để lại nhiều điều tốt đẹp cho xã hội, đem lại an lạc và hạnh phúc cho mình và cho con người trong hiện tại cũng như tương lai. Giới không phải giành riêng cho những người xuất gia hay cho Phật tử tại gia, cũng không phải chỉ giành riêng cho những người lớn tuổi mà là chung cho tất cả mọi người trong mọi lứa tuổi, cho những ai muốn sống đem lại an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người trong hiện tại và cả tương lai. Vì vậy, nhiều gia đình đã giành thời gian đến chùa để tìm sự an lành, hướng tới chân thiện mỹ cho mỗi người.

Thông qua thuyết giảng, những vị sư đã cho tín đồ, Phật tử biết rằng Phật pháp đã cho Phật tử con đường sống tốt đẹp-một con đường giải thoát đau khổ và thương yêu vô hạn với mọi người. Do vô minh không hiểu luật nhân quả mà đạo Phật đã chỉ rõ “nhân nào quả nấy” nên gây hại cho người. Giải quyết tận gốc nguyên nhân ấy, Phật giáo dạy con người xóa bỏ vô minh bằng việc tu học nâng cao nhận thức, thực hành tâm từ bi để nhận ra mình trong xã hội, điều chỉnh mình trong cuộc sống vì xã hội để con người với con người sống trong thiện chí với nhau như phương châm đạo Phật đã nêu rõ “Tâm bình thế giới bình”, “Tâm an chúng sinh an”.

Với phương châm “Duy tuệ thị nghiệp”, Đức Phật cũng dạy con người muốn làm nên sự nghiệp phải có trí tuệ, có giác ngộ. Phật giáo cho rằng chỉ có những gì do trí tuệ và từ lao động chân chính làm ra mới đáng trân trọng, những gì do thủ đoạn tranh đoạt để có được sớm muộn cũng tiêu tan vì nghiệp báo. Vì lẽ ấy, Phật giáo hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển với nỗ lực lao động của mỗi con người trong sự tự giác và khả năng của mình để góp phần xây dựng, phát triển xã hội vì sự an lạc của mọi người.

Theo Phật giáo, mọi sai biệt trên thế giới này đều tùy thuộc vào các nhân duyên mà sinh khởi, tất cả hoàn toàn do hành vi tạo tác của mỗi con người, chứ không phải do tự nhiên hay được sắp đặt theo bất kỳ một thông lệ hay một quy định nào. Ngày nay, trước tiến bộ văn minh vật chất quá độ đã xô đẩy con người vào hố thẳm của tham vọng, hận thù. Càng văn minh, con người càng có nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi mới. Nạn cờ bạc, say rượu, nghiện ngập, nạn gây ô nhiễm môi trường, hủy diệt sinh thái, áp lực kinh tế-xã hội đè nặng lên trên tâm trí của con người, tạo nên ức chế về tâm lí, xuống cấp về đạo đức, làm mất thăng bằng giữa đạo đức và hưởng thụ. Đạo Phật với con đường thoát khổ thiết thực nhân bản, với phương châm từ-bi-hỉ-xả, xóa bỏ chấp thủ, hận thù, sẽ tiếp tục sứ mệnh hóa giải khổ đau cho nhân loại.

Đức Phật dạy: người đạt được sự thanh tịnh, an lạc là người khi có điều không vui, lo âu sợ hãi thì không bị chúng chi phối, làm cho vướng bận với cái tư duy tham dục, sân hận và ác ý. Đó cũng là người đạt được một trạng thái tâm định như lời Kinh Pháp cú dạy: “Không có hạnh phúc nào lớn bằng sự yên tĩnh của tâm trí”. Đạt được giải thoát-Niết bàn là mục đích của mọi Phật tử, chấm dứt mọi đau khổ, thoát li sinh tử luân hồi, thành tựu trí tuệ viên mãn. Nỗi khổ thật sự lâu dài chính là vô minh; niềm hạnh phúc chân thực là vĩnh cửu, là sự chấm dứt vô minh. Phiền não có công năng thiêu đốt mọi hạnh lành, mọi công đức mà chúng ta đã tạo. Tu tập là nhằm từng bước đoạn trừ phiền não và muốn vậy phải lấy trí tuệ để đoạn trừ phiền não.

Đạo Phật với tư tưởng từ bi, trí tuệ không “nhiệm màu” ở xa xôi mà hiện thực ngay trong cuộc sống trần thế. Đạo Phật hướng con người đến chân-thiện-mỹ, và mở lối, soi đường cho con người bằng tuệ quang và tuệ giác, giúp con người tìm được tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông, xóa bỏ mọi rào cản, ngăn cách, đến với nhau trong sự đùm bọc, chở che. Đó là phương thuốc hiệu nghiệm để xóa đi những hận thù, những nỗi đau,… trong cuộc đời; làm tan đi những giá lạnh do oán ghét gây ra; làm vơi đi những nỗi đau do tham, sân, si mang lại; thổi bùng lên và có sức lan tỏa diệu kỳ ngọn lửa của tình yêu thương trong mỗi con người. Những con người được sống trong môi trường giáo dục đó sẽ là những con người trưởng thành có đầy đủ phẩm chất nhân văn và là những con người có ích cho xã hội.

Phật giáo chỉ tạo ra những điều kiện và những phương tiện cho người tu học trong quá trình tu dưỡng tự tìm ra chân lí và con đường của mình. Trong môi trường Phật giáo, những yếu tố cộng đồng, tập thể được đề cao, tính cá nhân, vị kỷ bị tiêu trừ, con người như được trở về với bản tính sơ khai, thánh thiện. Trong “ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam”, mỗi thành viên luôn tự ý thức về mình, tự ý thức về hành vi và trách nhiệm của mình trong cộng đồng xã hội, môi trường đó cũng làm cho con người trở nên sống hướng thiện và tốt đẹp. Con người được học tập, tu hành và tinh tấn để đạt đến giải thoát, đạt đến mục tiêu giác ngộ và môi trường đó cũng tạo ra và dẫn dắt con người thực hiện những bổn phận của con người xã hội. Sự tốt đẹp trong mỗi con người, sự hướng thiện của mỗi con người chính là góp phần vào sự tốt đẹp, sự hướng thiện của xã hội.Qua những buổi thuyết pháp, những vị sư đã dẫn dắt Phật tử hiểu được quá trình tu tập, biết vượt lên chính mình, biết phục vụ con người và đất nước; đồng thời có trách nhiệm tham gia loại trừ cái xấu, trước hết trong chính bản thân,… làm cho tín đồ biết gắn đạo với đời và đời với đạo. Chính vì thế mà hàng ngàn người đến với chùa nghe giảng, tự nguyện phục vụ tận tình, không một chút than phiền và luôn nở một nụ cười thân thiện với tất cả mọi người vì tất cả đều là con Phật. Trong bối cảnh đạo đức xuống cấp nghiêm trọng như: tham nhũng tràn lan, ăn chơi xa xỉ, coi trọng đồng tiền mà rẻ rúng con người, làm nhiều điều xấu xa bất chấp cả luân thường đạo lí,… như hiện nay thì dù là ai, ở địa vị nào cũng cần sớm tỉnh ngộ, tu tâm dưỡng tánh, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng trở nên hòa hợp, thương yêu đùm bọc lẫn nhau trên thế gian này./

BTGCP