Nhu cầu năng lượng thế giới ngày càng tăng do những quan niệm kinh tế hiện đại kích thích người ta tiêu dùng càng nhiều. Có kích cầu, có tăng sức mua, có sớm vứt đồ cũ bỏ tiền ra tậu đồ mới, thì kinh tế mới phát triển.
Điều này rõ ràng là trái quan niệm của đạo Phật là kiềm muốn, hạn chế dục lạc, là thiểu dục, là tri túc, là an bần lạc đạo…
Vì thế có những người đi cải đạo lợi dụng điều đó, thuyết giáo rằng đạo Phật là đạo của … nhà nghèo (!), còn theo đạo của họ là đạo làm giàu. Ở đó, người ta được khuyên là cứ hưởng thụ thỏa thích, tất nhiên là không quên cảm tạ thượng đế đã ban cho…
Vì vậy, ở nhiều nước, ngân hàng cho mọi người mượn tiền để xài. Áo chưa cũ nhưng chỉ không vừa ý đã cho vào thùng rác (chứ không làm nùi giẻ), điện thoại vài ba tuần đổi theo mốt một lần.
Người giàu xài tiền của theo kiểu người giàu. Người nghèo xài theo kiểu người nghèo. Quan điểm của đạo Phật như đã nói ở trên trở nên lạc hậu đối với số không ít người.
Người giàu lại càng không tán thành thiểu dục. Có tiền không xài thì để làm gì?
Nhưng bụi phóng xạ cũng như thảm họa dầu tràn không trừ một ai. Ở Nhật, giàu cách mấy thì bụi phóng xạ cũng không tha. Ai nấy đều sợ hãi sau tai nạn hạt nhân và chính phủ phải đóng cửa hàng loạt nhà máy điện.
Hồi tiếp theo là cả thế giới rung động. Nhiều kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã bị đình chỉ. Nhiều nhà máy điện hạt nhân chắc chắn đóng cửa sau đợt kiểm tra dưới áp lực của sự sợ hãi.
Không dùng điện hạt nhân thì quay lại dùng điện chạy bằng dầu khí? Nhưng bài học nổ dàn khoan dầu ở nước Mỹ vẫn làm cho người ta chưa hết bàng hoàng, cái thòng lọng khủng hoảng năng lượng đang thít lại dần dần quanh con người.
Hai thách thức hàng đầu của Mỹ và Nhật sau thế chiến thứ hai, theo đánh giá của chính tổng thổng Mỹ và thủ tướng Nhật, là hai thảm kịch do chính nhu cầu của con người gây ra.
Trở lại dùng điện chạy bằng than đá?
Thảm họa biến đổi khí hậu, hâm nóng toàn cầu từ khí CO do đốt than đá cũng là một thứ thòng lọng khác, mà ai cũng biết là việc chết dần của hành tinh.
Con người bế tắc?
Cách sống kích cầu đã hình thành những sợi dây thòng lọng thít lại quanh mình. Cái cảm hứng ở Nhật khi có nhiều người đi làm bằng máy bay riêng, cái cảm hứng của người Việt khi vứt bỏ xe đạp, xe đạp máy (như Mô-by-lết), để dùng Cub, Dream, rồi bỏ cả Dream lên Dylan, @, rồi lên đến Camry, Ford Everest… sẽ còn không trước cơn khủng hoảng năng lượng sắp tới?
Khủng hoảng năng lượng không chỉ là nổ dàn khoan dầu, nổ nhà máy điện hạt nhân, mà là nguy cơ bắn giết nhau để tranh giành từng thùng dầu, để thỏa cơn khát vàng đen phục vụ tiêu xài.
Người ta đã chuẩn bị hải quân để hộ tống tàu dầu, đã tranh cãi liên tục và đã thường xuyên va chạm do những vùng biển mà mọi người nghĩ là dầu và khí rất nhiều ở dưới, cũng như trên mặt là đường hàng hải năng lượng.
Chiến tranh thì có kẻ thắng người bại. Nhưng nổ nhà máy điện hạt nhân chẳng hạn thì các nước trong khu vực và thậm chí cả những nước cách xa nửa vòng trái đất cũng là kẻ chiến bại vì bụi phóng xạ có thể bám trên thân máy bay, trên vỏ tàu, len vào công-ten-nơ, thấm vào thực phẩm đi khắp toàn cầu.
Con người trong niềm kiêu hãnh của mình đã đi đến chỗ không chốn nương thân trên hành tinh nhiễm độc và bốc cháy, sẽ suy nghĩ gì về đạo làm giàu, đạo tiêu xài, so với đạo thiểu dục, đạo an bần, đạo tri túc.
Chính lúc này là lúc mà chúng ta đem ra so sánh những quan niệm khác nhau đó, rồi chiêm nghiệm lời Phật về tư duy xa rời dục lạc, giải phóng khỏi lòng tham và sự mê muội.
Không tham cầu không chạy theo vật dục như lời Phật dạy ắt con người dần dần đặt được gánh nặng khủng hoảng năng lượng xuống, đưa nhân loại ra khỏi hiểm họa chiến tranh giành giựt dầu hỏa, đổ máu để có dầu, có điện mà xài.
Mong rằng bài viết này sẽ cung cấp những suy nghĩ, những tư liệu để những người con Phật có thể chia sẻ với thân hữu quanh mình về quan niệm không tham dục của nhà Phật, về cách sống Phật, một cách sống không đưa tới những thứ khủng hoảng, trong đó có khủng hoảng năng lượng.
MT