Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo trong tranh tượng của Lê Thành Nhơn

Phật giáo trong tranh tượng của Lê Thành Nhơn

441

Lê Thành Nhơn sinh17-11-1940 ở tại Bình Dương, Nam Kỳ, tốt nghiệp thủ khoa trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định năm tranh đấu Phật giáo, 1963. Ông từng đảm trách nhiều công tác giảng dạy tại trường ông đã xuất thân và trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế trong những năm cuối thập kỷ 60 và đầu 70 của thế kỷ vừa qua.


Sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của ông được đánh từ đầu những năm ông đang là sinh viên. Ông đã có nhiều tác phẩm tham dự triển lãm thường niên ở tại thủ đô ánh sáng Paris đúng vào năm ông bước vào tuổi 23.


Trong bộ sưu tập của Lê Thành Nhơn, xuất bản năm 2004 ở Australia, do những người bạn của nghệ sĩ tài hoa là các hoạ sĩ Nguyễn Hưng Quốc; Hoàng Ngọc Tuấn và Tôn Thất Quỳnh Du chủ biên, hầu hết các tác phẩm có tính nghệ nghuật cao của ông đều được sáng tác trong thời gian ông ở tại Melbourne, Australia. Nhưng thật đáng tiếc, một số tác phẩm nghệ thuật của ông tại các địa phương ở quê nhà không được sưu tập đầy đủ như tượng Quán Thế Âm bán thân tại Trung Tâm Văn Hoá Liễu Quán Huế…


Trong nhiều tranh tượng của Lê Thành Nhơn, nổi bật nhất vẫn là loạt tranh, và bộ tượng nghệ thuật lập thể lấy chủ đề cảm hứng sáng tác từ nguồn triết lý Phật giáo như bộ tượng Phật Ngồi và loạt tượng Sinh, Lão Bệnh Tử.


Hình tượng Phật qua bàn tay vàng và tâm thành của người nghệ sĩ tài hoa Lê Thành Nhơn đã cách điệu thành những tác phẩm nghệ thuật như là những pháp bảo sinh động. Tuy không nhiều chỉ dăn bải pho, nhưng mỗi pho tượng Phật của ông là một sự thể hiện của Tâm-Tài-Tình đối với hình tượng Đấng Thế Tôn.



Tượng Phật Ngồi: bằng chất liệu thạch cao cao 250cm. Tác phẩm được thực hiện như là một phát thảo nhằm đặt trên núi Blue Mountais với kích thước hoàn chỉnh là cao 25m. Nhưng rất tiếc, hợp đồng đặt hàng đã bị hoãn lại vì lý do tôn giáo. Bức tượng phát thảo rất đơn giản không có nhiều đường nét cách điệu nầy hiện đang được lưu giữ tại tư gia của một người bạn thân của tác giả tại Sydney.


Tượng Phật A Di Đà: được ông sáng tác năm 1987 bằng chất liệu đồng cao 50cm. Tác phẩm được sưu tập và chưng bày thường xuyên tại Bảo tàng quốc gia Australia ở Canberra. Bức tượng nầy so với bức Tượng Phật Ngồi trên thì tả thực hơn, tượng có dáng ngồi kiết già nét mặt thiền định, hai bắt vào nhau, toàn thể tượng rất hoàn chỉnh, nhiều đường nét nghệ thuật thể hiện tính siêu việt của một Đấng Thế Tôn.


Tượng Phật Thích Ca: được ông sáng tác năm 1969 khi còn ở trong nước. Tượng bằng chất liệu cement jondue cao 4,5m đặt tại Trung Tâm Phật Học Huệ Nghiêm. Bức tượng Phật nầy có nhiều đường nét gấp khúc hơn hết với thế ngồi vững chải thiền định có nét mặt của người Việt Nam và đôi tai dài, mắt nhắm lim dim, miệng mỉm cười độ lượng, chân ngồi kiết già có vải che, hai tay bắt với nhau, màu nâu nhẹ nhàng. Qua 3 bức tượng Phật đặc trưng của Lê Thành Nhơn, chúng ta có thể nhận thấy hình tượng nghệ thuật lý tưởng của ông là các vị Phật có tư thế ngồi thiền định vững chải.



Loạt tượng thể hiện triết lý Phật giáo Sinh, Lão, Bịnh Tử và bộ tranh Tứ Đại: Đất, Nước, Gió, Lửa những chuẩn mực của triết lý Phật giáo về những hiện tượng xung quanh com người của Phật giáo… được ông trầm tư và sáng tác bằng tất cả những tâm lực của mình. Với nền tảng căn bản giáo lý nhà Phật.


Sinh: bức tượng nghệ thuật đầu tiên trong loạt tượng Sinh, Lão, Bệnh, Tử, của Lê Thành Nhơn, bằng chất liệu thạch cao, có kích thước 100 x 80 x 60 cm được nghệ sĩ sáng tác năm 1987 tại Australia. Bức tượng như là một biểu tượng đầy tính biểu trưng và rất triết lý. Một chiếc bụng mang thai tròn vo và đôi vú căng đầy cùng với đôi tay quàng phía sau gáy đầu thể hiện sự đau đớn của người mẹ khi sinh con quả thật là không có gì khó hiểu. Sinh là sự xuất sản, xuất sanh, xuất hành, tái sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn gọi là sinh. Đấy là giá trị nghệ thuật cũng như triết lý mà bức tượng đem lại.


Lão: chất liệu thạch cao có kích thước tương đương với Sinh, cũng được nghệ sĩ sáng tác trong thời gian năm 1987, với dáng dấp nghệ thuật một cụ lão đang chống gậy, khom lưng dang rộng bước chân về phía trước. Lão: sự niên lão, sự hư hoại, trạng thái rụng răng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn biến hoại, gọi là già.


Bệnh: tượng nghệ thuật bằng chất liệu thạch cao có kích thước 80 x 40 x 20cm. Đây là bức tượng đầu tiên trong loạt tượng Sinh Lão Bệnh Tử, bức tượng chủ yếu được lấy cảm hứng sáng tác từ nguồn triết lý Phật giáo nên tác phẩm nghệ thuật nầy được thưỡng lãm bằng “tuệ nhãn” của nhà Phật thì mới có thể lãnh hội được cái “Đẹp”. Bệnh: sự suy nhược của Tâm và thân, sự đau nhức của thân và sự phiền não của tâm… gọi là bệnh.


Tử: tượng bằng chất liệu thạch cao, có tổng thể nghệ thuật như một mớ hổn độn, một dáng người phụ nữ nhắm mắt hiền từ với tay chân cách điệu vị trí và từng khối vuông tròn như thể hiện một sự chuyển tiếp hoá sinh… Tính trừu tượng cũng như giá trị nghệ thuật của nó tiềm ẩn bên trong chủ đề sáng tác của nghệ sĩ tài hoa. Tử: sự chấm dứt một quá trình sinh hoạt tâm sinh lý và sự chuyển tiếp hoá sinh quá trình tâm sinh lý khác…


Lê Thành Nhơn qua đời năm 4-11-2002 tại Melbourne, Australia ở tuổi 62 đang có nhiều kinh nghiệm sáng tác và trải đời. Hoạ sĩ đã để lại cho đời nhiều tác phẩm vô giá có tính triết lý nhân văn cao, những tác phẩm của ông như là những lời giảng pháp “vô ngôn nhi ngôn”. Tất cả những triết lý căn bản đó của Phật giáo về những trạng thái tâm sinh lý của con người được Lê Thành Nhơn “hình tượng hoá” bằng nghệ thuật điêu khắc theo trường phái lập thể đã sinh động hơn rất nhiều. Đây như là một thủ pháp nghệ thuật lấy đà cảm hứng từ triết lý Phật giáo để làm đà sáng tạo nghệ thuật và lấy cái nhiếp tâm của Phật giáo để thổi hồn vào tác phẩm nghệ thuật của riêng Lê Thành Nhơn.



Sinh



Lão



Bệnh




Tử