Trang chủ Thời đại Phật giáo trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng thông...

Phật giáo trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng thông tin lần thứ 5

61

Cuộc cách mạng thông hiện đại và cơ hội truyền bá của Phật giáo


Cuộc cách mạng thông tin lần thứ năm diễn ra vào thập niên cuối của thế kỷ 20, đã đưa nhân loại đang tiến vào Kỷ nguyên thông tin. Kỷ nguyên thông tin, theo các nhà nghiên cứu, sẽ mở ra vào những thập niên đầu của thiên niên kỷ thứ ba vào quãng năm 2010-2015. Trong kỷ nguyên thông tin, nhân loại bước vào Kỷ nguyên mạng ảo.


Trong Kỷ nguyên mạng ảo, đã mở ra một kỷ nguyên định hướng vào mạng (Network – Centri Era). Trong kỷ nguyên này, có sự kết nối mọi sự hoạt động của mọi người trên thế giới với quy mô rộng khắp trên toàn cầu. Chỉ cần một máy tính sách tay hay một chiếc điện thoại di động, là trong nháy mắt có thể đàm thoại, gửi và nhận thông điệp từ hàng tỷ người trên thế giới. Từ định hướng vào mạng, đã tạo ra sự chuyển dịch như:


Từ năng suất cá nhân cùng với tư tưởng của họ được chuyển nhanh tức thời sang các cộng đồng ảo. Với khả năng này, đã khắc phục những chướng ngại về thời gian, khoảng cách và thậm chí các hàng rào cản trở về mặt tổ chức giữa mọi người, sẽ dẫn đến tạo ra được vô số các nhóm, các cộng đồng ảo và các cá nhân ảo có cùng mối quan tâm, cùng mục đích và nhu cầu. Cộng đồng này sẽ tồn tại và ngày càng lớn mạnh trong không gian mạng ảo đang xuất hiện và trải khắp toàn cầu. Theo thời gian, ảnh hưởng của những nhóm này tới hoạt động kinh doanh, nghệ thuật, khoa học, chính trị, tôn giáo và các lĩnh vực xã hội khác một cách sâu sắc..


Từ ngành công nghiệp máy tính chuyển sang chuỗi giá trị của ngành công nghệ tập hợp. Từ nay cho tới những thập niên tiếp theo ngay sau đây, ngành công nghiệp máy tính, ngành viễn thông, điện tử tiêu dùng và ngành công nghiệp đa phương tiện truyền thông/ xuất bản như hiện nay sẽ hoà nhập vào chuỗi giá trị của một ngành công nghiệp công nghệ thông tin duy nhất ngày càng tăng. Thị trường các phần mềm, thiết bị truyền phát và nội dung truyền phát sẽ được định hình lại và có những thay đổi căn bản trong cơ cấu công nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến những ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc canh tranh trên tòan cầu.


Từ sản phẩm mang tính toàn cầu chuyển trọng tâm sang các dịch vụ có tính quốc gia (các dịch vụ trong nước) và có tính nhóm cộng đồng cùng nhu cầu, cùng sở thích. Điều này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ những thay đổi về sức mạnh của các nhóm, các tổ chức tạo lập- truền tin trên toàn cầu, các chiến lược nghiên cứu nhu cầu và yêu cầu của người dùng thông tin.


Hiện nay, hàng ngày có khoảng trên dưới hai tỷ người đang truy cập internet, đã hình thành nên thói quen “đi lại và giao lưu” tức thời trên khắp thế giới. Thông qua các “môđem”, hàng tỷ người ngồi trước máy tính để quan hệ, giao lưu tinh thần, học tập, trao đổi các quan niệm, liên lạc với nhau trên khắp thế giới một cách tích cực.


Với những tiến bộ công nghệ chế tạo các bộ vi xử lý và giá thành ngày càng hạ, các gia đình sẽ có thêm nhiều cơ hội truy cập mạng interet để mở rộng tầm quan hệ, sự hiểu biết, giải trí và khai thác các mặt tích cực của mạng này thông qua các dịch vụ thông tin.


Với những thành tựu có tính đột phá của cuộc cách mạng thông tin lần thứ năm, sự vận động và phát triển của Phật giáo nói chung có nhiều cơ hội tiếp cận với mọi người trên khắp thế giới. Từ trước tới nay, so với các tôn giáo lớn đang có trên thế giới, Phật giáo là tôn giáo tính phổ quát còn rất thấp. Phật giáo chỉ có chủ yếu ở một số quốc gia châu á, đúng hơn là khu vực Đông và Nam á. Ngay tại ấn Độ, một quốc gia có số dân đứng hàng thứ hai trên thế giới, nơi phát sinh ra đạo Phật, các tín đồ Phật giáo chỉ đứng ở hàng thứ 6 với số lương không đến 200.000 người. Từ những thập niên 80 thế kỷ 20, Phật giáo có lan truyền tới một số nước phương Tây và Bắc Mỹ. ở các nước Đông và Đông Nam á, không kể các nhà tu hành, đạo Phật không có tín đồ, mọi người đến với Phật giáo mang tính cơ hội, thường khi đã đến tuổi già. Hầu như tầng lớp thanh thiếu niên rất mơ hồ với đạo Phật. Trong khi đó, đạo Hồi và Thiên chúa giáo luôn duy trì một số lượng tín đồ rất lớn. ở những tôn giáo này, có gia đình, dòng họ tín đồ, tất cả mọi thành viên trong gia đình theo đạo ngay từ nhỏ. Những người theo Hồi giáo và Thiên chúa giáo, từ xưa tới nay, họ luôn luôn giữ kỷ luật hành lễ hàng ngày từ tại gia đến các thiết chế tôn giáo của họ. Những người theo đạo Phật (không kể các nhà tu hành) thì không có hiện tượng này. Trong lịch sử hình thành và phát triển của Thiên chúa giáo và Hồi giáo luôn luôn diễn ra quá trình truyền đạo. Sự truyền giáo diễn ra đặc biệt mạnh nhất đối với Thiên chúa giáo. Nhiều bộ lạc, nhiều người ở châu Phi, châu Mỹ, châu á thậm chí rời bỏ ngay tín ngưỡng bản địa của mình để tín Chúa và hoà nhập vào cộng đồng nước Chúa chỉ mới cách nay vài trăm năm. ở những khu vực địa lý như vậy, đã hình thành nên một bản sắc văn hoá vượt ngoài giới hạn của một quốc gia, đó là “gia đình Thiên chúa giáo” và “gia đình Hồi giáo”. ở Phật giáo không có hiện tượng văn hoá này. Như vậy, đối với Thiên chúa giáo và Hồi giáo, đã diễn ra một quá trình truyền giáo mạnh mẽ liên tục và họ đã thành công một cách bền vững.


Cũng là một tín ngưỡng với tư cách là một hệ tư tưởng lớn của nhân loại với một bề dày lịch sử hơn 2000 năm, Phật giáo cũng có quá trình truyền giáo, nhưng hết sức mờ nhạt và thụ động. Điều đó đã minh chứng sự hiện diện của tôn giáo này trên thế giới như ngày nay. Sự truyền bá đạo Phật vào một số người ở châu Âu, Bắc Mỹ…thường dưới một phương tiện là hành thiền, một tông phái trừng tâm trong nhiều tông phái khác của Phật giáo. Đã có thành công trong cách truyền bá này, như việc làm của ngài Thích Nhất Hạnh với “Thiền làng Mai”. Sự truyền đạo pháp này tuy có thành công nhưng phạm vi ảnh hưởng còn hẹp tại châu Âu, Bắc Mỹ. Nguyên nhân có thể do chưa có cơ sở lý luận đích thực về đạo Phật, đạo Thiền. Đành rằng chủ đích cuối cùng của Phật giáo là đạt đạo qua hành luyện tâm, biến tâm (citta) động nơi mỗi cá nhân thành tâm bất động – tức tâm không (Sũnyatà) dù trong khoảnh khắc. Nhưng để có một thành công trên diện rộng trong quá trình truyền bá đạo pháp của đạo Phật, việc dẫn truyền giáo lý đích thực là điều kiện vừa cần và đủ.


Với những thành tựu có tính đột phá của cuộc cach mạng thông tin lần thứ 5 đang diễn ra như ngày nay, những quan điểm trên bình diện lý thuyết có tính logic của đạo Phật có thể tức thời xuyên qua biên giới, qua thời gian đến với tất cả mọi người ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Với trình độ nhận thức cao của nhân loại trong thời đại tri thức ở cuối và đầu  thế kỷ 21, cùng với sự tiếp cận giáo lý có tính tri thức của Phật giáo liên tục và sát cạnh qua mạng thông tin toàn cầu, hẳn chắc trong tương lai, một bộ phận lớn của nhân loại có cách nhìn và thấu triệt hơn đối với đạo Phật.


Những vấn đề đặt ra


Phật giáo là một tôn giáo tri thức, mặc dù chủ đích cuối cùng của mỗi hành giả là hành luyện tâm để bạt nghiệp tiến tới xoá nghiệp nơi mình. Để thấu triệt con đường hành luyện tâm để đạt đạo tâm, trong thời đại tri thức, người ta vẫn cần hiểu tới căn nguyên của quá trình hành luyện này trước khi thực hiện. Do vậy, nhu cầu của bất cứ ai khi tiếp cận đạo Phật là cần tới cái lý của vấn đề hành luyện tâm.


Về cái lý của vấn đề hành luyện tâm đã được gói trọn trong Kinh Luật Luận hiện có của Phật giáo, nhưng nội dung được viết ra cách nay hàng nghìn năm, với một hệ thống khái niệm không đồng nhập với tư duy và nhận thức của người hiện đại (nói cách khác làm cho rất nhiều người khó hiểu, dù có trình độ tri thức cao). Cũng có những bậc trí giả tâm huyết làm “dễ đi” nội dung giáo lý của đạo Phật, nhưng càng chú giải, càng làm cho vấn đề phức tạp lên (như nội dung có tính chú giải kinh Pháp Hoa qua cuốn sách: Tư tưởng kinh Pháp Hoa/ Thích Chân Thiện. NXB, Tôn giáo; 1999). Nhiều tài liệu về đạo thiền và sách hướng dẫn hành luyện được các trung tâm phật giáo ấn hành, như của ngài Nhất Hạnh, lại đi vào mục đích ý  nghĩa và hướng độc giả vào ngay cách hành luyện là chính. Điều này làm cho người ngoại đạo thấy vừa thông tục mà lại không gây được ấn tượng hay cảm súc sâu xa gì cho họ. Ngay như những tập tài liệu về thiền của tác giả Suzuki. D  nổi tiếng thế giới, như cuốn Thiền Luận, cho đến nay tất cả mọi người đọc qua đều có cảm nhận chung là hay nhưng khó hiểu! Như vậy cái chân lý của đạo Phật, cho đến nay chưa được tạo ra “tính cụ thể ” lớn. Và như vậy, giáo lý của đạo Phật vẫn còn xa xôi mờ mịt với tất cả mọi người dù có ngay sát cạnh.


Cũng có người biện minh cho hiện tượng trên bằng khái niệm “tuỳ duyên” đối với ai đến với đạo Phật. Họ còn tuyên ngôn, sự hành luyện tâm để đạt đạo là “kinh nghiệm riêng tư, tự có thì tự biết, không thể san sẻ cái thấy và cái biết cho người khác được”. Điều đó là chân lý, song Thiên chúa giáo và Hồi giáo khi truyền đạo đâu lấy cái “kinh nghiệm riêng tư” để làm điều kiện phổ truyền hay không phổ truyền?


Từ những vấn đề nêu trên, việc chuyển tải vốn tri thức của đạo Phật trên mạng thông tin toàn cầu cho tất cả mọi người  có thể cảm thụ được thành vấn đề cần phải bàn. Đây chính là thách thức rất lớn đối với Phật giáo hiện nay đứng trước cuộc cách mạng thông tin lần thứ 5.