Trang chủ PGVN Phật giáo trong biến đổi xã hội Việt Nam

Phật giáo trong biến đổi xã hội Việt Nam

100

Công trình với đề tài nghiên cứu “Biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam” là đề tài khoa học trọng điểm cấp nhà nước số hiệu KX. 04. 14/06 – 14 được in thành tập sách “Một số vấn đề về biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam hiện nay”, GS. TS Tạ Ngọc Tấn chủ biên, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.

Trong công trình khoa học này, biến đổi tôn giáo được đề cập trong bài viết riêng về tôn giáo của thạc sĩ đại tá Bùi Huy Du, có nhan đề “Một số tác động của biến đổi xã hội đến đời sống tôn giáo”.

Tình hình Phật giáo trong biến đổi xã hội Việt Nam được ghi nhận trong bài viết này là không thuận lợi, với diễn tiến Phật giáo trở thành tôn giáo có số tín đồ đứng hàng thứ hai (tức thiểu số hóa) ở một số khu vực.

Dưới đây là nội dung có liên hệ đến Phật giáo trong bài nghiên cứu, với nhiều thông tin đáng quan tâm cho bạn đọc là tăng ni Phật tử.

“Kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, nhất là từ khi Nghị quyết 40/NQ-TW (ngày 16-10-1990) ra đời, biến đổi cơ cấu tôn giáo ở nước ta diễn ra một cách mạnh mẽ. Những sự biến đổi thể hiện rõ nhất, mạnh nhất là ở ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

–    Tôn giáo vùng Tây Bắc:

Tây Bắc ở đây được hiểu là vùng Tây Bắc Việt Nam. Theo các quyết định của Bộ Chính trị, phạm vi hoạt động, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc bao gồm 11 tỉnh và các huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, phía Tây của tỉnh Nghệ An.

Khu vực Tây Bắc có tổng diện tích tự nhiên 12.625 km2, chiếm gần 1/3 diện tích cả nước; có 131 huyện, thị xã, thành phố, với 2.376 xã, phường, thị trấn; trong đó có 228 xã biên giới với nước Lào và Trung Quốc. Có 43 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, 922 xã đặc biệt khó khăn đang thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn II). Vùng Tây Bắc có dân số gần 10 triệu người, với hơn 30 dân tộc, trong đó có 63% dân tộc thiểu số; đây là vùng căn cứ cách mạnh, An toàn khu của các cuộc kháng chiến chống quân ngoại xâm, giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc. Tây Bắc có bản sắc văn hóa phong phú, mỗi dân tộc có một sắc thái riêng. Nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc có truyền thống đoàn kết, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới của đất nước.

Trên địa bàn vùng Tây Bắc có 3 tôn giáo tồn tại và hoạt động gồm Công giáo, Phật giáo và Tin Lành. Số liệu thống kê đến ngày 30-12-2008 như sau:

Công giáo: Toàn vùng có 16.724 hộ, 240.740 tín đồ, 363 nhà thờ (nhiều nhất là tỉnh Phú Thọ 3.700 hộ, 112.934 tín đồ, 124 nhà thờ). Các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu chưa hình thành tổ chức và cơ sở Công giáo.

Phật giáo: Có 107.825 tín đồ, 303 cơ sở thờ tự (riêng tỉnh Phú Thọ có 50.000 tín đồ, 259 cơ sở thờ tự).

Đạo Tin Lành: Mới xâm nhập vào vùng Tây Bắc.Trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến năm 2000, đạo phát triển nhanh một cách không bình thường. Hiện nay, toàn vùng có 9 tổ chức, hệ phái Tin Lành đang hoạt động, trong đó 6 tổ chức hệ phái có nhiều tín đồ, đó là: Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) khoảng 83.400 người (chiếm 78%); Hội Liên hữu Cơ đốc Việt Nam khoảng 14.900 người (chiếm 14%); Hội thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam khoảng 1.250 người và Hội thánh Phúc Ân toàn vẹn khoảng 810 người. Tổng số có 21.446 hộ, 107.76 tín đồ (tăng 3,7% so với cùng thời kỳ năm 2007) có khoảng 800 điểm, nhóm ở 1.090 thôn, bản, 313 xã, 49 huyện thuộc 12/13 tỉnh ở vùng Tây Bắc, trông số người theo đạo Tin Lành có 250 Đảng viên, 78 cán bộ xã, 278 cán bộ thôn, bản. Riêng tỉnh Lạng Sơn, trước năm 1986 có một chi hội Tin Lành Bắc Sơn, thuộc Tổng Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), với gần 1.000 tín đồ là người dân tộc Dao. Tín đồ hoạt động bình thường theo pháp luật. Hiện nay có 1.600 tín đồ người dân tộc Dao, họ được nhà nước cho phép xây dựng nhà thờ tại chi hội Tin Lành Bắc Sơn”.

–    Tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên:

Tây Nguyên ngày nay là địa bàn thuộc 5 tỉnh: Đồng Nai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Kon Tum, Lâm Đồng. Tổng diện tích tự  nhiên của Tây Nguyên là 54.474km2 (chiếm 16,3% diện tích cả nước). Năm tỉnh của Tây Nguyên hiện nay có 54 đơn vị hành chính (cấp huyện tăng 2 huyện so với năm 2005). Có 3 thành phố trực thuộc tỉnh: Buôn Mê Thuột, Pleiku, Đà Lạt; 4 thị xã: An Khê, Bảo Lộc, Kon Tum, Gia Nghĩa và 49 huyện. Toàn vùng có 664 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 32 xã so với năm 2003), với 6.762 thôn, buôn, làng, tổ dân phố (tăng 218 thôn, buôn so với năm 2003).

Hiện nay, Tây Nguyên có 251 xã, 2.994 buôn làng thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Hiện nay, ở khu vực Tây Nguyên có mặt 4 tôn giáo lớn, Tính đến thời điểm năm 2006, Phật giáo có hơn một triệu tín đồ (chủ yếu trong người Kinh); Công giáo 531 ngàn; Tin Lành 305 ngàn; Cao Đài 21 ngàn tín đồ. Việc phân bố cụ thể ở các tỉnh như sau:

Tỉnh Lâm Đồng có 4 tôn giáo lớn là: Công giáo có 1 giám mục, 133 linh mục với hơn 200 ngàn tín đồ; Tin Lành có 20 mục sư, trong đó 17 mục sư là người dân tộc thiểu số, tín đồ có khoảng 46.000, Phật giáo có 171.500 tín đồ; Cao Đài có 13.500 tín đồ.

Tỉnh Kon Tum: Công giáo có 2 giám mục thuộc Tòa giám mục Kon Tum, 16 linh mục, 180 câu biện, 219 giáo phụ, 3 dòng nữ tu với 85 nữ tu, số tín đồ là 116.000 người, trong đó tín đồ là người dân tộc thiểu số chiếm gần 100.000 người. Đây là tỉnh có đông đồng bào là người dân tộc thiểu số nhất ở địa bàn Tây Nguyên theo đạo Công giáo. Đạo Tin Lành có khoảng 12.700 tín đồ, trong đó khoảng 11.000 tín đồ là người dân tộc thiểu số.

Tỉnh Đắc Lắc: Có 4 tôn giáo, trong đó Công giáo có 162.637 tín đồ (31.000 tín đồ là người dân tộc thiểu số); Phật giáo có hơn 117.000 tín đồ (3.000 tín đồ là người dân tộc thiểu số); đạo Tin Lành có hơn 102.000 tín đồ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số; đạo Cao Đài có hơn 4.400 tín đồ.

Tính Đắc Nông: Có 3 tôn giáo chính là Công giáo với 80.700 tín đồ, chiếm 20% dân số; Tin Lành có 37.200 tín đồ, chiếm 9,2% dân số và Phật giáo với 22.300 tín đồ, chiếm 5,5% dân số.

Tỉnh Gia Lai có 4 tôn giáo chính; Công giáo có hơn 90.000 tín đồ; Phật giáo có hơn 86.000 tín đồ; Tin Lành có hơn 85.000 tín đồ (trong đó 49.000 tín đồ là người dân tộc thiểu số); Cao Đài có hơn 3.700 tín đồ.

–    Tôn giáo vùng Tây Nam Bộ:

Tây Nam Bộ có 12 tỉnh và thành phố Cần Thơ, diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, chiếm 10,5% diện tích cả nước; bờ biển dài 743km. Có biên giới giáp Campuchia, dài 339km. Vùng lãnh hải rộng 360.000km2 với 108  đảo lớn nhỏ (44 đảo có cư dân sinh sống). Hiện có khoảng 17 triệu người sinh sống ở vùng Tây Nam Bộ, chiếm 21% dân số cả nước. Vùng đất này có 4 dân tộc đang sinh sống làm ăn. Dân tộc Kinh chiếm số lượng chủ yếu, trên 90%, ngoài ra là các dân tộc khác như dân tộc Khmer 7,05%, dân tộc Hoa 1,2%, dân tộc Chăm 0,069%. Toàn vùng có 10 tôn giáo với hơn 30 hệ phái, có 4.622 cơ sở thờ tự (Phật giáo chiếm 2.598, Cao Đài 1.175, Công giáo 607, Tin Lành 84, Hòa Hảo 74… còn lại là của các tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Lương, Tứ Phù Hiếu Nghĩa, Islam giáo và các tổ chức mang màu sắc tôn giáo như Đạo Dữu, Đạo Nằm…).

Tổng số tín đồ các tôn giáo là 6.162/613 người (Phật giáo: 1.540.000, Cao Đài 2.434.429, Công giáo 731.749, Tin Lành 48.249, Hòa Hảo 1.319.00).”

Qua đoạn văn trên, chúng ta thấy ở 3 khu vực diễn ra biến đổi xã hội mạnh mẽ ở Việt Nam về tôn giáo. Ở hai khu vực Tây Bắc và Tây Nam Bộ, Phật giáo đã trở thành tôn giáo có số tín đồ đứng hàng thứ hai.

Ở Tây Bắc Phật giáo đứng sau Công giáo và gần như có số tín đồ bằng với Tin Lành (khác biệt vài trăm người). Đạo Tin Lành được ghi nhận là mới xâm nhập vào vùng Tây Bắc, “trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến năm 2000”, “phát triển nhanh một cách không bình thường”.

Ở Tây Nam Bộ, Phật giáo được ghi nhận có số tín đồ ít hơn đạo Cao Đài, với khoảng cách khá xa.

Ở Tây Nguyên, dù ghi nhận Phật giáo là tôn giáo có tín đồ đông nhất toàn vùng, nhưng đi vào các tỉnh cụ thể, thì Phật giáo lại chỉ là tôn giáo có số tín đồ hàng thứ hai.

Cá biệt có tỉnh Phật giáo đứng hàng thứ 3 về số tín đồ, còn ít hơn cả Tin Lành (như tỉnh Đắc Nông). Đạo Tin Lành là tôn giáo có số tín đồ người dân tộc thiểu số đông đảo.

Một số diễn biến không có lợi cho Phật giáo cũng được ghi nhận. Đó là:

–    Sự xuất hiện những cộng đồng dân tộc, tôn giáo mới.

–    Một số người trong các cộng đồng các dân tộc chuyên theo các tôn giáo mới như Công giáo Tin Lành, tức là không có Phật giáo, thể hiện việc hoằng pháp của Phật giáo không có kết quả. Thí dụ, một số người Chăm đã theo Tin Lành, Công giáo (trang 154).

–    Một số Phật tử như người Khmer bỏ đạo Phật theo Tin Lành.

–    Tổ chức tôn giáo cơ sở ở một số nơi “lấn lướt tổ chức truyền thống làng xã” (trang 155) và các tổ chức tôn giáo đó không phải là Phật giáo.

Nói chung, qua công trình nghiên cứu biến đổi xã hội nêu trên, tình hình Phật giáo Việt Nam là không sáng sủa.

Thiết tưởng Tăng Ni Phật tử, nhất là những vị lãnh đạo Phật giáo, nên quan tâm đến công trình nghiên cứu này, để từ đó có những nỗ lực hoằng pháp thích ứng với hiện trạng.

MT