Xét trên bình diện của các yếu tố về số lượng tín đồ, chức sắc, cơ sở thờ tự, có thể nói Phật giáo là một tôn giáo từ khi du nhập vào vùng đất Thuận Hóa đã sớm đi vào lòng dân xứ này đồng thời phát triển nhanh chóng, trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Thừa Thiên-Huế.
Điều đó, còn được chứng minh qua những sự kiện của Phật giáo Huế trong những năm của thế kỷ XX như phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung qua việc thành lập An Nam Phật học hội (1932), Đoàn Phật học Đức dục (1942), Gia đình Phật hóa phổ (1944), hội nghị thống nhất Phật giáo 3 miền Bắc, Trung, Nam lập nên hệ thống tổ chức tổng hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Từ Đàm Huế vào năm 1951; phong trào đấu tranh chống chế độ kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm bảo vệ đạo pháp và dân tộc trong những năm từ 1963-1966. Đây cũng là những sự kiện quan trọng của Phật giáo Việt Nam mà Huế là tâm điểm, đóng vai trò là cầu nối giữa miền Nam và miền Bắc. Hay nói cách khác, với những sự kiện đó, Phật giáo Huế có một vai trò rất lớn trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam – là thủ đô của Phật giáo Việt Nam một thời.
Sau năm 1975, kể từ ngày đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, hòa cùng với tình cảm, ý chí và nguyện vọng của tăng ni, Phật tử Việt Nam, Phật giáo Huế đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thực hiện đường hướng “Đạo pháp-Dân tộc và CNXH’’ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ năm 1981 đến nay, Phật giáo Huế đã và đang từng bước trưởng thành và đạt được nhiều kết quả trên các mặt hoạt động Phật sự.
Đối với các lễ hội truyền thống Phật giáo như Phật đản, Vu lan… hằng năm trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều hoạt động như thiết trí lễ đài, diễu hành xe hoa, thuyền hoa, phóng sanh đăng, trang hoàng cờ đèn trước sân nhà, trên đường phố.
Các hoạt động này không chỉ diễn ra tại các cơ sở Phật giáo mà mở rộng không gian trên cả địa bàn của tỉnh, trên các con đường, các khu dân cư, các điểm công cộng, trên sông Hương- nhìn tổng thể cả tỉnh tràn ngập trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp, hân hoan mừng Phật đản. Nét mới của các lễ hội này là không chỉ tổ chức những hoạt động mang tính truyền thống Phật giáo mà còn tổ chức nhiều hoạt động mang tính xã hội như triển lãm thư pháp, tranh hội họa, hội chợ ẩm thực chay, thuyết trình các đề tài về Phật học, kinh tế, giáo dục, xã hội, tôn giáo, văn học, văn hóa …
Đó là những hoạt động nằm trong chương trình của “Tuần Văn hóa Phật giáo Huế” diễn ra trước ngày lễ Phật đản một tuần. Các hoạt động này đã thu hút đông đảo chức sắc, tín đồ, nhân sĩ, trí thức, sinh viên, nhân dân trong và ngoài tỉnh tham dự.
Đặc biệt trong năm 2010, Phật giáo Huế đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như lễ tưởng niệm lần thứ 702 ngày Đức Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại tổ đình Từ Đàm, lễ cầu quốc thái dân an đầu năm tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân, đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ và trai đàn chẩn tế tại 3 nghĩa trang liệt sĩ Phong Điền, Phú Vang và thành phố Huế, trình diễn vũ hội Lục cúng hoa đăng và lễ nhạc Phật giáo phục vụ lễ hội Festival, tổ chức Tuần Văn hóa Phật giáo với chủ đề Hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Công tác trùng tu, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự được giáo hội đặc biệt quan tâm. Trong vòng 10 năm trở lại đây, hầu hết các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường (khoảng trên 200 cơ sở) đã được trùng tu, cơi nới, sửa chữa và xây dựng mới. Trong đó có nhiều công trình lớn như chùa Linh Mụ, Hà Trung, Thánh Duyên, Tổ đình Từ Đàm, Thiền Tôn, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Khu văn hóa du lịch tâm linh Quán Thế Âm, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã…; nhiều công trình đã được Nhà nước giao đất để chuẩn bị xây dựng như chùa Pháp Vân, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Ngoài ra, tại các cơ sở còn xây dựng hàng chục công trình khác phục vụ thờ tự như Quan âm các, Quan âm lộ thiên, Đại hồng chung, tạc tượng Phật bồ tát, pháp khí thờ tự…
Trên lĩnh vực giáo dục- đào tạo tăng tài, Phật giáo Huế đã là nơi đào tạo nhiều vị cao tăng, giáo phẩm lãnh đạo giáo hội nổi tiếng. Ngày nay, Phật giáo Huế có Trường trung cấp Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam. Các cơ sở này không chỉ đào tạo về Phật học mà còn chú ý đến cả đạo hạnh của người tu hành. Vì vậy, tầng lớp tăng ni ở Huế phần lớn là những người có trình độ, phẩm hạnh, uy tín, tác động tốt đến đông đảo quần chúng Phật tử.
Nét nổi bật của Phật giáo Huế còn là hoạt động của tổ chức Gia đình Phật tử. Đây là tổ chức giáo dục thanh, thiếu niên Phật tử được khai sinh tại Huế sau đó phát triển rộng ra khắp nước. Sinh hoạt của tổ chức này nhằm vào mục đích là rèn luyện tinh thần cho thanh, thiếu niên để trở thành người Phật tử tốt và trang bị những kỹ năng cần thiết khi vào đời. Ngoài ra, còn tham gia các hoạt động từ thiện xã hội như hiến máu nhân đạo, phòng chống HIV/AIDS, cứu trợ nạn nhân bão lụt… Hiện nay, toàn tỉnh có 195 đơn vị Gia đình Phật tử, 15.859 đoàn sinh, 1.905 huynh trưởng. Các đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt theo cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường.
Đối với lĩnh vực từ thiện xã hội, Phật giáo Huế đã chú trọng chăm lo xây dựng các cơ sở như hệ thống các Tuệ tĩnh đường, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, cơ sở dạy nghề, lớp mẫu giáo tình thương. Tại thành phố Huế, có 2 Tuệ tĩnh đường lớn, đó là Tuệ Tĩnh đường Hải Đức và Tuệ tĩnh đường Liên Hoa. Các cơ sở này khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào bằng phương pháp y học dân tộc và y học hiện đại đồng thời tổ chức khám lưu động cho đồng bào nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS. Cô nhi viện Đức Sơn tại chùa Đức Sơn (Thủy Bằng, Hương Thủy) do Ni sư Thích Nữ Minh Tú đảm trách, qua 20 năm hoạt động đã nuôi dạy hàng trăm em trưởng thành bước vào đời, trở thành những công dân lương thiện có giáo dục, có nghề nghiệp ổn định. Năm 2004, cơ sở này được nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương gửi thư khen ngợi.
Các cơ sở dạy nghề tại chùa Tây Linh, Long Thọ đã dạy nghề miễn phí cho các em mồ côi, khuyết tật, gia đình nghèo. Từ ngày thành lập đến nay, hai cơ sở này đã có gần 1.000 em theo học với các nghề thêu, đan, may, vi tính văn phòng. Trên địa bàn toàn tỉnh có 212 lớp mẫu giáo tình thương với hơn 6.000 cháu đang theo học và 300 giáo viên đảm trách. Trong đó, có một số trường có cơ sở khang trang, bề thế và được chính quyền khen thưởng như Trường mầm non Quảng Tế, Trường mầm non Phước Vân. Ngoài các hoạt động về y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội còn có hoạt động cứu tế an sinh như tặng quà, ủng hộ tiền, sổ tiết kiệm, sửa chữa nhà cửa cho những cá nhân, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, những nơi xảy ra thiên tai như bão lụt, động đất. Nhiều cơ sở Phật giáo còn tổ chức quyên góp vận động nhân lực, tài lực từ trong đồng bào Phật tử để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như bê tông hóa giao thông, xây dựng trường học, nhà trẻ.
Bên cạnh hoạt động từ thiện xã hội, Phật giáo Huế còn tích cực tham gia các công tác xã hội. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động lớn do Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phát động, tăng tín đồ đã tích cực hưởng ứng tham gia nhằm nâng cao đời sống tinh thần, đời sống vật chất của các tầng lớp nhân dân, ổn định an ninh quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong mỗi cộng đồng dân cư. Nhiều vị tăng ni, Phật tử tham gia đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận các cấp và các đoàn thể, tổ chức xã hội khác như hội Khuyến học, hội Chữ thập đỏ, hội Thân nhân Việt kiều, Hội Liên hiệp thanh niên, hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, hội Liên hiệp phụ nữ…
Có thể nói sự đóng góp của Phật giáo Huế trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và ảnh hưởng của tôn giáo này trong tính cách, lối sống của con người Huế là điều đã được chứng minh qua quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Huế gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất Thuận Hóa – Huế. Ngày nay, khi nói đến việc khai thác tiềm năng và thế mạnh của Thừa Thiên-Huế chúng ta không thể không nói đến Phật giáo Huế với những đặc trưng của nó trong phong cách kiến trúc chùa chiền, nếp sống, cách tổ chức giáo hội, nghi lễ, văn hóa, mỹ thuật, từ thiện xã hội…Do đó, hy vọng từ những tiền đề đã có, mong rằng Phật giáo Huế tiếp tục phát huy, làm tốt các hoạt động Phật sự của mình góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam./.
Nguyễn Hữu Toàn – Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên- Huế