Trang chủ Tin tức Phật giáo Thủ đô hân hoan chuẩn bị đón Đại lễ Phật...

Phật giáo Thủ đô hân hoan chuẩn bị đón Đại lễ Phật đản Phật lịch 2550

112

Trên nhiều con phố của thủ đô, nơi có các chùa tọa lạc, người ta có thể thấy không khí Phật đản đang đến rất gần. Tăng Ni, Phật tử các chùa đã và đang cố gắng trang trí lễ đại Phật đản thật đẹp, thật trang nghiêm, rực rỡ với lá cờ ngũ sắc, hình ảnh Đức Phật lúc đản sinh, hoa, quả, lồng đèn Phật đản… Lễ đài Phật đản của các chùa không chỉ được bố trí trong khuôn viên chùa mà còn cả ở bên ngoài chùa, tạo điều kiện để Phật tử và khách thập phương chiêm bái.

 

Khác với các năm trước đây, do ứng dụng công nghệ in ấn hiện tại trên pano khổ lớn nên hình ảnh Đức Phật lúc đản sinh được tin rất đẹp, sắc nét, được treo trang trọng trên một diện tích lớn mà từ xa có thể nhìn thấy. Lễ đài Phật đản ở mỗi chùa đều có một nét độc đáo khác nhau, tiêu biểu như lễ đài Phật đản ở chùa Lý Triều Quốc Sư, chùa Non nước – Học viện Phật giáo Việt Nam. Thầy Thích Giác Như, chùa Phúc Khánh, người đang tất bật chuẩn bị cho lễ đài Phật đản chính của Giáo hội tại Sóc Sơn cho biết lễ đài năm nay được làm lớn nhất từ trước tới nay với chiều rộng 50 mét, cao 15 mét và sâu 25 mét. Khoảng trường trước lễ đài Phật đản ở đây rộng tới 3 héc ta, có thể chứa hàng vạn Tăng Ni, Phật tử thủ đô và miền Bắc về dự Đại lễ Phật đản.

 

Lễ đài Phật đản trên phố Hai Bà Trưng

 

Biểu ngữ mừng Phật đản trên đường vào chùa Trấn Quốc – Hồ Tây

 

Lễ đài Phật đản chùa Phúc Khánh

 

Biểu ngữ Phật đản – Chùa Pháp Vân

 

Lễ đài Phật đản – Chùa Liên Phái

 

Lễ đài Phật đản – Chùa Lý Triều Quốc Sư

 

Biểu ngữ nói về Ý nghĩa Phật đản

 

Chùa Lý Triều Quốc Sư

 

Chùa Bà Đá

 

Việc chuẩn bị tổ chức lễ Phật đản năm nay ở Thủ đô Hà Nội có một số nét khác các năm trước. Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, phó ban Hoằng Pháp Trung ương, phó ban thường trực Thành hội Phật giáo Hà Nội nhấn mạnh, việc tổ chức Phật đản các năm trước có phương châm trang nghiêm, trọng thể, năm nay còn thêm quy hô, hoành tráng vì năm nay là năm chẵn 2550 của Phật lịch, đồng thời cũng là năm kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Lễ Phật đản liên tục được các Ban đại diện Quận, Huyện của thủ đô tổ chức từ ngày 8/4 Bính tuất, ngày theo truyền thống Phật giáo Miền Bắc được coi là ngày Phật đản, hay dân gian còn gọi là ngày Bụt sinh Bụt đẻ.

 

Đại diện của Giáo hội Trung ương và Thành hội được chia làm hai phái đoàn để đi dự lễ Phật đản tại các chùa và các Ban đại diện, phái đoàn 1 gồm có Hòa thượng Thích Thanh Chỉnh, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Thượng tọa Thích Gia Quang, Thượng tọa Thích Thanh Đạt, Thượng tọa Thích Thanh Ngọ, Đại đức Thích Thanh Phúc, Thích Chiếu Tuệ, Thích Minh Tiến, Ni trưởng Thích Đàm Hảo, Ni sư Thích Đàm Thành; phái đoàn 2 gồm có Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Hòa thượng Thích Thanh Thành, Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Thượng tọa Thích Thanh Điện, Thượng tọa Thích Thanh Nhã, Đại đức Thích Minh Trí, Tỷ khiêu Thích Đức Tiến, Đại đức Thích Thanh Vân và Sư cô Thích Đàm Lan. Phái đoàn 1 sẽ đi dự lễ tại các quận Ba Đình (12/4), Hoàn Kiếm (13/4), Cầu Giấy (9/4), Long Biên (8/4), Hoàng Mai (11/4), các huyện Sóc Sơn (10/4), Đông Anh (14/4). Phái đoàn 2 đi dự lễ tại các quận Đống Đa (8/4), Hai Bà Trưng (11/4), Tây Hồ (13/4), Thanh Xuân (14/4), các huyện Từ Liêm (12/4), Gia Lâm (10/4), Thanh Trì (9/4).

 

Trong ngày Phật đản, lần đầu tiên, Thành hội sẽ tổ chức kết xe hoa, rước Phật và diễu hành từ lúc 5 giờ sáng ngày rằm tháng tư, xuất phát từ chùa Quán Sứ, qua các con phố quen của nội thành và hướng đến Lễ đài chính tại Sóc Sơn. Dự kiến có khoảng 17 chiếc xe hoa được trang hoàng lộng lẫy.

 

Lễ đài Phật đản tại Sóc Sơn – Hà Nội – ảnh mô hình

 

Hướng về ngày Phật đản, bên cạnh các hoạt động mang tính nghi lễ, Thành hội còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa. Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cho biết thêm Thành hội tăng cường tổ chức thuyết pháp về ý nghĩa ngày Đản sinh cho các Phật tử, chú trọng hoạt động từ thiện xã hội ở cấp Giáo hội, Thành hội và của các chùa. Trong tháng tư Bính Tuất, Ban hoằng pháp của Thành hội sẽ tổ chức 17 buổi giảng pháp tại các chùa trong thành phố, chưa kể lịch thuyết giảng riêng tại các chùa. Vừa qua, Giáo hội đã tổ chức phát 100 suất quà cho các gia đình ở huyện Sóc Sơn, Thành hội cũng tổ chức phát 150 phần quà.

 

Để mừng ngày Đức Phật ra đời, Phật tử các chùa cũng tích cực tinh tấn học đạo, thu thân, làm việc thiện và chuẩn bị đi dự Đại lễ Phật đản vào ngày rằm tháng tư tại Sóc Sơn. Ai cũng mong đến ngày Phật đản năm nay với một niềm đại hoan hỉ. Một Đại lễ Phật đản quy mô, trang trọng, hoành tráng nhất từ trước tới nay đang được Tăng Ni, Phật tử thủ đô đón chờ.