Trang chủ Tin tức Phật giáo thời kỹ thuật số

Phật giáo thời kỹ thuật số

59

Kỹ thuật số (KTS) cùng với công nghệ Internet đã làm thay đổi bộ mặt thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện. Phật giáo (PG) với gần 1 tỉ tín đồ trên toàn thế giới cũng không thể đứng ngoài những thành tựu khoa học kỹ thuật, và hơn hết, PG đã biết sử dụng công nghệ cao vào Phật sự một cách hữu hiệu cho dù có nhiều thách thức đối mặt.

Phật giáo và Internet

9 bản tham luận chính thức trong hội thảo: “Kỹ thuật số, cơ hội và thách thức đối với PG” – TT Thích Chân Quang, “Một thể nghiệm về tiếp thu kiến thức từ xa trong việc hoằng dương Phật pháp ở Brazil” – Ricardo Sasaki, “Bản hiến chương Ename về giải nghĩa và giới thiệu các di sản văn hoá – Khởi xướng, phát triển và áp dụng trong tương lai” – Claudia Liuzza, Ename Center, “Chương trình dịch “Đại chánh chân tu”, “Đại tạng từ chữ Hán sang tiếng Anh và ngôn ngữ Tây phương khác” – Tiến Khanh, Tuệ Quang, Wisdom Light Foundation, “Làm thế nào đưa được tinh thần từ bi, hỉ xả của PG tới mọi tầng lớp nhân dân bằng con đường Internet – Thân Thế Hào, Tịnh Hào… Và nhiều ý kiến đóng góp trong hội thảo đã cho thấy sự “nhập thế” của PG trong thời đại KTS.

Việc đăng tải toàn bộ kinh điển PG Sankrit lên mạng cũng là bước ngoặt lớn trong giáo dục học Phật, thúc đẩy nghiên cứu PG, triết học và các lĩnh vực nhân văn. Không phải vào thư viện, không phải “ôm” những bộ sách đồ sộ hàng mấy chục, mấy trăm cuốn, chỉ cần một máy vi tính có nối mạng, hay mấy bộ đĩa CD-R là giải quyết vấn đề gọn nhẹ.

Hay dự án “A-Nan-Đà”, phương pháp truy cập thông tin đọc sẵn RREIS, mang chức năng như máy niệm Phật trước đây nhưng nhiều tiện ích hơn: Gọn nhẹ, dễ sử dụng cho mọi người, dùng được ở vùng hẻo lánh, người khiếm thị, không bị virus phá hoại, không lệ thuộc vào ngôn ngữ, có thể kết nối máy vi tính.

Thách thức đối với kỹ thuật và con người

Việc thực hiện sáng kiến “Sách PG điện tử” – IBTI làm chuyển đổi các nghiên cứu PG từ Analogue đến KTS. Nó mang nhiều tiện ích, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật trong “dịch” ngôn ngữ kinh điển PG: Chữ  Sankrit, chữ Hán cổ, các đồ hình, đồ hoạ biểu tượng… sang “ngôn ngữ” điện tử. Vẫn đang có nhiều   nghiên cứu khả thi nhất để đưa các tư liệu kinh sách, hình ảnh PG  trở thành phổ biến, dễ đọc, dễ hiểu, sức lan toả nhanh, ảnh hưởng rộng hơn trong việc hoằng dương Phật pháp.

Nhưng tiện ích của Internet đối với các tu sĩ cũng là một thách thức không nhỏ. “Sự trao đổi xử lý thông tin dễ dàng cũng tạo nhiều cơ hội xấu cho những ai không chuyên chú tu hành. Không ai kiểm soát những trang web mà một tu sĩ viếng thăm có phải là web sạch không, những thông tin mà tu sĩ trao đổi có phải là hoàn toàn chuyện đạo lý và Phật sự không?” – trích tham luận “Kỹ thuật số, cơ hội và thách thức với PG”.

Trong Đại lễ Vesak 2008 tại Hà Nội, hình ảnh nhiều vị tu sĩ với các sắc áo cà sa vàng, cam, nâu, xám, xách theo laptop, vào truy cập, truyền thông tin trong phòng báo chí thêm một minh chứng PG “nhập thế”. Internet trở thành một “công cụ” để hoằng dương Phật pháp đến nhân gian, góp phần xây dựng một” “xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” trên thế giới, như chính chủ đề của Đại lễ Vesak 2008.