Trang chủ Diễn đàn Phật giáo thiểu số hóa: Nhìn từ trên cao toàn cảnh Tp....

Phật giáo thiểu số hóa: Nhìn từ trên cao toàn cảnh Tp. HCM

422

MINH THẠNH: Trong cuộc đối thoại này, tôi sẽ chia sẻ một góc độ quan sát khác chung quanh vấn đề Phật giáo Việt Nam thiểu số hóa. Đó là quan sát toàn cảnh TPHCM trên cao, từ cơ sở những mối quan tâm về tôn giáo, đặc biệt là diện mạo Phật giáo.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Minh Thạnh bay trên trực thăng hay thả flycam bay lên thu hình?!

MINH THẠNH: Không. Tôi đứng trên đài quan sát của tòa nhà Bitexco, tầng thứ 49, trung tâm TPHCM.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đó là một điểm cao cố định, sao thấy được toàn cảnh?

MINH THẠNH: Từ điểm cao đó có thể quan sát TPHCM 3600 chung quanh, nhìn thấy máy bay lên xuống ở sân bay Tân Sơn Nhất, tức là một cự ly rất rộng và được hỗ trợ bằng ống dòm cực mạnh.

Tôi đã sử dụng các ống dòm trên đài quan sát để tìm những ngôi chùa, trong mối quan tâm về tương lai của Phật giáo ở TPHCM.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tôi đoán là ông sẽ nói chỉ nhìn thấy nhà thờ Đức Bà, còn không thấy chùa?

MINH THẠNH: Tôi không nói như vậy. Dĩ nhiên, nhà thờ Đức Bà phải nhìn thấy, vì nó ở rất gần tòa nhà Bitexco, nhưng đã bị cao ốc che gần hết và hơn nữa cũng đang trong thời gian sửa chữa.

Chùa Giác Ngộ mở ra một mô hình mới trong việc xây dựng trùng tu chùa ở thành phố, nơi chùa phải thực sự là trung tâm tu học của đông đảo Phật tử. ( Ành: Từ flycam trên cao xuống)

Khó khăn lắm mới tìm thấy các nhà thờ khác, dù tháp chuông tạo sự khác biệt lớn cho kiến trúc nhà thờ so với kiến trúc chung quanh. Còn các chùa lớn thì hầu như không thể.

Nhưng tôi nhìn thấy chùa Huê Nghiêm ở quận 2.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Như vậy sao ông lại nói Phật giáo thiểu số hóa khi nhìn toàn cảnh thành phố?

MINH THẠNH: Chùa Huê Nghiêm được nhận diện do màu nâu, nổi bật lên trên nền màu sáng của kiến trúc chung quanh và cự ly từ bờ sông đến đó chưa xây dựng.

Tuy nhiên, có thể thấy chùa Huê Nghiêm đã thấp hơn một số kiến trúc chung quanh. Khi những cao ốc ở khu Thủ Thiêm được xây dựng, thì chắc chắn sẽ không còn thấy chùa Huê Nghiêm từ đài quan sát cao nhất thành phố.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nếu không còn thấy chùa chiền, nhà thờ gì hết thì thành phố không mang đặc điểm tôn giáo gì hết, sao ông cứ mà đi nói Phật giáo thiểu số hóa?

MINH THẠNH: Từ đài quan sát cao ốc Bitexco, diện mạo tôn giáo TPHCM hiện lên rất rõ với tổ hợp tôn giáo Thủ Thiêm, nhà thờ, tu viện và gồm luôn kiến trúc trường học trong đó. Các thánh giá từ đây tuy không cao, nhưng thể hiện rất rõ đặc điểm Ca tô La Mã như là một nét tôn giáo chủ đạo của TPHCM.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đó chỉ là một giáo xứ bên kia sông của Sài Gòn trước đây?

MINH THẠNH: Không đâu. Nhà thờ giáo xứ chỉ là một phần. Còn lại có một nhà nguyện khác và các tòa nhà khá lớn theo kiểu xưa, cuối thế kỷ XIX. Toàn bộ diện tích xây dựng rất rộng. Có thể nói là rộng nhất ở khu trung tâm Thủ Thiêm bây giờ, trong hoàn cảnh chỉ mới bắt đầu xây dựng.

Khu vực mà ông nói là bên kia sông của Sài Gòn trước đây sẽ là trung tâm của TPHCM Đông.

Kiến trúc độc đáo của Chùa Huê Nghiêm, Q.2 ( Ảnh chụp phía sau chùa)

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Khu tổ hợp tôn giáo Ca tô La Mã đó sẽ giải tỏa đi nơi khác?

MINH THẠNH: Tôi cũng nghe nói như vậy.

Nhưng quan sát trực tiếp bây giờ, kiến trúc ở đó có vẻ như mới sơn sửa lại. Mái đỏ tươi và vách nhà vàng rực, dù không thấy dấu hiệu xây dựng mới.

Chẳng những đó là trung tâm của TPHCM Đông mà đó là trung tâm của cả TPHCM khi tổ hợp tôn giáo Ca tô La Mã bề thế đó trải dài bên bờ sông đối diện trực tiếp đường Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi và đường Hàm Nghi, ba trục đường chính trung tâm thành phố.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Như ông nói tổ hợp tôn giáo Ca tô La Mã đó còn quan trọng hơn nhà thờ Đức Bà? Sao lại có chuyện như thế?

MINH THẠNH: Vị trí, vai trò, ý nghĩa của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đối với diện mạo tôn giáo Sài Gòn – TPHCM đã rất rõ, và tôi cũng đã có bài đề cập cụ thể, chi tiết. Chỉ Nhà thờ Đức Bà thôi, nhìn vào các kiến trúc tôn giáo ở TPHCM người ta đã thấy Phật giáo thiểu số.

Nhưng Nhà thờ Đức Bà không có một diện tích phía trước rộng lớn và được nhìn thấy từ ba con đường lớn. Diện tích khuôn viên Nhà thờ Đức Bà cũng không thể so sánh với tổ hợp nhà thờ – tu viện – nguyện đường – trường học (trường học này không còn được sử dụng, Giáo hội Ca tô La Mã vẫn nói là của họ).

Với sự phát triển của TPHCM, khu Thủ Thiêm và cầu qua quận 1 được xây dựng, thì trước hết, tổ hợp tôn giáo Ca tô La Mã này sẽ là điểm nhấn tôn giáo hàng đầu ở khu vực này, trong bối cảnh các cơ sở tôn giáo khác đã di dời và giải tỏa hết.

TPHCM Đông sẽ mang diện mạo mộ thành phố Công giáo với một cơ sở Ca tô La Mã hoành tráng và có thể nói là duy nhất ở khu vực trung tâm.

Còn đối với toàn TPHCM cũng vậy. Từ những cao ốc lớn trung tâm thành phố, chỉ thấy thấy trọn vẹn và duy nhất tổ hợp cơ sở tôn giáo Ca tô La Mã đó. Khu cao ốc Thủ Thiêm được xây dựng xong là không còn thấy chùa Huê Nghiêm nữa.

Khi đó, từ đài quan sát Bitexco, về kiến trúc tôn giáo chỉ thấy mỗi một tổ hợp kiến trúc Ca tô La Mã đó mà thôi.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng đó chỉ là những kiến trúc cũ kỹ, đâu phải đồ sộ gì lắm đâu. Phía đạo Ca tô La Mã vẫn nói là sẽ bảo tồn như một di sản kiến trúc của Sài Gòn xưa. Nếu so với tầm cao của những cao ốc sẽ xây dựng, thì đâu thành điểm nhấn?

MINH THẠNH: Ông tin như vậy?

Nếu họ giữ nguyên như thế thì vẫn là một điểm nhấn do diện tích rộng lớn của nó và sự khác biệt về kiến trúc đối với những công trình hiện đại.

Nhưng khó mà nói chuyện các thờ chịu sự quản lý, bảo vệ đối với di tích lịch sử.

Bây giờ, để không bị giải tỏa, di dời, họ nói như thế.

Họ có thể xây một nhà thờ vô cùng hoành tráng, làm bộ mặt mới cho tôn giáo TPHCM bên cạnh nhà thờ cũ, chỉ cần tháo dỡ block tu viện. Khi đó, diện mạo Ca tô La Mã của TPHCM sẽ được nâng lên một cấp độ mới.

Hình ảnh Phật giáo thiểu số sẽ còn tối tăm ảm đạm hơn nữa. Điều này không khó để thấy trước.

Hệ quả của điều đó là gì, tôi đã phân tích bước đầu trong loạt bài trước đây nhiều năm.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Sao ông lại không thấy Việt Nam Quốc Tự bề thế mới xây?

 

Chùa Huê Nghiêm, Q.2 ( Ảnh chụp phía trước chùa)

MINH THẠNH: Mời ông cũng như quý tăng ni Phật tử lên đài quan sát, vốn thu hút rất đông khách du lịch trong nước và ngoài nước đó mà tìm Việt Nam Quốc Tự. Tôi thử tìm bằng ống dòm cực mạnh trong nhiều chục phút mà không tìm ra, đành phải thôi vì nhức mắt quá. Đối với chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Quảng Đức, Ấn Quang… cũng vậy!

Còn tổ hợp kiến trúc Ca tô La Mã ở trung tâm Thủ Thiêm, tôi đi một đoạn gần 1/3 chu vi đài quan sát mà vẫn thấy. Hình ảnh trên màn hình khu Đông Sài Gòn lấy tổ hợp kiến trúc tôn giáo này làm trung tâm. Tôi xin nhấn mạnh đến cụm từ tổ hợp kiến trúc tôn giáo.

Kính mong các nhà lãnh đạo Phật giáo hãy lên đài quan sát này quan sát toàn cảnh thành phố để suy tư về diện mạo Phật giáo ở TPHCM bây giờ và trong tương lại.

Kính mong các vị lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo thành phố nghĩ đến diện mạo Phật giáo, tôn giáo truyền thống của dân tộc trong việc xây dựng TPHCM hiện nay và tương lai.

Diện mạo tôn giáo TPHCM được thể hiện như một thành phố theo đạo Ca tô La Mã, với chỉ những điểm nhấn Ca tô La Mã sẽ có những hệ quả bất lợi chung về rất nhiều mặt.

Có lẽ Phật giáo là tôn giáo thiểu số thật sự. TPHCM nhìn toàn cảnh trên cao chỉ thấy điểm nhấn tôn giáo là cơ sở Ca tô La Mã là phản ánh đương nhiên của thực trạng Phật giáo thiểu số và suy thoái.

Tuy nhiên, thành phố cũng cần có những nét hài hòa tôn giáo thay vì chỉ là hình ảnh nhà thờ, tu viện đập vào mắt khách du lịch nước ngoài và từ mọi miền đất nước.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông vẫn hy vọng về đề xuất một tượng Phật lớn, một ngôi chùa, hay một bảo tháp bên sông Sài Gòn, trung tâm Thủ Thiêm?

MINH THẠNH: Mặc dù trước đây việc đề xuất thuận lợi hơn vì được trang tin Phật tử Việt Nam đăng tải, được phổ biến rộng rãi hơn, nhưng chẳng có nhà lãnh đạo Phật giáo nào quan tâm, và tôi vẫn thấy cần nhắc lại.

Mong rằng các vị nhìn trực tiếp TPHCM từ trên cao để ngẫm nghĩ xem đạo Phật ngày nay tươi sáng, đạo Phật ngày nay huy hoàng, đạo Phật hưng long vàng son, chói lọi, thịnh đạt, phát triển lớn mạnh chưa từng có… hiện có một diện mạo thực tế ra sao về mặt cơ sở ở thành phố có đông tín đồ đạo Phật nhất nước.

Để từ đó có những kiến nghị và những cố gắng thích hợp để thu hẹp bớt khoảng cách thiểu số của Phật giáo.

Việt Nam Quốc tự vừa khánh thành đưa vào sử dụng tháng 11.2017

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông có nghĩ là lãnh đạo Phật giáo sẽ quan tâm?

MINH THẠNH: Tôi nghĩ là kỳ vọng đối với lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo thành phố thì hơn.

Phật giáo có giá trị, có ý nghĩa là một phần truyền thống văn hóa của thành phố và thành phố có lẽ cũng cần thể hiện điều này một cách chủ động. Hơn là, để thể hiện TPHCM là một thành phố Ca tô giáo.

Hiện thực mà tôi nhìn thấy và bình luận ở trên không thể hiện sự hài hòa tôn giáo.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng có thể mong mỏi kiến trúc tượng Phật, hay chùa chiền, bảo tháp bên bờ sông Thủ Thiêm của ông không được đáp ứng?

MINH THẠNH: Thì để bảo đảm sự công bằng chung đối với mọi tôn giáo, nên cương quyết cưỡng chế tháo dỡ khu tổ hợp kiến trúc Ca tô La Mã đó, như đối với trường hợp chùa không tự nguyện di dời.