Trang chủ Diễn đàn Phật giáo Thiền chứ không ngủ

Phật giáo Thiền chứ không ngủ

119

Chúng sinh thì vô lượng mà căn trí thì bất đồng. Đây là một chân lý của Nhà Phật.  Đức Phật đã nói: “Như nước của biển cả chỉ có một vị là vị mặn, đạo của Ta cũng chỉ có một vị là vị giải thoát”. 


Nhưng vị giải thoát này là cứu cánh, không phải là phương tiện. Vì vậy người ta thường nói, trong Phật Giáo có đến 84000 Pháp Môn đưa đến giải thoát. Con số 84000 có nhiều ý nghĩa, nhưng ở đây để chỉ một số lớn chứ không phải là một con số chính xác.


Vì vậy, người ta bảo rằng, Đức Phật là một vị lương y, tùy bệnh cho thuốc. Không có gì phi lý cho bằng chỉ cần một phương thuốc “đức tin” là có thể “cứu rỗi” vô lượng chúng sinh, căn trí bất đồng, bệnh tật khác nhau.


Trong Phật Giáo có quan niệm tương tức (interbeing) hay tương nhập (inter-penetration) hay duyên khởi (dependent origination), đại cương nghĩa là mọi sự vật trên thế gian đều liên hệ với nhau. Với quan niệm này, có thể người Phật tử nhìn vạn Pháp như là có chung một mối. Nhưng, đạo Phật là đạo của trí tuệ, cho nên cũng như mọi giáo lý khác của Đức Phật, nếu áp dụng “tương tức” một cách máy móc để mà ôm tất cả làm một mối, không phân biệt đúng sai, thiện ác, thì thực chất không phải là hành trì “tuệ giác tương tức” mà là xa lìa thực tế.


Thực tế là con người không phải ai lúc nào cũng có thể “bất tư thiện, bất tư ác”. Nhớ lại khi xưa, Đức Phật là bậc giác ngộ, là bậc Tỉnh Thức, đã thấy rõ sự tương tức của vạn pháp, đã hội nhập Chân Đế. Nhưng Người không từ bỏ Tục Đế để mà ôm mọi lý thuyết hay niềm tin của ngoại đạo, mà trong 45 năm Người đã không ngừng quảng bá Giáo Pháp của Người, cùng lúc giải hoặc ngoại đạo, chuyển hóa ngoại đạo để họ có được Chính Kiến, Chính Tư Duy v..v… 


Do đó, giải hoặc ngoại đạo bằng sự phân tích, giảng giải những sự thật về ngoại đạo để cho họ thấy đâu là Chính Đạo tuyệt đối không phải là bôi nhọ, phỉ báng, hay nói xấu ngoại đạo. 


Sinh ra trong một xã hội Bà La Môn, Đức Phật ôm người Bà La Môn nhưng không ôm đạo Bà La Môn.  Giáo pháp của Đức Phật đã nói rõ hơn gì hết điểm này.  Noi gương Đức Phật, chúng ta có thể ôm người Ki-tô nhưng không ôm đạo Ki-tô, ôm người Hồi Giáo nhưng không ôm đạo Hồi v..v…


Theo chân lý tương tức, nhìn một cái bàn, chúng ta thấy cả vũ trụ trong đó.  Điều này không sai, nhưng cái bàn không phải là khúc gỗ, không phải là ánh sáng mặt trời, không phải là người thợ mộc đóng bàn v..v…, mà là cái bàn chúng ta sử dụng như là cái bàn để làm việc, để ăn cơm v..v.. trong đời sống hàng ngày. 


Trong cái ghế làm bằng cùng một khúc gỗ như cái bàn, đóng bởi cùng một người thợ mộc, thì có thể nói cái ghế cũng có đủ thứ như trong cái bàn.  Nhưng cái ghế không phải là cái bàn, mà để ngồi.  Nhìn một bát cơm, chúng ta có thể thấy cả vũ trụ trong đó.  Đúng vậy.  Nhưng khi chúng ta ăn là ăn cơm để sống, cơm là cơm, không phải là ánh sáng mặt trời, gạo lúa, hay người đi cầy, người giã gạo, người thổi cơm. 


Biết rằng vạn pháp đều liên hệ với nhau trong vũ trụ nhưng quên đi những thiên sai vạn biệt trong thế giới chúng ta đang sống, đây không phải là con đường tu tập theo tinh thần Phật Giáo Đại Thừa. 


Mọi Phật tử đều biết rằng trong Phật Giáo có quan niệm Nhị Đế: Chân Lý Tuyệt Đối (Chân Đế) và Chân Lý Tương Đối (Tục Đế).  Phật Giáo dạy là con người có thể sống trong hai thế giới: thế giới của chân lý tuyệt đối (Chân đế), và thế giới các hiện tượng (Tục đế). 


Nhưng hiển nhiên là chân lý tuyệt đối chỉ có thể hội nhập được bởi một số nhỏ các BẬC XUẤT GIA đạo cao đức trọng, sau nhiều năm tu tập, mà tác phong hàng ngày phản ánh đúng với những cái hiểu về chân lý tuyệt đối. Hiểu về chân lý tuyệt đối là một chuyện, và rất có thể mỗi người hiểu mỗi cách, nhưng sống theo cái hiểu về những chân lý tuyệt đối lại là chuyện khác, tôi e rằng không có mấy người. 


Có điều chắc là tuyệt đại đa số Phật tử, Tăng cũng như tục, hàng ngày phải sống trong thế giới các hiện tượng, phải đối diện với những sự việc trong thế giới hiện tượng mà có thể nói, những chân lý tuyệt đối hầu như rất khó có thể áp dụng. Chân lý tuyệt đối là đối tượng của quán chiếu, của tu tập cá nhân. Còn chân lý tương đối là những đối đãi thường ngày trong thế giới các hiện tượng. 


Ý thức được khó khăn này, Đại Thừa Phật Giáo chủ trương Phật Giáo đi vào cuộc đời với lý tưởng Bồ Tát, cuộc đời nằm trong thế giới hiện tượng. Thời buổi này, chúng ta không có quyền cứ ngồi hít vào thở ra suốt ngày, mà phải có bổn phận đưa tinh thần thực tế, nhân bản, hòa bình của Phật Giáo vào trong nếp sống hàng ngày của mọi người, phải biết ôm cái gì, bỏ cái gì, cùng góp phần lành mạnh hóa xã hội, cải tiến xã hội, vì phúc lợi của quần chúng. Cũng vì thế mà Bồ Tát Long Thọ đã minh xác quan niệm Nhị Đế trong Phật Giáo như sau:


Chư Phật vì chúng sinh, y vào Nhị đế, Chân Đế hay Đệ Nhất Nghĩa Đế và Tục Đế  mà nói Pháp. Không nhận thức được hai chân lý này, thì đối với Phật pháp không thể hiểu được chân nghĩa. Nếu không nương tựa vào tục đế, thì không thể thấy được chân lý; không thấy được chân lý, thì không thể ngộ được Niết bàn...” 


Tục đế, như trên đã nói, là thế giới hiện tượng mà chúng ta đang sống trong đó, một thế giới trong đó có những quy ước hay chân lý mà con người đồng ý với nhau và có tính cách tương đối. Còn Chân Đế là thế giới của những chân lý tuyệt đối, có tính phổ quát, đúng ở khắp nơi và trong mọi thời gian. Trong khi hành đạo, chúng ta không thể lúc nào cũng mang Chân Đế ra mà nói, mà áp dụng, và bỏ qua những quy ước đồng thuận của nhân loại. Y vào Nhị Đế mà nói Pháp, Phật Pháp chứ không phải là những điều phi Pháp, đây là con đường hoằng Pháp của chư Phật mà chúng ta cần noi theo.


Thật vậy, không xa rời Tục Đế, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giảng rất rõ thế nào là “ôm người ta” trong bài Kẻ Thù Ta:


Ôm lấy người ta không có nghĩa là chấp nhận luôn cả cái thái độ hẹp hòi, cố chấp và cuồng tín của người ta. Thiếu bao dung, thiếu từ bi, thiếu sự quán chiếu, con người dễ trở thành hẹp hòi, cố chấp và cuồng tín. Bổn phận của người hành đạo là giúp con người tháo bỏ thái độ hẹp hòi, cố chấp và cuồng tín đó, giúp họ trở thành hiểu biết, bao dung và từ bi, chứ không phải là lấy súng bắn vào họ, tiêu diệt họ.”


Đây chính là tuệ giác Phật Giáo. Tuệ giác Phật Giáo, trong khi hành đạo, là phải nghiên cứu kỹ vấn đề, rồi trong tinh thần vô úy, bao dung, từ bi, phải hành động ra sao để giúp con người tháo bỏ thái độ hẹp hòi, cố chấp và cuồng tín (thường bắt nguồn từ một niềm tin sai lầm thuộc loại mê tín đã lỗi thời), giúp họ trở thành hiểu biết, bao dung và từ bi. 


Lẽ dĩ nhiên, hành động như thế nào tùy thuộc căn trí và trình độ hiểu biết của mỗi người, và tùy thuộc mỗi trường hợp. Do đó không thể có một đường lối hành động có thể coi là mẫu mực, là khuôn vàng thước ngọc mà bất cứ ai cũng phải theo. Và cũng lẽ dĩ nhiên, đối với những Phật tử thực sự là Phật tử thì, bất cứ theo đường hướng hành động nào, ý tưởng “lấy súng bắn vào họ, tiêu diệt họ” không bao giờ có thể có trong đầu óc.


Trở về quá khứ, phải đau lòng mà nói rằng, hào quang phục vụ chúng sinh của Phật Giáo sau sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm có vẻ lu mờ đi trong một khoảng thời gian vì những chia rẽ nội bộ, và sau khi nước nhà thống nhất, sự chia rẽ còn nặng nề hơn vì những bất đồng đáng lẽ không nên có, bất đồng về chính kiến và chính tư duy, bất đồng vì “vô ngã” thực sự lại nhiều ngã hơn ai hết, bất đồng vì chưa thấm nhuần được chữ “xả”, chưa ý thức được quan niệm “phương tiện quyền xả” và “tùy duyên bất biến” trong đạo Phật để mà có một cái nhìn xa về tương lai và tổng quát về Phật Giáo v.v…


Thực ra, chúng ta cũng không thể trách Phật Giáo vì những vấn nạn này nếu chúng ta hiểu rằng Phật Giáo đã bị phá từ trong ra ngoài, vì vô minh nội bộ cũng có, vì ngoại đạo và chính trị bên ngoài cũng có. Cho nên, trong nhiều năm có vẻ như Phật Giáo đang ở trong một giấc ngủ, không biết phải dấn thân như thế nào trước những vấn đề trọng đại trong xã hội: mặt trận văn hóa đối với ngoại đạo, mặt trận đào tạo Tăng Ni và nhân sự, mặt trận từ thiện đối với những người kém may mắn, mặt trận giáo dục đối với đại chúng v.v… 


Điều đáng mừng là, trong vài thập niên gần đây, Phật Giáo đã có nhiều vị trong Tăng và Ni đoàn, hoặc dấn thân nhiều hơn để hoằng dương Đạo Pháp và phục vụ xã hội, hoặc đã tốt nghiệp từ những đại học nổi tiếng trên thế giới, và do đó đã có nhiều đóng góp cho xã hội, đưa Phật Giáo vào con đường truyền thống đồng hành với dân tộc. Những đóng góp cho xã hội và Phật Giáo của những vị này thường không được nhiều người biết đến, vì tinh thần Phật Giáo là hành thiện mà không truy cầu…


Với tinh thần Đại Thừa, Đạo Phật đi vào cuộc đời như trên, chúng ta không lấy gì làm lạ khi thấy trước việc làm sai trái của TGM Ngô Quang Kiệt trong vụ xách động giáo dân xuống đường, thắp nến, vác búa kìm và xà beng phá cổng, cắm thánh giá cầu nguyện để đòi lại mảnh đất vốn không phải của mình, mà là công thổ, coi thường nhân dân, cản trở lưu thông công cộng, phóng loa ồn ào, bất chấp luật pháp v.v…, Phật Giáo đã bắt buộc phải lên tiếng để cảnh tỉnh sự u mê của một số người trong một tổ chức tôn giáo mà lịch sử đã gắn liền với không ít tai tiếng, nhất là việc đã cộng tác với người Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam.


Tuyệt đại đa số người dân Việt Nam phi Công giáo, vì bản tính hiền hòa và vì tình đồng loại, đã muốn quên đi quá khứ, nhưng nay trước những hành động trịch thượng, vô trí của một thiểu số, coi thường nhân dân, coi thường luật pháp, nên đã công khai bày tỏ thái độ không thể chấp nhận những hành động sai trái nấp sau bình phong tôn giáo.


Bởi vậy, chúng ta đã thấy một làn sóng phản ứng trên khắp thế giới. Có nhiều bài góp ý kiến về vấn đề này, từ các nơi ở khắp trong nước và lan ra ngoại quốc. Mới đầu chúng ta có thể đọc một số ý kiến, đề nghị trên http://www.giaodiemonline.com/, http://www.sachhiem.net/ ở ngoại quốc, nhưng sau đó thì có nhiều Phật tử Việt Nam và dân thường Việt Nam nhập cuộc trên trang nhà www.phattuvietnam.net, blog Sen Việt và một số báo chí chính thức. 


Tuyệt đại đa số các ý kiến cho rằng Giáo phận Hà Nội không có tư cách gì để đòi lại tòa Khâm Sứ cũ mà lịch sử đã ghi rõ là đất của Chùa Báo Thiên do thực dân Pháp cưỡng chiếm, rồi phá bỏ Chùa để xây Nhà thờ lớn Hà Nội mà tòa Khâm Sứ cũ là một phần của Nhà thờ lớn Hà Nội, nghĩa là nằm trong khuôn viên đất vốn của Phật Giáo bị giặc ngoại xâm cướp mất trong hoàn cảnh nước mất nhà tan.


Một số người Công giáo ngày nay đòi lại tòa Khâm sứ cũ qua những hành động bất xứng của một tôn giáo, lợi dụng tôn giáo, lợi dụng tín đồ, kết quả là đã nhắc nhở cho người dân về lịch sử đầy tranh cãi của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, một Giáo hội đã từng tiếp tay, hỗ trợ thực dân Pháp để đưa nước nhà vào vòng nô lệ trong 80 năm. 


Phản ứng của người dân phi Công giáo không phải vì vấn đề tranh giành đất đai với người Công giáo, nhưng việc làm vô ý thức của ông Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã đụng đến tinh thần dân tộc và yêu nước của người dân Việt phi Công giáo. Nếu thiểu số người Công giáo ở Việt Nam cho rằng họ muốn làm gì thì làm, hành động thế nào thì hành động, thì đó là một điều hết sức sai lầm, vì những hành động này phần lớn bắt nguồn từ sự cuồng tín tôn giáo chứ không phải là từ sự hiểu biết. 


Tuyệt đại đa số người dân Việt Nam sẽ không chấp nhận việc một bộ phận thiểu số có những hành động phi dân tộc. Do đó, trong tình thế hiện nay, người dân sẽ không còn e dè vì sợ mang tiếng là chia rẽ tôn giáo nữa, bởi vì nguồn gốc chia rẽ phát xuất từ một số người Công giáo, và rồi kết quả của phản ứng người dân là những sự thật lịch sử về Công giáo hoàn vũ cũng như Công giáo ở Việt Nam sẽ được phơi bày và Giáo hội Công giáo ở Việt Nam sẽ không có cách nào còn có thể ngăn chặn việc truyền bá những sự thật này nữa.


Đã có nhiều người khuyên một số người Công giáo ở Việt Nam hãy dừng lại trước khi quá muộn.  Nhưng có vẻ như những người Công giáo không biết lắng nghe và thấu hiểu ý kiến và nguyện vọng của những người dân Việt yêu nước, nên từ các bậc chủ chăn như LM Thiện Cẩm, GM Nguyễn Văn Sang ở Thái Bình, cũng như một số chức sắc, tín đồ ở hải ngoại vẫn còn cố gắng đưa ra những luận điệu xuyên tạc lịch sử, cố gắng biện minh cho những việc làm sai trái của giáo dân trong vụ đòi tòa Khâm sứ cũ. 


Rõ ràng là việc xúi giục giáo dân, trong đó có rất nhiều phụ nữ dân tộc, người già và trẻ em, đồng bào Công giáo ở những vùng quê xa xôi và cả trẻ em đi ngồi đường thắp nến cầu nguyện và mang theo cả kìm, búa, xà beng v..v.. để phá phách cơ sở Nhà Nước, bất chấp sự phản đối và than phiền của người dân trong khu vực, không phải là sử dụng sự tự do tôn giáo hay nhân quyền mà là một hành động có tính cách làm áp lực chính trị, một hình thức biểu tình trá hình, có thể dẫn tới kích động bạo loạn nấp sau chiêu bài tự do tín ngưỡng hay tự do tôn giáo, dù là một tôn giáo đã gây tác hại cho nhân loại không ít. 


Sự kiện là giáo dân đã bất chấp những lời khuyến cáo của Nhà Nước về những hành động sai trái của họ, nhưng khi có lệnh từ Vatican qua bức thư của Hồng Y Bertone thì lập tức giáo dân được lệnh phải gỡ bỏ thánh giá cùng bức tượng bà Maria sầu bi, không kèn không trống dẹp tiệm, một lần nữa lại chứng tỏ cho người dân Việt Nam thấy tinh thần lệ thuộc Vatican của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam. 


Trước những hành động xuyên tạc lịch sử, mượn danh công lý để biện minh cho những hành động của giáo dân do sự xách động của TGM Ngô Quang Kiệt, các bậc tôn đức trong Phật Giáo đã “xả thiền” và cất lên tiếng nói chính thức của Phật Giáo Việt Nam. Đó không phải là tiếng nói của sự tranh chấp hay đòi hỏi đất đai, mà là tiếng nói cảnh tỉnh của người dân Việt yêu nước về lương tâm, đạo đức và trách nhiệm xã hội dành cho những người đang vì lợi nhỏ mà mất nghĩa lớn. Đó là tiếng nói của sự thật lịch sử, tiếng nói của công lý và hòa bình.


Chúng tôi, nhân danh là những Phật tử yêu nước, yêu dân tộc, xin chân thành tán thán công đức vô lượng và tinh thần vô úy của quý Hòa Thượng. Chúng tôi cũng xin tán thán công đức của tất cả quý vị đã lên tiếng phản đối vụ đòi đất phi lý, thiếu trách nhiệm của của TGM Ngô Quang Kiệt và một bộ phận nhỏ giáo dân.


Bài viết trên đã được biên tập lại theo quan điểm của Ban Biên tập Phật tử Việt Nam. Mong quý tác giả thông cảm và lượng thứ. Để đọc nguyên bản, xin vào link http://giaodiemonline.com/2008/02/phatgiao.htm .


Nếu quý vị có ý kiến xung quanh vụ việc đòi Tòa khâm sứ cũ, xin bấm vào đây hoặc gửi thư về địa chỉ [email protected]