Phật giáo là một tôn giáo, một hệ tư tưởng triết học từ ấn Độ truyền vào nước ta từ đầu Công nguyên và có thể trước đó. Vốn là một tôn giáo mang tính chất dân chủ, rộng mở, khai phóng, từ bi, đậm tính nhân văn nên khi truyền vào nước ta lại phù hợp với những phẩm chất, đức tính cùng cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt của cư dân lúa nước, được dân tộc ta tiếp thu, truyền phát, tiếp biến thành cái của riêng mình.
Theo bước chân Nam tiến, Phật giáo đã được truyền vào Khánh Hoà sớm nhất phải từ những năm nửa cuối thế kỉ XVII, tức sau năm 1653 khi chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cùng Cai cơ Hùng Lộc hầu mở cõi, lập ra hai phủ Thái Khang và Diên Ninh. Nhưng, khi cư dân Việt đến vùng đất mới này thì người Chămpa bản địa nơi đây đã có tín ngưỡng và có tôn giáo của riêng mình: Bàlamôn giáo mà biến thái của nó là đạo Bàni thờ ba vị thần Brahma, Visnu, Siva. Bên cạnh đó còn có Phật giáo. Phật giáo truyền vào nơi đây khi nào hiện chưa tìm thấy tài liệu xưa ghi chép. Chỉ biết câu chuyện vua Lý Thánh Tông (1054-1072) vào năm 1069 chinh phạt Chămpa có bắt sống nhiều tù binh, trong đó có thầy trò nhà sư Thảo Đường người Trung Quốc, thuộc dòng thiền Tuyết Đậu Minh Giác(1) đang truyền đạo, đã chứng tỏ từ thế kỉ X – XI Phật giáo đã phát triển mạnh trên vương quốc Chămpa, bên cạnh các nhà sư ấn Độ từ phương Nam trực tiếp chuyển sang còn có các nhà sư Trung Quốc từ phương Bắc truyền xuống. Điều này các tài liệu xưa như Thiền uyển tập anh (thế kỉ XIII – XIV) và sau đó Đại Việt sử kí, An Nam chí lược có ghi lại, mà sau này các nhà sử học, văn hoá học, Phật giáo sử lấy làm chỗ dựa để nghiên cứu.
Một chứng cứ khác, hiện ở thôn Đại Điền Tây xã Diên Điền huyện Diên Khánh có những ngôi tháp cổ mà từ lâu dân địa phương gọi là tháp Hời, nhưng theo ý kiến của Quách Tấn và vài nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá thì có thể đó là những ngôi tháp lưu giữ hài cốt của các nhà sư ấn Độ, Trung Quốc đến truyền đạo nơi đây khi vương quốc Chămpa còn cường thịnh(2). Từ sau năm 1653, Phật giáo đã cùng lưu dân Việt đến vùng đất này, nhanh chóng gây ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tâm linh con người nơi đây. Việc các chúa Nguyền từ Đoàn Quốc công Nguyễn Hoàng (1558-1613), Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) rồi Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691), Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), … sùng mộ đạo Phật, quy y thọ giới, biệt đãi tăng sĩ, lập nhiều chùa chiền từ Thuận Hoá (Bình Trị Thiên) trở vào, có vị thọ Bồ Tát giới, nhận pháp hiệu như Nguyễn Phúc Chu, chính là nguyên nhân chủ yếu giúp cho Phật giáo xứ Đàng Trong giai đoạn đầu hưng thịnh(3). Có lẽ trong thâm ý của các chúa Nguyễn và cũng là để đối lập với Đàng Ngoài nên đã dùng Phật giáo làm chỗ dựa tinh thần trong quá trình mở cõi lập quốc.
Theo các bộ sử triều Nguyễn và các bộ Phật giáo sử thì Phật giáo xứ Đàng Trong được truyền vào chủ yếu là Phật giáo Đại Thừa với hai tông phái thiền: phái Tào Động và phái Lâm Tế. Phái Tào Động với vai trò của thầy trò Thiền sư Thạch Liêm và Thiền sư Hưng Liên. Hai vị này đều truyền đạo dưới đời chúa Nguyễn Phúc Trăn, Nguyễn Phúc Chu. Riêng Hưng Liên còn được chúa Nguyễn Phúc Chu phong làm Quốc sư. Phái Lâm Tế với vai trò của Thiền sư Nguyễn Thiều (đời 33). Ông là đệ tử của hai thiền sư Vân Phong (đời 21) và Đạo Mân (đời 31). Sau ông vào Đàng Trong truyền đạo dưới đời chúa Nguyễn Phúc Tần và truyền thừa cho đệ tử cả hai dòng thiền trên (dòng Văn Phong và dòng Đạo Mân). Vào đời chúa Nguyễn Phúc Trăn, đệ tử phái Lâm Tế là Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo (đời 34) từ Trung Quốc sang Việt Nam truyền đạo nhưng phải đợi đến Thiền sư Liễu Quán (1670-1742) (đời 35) của thiền phái này thì Phật giáo xứ Đàng Trong mới thật sự khởi sắc, phát triển mạnh, mang đậm tính dân tộc, bởi khác với các Thiền sư trên đều là người Trung Quốc, còn Liễu Quán là người Việt Nam quê ở Đồng Xuân, Phú Yên học đạo và đắc pháp tại Huế mà Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã hết lời tán dương và đánh giá rất cao vai trò của ông(4). Phật giáo Khánh Hoà cũng nằm trong bối cảnh lịch sử truyền thừa trên, có điều muộn hơn nếu so với các tỉnh lân cận như Phú Yên, Bình Định.
Qua khảo sát những ngôi chùa xưa ở Khánh Hoà thì Phật giáo nơi đây chủ yếu do các Thiền sư phái Lâm Tế thuộc dòng Đạo Mân và dòng Liễu Quán truyền vào và tạo dựng. Những ngôi cổ tự thuộc dòng Đạo Mân có chùa Cát (Hội Phước Tự) ở Nha Trang do ngài Phật ấn (Trung Quốc, đời 35) tạo dựng năm 1680 (ban đầu chùa toạ lạc ở cụm Hoa Sơn, núi Một, sau dời về phường Phương Sài như hiện nay). Chùa Bửu Phong (Phong ấp, Ninh Bình, Ninh Hoà) do ngài Minh Lượng Nguyệt ấn (Trung Quốc, đời 34) tạo dựng năm 1683, ngôi cổ tự thuộc dòng Liễu Quán có các Tổ đình như chùa Kim Sơn (Vĩnh Ngọc, Nha Trang) do Thiền sư Thiệt Địa (đời 35, cùng thế hệ với Thiệt Diệu Liễu Quán) tạo dựng khoảng năm 1732-1735. Hai chùa Thiên Bửu (Ninh Đông, Ninh Hoà) và chùa Thiên Bửu (thị trấn Ninh Hoà) đều do Thiền sư Tế Hiển (đời 36) tạo dựng khoảng năm 1740-1747. Chùa Phổ Hoá (Ninh Bình, Ninh Hoà) do Thiền sư Tế Dưỡng (đời 36) tạo dựng cùng thời gian trên. Chùa Linh Sơn (Hiền Lương, Vạn Ninh) do Thiền sư Đại Bửu (đời 37) tạo lập năm 1761. Và còn rất nhiều những ngôi chùa xưa ở Khánh Hoà được xây dựng vào thế kỉ XIX.
Nếu từ giữa cuối thế kỉ XVIII về trước, Phật giáo Khánh Hoà phát triển mạnh, giúp cho các chúa Nguyễn xây dựng vùng đất mới thì vào cuối thế kỉ XVIII, do chiến tranh nội bộ giữa Nguyễn ánh với Tây Sơn nên việc truyền bá đạo Phật nơi đây bị đình trệ. Sau khi Nguyễn ánh (Gia Long) đánh bại Tây Sơn, nhờ các vua nhà Nguyễn sùng mộ đạo Phật mà Phật giáo Đàng Trong đầu thế kỉ XIX được phục hưng, nhiều ngôi chùa được trùng tu hoặc xây dựng mới, nhiều danh sư xuất hiện. Đến những năm cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, dưới thời thực dân Pháp xâm lược, Phật giáo Việt
Ba trăm năm mươi năm du nhập và phát triển, Phật giáo Khánh Hoà luôn gắn bó với đất nước, với dân tộc, với truyền thống văn hoá lâu đời của cha ông, có tinh thần yêu nước, chống áp bức và xâm lược. Chính nhờ truyền thống tốt đẹp đó mà khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều nhà sư và phật tử Khánh Hoà đã tham gia phong trào yêu nước của đồng bào trong tỉnh. Các chùa Hội Phước (Nha Trang), Thiên Bửu (Ninh Hoà) là nơi nhóm họp, hoạt động của những người trong phong trào Cần Vương, Duy Tân. Năm 1900, cuộc khởi nghĩa của nhà sư Võ Trứ ở hai tỉnh Phú Yên và Bình Định được tăng ni và tín đồ Phật giáo Khánh Hoà tích cực hưởng ứng.
Thực dân Pháp cấu kết với phong kiến tay sai ra sức thi hành chính sách “chia để trị” đã dùng các thủ đoạn lừa dối, mua chuộc nhằm tách Phật giáo khỏi cộng đồng dân tộc. Chúng cho lập ra các tổ chức Phật giáo do chúng chi phối, khai thác mặt tiêu cực như tư tưởng cầu an, mê tín, tư tưởng định mệnh, v.v… trong một số tín đồ để lôi kéo họ đứng ngoài cuộc chiến đấu của dân tộc. Nhưng âm mưu của chúng đã thất bại. Một số nhà sư được giác ngộ cách mạng như Hoà thượng Bích Không (tục danh Hoàng Xuân Đàn, tức Nghè Đàn) ở chùa Hải Đức đã hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp ông đã tham gia Mặt trận Liên Việt Liên khu 4. Nhiều chùa ở Nha Trang, Ninh Hoà, Vạn Ninh, Diên Khánh là nơi che dấu cán bộ hoạt động bí mật, tập họp quần chúng, in truyền đơn và tài liệu cách mạng. Đông đảo nhà sư và tín đồ Phật giáo đã tham gia các cuộc mít tinh, tuần hành cướp chính quyền trong cuộc khởi nghĩa ngày 19 tháng 8 năm 1945 ở Nha Trang. Các nhà sư Thích Thiện Danh, Thích Trừng Sang, Thích Giác Phong đã huy động tín đồ tham gia cuộc mít tinh ở sân vận động Nha Trang, chuyển thanh niên phật tử thành lực lượng dân quân du kích để góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ vừa ra đời.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh một số nhà sư đã thoát li theo kháng chiến như nhà sư Giác Phong ở chùa Hải Đức (Nha Trang), nhà sư Trừng Sang ở chùa thị trấn Diên Khánh. Nhà sư Giác Phong đã hi sinh tại Phú Vinh, nhà sư Trừng Sang bị địch bắt ở Phú Yên. Nhiều nhà sư và phật tử là cơ sở bí mật của kháng chiến, một số chùa được làm nơi hội họp hoặc cất dấu vũ khí, cung cấp lương thực và thuốc men cho bộ đội. Chùa Nghĩa Phương là cơ sở liên lạc của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, tiếp tục truyền thống yêu nước của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều nhà sư và tín đồ Phật giáo Khánh Hoà đã cùng nhân dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai định âm mưu biến Miền Nam nước ta thành thuộc địa của Mỹ, chống chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm, chống phân biệt đối xử giữa các tôn giáo. Nhiều tăng ni phật tử là cơ sở cách mạng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp đã liên hệ móc nối với cán bộ cách mạng để hoạt động, một số nhà sư yêu nước đã tích cực tham gia phong trào. Các chùa Thiên Quang, Vạn Thiện, Quang Lộc, Tây Chánh (Diên Khánh), Kim Sơn, Long Sơn (Nha Trang), Thiên Bửu (Ninh Hoà), Khánh Hội (Tu Bông, Vạn Ninh) là cơ sở tiếp tế, liên lạc của hai cuộc kháng chiến. đặc biệt chùa Phước Huệ ở Ninh Quang, Ninh Hoà là nơi có vài hầm bí mật, có lúc có trên 10 cán bộ chủ chốt ở tại đây. Hiện chùa đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hoá của tỉnh. Ngày 8/5/1963 (tức rằm tháng tư Quý Mão) tại Nha Trang hàng vạn quần chúng trong đó có tăng ni và tín đồ Phật giáo đã xuống đường, kéo về dinh tỉnh trưởng Khánh Hoà với khẩu hiệu: “Yêu cầu Mỹ không hỗ trợ cho chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm”, “Mỹ rút về nước”, “Yêu cầu Mỹ trả lại độc lập cho dân tộc Việt Nam”. Địch khủng bố, bắt giam các nhà sư Đức Minh, Đổng Minh là những người lãnh đạo phật tử Khánh Hoà, để uy hiếp tinh thần quần chúng. Tiếp theo ngày 15/8/1963 quần chúng và phật tử Ninh Hoà lại biểu tình và ni cô Thích Nữ Diệu Quang, 27 tuổi đã tự thiêu ở Ninh Hoà để phản đối Mỹ và Ngô Đình Diệm. Trước đó, lần đầu tiên ngày 11/6/1963 Hoà thượng Thích Quảng Đức, người làng Hội Khánh (Vạn Ninh) đã tự thiêu ở ngã tư đường Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng (Sài Gòn) để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Việc làm đó đã gây xúc động lớn trong nước và ngoài nước, làm cho chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng bị cô lập về chính trị.
Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ bằng cuộc đảo chính ngày
Về mặt tổ chức, từ sau năm 1954, Phật giáo Khánh Hoà đã có sự phân hoá và hình thành các hệ phái khác nhau hoạt động theo điều lệ riêng của mình. Các hệ phái chính là: Lục Hoà tăng và Lục Hoà phật tử (sau hợp nhất thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam), phái ấn Quang (còn gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) và phái Khất sĩ. Sự phân chia về chính kiến cũng biểu hiện khá rõ (có hệ phái chủ trương “dựng ngọn cờ dân tộc và đạo pháp, đi theo con đường trung lập”, có hệ phái theo lập trường “phi chính trị”, v.v…
Hệ phái Phật giáo Cổ truyền được thành lập năm 1968 trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức Lục Hoà tăng và Lục Hoà phật tử. ở Trung ương (Sài Gòn) có Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo lãnh đạo. ở Phước Hoà có Ban chức sự ở tỉnh, huyện và các phân hội ở xã, ấp. Chùa Nghĩa Phương do Hoà thượng Thích Bích Lâm trụ trì là trụ sở của Ban đại diện Trung phần và Tỉnh hội Khánh Hoà, năm 1971 khi Hoà thượng Thích Bích Lâm viên tịch thì Hoà thượng Thích Trí Tâm lên thay. Chùa Nghĩa Phương ở số 2 Lý Thánh Tôn là Tổ đình của hệ phái này.
Hệ phái Phật giáo Việt Nam Thống nhất (ấn Quang) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 11 hệ phái thuộc Nam Tông và Bắc Tông hình thành một tổ chức mới lấy tên: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” do Viện Tăng thống và Viện Hoá đạo điều hành. ở Khánh Hoà, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do nhà sư Đức Minh (đã hồi tục) làm đại diện. Hệ phái này có cơ sở đến huyện, xã, có các tổ chức quần chúng (như gia đình phật tử, thanh thiếu niên phật tử, v.v…) các tổ chức nghề nghiệp (như công thương nghiệp, giáo chức Phật giáo) các cơ sở văn hoá, giáo dục (như trường trung, tiểu học Bồ Đề). ở tỉnh có Phật học viện Việt Nam tại Trung Việt (Phật học viện Trung phần, Phật học viện Hải Đức) đào tạo trung cấp, cao đẳng Phật học do trường Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn của Trung ương Giáo hội bảo trợ.
Hệ phái Khất sĩ được hình thành từ cuối những năm 50 do các nhà sư Giác Tịnh, Giác An thành lập. Phái này hoạt động ở các xã phía bắc Nha Trang và một số xã ở Ninh Hoà, Vạn Ninh, Cam Ranh, đã xây dựng hai tịnh xá Ngọc Trang ở Ngọc Hiệp và Ngọc Pháp ở Phước Hoà (Nha Trang). Phái Khất sĩ không tổ chức thành từng cấp theo hệ thống hành chính (tỉnh, huyện, xã) mà thành giáo đoàn. Khánh Hoà có 4 giáo đoàn và 1 giáo đoàn ni do ni sư Huỳnh Liên (đã mất) lãnh đạo. Tín đồ của hệ phái Khất sĩ không đông, đời sống các tăng ni chủ yếu dựa vào khất thực và sản xuất tự túc.
Ngoài ba hệ phái chính nói trên, khoảng năm 1970 còn xuất hiện các nhóm Pháp Hoa, Pháp Tạng, Kim Linh Chính giáo, v.v… là những nhóm nhỏ, ít tín đồ và đã giải thể sau ngày đất nước thống nhất.
Thực hiện chủ trương hợp nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam, được sự ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc và chính quyền các cấp, vào tháng 9 và tháng 10 năm 1981 các hệ phái Phật giáo trong tỉnh đã hội họp, kiến nghị thành lập Giáo hội Phật giáo chung cho cả nước. Sau Đại hội thống nhất toàn quốc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tháng 11 năm 1981) Đại hội lần thứ nhất Giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Khánh (cũ) được tổ chức trong các ngày 8 và 9 tháng 10 năm 1982. Đại hội đã thông qua chương trình hành động theo hiến chương của Giáo hội, thực hiện phương châm: “Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh được Đại hội bầu gồm 25 vị do Hoà thượng Thích Thiện Siêu (lúc đó là thượng toạ) làm Trưởng ban.
Đại hội lần thứ hai Giáo hội Phật giáo tỉnh đã họp trong 2 ngày 28 và 29 tháng 11 năm 1986. Ban Trị sự mới gồm 25 người do Hoà thượng Thích Thiện Siêu làm Trưởng ban và hai thượng toạ Thích Thiện Bình và Thích Trí Tâm làm Phó ban.
Sau khi tỉnh Phú Khánh tách thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà (tháng 7 năm 1989) Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hoà đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất trong hai ngày 19 và 20 tháng 9 năm 1991. Ban Trị sự do Đại hội bầu gồm 25 vị, có sự tham gia của đại diện ba hệ phái và các cư sĩ, tín đồ Phật giáo trong tỉnh do Thượng toạ Thích Thiện Bình làm Trưởng ban.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, từ sau năm 1975, đồng bào Phật giáo Khánh Hoà đã tích cực đóng góp công sức của mình, bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng nếp sống mới ở địa phương. Nhiều tăng ni, phật tử được bầu vào Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Trường cơ bản Phật học Khánh Hoà (sau này là trường Trung cấp Phật học Khánh Hoà) bắt đầu hoạt động từ năm 1990 nhằm đào tạo tăng ni với thời gian học 4 năm, đến nay đã đào tạo ra trường được ba khoá.
Thực hiện Nghị định 69/HĐBT ngày 21/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Nghị định 26NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ nhiều cơ sở chùa chiền, tu viện, tịnh thất đã được sửa chữa và xây dựng mới trong những năm gần đây. Việc hành đạo của đồng bào phật tử được Nhà nước tôn trọng và giúp đỡ.
Theo số liệu thống kê năm 2001, toàn tỉnh có 306 tu viện, chùa, tịnh xã, tịnh thất và Niệm Phật đường với 818 chức sắc tôn giáo gồm 10 hoà thượng, 26 thượng toạ, 276 đại đức, 04 ni trưởng, 22 ni sư và hàng trăm tăng ni sinh đang tu học cùng khoảng 200.000 tín đồ mà phần lớn có thờ Phật tại nhà.
Các ngôi chùa xưa ở Khánh Hoà tính từ cuối thế kỉ XIX về trước là những vốn quý về văn hoá – lịch sử của tỉnh, đã thu hút số đông khách tham quan du lịch trong và ngoài nước cùng các nhà nghiên cứu. Sau đây là những địa chỉ cụ thể:
ở Nha Trang có chùa Cát (Hội Phước Tự), ban đầu có tên là chùa Phước An nằm trên đồi Hoa Sơn (núi Một), xây dựng từ năm 1680, đến đầu thế kỉ XVIII mới dời về Phương Sài hiện nay. Chùa Kim Sơn (Ngọc Hội, Vĩnh Ngọc) tạo dựng khoảng năm 1732-1735. Chùa Liên Hoa (tên cũ là chùa Linh Phong trước ở thôn Xuân Phong, sau dời về thôn Xuân Lạc, Vĩnh Ngọc), được xây dựng năm 1734 hoặc trước đó, bởi hiện chùa vẫn giữ được một câu đối liên do chúa Nguyễn Phúc Khoát ngự bút viết năm 1734. Chùa Bửu Phong (còn gọi là chùa Núi, chùa Quan Thánh, ở phường Phước Hải) tạo dựng năm 1753 hoặc trước đó, vì hiện còn một quả đại hồng chung đúc năm 1753. Chùa An Dưỡng (Vĩnh Thái) cũng được xây dựng khoảng thời gian trên. Chùa Hải Đức (Phương Sơn) tạo dựng vào cuối triều vua Tự Đức (1847-1883) và sau đó xây dựng lại tại địa điểm mới ở đồi Trại Thuỷ (Phương Sơn) vào những năm 1943-1945. Đây cũng chính là Phật học viện Trung phần trước năm 1975. Chùa Nghĩa Phương (Vạn Thạnh) do sư Thích Phổ Quang tạo dựng năm 1890. Chùa Long Sơn (trước ở làng Phước Hải, nay thuộc phường Phương Sơn) được tạo lập năm 1889 dưới chân đồi Trại Thuỷ. Đây là cơ quan Tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hoà và trường Trung cấp Phật học Khánh Hoà, đồng thời là danh thắng nổi tiếng với tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 1m6, nặng đến 700kg và Thích Ca Phật đài cao 39m xây trên đỉnh đồi Trại Thuỷ (riêng phần tượng cao 18m50, bao gồm tượng Phật cao 11m50 và toà sen hình bát giác cao 7m). Cả cụm công trình này được xây dựng bằng bê tông cốt thép, khánh thành vào năm 1963.
ở Ninh Hoà có chùa Bửu Phong (Phong ấp, Ninh Bình) tạo dựng vào năm 1683. Chùa Thiên Bửu (thị trấn Ninh Hoà) và chùa Thiên Bửu (Ninh Đông) xây dựng khoảng năm 1740-1747 và cùng một vị thiền sư tạo lập. Chùa Phổ Hoá (Bình Thành, Ninh Bình) được tạo dựng cùng thời với chùa Thiên Bửu, chùa Thanh Lương (Nhĩ Sự, Ninh Thân) xây dựng năm 1747 hoặc trước đó, bởi hiện còn quả đại hồng chung đúc năm 1747 do Hoà thượng Tế Hiển trụ trì chùa Thiên Bửu chứng minh. Chùa Phước Huệ (Thạnh Mỹ, Ninh Quang) xây dựng khoảng cuối thế kỉ XVIII lúc Nguyễn ánh cùng Tây Sơn giao tranh (1790-1796), xưa gọi là chùa Gạch và là nơi Nguyễn ánh (Gia Long) tá túc dưỡng bệnh một thời gian, sau khi bị Tây Sơn đánh bại ở Hòn Khói, Ninh Hoà. Chùa Thiên Đức (Bình Tây, Ninh Hải) tạo dựng năm 1820. Chùa Thiên Phước (Phú Nghĩa, Ninh Đông) tạo dựng năm 1847. Chùa Thiền Sơn (dân địa phương quen gọi là chùa Lỗ Mây, ở Tân Hưng, Ninh Hưng) xây dựng cùng thời với chùa Thiền Sơn. Chùa Bảo Long (Thuận Mỹ, Ninh Quang) xây dựng năm 1886 nổi tiếng với huyền thoại về quả đại hồng chung vớt lên từ bầu Nổi mà Quách Tấn (Xứ Trầm Hương), Nguyễn Đình Tư (Non Nước Khánh Hoà) có chép lại. Chùa Kim Long ở Phú Hoà và chùa Thạch Thành (Ninh Quang) cũng được xây dựng vào những năm cuối thế kỉ XIX. Riêng chùa Thạch Thành từng được Hoà thượng Bồ tát Thích Quảng Đức trụ trì vài năm trước khi Người vào Sài Gòn tạo dựng chùa Quan Thế Âm ở Phú Nhuận rồi tự thiêu năm 1963.
ở Vạn Ninh nổi tiếng với chùa Linh Sơn (thôn Hiền Lương) xây dựng năm 1761, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 triều vua Lê Hiển Tông.
ở Diên Khánh có chùa Linh Sơn (nay là chùa Tân Long) tạo lập khoảng cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Chùa Vạn Thiện (còn gọi là chùa Linh Phù, ở An Ninh, Diên An) tạo dựng khoảng năm 1740 – 1786 dưới triều vua Lê Hiển Tông. Chùa Thiên Lộc (Phú Ân Nam, Diên An) tạo lập năm Đinh Sửu tức năm 1757 đời Lê Hiển Tông hoặc năm 1817 đời Nguyễn Gia Long, hiện niên đại chưa xác định rõ, chỉ biết được trùng tu vào năm 1856. Chùa Hoa Tiên (Phú Ân Nam, Diên An) xây dựng năm 1811 đời vua Gia Long. Ngoài những không gian cổ tự thiêng liêng trên, có thể kể thêm một vài ngôi chùa tuy mới được xây dựng từ giữa thế kỉ XX nhưng lại trở thành danh thắng hữu tình thu hút số đông phật tử và khách tham quan du lịch như chùa Giác Hải (Xuân Tự, Vạn Ninh) với toà Quan Âm, nằm trên ngọn núi Phổ Đà, hướng về biển Đông, v.v… Tất cả đều là nơi bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc, nơi diễn ra những lễ hội, sinh hoạt văn hoá tinh thần của con người trên mảnh đất Nam tiến từ bao đời nay.
1. Tức dòng thiền của Thiền sư Trùng Hiển (890-1052) trụ trì chùa Tư Khánh núi Tuyết Đậu, Trung Quốc. Ông này được vua nhà Tống ban hiệu Minh Giác nên dòng thiền của ông được gọi là Tuyết Đậu Minh Giác.
2. Quách Tấn. Xứ trầm hương. Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hoà, tái bản, 2002, tr. 310.
3. Xem: Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2. Nxb Văn học, Hà Nội 1994, phần viết về Phật giáo xứ Đàng Trong (tái bản).
4. Nguyễn Lang viết: “Thiền sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một phái thiền linh động, có gốc rễ ở Đàng Trong. Trước ông, Phật giáo ở Đàng Trong mang mầu sắc Quảng Đông. Ông đã Việt hoá thiền phái Lâm Tế và làm cho thiền phái này trở thành thiền phái của đa số phật tử Đàng Trong. Kiến trúc, lễ nhạc bắt đầu trút màu sắc Trung Quốc và từ từ mang lấy màu sắc dân tộc… Bốn vị đệ tử lớn của ông là Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu đã tạo lập bốn trung tâm lớn và hàng chục Tổ đình được tạo dựng khắp Đàng Trong vào thế kỉ XVIII đều thuộc môn phái Liễu Quán. Phong trào Phục hưng Phật giáo đầu thế kỉ XX đã dựa trên cơ sở môn phái mang tên ông“. (Việt Nam Phật giáo sử luận. Tập 2. Nxb văn học, Hà Nội 1994, tr. 207-208).
5. Nhận định của Hoà thượng Thích Mật Thể trong: Việt Nam Phật giáo sử lược. Minh Đức, Sài Gòn 1960 (tái bản).