Trang chủ Nghiên cứu "Phật giáo ở đâu…": Câu hỏi muộn màng (Bài 24)

"Phật giáo ở đâu…": Câu hỏi muộn màng (Bài 24)

191

1)    Dẫn nhập: Mục tiêu của loạt bài ““Phật giáo ở đâu?”: Câu hỏi muộn màng” là giới thiệu đến bạn đọc những bài báo, bài nghiên cứu, trích đoạn sách từ báo, tạp chí, sách in, tư liệu trên mạng ghi nhận tình trạng thiểu số hóa Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh phát triển của các tôn giáo, giúp quý tăng ni Phật tử có thêm thông tin trên bước đường hoằng pháp.
Tư liệu được giới thiệu dưới đây cung cấp cho chúng ta thông tin về một phần bức tranh tôn giáo, qua việc ghi nhận việc phát triển của các hội đoàn vệ tinh của một tôn giáo ở một địa phương cụ thể.
Việc giới thiệu thể hiện quan điểm phải luôn nhìn nhận đánh giá Phật giáo trong mối liên hệ với sự phát triển của các tôn giáo khác, giữa bối cảnh bức tranh chung tôn giáo trên cơ sở nhận thức toàn diện, nhận thức liên hệ tương quan và nhận thức vận động.
2)    Tư liệu, tác giả, xuất xứ
2.1. Tên tư liệu: “Sự hình thành và phát triển của các hội đoàn Công giáo ở giáo phận Thái Bình”.
2.2. Tác giả: Thạc sĩ Hà Xuân Bản, Tap chí Công an Nhân dân, Bộ Công an.
2.3. Xuất xứ: Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6 (132), 2014, trang 58-72.
3) Giới thiệu sơ nét:
Qua việc thông tin cho người đọc về sự hình thành và phát triển của các hội đoàn đạo Ca tô La Mã (trong bài nghiên cứu gọi là Công giáo), ở một giáo phận đồng bằng, Bắc Bộ, bài nghiên cứu cho chúng ta thấy diện mạo sự hồi phục và phát triển mạnh mẽ hiện nay của hoạt động hội đoàn vệ tinh của một tôn giáo.
 Địa phương được ghi nhận chỉ là một trường hợp cụ thể, tiêu biểu cho sự phát triển chung tương tự, là một mảng của bức tranh tôn giáo chung, điều mà người tu sĩ tín đồ Phật tử có trách nhiệm cần phải quan tâm.
 Sự phát triển loại những hội đoàn như thế có ảnh hưởng gì đến Phật giáo Việt Nam. Tiểu thuyết nổi tiếng “Bão biển” của nhà văn Chu Văn, tác phẩm đã từng được giảng dạy ở trường phổ thông trung học và khoa ngữ văn các trường đại học, đã ghi nhận những tác động mà các đội tự vệ Công giáo vũ trang đối với chùa chiền đình miếu ở những khu vực không Công giáo (trong tác phẩm Bão Biển gọi là “lương”). Chúng ta thấy ở đó một dạng xung đột tôn giáo mà bạo lực chỉ đến từ một bên dựa vào thế lực thực dân và một bên cam chịu, gánh lấy hậu quả đau thương.
Tác phẩm “Bão Biển” đã ghi nhận sự tàn phá đối với chùa chiền, miếu mạo ở những vùng mà tự vệ Công giáo càn qua. Thực chất đoàn thể này vượt xa danh xưng tự vệ, mà trở thành một lực lượng quân sự cát cứ, luôn nhắm tới mục tiêu mở rộng vùng ảnh hưởng.
Từ một góc nhìn khác, lịch sử về giai đoạn nói trên đã được thông tin qua tư liệu đang được giới thiệu với phần “Lịch sử các hội đoàn Công giáo ở giáo phận Thái Bình”.
Điều được ghi nhận là hiện nay các hội đoàn đạo Ca tô La Mã đã được khôi phục, trong đó, có những hội đoàn mà tác giả Hà Xuân Bản gọi là “hội đoàn Công giáo đan xen yếu tố Công giáo và yếu tố chính trị xã hội. Trong đó, có các “tên gọi” như “Tự vệ xứ, Bảo vệ Trật tự Thánh đường, Bảo vệ Giáo hội”.
Bên cạnh đó, nhiều hình thức phong phú tập họp tín đồ đã được tổ chức xung quanh giáo hội địa phương của đạo Ca tô La Mã.
Những hội đoàn thuần túy hoạt động tôn giáo, có mục tiêu đoàn kết, sinh động hóa hoạt động tôn giáo là những hình thức tổ chức mà Phật giáo Việt Nam có thể quan tâm tham khảo. So với những hoạt động như vậy, tổ chức gia đình Phật tử, Thanh niên Phật tử, các đạo tràng… của Phật giáo dường như là còn quá ít ỏi.
Sự lớn mạnh của những hội đoàn vệ tinh của các tôn giáo khác, trong tương quan so sánh, phần nào cho thấy thực trạng thiểu số hóa Phật giáo. Tín đồ và hoạt động Phật giáo Việt Nam có tăng, nếu chỉ xét riêng Phật giáo. Còn khi so sánh với mức tăng trưởng hoạt động của các tôn giáo khác, nhất là về mặt tổ chức thì có lẽ là kém, mà có thể kém xa nữa là đàng khác.
4)    Trích dẫn giới thiệu:
“3. Lịch sử các hội đoàn Công giáo ở Giáo phận Thái Bình
3.1. Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1954
Trước năm 1936, khi còn thuộc Giáo phận Trung, Giáo hạt Thái Bình đặt dưới sự coi sóc của Giám mục Munagorry Y Obineta, người Tây Ban Nha, có tên Việt Nam là Trung. Vị giám mục này là người cùng thời với Giáo hoàng Pio XI, người phát động phong trào Công giáo tiến hành. Do vậy, Giám mục Trung là người nổi tiếng không chỉ trong việc kiến thiết các công trình của Giáo phận như tiểu chủng viện, đại chủng viện, cô nhi viện, bệnh viện, tu viện, trường dạy kinh bổn…, mà còn trong việc truyền giáo. Năm 1923, vị giám mục này thành lập nhiều hội đoàn Công giáo để thực hiện việc tông đồ giáo dân trong phong trào Công giáo tiến hành. Hoạt động của Giám mục Trung được sự hỗ trợ của chính quyền thực dân và sự cổ vũ bởi đường hướng Công giáo tiến hành làm cho số lượng giáo dân Giáo phận Bùi Chu phát triển nhanh, Giáo hoàng Pio XI  coi giáo phận Bùi Chu khi ấy là “giáo phận truyền giáo kiểu mẫu”. Sự phát triển nhanh về số lượng giáo dân là nguyên nhân việc chia tách Giáo phận Trung ra làm Giáo phận Bùi Chu và Giáo phận Thái Bình vào ngày 6/9/1936.
Giai đoạn 1936-1942, Giáo phận Thái Bình đặt dưới sự coi sóc của Giám mục Thuận. Trong 5 năm, vị giám mục này đã nâng năm họ đạo lẻ là Hữu Vi (1936), Thuần Túy (1937), Trà Vi (1937), Cát Đàm (1940) và Bạch Long (1941) lên hàng giáo xứ. Điều này minh chứng cho công tác truyền giáo được đẩy mạnh khắp nơi trong Giáo phận Thái Bình đương thời.
Từ năm 1941 đến năm 1954, Giáo phận Thái Bình đặt dưới sự coi sóc của Giám mục Ninh. Đây là giai đoạn các hội đoàn Công giáo ở Thái Bình hoạt động sôi nổi nhất, nhưng tính chất của chúng nhiều khi không còn giữ được hình thức thuần túy tôn giáo nữa do sự tác động của nhiều yếu tố Đạo và Đời.
Điều lo lắng của Giáo hoàng và Hội Thừa sai Paris đã xảy ra: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Việt Minh lãnh đạo đã thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Lời tuyên bố này xua tan u ám nặng nề mà chính sách chia rẽ tôn giáo của chính quyền thực dân gây ra, làm cho đồng bào Công giáo tin tưởng vào cách mạng. Người Công giáo Việt Nam được sống đạo với tư cách là công dân của một nước độc lập. “Hàng ngũ giám mục, linh mục và giáo dân Việt Nam, tất cả đều ủng hộ Người (Chủ tịch Hồ Chí Minh-TG). Trong không khí tưng bừng của những ngày đầu đất nước độc lập, ngày 10/10/1945, tại Thái Bình 20.000 giáo dân kéo tới hoan hô Hội đồng Mục vụ Giáo phận. Nhiều khẩu hiệu được kết băng phấp phới trước gió như: “Hoan hô Đức Giáo hoàng, Giáo hội Việt Nam hoàn lại cho người Việt Nam! Nước Việt Nam độc lập muôn năm… Một trang sử vừa được lật sang song tiếc thay chẳng được bao lâu”.
Dã tâm xâm lược của thực dân Pháp không thay đổi. Chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa và việc đó được thực hiện dưới sự điều khiển của một linh mục Công giáo. Giáo sĩ Thiery d Argenlieu được Chính phủ Pháp giao trọng trách điều khiển lính viễn chinh tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược hòng bắt dân tộc Việt Nam trở lại  làm thân phận nô lệ. Để bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành lại từ tay phát xít Nhật, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhiều lần nhân nhượng những yêu sách của thực dân Pháp. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thì thực dân Pháp càng lấn tới.
Trong bối cảnh đó, cuộc kháng chiến 9 năm (1945-1954) bùng nổ là điều tất yếu. Thời gian này, “một vài lãnh tụ Công giáo đã vạch ra đường lối xử thế, mà nhiều người rồi đây đã thấy là xảo quyệt gian hùng”. Sự xảo quyệt gian hùn ấy được biểu hiện bằng những việc làm cụ thể. Hội nghị Giám mục Đông Dương dưới sự chủ tọa của Khâm sứ John Dooley ra Thư Chung 1951 ngăn cản linh mục, giáo dân tham gia kháng chiến, bắt họ gia nhập các tổ chức chống lại chính quyền cách mạng: “Người Công giáo phải vâng phục nhà cầm quyền và dùng mọi phương tiện sẵn có để chu toàn nghĩa vụ… Do đó, Hội Thánh bó buộc mỗi giáo hữu phải thực hành nếu không sẽ mất phần hạnh phúc đời đời… Người Công giáo lúc nào cũng chống Chủ nghĩa Cộng sản và chính sách Cộng sản… Người Công giáo được tự do thiết lập những hội đoàn thuộc phạm vi trần thế”. Thư chung 1951 nhấn mạnh, giáo dân không bao giờ có thể vừa theo Cộng sản, vừa theo; nếu gia nhập Đảng Cộng sản lập tức bị khai trừ ra khỏi giáo hội; chẳng những không được gia nhập Đảng Cộng sản, mà còn không thể cộng tác dưới bất kỳ hình thức nào giúp họ nắm chính quyền.
 Năm 1946, Khâm mạng Tòa Thánh Đông Dương Drapier ra chỉ thị cho các nơi lập lại Liên đoàn Công giáo (vốn thành lập từ năm 1941). Từ đây, nhiều hội đoàn Công giáo ra đời. Nhưng đáng tiếc, như đã đề cập, không ít trong số đó được lập ra theo chủ ý của chức sắc Công giáo đứng về phía kẻ xâm lược, chống lại cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Ở giáo phận Thái Bình, Giám mục Ninh cho thành lập một loạt hội đoàn Công giáo như: Thanh niên Công giáo Dâng mình cho Trái tim Đức Mẹ, Thanh niên Việt Công hội Thuần hóa, Thanh niên Công giáo Tiến hành, Thanh niên Diệt cộng, Đội Vũ trang Công giáo, Đảng Xã hội Công giáo, Đảng Dân chúng Liên hiệp, v.v… Cơ sở của hội đoàn là nhà xứ, mỗi xứ có một liên đoàn do linh mục tuyên úy cầm đầu.
Chức sắc ở Giáo phận Thái Bình đã gửi nhiều hội viên hội đoàn Công giáo sang Nam Định để học các khóa huấn luyện quân sự. Khi mãn khóa, các hội viên này về các xứ đạo, họ đạo trong Giáo phận mở lớp huấn luyện quân sự cho giáo dân dưới danh nghĩa lớp bình dân học vụ, lớp học văn hóa, v.v… Điển hình là lớp huấn luyện ở nhà thờ Giáo xứ Phục Lễ do Linh mục Nguyễn Đình Thông phụ trách.
Học tập mô hình tổ chức đơn vị hành chính vũ trang ở Giáo phận Bùi Chu, nhiều khu Công giáo tự trị được xây dựng ở các huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Tiên (nay là huyện Vũ Thư) lấy xứ Trung Đồng làm thủ phủ. Đứng đầu các khu Công giáo tự trị là Giám mục Ninh. Giám mục Ninh lập Linh mục Lê Quang Oánh làm Chánh tổng Tự vệ, Linh mục Trần Quang Ân là Phó tổng Tự vệ. Các linh mục tuyên úy này phụ trách các hội đoàn Công giáo vũ trang toàn Giáo phận Thái Bình.
Các hội đoàn Công giáo vũ trang làm nồng cốt cho giáo dân gây bạo loạn. Những vụ việc tại Giáo xứ Cao Mại, huyện Kiến Xương; Giáo xứ Phương Xá, huyện Đông Quan (nay là huyện Đông Hưng); Giáo xứ Quỳnh Lang, huyện Quỳnh Côi; Giáo xứ Trung Đồng, huyện Tiền Hải, v.v… trong 9 năm kháng chiến cho thấy rõ việc các hội đoàn Công giáo tham gia chống phá cách mạng.
Hậu quả nặng nề mà nhiều giáo sĩ và giáo dân gây ra cho cách mạng xuất phát từ chiến dịch tuyên truyền của Giáo hội, được thực hiện bởi các hội đoàn Công giáo. Cuộc thánh chiến chống Cộng không chỉ được tổ chức trên quy mô toàn Giáo phận Thái Bình, mà còn phối thuộc với các giáo phận khác như Bùi Chu, Phát Diệm. Giáo dân được khuyên đi lính bảo hoàng để bảo vệ đạo, nếu có chết được coi là tử vì đạo, được lên thẳng Thiên Đường. Những ai đi ngược lại lời khuyên đó là vi phạm giáo luật.
Nhưng những tuyên truyền nêu trên không ngăn cản được một số giáo dân yêu nước. Họ vượt qua giáo quyền đứng về cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Kẻ thù của cách mạng đã thất bại trước ý trí độc lập quật cường của dân tộc Việt Nam.
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thức thắng lợi. Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 21/7/1954 công nhận nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Vĩ tuyến 17 là ranh giới tạm thời phân chia hai miền Nam Bắc về mặt quân sự để quân viễn chinh Pháp tập kết ở phía Nam vĩ tuyến trước khi về nước. Nhân dân Việt Nam háo hức chờ một cuộc tổng tuyển cử thống nhất Tổ quốc, chấm dứt một trang sử đau thương gần một thế kỷ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Song diễn biến lịch sử lại theo một chiều hướng khác. Vừa thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam lại phải cầm súng chống đế quốc Mỹ. Vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới chính trị phân chia hai miền Nam – Bắc, hai chế độ chính trị khác nhau trong suốt hơn 20 năm.
Ngày 28/6/1954, người Pháp thực hiện cuộc hành binh cuối cùng rút khỏi miền Bắc, cùng các sĩ quan, binh lính, công chức dân sự người Việt Nam làm tay sai. Với cuộc rút lui của quân Pháp, Giáo hội Công giáo mở chiến dịch tuyên truyền: “Chúa Ki tô đã đi vào Nam”, “Đức Mẹ đã rời bỏ Bắc Việt”,… Cuộc di cư lịch sử bắt đầu, với sự ra đi trước hết của các chức sắc, tu sĩ và giáo dân chống cộng. Sau sự kiện này, Giáo phận Thái Bình bị trống tòa. Do vậy, từ năm 1954 đến năm 1960, Linh mục Đinh Đức Trụ cai quản Giáo phận Thái Bình với tư cách là Giám mục Tông tòa; từ năm 1960 đến năm 1982 với tư cách là Giám mục Chính tòa.
3.2. Từ năm 1954 đến nay
Từ năm 1954 đến năm 1960, hầu hết các hội đoàn Công giáo chống lại cách mạng đã di cư vào Nam. Các hội đoàn Công giáo thuần túy tôn giáo như Hội Kèn, Hội Trống, Hội Trắc cũng ngừng hoạt động.
Thời kỳ này, đất đai của Nhà Chung bị thu hẹp trong cuộc cải cách ruộng đất. Nguồn kinh phí cho hoạt động tôn giáo từ lợi tức của Nhà Chung không còn hoặc rất eo hẹp. Hơn nữa, với sự mặc cảm về chính trị, thành viên các hội đoàn Công giáo không thể làm gì khác hơn là tham gia vào các đoàn thể xã hội mới được thiết lập để xây dựng quê hương sau chiến tranh. Các phong trào “Tổ đổi công”, “Hợp tác hóa nông nghiệp”, việc thành lập Đội Thiếu niên Nhi đồng, Đoàn Thanh niên Lao động, Hội Phụ nữ… đã lôi cuốn mọi thành phần lương cũng như giáo. Sau này, các phong trào “Thanh niên ba sẵng sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang” cuốn hút người dân Thái Bình vào các hoạt động chung, xứng đáng với truyền thống của hậu phương lớn: thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả vì cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, ở Giáo phận Thái Bình, nhiều nhà thờ bị bom Mỹ phá hủy, một số cơ sở của Giáo hội bị công hữu hóa, trong số các hội đoàn Công giáo chỉ còn Dòng Ba Đa Minh và Hội Mân Côi hoạt động. Đây là thời điểm 13 linh mục ở lại Giáo phận, số thì đi cải tạo, số thì già yếu khó có thể đảm đương công tác mục vụ. Công việc đào tạo linh mục khi ấy gặp nhiều khó khăn do thiếu tài liệu, thiếu giảng sư và chiến tranh ngày càng ác liệt, nên Giám mục Đinh Đức Trụ “đã truyền chức cho một số thầy, hầu đáp ứng nhu cầu trong Giáo phận”. Các lễ truyền chức diễn ra âm thầm, nên tuy là linh mục, thường gọi là “linh mục áo ngắn”, song các vị này không được công khai hoạt động với tư cách giáo sĩ, không mặc áo lễ. Chỉ có giáo dân mới nhận biết họ.
Năm 1975, nước nhà thống nhất, các giáo đoàn miền Nam và miền Bắc nối lại quan hệ sau một thời gian dài bị chiến tranh chia cắt. Năm 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam lần đầu tiên họp tại Thủ đô Hà Nội, ra Thư Chung khẳng định đường hướng: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”.
Ở Giáo phận Thái Bình, Giám mục Đinh Đức Trụ gửi thư mục vụ cho các linh mục phổ biến Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đời sống đạo của các giáo dân Giáo phận Thái Bình có những thay đổi đáng kể sau Thư chung 1980, nhưng hoạt động của các hội đoàn Công giáo thì không tiến triển gì thêm. Sau khi Giám mục Đinh Đức Trụ qua đời, người kế nhiệm chức vụ Giám mục Giáo phận Thái Bình là Giám mục Đinh Bỉnh. Thời kỳ tại nhiệm của Giám mục Đinh Bỉnh, các hội đoàn Công giáo ở Giáo phận Thái Bình vẫn trong tình trạng như giai đoạn dưới thời Giám mục Đinh Đức Trụ.
Năm 1989, Giám mục Đinh Bỉnh qua đời, Hồng y Trịnh Văn Căn trở thành Giám quản Tông tòa Giáo phận Thái Bình. Dưới thời coi sóc của Hồng y Trịnh Văn Căn, một số hội đoàn Công giáo ở Giáo phận Thái Bình được khôi phục để phục vụ lễ nghi trong tháng kính Đức Mẹ Maria.
Từ sau năm 1990, việc phục hồi, củng cố và phát triển các hội đoàn Công giáo ở Giáo phận Thái Bình diễn ra nhanh chóng và đạt kết quả đáng kể. Nếu từ năm 1954 đến năm 1990, chỉ có Dòng Ba Đa Minh, Hội Mân Côi, Hội Dâng hoa, Hội Kèn, Hội Trống và Hội Trắc ở các xứ đạo lớn, thì đến năm 1996, 13 hội đoàn Công giáo được Tòa Giám mục cho thành lập trên khắp các xứ đạo, họ đạo ở Giáo phận Thái Bình. Kết quả này do nhiều yếu tố, trong đó có vai trò quan trọng của Giám mục Nguyễn Văn Sang, vừa với tư cách Giám mục Giáo phận Thái Bình, vừa với tư cách Chủ tịch Ủy ban Giáo dân của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
4. Hình thức tổ chức và phương thức hoạt động của các hội đoàn Công giáo ở Giáo phận Thái Bình
4.1. Nhóm hội đoàn thuần túy tôn giáo
Có thể chia nhóm hội đoàn thuần túy tôn giáo làm hai loại: những hội đoàn phục phụ lễ nghi Công giáo, những hội đoàn chuyên biệt suy niệm, cầu nguyện và bác ái.
–    Về những hội đoàn phục vụ lễ nghi Công giáo.
Ca đoàn, kèn, trống, trắc, dâng hoa, bát âm,… là những hội đoàn có tổ chức từ rất lâu trong Giáo hội, bởi chúng gắn chặt với lễ nghi Công giáo. Giáo hội nhiều khi không coi chúng là hội đoàn, mà chỉ là những đội phục vụ nghi lễ, vì tổ chức của chúng lỏng lẻo, có khi hoạt động theo mùa vụ.
Hội Dâng hoa: tập hợp trẻ em tuổi từ 8 đến 16. Giáo hội Công giáo coi việc dâng hoa là hình thức đạo đức tốt lành để bày tỏ lòng thành dâng kính Đức Mẹ. Hội có các quản nhi đứng đầu, dạy hát múa, dâng hoa theo nhịp của người lĩnh xướng để hiệp lễ trong tháng kính Đức Mẹ (tháng 5).
Hội Mân Côi: tập hợp hội viên từ 15 tuổi trở lên, thường là nữ tín đồ. Ở Giáo xứ Bác Trạch, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, số hội viên của Hội Mân Côi lên đến 1.600 người. Hội viên được tham dự các hội thi đọc kinh nguyện để tăng lòng một đạo trong Mùa Chay.
Các hội kèn, trống, trắc, bát âm: tập hợp tín đồ có năng khiếu âm nhạc và biết sử dụng nhạc cụ. Thành viên của các hội này được dự các lớp học nhạc lý do nhạc công hay nhạc sĩ có kinh nghiệm tổ chức, nhất là việc phối âm và phối khí cho bộ kèn hơi. Ban Kèn đồng hòa tấu các bản nhạc quy định trong nhạc lễ của Hội thánh, cũng tập các bản nhạc cách mạng để phục vụ các dịp lễ lớn của dân tộc. Các hội kèn, trống, trắc, bát âm phục vụ trong những cuộc rước kiệu, hiệp lễ với ca đoàn ở nhà thờ, đón khách từ xa đến nhân dịp đồng tế thánh quan thầy, chầu lượt, khởi công hay khánh thành nhà thờ giáo xứ hay giáo họ, đón giám mục, phục vụ lễ cưới, lễ tang trong Giáo hội. Ngày nay, các hội đoàn này không chỉ khuôn hẹp trong phạm vi Giáo hội, mà còn phục vụ nhu cầu chung của xã hội.
–    Loại hội đoàn chuyên biệt suy niệm, cầu nguyện và bác ái.
Hội Dòng Ba Đa Minh/Dòng Ba (Huynh đoàn) Đa Minh, thường gọi tắt là Hội Dòng Ba có hai ngành giáo sĩ và giáo dân. Với ngành giáo dân,  đây là hội đoàn lâu đời nhất ở Giáo phận Thái Bình, Hội viên là người có gia đình, tuổi từ 50 trở lên, gia nhập hội đoàn với mục đích noi gương Thánh Đa Minh. Ai tham gia cũng đóng hội phí. Hội còn gây quỹ bằng cách đọc kinh cho người quá cố, sau đó tùy điều kiện, tang gia sẽ gửi một số tiền cho hội. Số quỹ này dùng để nâng đỡ hội viên khó khăn và các việc từ thiện khác.
Khác với Giáo phận Thái Bình, ở Giáo phận Bùi Chu xuất hiện Hội Huynh đoàn Đa Minh, ở Giáo phận Xuân Lộc có Huynh đoàn Đa Minh Việt Nam, Các Huynh đoàn Đa Minh Việt Nam được tổ chức chặt chẽ, liên kết trên quy mô toàn Giáo phận Xuân Lộc. Hội tập hợp các hội viên tuổi từ 17 đến 50. Hội viên gia nhập hội phải qua thời kỳ dự tuyển (hai năm), thời kỳ tập sinh (hai năm), thời kỳ tuyên hứa tạm (hai đến ba năm). Sau đó bình xét và cho khấn, lời khấn hứa được Giám tỉnh Liên Huynh đoàn xác nhận. Mỗi huynh đoàn có chín người trong Ban Chấp hành. Ban Chấp hành sinh hoạt mỗi tháng một lần.
Với tôn chỉ “Sống đời sống cầu nguyện, hy sinh và hoạt động truyền giáo theo tinh thần của đấng sáng lập bổn mạng”, hội đoàn này không chỉ hoạt động trong lĩnh vực đạo đức, mà còn vươn ra các lĩnh vực xã hội với sứ mệnh to lớn vì hệ thống tổ chức chặt chẽ, vững mạnh, chất lượng hội viên được thử thách và nâng cao.
Hội Nghĩa binh, với nhiều tên gọi khác như Nghĩa binh Thánh thể, Thiếu nhi Thánh thể, Đạo binh Nhi đồng, Trương đồng nam/nữ: tập hợp các cháu trong độ tuổi học trò để làm “quân binh thiêng liêng chuyên chăm hãm mình, cầu nguyện cho Giáo hội, cầu nguyện cho Tổ quốc, cho người hấp hối chết lành”. Hội đoan Công giáo này vốn được các thừa sai Dòng Tên thành lập từ thế kỷ XVII. Ở Giáo phận Thái Bình, Hội Nghĩa binh được thành lập từ năm 1937. Mỗi hội đều có quản nhi đứng đầu. Hội viên được học kinh bổn theo lịch. Nhiều cuộc thi liên giáo xứ về giáo lý, kinh bổn được tổ chức cho hội viên. Linh mục phát phần thưởng và cấp bằng chứng nhận cho những cháu đạt thành tích cao trong học tập giáo lý. Các gia đình Công giáo tự hào về con cháu mình khi nhận được phần thưởng đó, giấy chứng nhận/giấy khen được treo ở chỗ trang trọng trong gia đình.
Hội Con cái Đức Mẹ: hội viên của hội đoàn Công giáo này có phận sự nâng cao địa vị Ki tô hữu trong mọi lĩnh vực đời sống, tham gia công tác từ thiện nhân đạo, thăm viếng người tàn tật, ốm đau. Hội chú trọng đào luyện người Công giáo chuyên biệt suy niệm và cầu nguyện.
Hội Áo Đức Mẹ/Hội Áo Camelo: Hội viên là các bà, các cô, ai cũng hiểu tích Đức Mẹ hiện ra ban áo cho tu sĩ Dòng Camelo. Họ may áo hai mảnh kèm ảnh Đức Mẹ, linh mục làm phép áo và ảnh, sau đó trao cho hội viên. Hội viên cất dành để khi qua đời sẽ táng theo thân xác để tránh ma quỷ. Hội cũng hoạt động từ thiện nhân đạo và làm nhiều ích lợi cho hội viện.
Hội thánh Teresa: nhận Thánh Teresa hài đồng làm quan thầy. Hội viên là phụ nữ cao tuổi, trong lễ gia nhập nêu rõ noi gương Thánh nữ Teresa hài đồng, sống đời sống cầu nguyện, đơn sơ, hiến dâng và phụng vụ. Hội viên hoạt động từ thiện nhân đạo, nâng đỡ an ủi nhau trong lúc khó khăn.
Hội Thánh Giuse/Hội Gia trưởng có hai loại: những hội viên mang trên Thánh bổn mạng Giuse và những hội viên cầu mong Thánh Giuse che chở để được ơn chết lành. Cả hai loại đều có quan thầy là Thánh Giuse. Ở loại hình thứ nhất, hội viên sống noi gương gia đình Thánh Giuse, nêu cao trách nhiệm của người chồng, người cha, chu toàn nhiệm vụ che chở, nhân đức và phục vụ gia đình. Ở loại hình thứ hai, hội viên cầu nguyện Thánh Giuse che chở cho hồn an, xác mạnh, được ơn chết lành. Tất cả nam tín đồ Công giáo có gia đình đều có thể gia nhập hội đoàn này.
Hội Phạt tạ/Hội Gia đình Phạt tạ: tôn vương Chúa Giê su làm vua của nhân loại và làm vua trong từng gia đình hội viên. Hội viên cầu nguyện đền tạ thánh tâm, sống hy sinh, nhận Lễ Thánh tâm Chúa Giê su vua làm lễ kính.
4.2. Nhóm hội đoàn liên quan đến chính trị xã hội
Sau năm 1954, ở Miền Bắc, các hội đoàn Công giáo vũ trang chống lại cách mạng đã tan rã. Hiện nay, trên địa bàn Giáo phận Thái Bình mới xuất hiện một số hội đoàn Công giáo đan xen yếu tố tôn giáo và yếu tố chính trị xã hội như Hội Thanh niên Thánh úy, Hội Giáo lý viên, Hội Trùm cựu, Hội Giới trẻ, Hội Các Bà mẹ Công giáo, v.v… Các hội đoàn Công giáo này, có lúc và có nơi, đã gây áp lực với chính quyền trong việc giải quyết vấn đề dân sự, đất đai của Nhà Chung như ở Giáo họ Tân Mỹ, Giáo xứ Quỳnh Lang năm 1996, ở Nhà thờ Chính tòa Thái Bình năm 1996, v.v…
Hội Các Bà mẹ Công giáo/Hội Hiền mẫu: thành viên chủ yếu là phụ nữ đã có gia đình. Ngoài vấn đề tu thân và giáo dục con cái theo tinh thần Phúc Âm, thành viên của hội còn giúp linh mục dạy giáo lý, rửa tội cho trẻ em hoặc người lớn gần chết, nuôi chủng sinh nghèo, phục vụ họ đạo, thêu may đồ lễ, giúp cô nhi quả phụ, gia đình túng thiếu, các viện dưỡng lão và thương binh.
Hội Cá Bà mẹ Công giáo luôn được củng cố và phát triển, vì hội đoàn này giúp củng cố gia đình Công giáo theo khuôn mẫu của Hội Thánh với những hoạt động cụ thể như: đôn đốc con cháu giờ đọc kinh và đi lễ, giúp đỡ gia đình gặp khó khăn.
Hội Thanh niên Thánh úy, còn có các tên gọi khác như Tự vệ xứ, Bảo vệ Trật tự Thánh đường, Bảo vệ Giáo hội, Đội Trật tự: tập hợp nam tín đồ Công giáo tuổi từ 20 đến 45. Ở Giáo xứ Bác Trạch, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, số hội viên của hội đoàn này là 60 người. Số lượng hội viên có thể huy động ở mức tối đa trong những nghi lễ lớn của Giáo phận. Chẳng hạn, trong Lễ Kỷ niệm Năm Thánh Giáo phận Thái Bình (1996), Tòa Giám mục huy động 150 người mà nồng cốt là Đội Bảo vệ Trật tự Thánh đường của Giáo xứ Bồng Tiên, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư.
Đội Trật tự không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ thánh đường, mà còn tổ chức bảo vệ trật tự địa bàn giáo dân, nên các hiện tượng trộm cắp, nghiện hút, mại dâm thường không xảy ra trong cộng đồng dân cư có người theo Công giáo.
Hội Thanh niên/Hội Giới trẻ: tập hợp thanh niên nam nữ tuổi từ 17 đến 25. Nội dung sinh hoạt của hội tập trung vào thảo kính cha mẹ, kính nhường người có tuổi, sự vâng phục giáo quyền, hôn nhân và gia đình theo lối sống người Công giáo, đặc biệt là truyền giáo. Tỷ lệ lương dân tòng đạo theo hôn nhân, nữ giáo dân lấy chồng bên lương không bỏ đạo có sự đóng góp đáng kể từ hoạt động tông đồ của Hội Giới trẻ.
Hội Trung binh: tập hợp nữ thanh niên Công giáo, nội dung sinh hoạt tương tự như Hội Giới trẻ. Sau khi Hội Giới trẻ ra đời, số lượng Hội Trung binh ở các xứ họ đạo giảm đi rất nhiều.
Hội Trùm cựu: tập hợp hội viên từng tham gia Ban Hành giáo. Hội tư vấn cho hoạt động của Ban Hành giáo đương nhiệm về sinh hoạt tôn giáo, quản lý hành chính đạo theo sự điều hành của Hội đồng Giáo xứ, linh mục xứ hay linh mục quản hạt.
Hội Giáo lý viên: tập hợp hội viên tuổi từ 17 trở lên, gồm cả tu sĩ và giáo dân là người ngoan đạo, có năng lực sư phạm, được tập huấn rồi truyền dạy cho người học sau, nhất là dạy trẻ nhỏ học giáo lý và múa hát. Họ coi việc dạy giáo lý, kinh nghiệm cho trẻ nhỏ là trách nhiệm và vinh dự. Hằng năm, Tòa Giám mục Thái Bình tổ chức thi giáo lý viên giỏi trong toàn Giáo phận. Trong số giáo lý viên, nhiều người muốn trở thành tu sỹ và linh mục.
Các hội đoàn Công giáo đều có hội trưởng, hội phó, thư ký, thủ quỹ hoạt động theo nhiệm kỳ bốn năm: có quan thầy và lễ kính riêng. Có hội sinh hoạt hằng tháng, có hội sinh hoạt hằng tuần, có nội quy chặt chẽ điểu chỉnh hành vi xã hội của hội viên, thái độ và tình cảm của họ đối với gia đình, cộng đồng. Dù tham gia hoạt động tông đồ đối nội hay đối ngoại, họ đều làm từ thiện nhân đạo. Phần lớn hội trưởng các hội đoàn tham gia vào Hội đồng Giáo xứ.
Hội đồng Giáo xứ/Hội đồng Mục vụ: thánh bổn mạng là các thánh tử đạo Việt Nam. Hội đồng Giáo xứ là cơ quan hành chính đạo ở cấp cơ sở, giải quyết các công việc xã hội trong cộng đồng giáo dân như tranh chấp, xung đột dân sự; cũng là đầu mối của hoạt động truyền giáo. Ở họ giáo Cao Mỹ, xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, linh mục đã làm phép xác cho một bà mẹ Việt Nam anh hùng bên lương. Khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng này qua đời, ảnh thờ được treo ở nhà vị Trùm trưởng là một ví dụ cụ thể về hiệu quả hoạt động của chức việc trong Hội đồng Giáo xứ.”
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.