Tiếp tục giới thiệu các tư liệu về tình hình tôn giáo ở vùng núi và cao nguyên Việt Nam, nhằm phục vụ cho Phật sự hoằng pháp đến đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, có thể là tài liệu hữu ích cho tăng ni Phật tử Việt Nam phát nguyện làm Phật sự quan trọng này, trong nội dung dưới đây chúng tôi xin trích giới thiệu bài viết “Hiện tượng tôn giáo mới phái sinh từ Ki tô giáo ở nước ta hiện nay” của PGS. TS Nguyễn Hồng Dương, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong sách “Chủ nghĩa Hậu hiện đại và phong trào tôn giáo mới ở Việt Nam và thế giới”, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM, từ trang 278.
Bài viết trên cho thấy:
– Chiếm lĩnh vùng núi và cao nguyên Việt Nam, ngoài Ki tô giáo (gồm Tin Lành và Ca tô giáo La Mã), còn có những tôn giáo mới. Nhưng những tôn giáo mới này lại phát sinh từ đạo Ky tô.
– Nổi lên ở địa bàn Tây Nguyên là đạo Hà Mòn và nhóm Canh tân Đặc sủng.
– Nổi lên ở địa bàn Tây Bắc là “tín ngưỡng Dương Văn Mình”, đạo “San sư khổ tảo”, đạo “Chữ thập đỏ”, đạo “Sề chù ha ly lù gia”.
– Đạo Hà Mòn và tín ngưỡng Dương Văn Mình phát triển bột phát trong một thời gian ngắn.
– Một số tín ngưỡng đạo Hà Mòn vẫn nhận họ theo “Công giáo” và thái độ đối với tín ngưỡng này của Giáo hội Ca tô La Mã cũng có sai khác.
– Việc phát sinh tôn giáo mới cho thấy Ky tô giáo đã cắm rễ rất sâu ở vùng núi và cao nguyên Việt Nam, từ đó mới dẫn đến những biến thể tôn giáo mới thu hút được một số đáng kể tín đồ như vậy.
– Diễn biến hoạt động của các tôn giáo mới phát sinh từ Ky tô giáo ở vùng núi và cao nguyên Việt Nam là rất phức tạp và không kém phần nguy hiểm. Nó tạo những gam màu tối tăm, u ám, lộn xộn, nhiễu loạn trên bức tranh tôn giáo vùng núi và cao nguyên Việt Nam.
– Tôn giáo mới phát sinh từ Ky tô giáo tạo thêm một tầng nấc mới ngăn trở việc truyền bá Phật giáo lên vùng núi và cao nguyên Việt Nam. Trở ngại mới này, dù nảy sinh chưa lâu, nhưng vấn đề mà nó đặt ra là không nhỏ.
– Bước chậm chân của Phật giáo không chỉ chậm đối với những tôn giáo có quá trình truyền đạo nhiều năm như Ca tô La Mã, Tin Lành mà còn chậm chân với cả những tôn giáo mới phát sinh từ những đạo trên, chỉ mới xuất hiện không lâu. Điều này hết sức đáng tiếc cho Phật giáo Việt Nam.
Dưới đây là đoạn trích dẫn giới thiệu:
“Qua nghiên cứu khảo sát thực tiễn ở địa bàn Tây Nguyên và Tây Bắc của chúng tôi cho thấy nổi lên một số hiện tượng đáng lưu ý.
Ở địa bàn Tây Nguyên nổi lên là “đạo Hà Mòn” và nhóm “Canh tân Đặc sủng”.
Ở địa bàn Tây Bắc là “tín ngưỡng Dương Văn Mình”, đạo “San sư khổ tảo”, đạo “Chữ thập đỏ”, đạo “Sề chù ha ly lù gia”.
Trong bài viết này chúng tôi tập trung đề cập đến hai hiện tượng tôn giáo mới: một là “đạo Hà Mòn”, hai là “tín ngưỡng Dương Văn Mình”.
VÀI NÉT VỀ ĐẠO HÀ MÒN
Đây là hiện tượng tôn giáo mới phát sinh từ Công giáo. Tên đạo Hà Mòn ban đầu là do cơ quan chức năng của chính quyền tỉnh Kon Tum đặt bởi tại địa danh này xuất hiện hiện tượng tôn giáo mới, sau đó một số tín đồ theo hiện tượng tôn giáo mới này cũng tự nhận. Tuy nhiên, còn có một số tín đồ khác lại nhận mình là tín đồ Công giáo.
Từ cuối năm 1999 tại các làng Ko tu, Đắc Wok xã Hà Mòn, huyện Đắc Hà (nay thuộc xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) xuất hiện tin đồn “Đức mẹ hiện hình” trong cộng đồng tín đồ nơi đây. Những người chủ xướng là Y Gyin, Y Kach, A Níp… đứng đầu là Y Gyin. Y Gyin (còn có tên là Y Êm) người dân tộc Ba Na, thuộc ngành Rongao, cư trú tại Ko tu xã Hà Mòn, huyện Đắc Hà. Bà Y Gyin sinh năm 1942, không biết chữ.
Y Gyin tuyên truyền rằng: Vào lúc 12 giờ khuya ngày 20-12-1999, bà đã trông thấy Đức Mẹ Maria hiện ra chói lọi trên nóc nhà. Đức Mẹ lựa chọn Y Gyin để phán truyền sứ điệp cho loài người: “Trái đất này sẽ có ngày tận thế. Ai tâm niệm Đức mẹ, linh hồn sẽ được lên Thiên đàng, còn không sẽ bị xuống hỏa ngục với muôn vàn đau đớn vì quỷ quái hành hạ… Mọi người theo Đức Mẹ hãy đọc kinh “Kính Đức Mẹ”, thường xuyên làm lễ dâng hoa và góp tiền, của để trang trí nơi thờ tự”.
Y Gyin nguyên là một phù thủy (người dân tộc thiểu số địa phương gọi là Bơgau) có khả năng thuyết phục người khác khiến cho những người xung quanh dễ tin theo. Để lôi kéo được nhiều người, bà ta cho vẽ hình Đức Mẹ thờ tại nhà, viết tài liệu “Thông điệp Đức Mẹ hiện hình” bằng tiếng dân tộc, sử dụng cả băng, đĩa về Đức Mẹ của Công giáo đã phát hành, lựa chọn những đoạn ghi trong Kinh Thánh của Công giáo để sao, trích, biên dịch thành những tài liệu về việc Đức Mẹ hiện hình để tuyên truyền. Lợi dụng những sự kiện thiên tai, bảo lụt, sóng thần, động đất… phát trên truyền hình, Y Gyin truyền bá tư tưởng là do Đức Mẹ tạo ra, là sự trừng phạt của Đức Mẹ.
Hình thức tuyên truyền của Y Gyin là: “Ai đi theo Đức Mẹ sẽ được Đức Mẹ cho khỏi khổ đau, bất hạnh, sẽ được xóa nợ ngân hàng, không phải sản xuất vất vả, có cuộc sống tự do, không cần nhà nước, chính quyền. Nếu các tín đồ có tội, đọc kinh sám hối càng nhiều và đóng góp tiền càng nhiều sẽ được xóa tội. Khi hiện hình, Đức Mẹ sẽ ban nước Thánh cho các con chiên, uống vào người mù sẽ sáng lại, người liệt sẽ đi lại bình thường, người bị câm sẽ nói được. Người theo đạo không được bỏ đạo, trong gia đình chồng hoặc vợ theo đạo mà người kia không theo đạo thì bỏ nhau”.
Cùng với thời gian, số người mà Y Gyin lôi kéo tập hợp ngày một nhiều, ban đầu là số người ở Hà Mòn, về sau phát triển ra nhiều thôn, xã, huyện thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc ở Tây Nguyên. Phần lớn những người tin theo đạo Hà Mòn là phụ nữ và thanh niên nhận thức còn thấp. Trong số những người “đạo”, Y Gyin và một số cốt cán phân công phụ trách giảng đạo, làm thủ quỹ, thư ký… Nơi cầu nguyện là nhà ở. Tài liệu được dùng cho giảng đạo, Y Gyin và một số cốt cán tự biên soạn bằng tiếng dân tộc. Trong số đó có tài liệu mà Y Gyin “nhận được từ Đức Mẹ” nói lại rồi qua một số cốt cán ghi lại (Y Gyin không biết chữ). Y Gyin tự nhận mình là Thị Nhân (người chứng kiến Đức Mẹ hiện hình và nhận được lời truyền của Đức Mẹ). Những tài liệu mà số người cầm đầu biên soạn bằng chép tay sau đó nhân bản với nội dung có trích trong Kinh Thánh, nhưng không đầy đủ và dựng lên nhiều chuyện để tín đồ tin theo (phổ biến chung là trích câu gốc trong Kinh Thánh, dựng lên hình ảnh một người nào đó đã chết hiện về dặn với người sống…).
Về sinh hoạt tôn giáo: Trước đây, khi chưa theo đạo Hà Mòn, số tín đồ này sinh hoạt chung điểm nhóm với cộng đồng tại nhà riêng của một số tín đồ trong làng hoặc nhà riêng của giáo phu, hoặc cơ sở thờ tự tạm… Sau khi theo đạo, số này tách ra sinh hoạt riêng. Do vậy, trong một làng chia thành hai nhóm. Thời gian sinh hoạt về cơ bản như thời gian sinh hoạt của Công giáo nhưng có khác là vào những ngày 10, 20, 30 hàng tháng và chủ nhật hằng tuần tổ chức dâng hoa cho Đức Mẹ. Sở dĩ có sự kiện này, theo giải thích của tín đồ: Thứ nhất, họ nghe theo lời bà Y Gyin là phải dâng hoa cho Đức Mẹ, Thứ hai do không được hàng giáo sĩ làm phép rửa tội nên thông qua việc dâng hoa để mong Đức Mẹ xóa hết tội lỗi.
Những năm từ 2003 đến hết 2005 chính quyền địa phương vận động bà con di dân ra khỏi khu vực ngập nước lòng hồ thủy điện Plei Krong, sinh hoạt tôn giáo của tín đồ có nhiều biểu hiện bất bình thường. Đó là: Tín đồ đọc kinh cùng với bà con trong làng, sau đó tụ tập thành nhóm riêng để đọc kinh thêm. Khi chính quyền xử lý nghiêm, không cho họ tụ tập nữa, họ tập trung ngoài rừng, thường là từ khuya đến sáng, thậm chí có nơi đọc thâu đêm (ở Kon Rẫy). Vì những lý do này, chính quyền cơ sở cho đây là biểu hiện không bình thường, nhất là cũng thời gian kể trên, nhân dân (cũng là tín đồ) của các làng Đak Wok, Ko tu ở xã Hà Mòn, huyện Đắc Hà không chịu di dời qua nơi ở mới, nên chính quyền gọi đây là “đạo Hà Mòn”. Một số người cầm đầu bị chính quyền gọi hỏi, thậm chí có những xử lý mạnh tay như xử phạt hành chính, lao động công ích. Khi chính quyền không xử phạt như trước, các tín đồ trở lại sinh hoạt tôn giáo bình thường. Thời gian sinh hoạt mỗi điểm thường từ 45-60 phút. Lịch sinh hoạt giống như bên Công giáo, hàng ngày sáng, tối cầu nguyện, riêng chủ nhật cầu nguyện lâu hơn.
Để có kinh phí hoạt động và sinh hoạt cá nhân, số đối tượng cốt cán cầm đầu yêu cầu tín đồ đóng góp tiền trong các buổi lễ, và sự đóng góp tùy theo hoàn cảnh của từng người.
Quan điểm của Tòa Giám mục Kon Tum về đạo Hà Mòn. Hầu hết giáo sĩ, tu sĩ Công giáo ở Giáo phận Kon Tum tỏ thái độ phản đối đạo Hà Mòn. Họ cho rằng: “Đức Mẹ luôn ở một chỗ đặc biệt trong tâm hồn và cuộc sống mọi tín đồ Công giáo”, “không có cơ sở để khẳng định Đức Mẹ đã hiện về tại nhà bà Y Gyin ở Hà Mòn”. Do vậy, Giáo hội không công nhận sự kiện này. Mặt khác, sự việc diễn ra đi ngược với đức tin, giáo lý, giáo luật của Giáo hội Công giáo, gây xáo trộn trong sinh hoạt của giáo dân và hoạt động mục vụ của linh mục tại một số giáo xứ, họ đạo trong giáo phận.
Ngày 14/11/2006, trong buổi lễ “Ngày giáo phu” của Giáo phận Kon Tum được tổ chức tại nhà thờ chính tòa Kon Tum Ko mâm, Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh chính thức có văn bản giảng giải về phép lạ “Đức Mẹ hiện hình” theo quy định của Giáo hội cho các giáo phu. Đồng thời, Giám mục khẳng định việc đưa tin Đức Mẹ hiện hình ở làng Ko Tu và một số địa phương khác thời gian qua là không có thật, trái với quy định của giáo luật và không được Giáo hội thừa nhận. Giám mục yêu cầu linh mục phục vụ chính xứ và các giáo phu phải có trách nhiệm nhắc nhở giáo dân tuyệt đối không được tin vào những tin đồn thất thiệt đó, phải tuân theo đức tin chính thống của mình.
Ngày 6-2-2007, trong buổi Cấm phòng linh mục đầu tháng, Giám mục Miae Hoàng Đức Oanh khẳng định việc tuyên truyền Đức Mẹ hiện hình ở Hà Mòn là trái với quy định của Giáo hội, cấm mọi giáo dân không được tin theo, ai tin theo sẽ bị rút phép thông công, không được xưng tội chịu lễ, không được đến nhà thờ tham dự Thánh lễ. Giám mục yêu cầu các linh mục, tu sĩ phải giải thích, kêu gọi những người tin theo “quay về với cộng đoàn với giáo lý tinh truyền giáo hội”.
Trước vấn đề này, một số linh mục chính xứ có cách nhìn nhận đặc biệt là cách giải quyết khác nhau. Có linh mục sau một thời gian thuyết phục số giáo dân theo đạo Hà Mòn không thành đã kiên quyết không cho những tín đồ theo đạo này sinh hoạt với cộng đồng giáo dân địa phương. Trong khi đó, một số linh mục chính xứ lại chủ trương “cần mở rộng cửa nhà thờ cho các con chiên lầm lạc quay trở về” và vấn đề này cần phải có thời gian, không nên nôn nóng.
Đáp lại sự ngăn cấm của Giáo hội, những người cốt cán của đạo Hà Mòn vận động tín đồ không tin theo sự rao giảng của các linh mục, cho rằng các linh mục không tôn kính Đức Mẹ.
VÀI NÉT VỀ TÍN NGƯỠNG DƯƠNG VĂN MÌNH
Tín ngưỡng Dương Văn Mình – một chặng đường
Có thể chia tín ngưỡng Dương Văn Mình thành hai chặng. Chặng thứ nhất từ ngày 1-8-1989 đến ngày 30-4-1990 khi Mình bị bắt tù giam. Chặng đường thứ 2 từ năm 2000 khi Dương Văn Mình mãn hạn tù về quê tiếp tục thực hiện ý định lập ra một tôn giáo mới.
Chặng thứ nhất từ 1-8-1989 đến ngày 30-4-1990
Dương Văn Mình (Giàng Súng Mình hoặc Giàng Sống Mềnh); dân tộc Hmong, sinh ngày 9-5-1961 tại Xí Điêng, Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Năm 1982, Dương Văn Mình cùng gia đình di cư đến Xóm Ngõa, thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Việc “khai đạo” của Dương Văn Mình bắt đầu bằng sự kiện, khoảng 22 giờ đêm ngày 1-8-1989 đến 1 giờ sáng ngày 2-8-1989 Dương Văn Mình lên đồng, thấy có 4 người từ trên trời xuống nói chuyện, trong đó có một người tên là Giê su. “Người mà trước đây người ta đã đem đóng đanh trên cây thập ác (cây giang tay)” (nguyên bản trong lời tuyên truyền của Dương Văn Mình).
Trưa ngày 2-8-1998, trong số 4 người từ trên trời rơi xuống chỉ còn một người tên là Giê su ở lại. Giê su nói: Từ bây giờ không đi cúng kiểu cũ nữa, đem tất cả các đồ vật cúng vứt bỏ đi là cắt được đường quấy nhiễu của ma quỷ”.
Phụ họa với Dương Văn Mình là Đào Đình Hoãng (tức Thào Sếnh Chơ) sinh năm 1942, dân tộc Hmong, nguyên quán: Mã Ba, Hà Quảng, Cao Bằng. Đào Đình Hoãng cùng với một số người Hmong dựng cổng chào sát nhà Hoãng với chủ trương tuyên truyền cho người H mông ở trong và ngoài tỉnh biết: Dương Văn Mình “ra đời” vào lúc 12 giờ đêm ngày 1-8-1989 bằng ba loại chữ: Việt, Hmong, Trung Quốc. Chúng xếp đặt, khi cổng chào được dựng lên, mọi người sẽ kéo đến xem và chứng kiến Dương Văn Mình “ra đời”. Khi ấy, Dương Văn Mình ngồi tại nhà ông Đào Văn Tạ (bố vợ Mình) để mọi người kéo đến, Mình sẽ thu tiền, thuốc lá, chè, đường.
Trong khoảng thời gian hơn một năm rưỡi từ 1-8-1999 đến 4-2000 Dương Văn Mình và Đào Đình Hoãng tuyên truyền lôi kéo người Hmong gia nhập “đạo” ở một số địa bàn thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Thái.
Khi bị bắt (Dương Văn Mình bị bắt ngày 30-4-1990, Đào Đình Hoãng bị bắt ngày 15-5-1990), hai đối tượng thừa nhận hoạt động của chúng như sau: Qua nghe đài Veritas phát tiếng Hmong, Dương Văn Mình và Đào Đình Hoãng bàn kế hoạch tuyên truyền lôi kéo quần chúng theo Vàng Chứ được chia làm ba bước.
Bước một: Tạo dựng Dương Văn Mình được Chúa nhập, dựng cổng chào, làm băng cờ, bước đầu lôi kéo quần chúng bỏ bàn thờ để cầu cúng bằng thuốc lá (Sapa, Du lịch – những loại thuốc thường được người H mông hút thời bấy giờ) tung tin trời tối, đất sập, thú dữ đe dọa những ai chưa tin, chưa theo.
Bước hai: Khi có tác dụng ở Yên Hưng, cử người đi các vùng dân tộc H mông để tuyên truyền lôi kéo người vào đạo, thu tiền và hiện vật (Dương Văn Mình đi Bắc Thái; Dương Văn Phùng, Lý Văn Khìn đi Cao Bằng; Đào Văn Dinh, Sầm Văn Khào đi các xã của Chiêm Hóa; Lý Văn Phùng đi các xã của Yên Sơn…).
Bước ba: Dựng nhà thờ, phong cho Đào Đình Hoãng là cha, Dương Văn Mình là Chúa Giê su, công khai theo đạo Thiên Chúa, sử dụng quần chúng làm áp lực với chính quyền để giải quyết các yêu cầu đưa đạo Thiên Chúa vào người H mông.
Chặng đường thứ hai từ năm 2000 đến nay
Sau thời gian “khai đạo” và hoạt động bước đầu thì việc làm của Dương Văn Mình và đồng sự bị chính quyền phát giác và dẹp bỏ. Dương Văn Mình, Đào Đình Hoãng bị xử tù 5 năm về tội lừa đảo. Ra tù, Dương Văn Mình về quê làm ăn một thời gian ngắn rồi bỏ trốn khỏi địa bàn cư trú. Ý định lập một “tín ngưỡng” mới vẫn đeo đẳng Dương Văn Mình. Trong năm 2000, để chuẩn bị cho ý định của mình, Dương Văn Mình tổ chức 4 cuộc họp bí mật.
Cuộc họp thứ nhất vào tháng 3-2000, Dương Văn Mình hối thúc những cộng sự làm đơn gửi các cấp chính quyền xin ra mắt “Tín ngưỡng Dương Văn Mình mãi mãi về sau”.
Cuộc họp thứ hai vào tháng 5-2000, Dương Văn Mình yêu cầu các cộng sự viết “đơn” kỷ niệm 10 năm theo Vàng Chứ, đưa “Thập ác” vào nhà.
Cuộc họp thứ ba vào tháng 10-2000, Dương Văn Mình phân công người phụ trách địa bàn truyền đạo ở một số địa bàn thuộc tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kan, Cao Bằng. Một cộng sự được giao chuẩn bị cơ sở vật chất, chuẩn bị cho ngày Dương Văn Mình trở về ra mắt “khai đạo”. Số gạo mua về tới 2 tấn dự trữ, phục vụ cho tín đồ ăn trong 3 ngày với sự có mặt của “Trung ương, tỉnh, huyện về dự”. Gạo sau không dùng hết phải bán bớt.
Cuộc họp thứ tư vào tháng 11-2000, chủ yếu bàn và quyết định tổ chức và nhân sự cho “đạo”. Giáo chủ: Dương Văn Mình. Ngoài ra, còn có các ban Trung ương như: Ban Tổng quản đứng đầu là Tổng quản trường; Ban bảo vệ; Ban Thanh niên; Ban Soạn thảo văn bản; Ban Phụ nữ; Ban Phụ lão. Tổ chức cơ sở theo các thôn với các chức trưởng, phó ban tín ngưỡng, bí thư thanh niên. Các ban ở Trung ương và cơ sở, Dương Văn Mình đều phân công nhân sự cụ thể.
Nhóm Soạn thảo văn bản đã soạn thảo một số văn bản, đáng chú ý là Bản Quy ước về quản lý an ninh gồm 7 phần 21 điều. Bao gồm:
Phần I: 1 điều (quy định thời gian đi lại, làm việc trong ngày).
Phần II: 3 điều (quy ước đi lại trong thôn).
Phần III: 12 điều (quy ước về trật tự trong thôn).
Phần IV: 1 điều (quy định tổ chức ban quản lý thôn).
Phần V: 2 điều (quy định trách nhiệm và nhiệm vụ của ban quản lý).
Phần VI: 1 điều (quy định phạm vi quản lý).
Phần VII: 1 điều (hiệu lực thi hành).
Bản Quy ước về quản lý an ninh quy định nhiều điều bất hợp lý như: Cấm tuyệt đối việc vác súng (vũ khí thô sơ) đi lại trong thôn (điều 4, phần III); Việc thăm ông Dương Văn Mình phải thông qua ban quản lý thôn, nói chuyện thời gian (30 phút hoặc 1 giờ) không được quá 1 giờ. Mục đích của Ban Quy ước là để kiểm soát người ra vào thôn Ngòi Sen nơi cư trú của Dương Văn Mình.
Cùng với việc tổ chức nhân sự, cơ sở vật chất, Dương Văn Mình và những cộng sự cốt cán còn tổ chức học hát để chuẩn bị cho buổi ra mắt. Một cốt cán, đặt lời bài hát bằng tiếng H mông. Có bài hát dựa vào giai điệu bài hát Tiếng hát thành phố mang tên Người của nhạc sĩ Cao Việt Bách, đặt lời, ca ngợi Dương Văn Mình.
Vào tháng 12 năm 2000, Dương Văn Mình lần lượt gửi nhiều lá đơn tới Ủy ban nhân dân xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Trong đó đáng kể là một số đơn thư: Đơn xin trình báo về việc thay đổi tín ngưỡng, gồm bốn nội dung:
– Việc chuyển đổi tín ngưỡng của Dương Văn Mình cùng một số bà con người H mông là có thật.
– Việc làm của Mình không có ý tổ chức gây rối.
– Không có ý đồ gây phá hoại đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam.
– Sẵn sàng mở cửa để các cơ quan chức năng đến trao đổi, tìm hiểu với ông Dương Văn Mình.
Ngày 15-12-2000, Dương Văn Mình viết thư gửi: Chính phủ và Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu xem xét và nghiên cứu:
– Tín ngưỡng tự phát mang biểu tượng cây Thập ác (nguyên bản) của ông Dương Văn Mình thuộc về tín ngưỡng nào.
– Cách giải quyết về tập trung lực lượng gây sức ép áp đảo bà con người dân tộc H mông.
– Yêu cầu giải quyết vụ này trong vòng 4 ngày (ngày 19-12-2000).\
Đơn đề ngày 16-12-2000 (nguyên văn):
Năm 89 tôi đã bỏ mà đi. Năm 90 tôi đã đi tù được 5 năm về. Năm 95 tôi được ban làm người dạy dỗ dìu dắt nhân dân. Năm 1997 tôi mới đi tu và bây giờ quay trở lại ở cùng vợ con và chính quyền địa phương. Bây giờ tôi quay trở lại, tôi làm công việc của mình, hạn năm 2000 là sẽ phải thành công.
Tôi làm đơn cho chính quyền biết.
Dề Vềnh Mềnh
Có thể tóm tắt những đơn thư trên vào một số nội dung đáng lưu ý sau đây:
– Dương Văn Mình không có tội, nếu các cấp chính quyền chấp nhận thấy ông ta có tội thì phải công khai chứng minh.
– Việc gọi hỏi Dương Văn Mình phải tiến hành ở nhà ông ta với sự chứng kiến của người thân và bà con người H mông.
– Xin được theo: Tín ngưỡng Dương Văn Mình mãi mãi về sau.
– Dương Văn Mình tự nhận mình là giáo chủ, vì được ban làm người dạy dỗ nhân dân, thời gian hoàn thiện là cuối năm 2000 (theo ngày tháng âm lịch).
NHẬN DIỆN ĐẠO HÀ MÒN VÀ TÍN NGƯỠNG DƯƠNG VĂN MÌNH
Chân dung người “khai đạo”: Họ đều là người thần kinh không bình thường. Y Gyin vốn là thầy cúng (Bơ Jau). Dương Văn Mình sau một thời gian ốm đau, lên đồng.
Địa bàn và tín đồ: Đạo Hà Mòn ở Đắc Hà, Kon Tum, tín đồ là người dân tộc thiểu số Bana; Tín ngưỡng Dương Văn Mình ở Hàm Yên, Tuyên Quang, tín đồ là người H mông. Như vậy, địa bàn là vùng núi, tín đồ là người dân tộc thiểu số. Đây là những nơi mà kinh tế thấp kém kéo theo đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Trước năm 1975, chính quyền Mỹ- ngụy với chính sách dồn dân để cai trị lập ra tổng Hà Mòn, gồm bốn làng: Kờ Tu, Đak Do, Đak Vơt và Plei Tol ở khu vực thị xã.
Sau giải phóng, chủ trương của chính quyền Cách mạng đưa dân về địa phương cũ, trong đó có ba làng: Kờ Tu, Đak Do, Đak Vơt di về địa điểm Hà Mòn hiện nay của huyện Đắk Hà. Riêng làng Plei Tol chuyển về xã K rông của thị xã Kon Tum (thường gọi làng Plei Tol là Thôn 5). Năm 2003, ba làng trên nằm trong vùng ngập nước lòng thủy điện Plei K rông, dân ba làng chuyển đến khu định cư mới (thuộc xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy).
Đối với Tín ngưỡng Dương Văn Mình, địa bàn mà Mình “khai đạo” là vùng đất mà Mình và một số tín đồ mới chuyển đến. Trước đây, Dương Văn Mình ở Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng; thời kỳ chiến tranh biên giới Việt – Trung, thực hiện chính sách di dân, Dương Văn Mình chuyển về ở Yên Lâm, Hàm Yên, Tuyên Quang.
Giáo lý của hai hiện tượng tôn giáo mới này về cơ bản là khác nhau, vì vậy, bài viết đi vào trình bày giáo lý của từng tôn giáo mới.
Về đạo Hà Mòn: Giáo lý dựa vào là đạo Công giáo. Sự kiện mở đầu bằng việc người khai đạo trông thấy Đức Mẹ Maria hiện ra và phán truyền chọn người khai đạo (Bà Y Gyin) thực hiện sứ mệnh “phán truyền sứ điệp cho loài người”.
Giáo lý của đạo hết sức đơn giản, đó là sự tuyên truyền về mầu nhiệm của Đức Mẹ. Theo đó là các quyền năng của Đức Mẹ.
Kinh sách và các bài hát thánh ca
Tài liệu từ các cơ quan chức năng cho biết Kinh Thánh và bài hát Thánh ca được đạo Hà Mòn sử dụng chủ yếu là lấy trong Kinh Thánh (Cựu ước và Tân ước của Công giáo) mà không có Kinh thánh và Thánh ca riêng. Những sách này được Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành. Tuy nhiên, trên thực tế số cầm đầu vẫn biên soạn nhiều tài liệu chép tay với nội dung được trích trong Kinh Thánh, nhưng không đầy đủ và có dựa nhiều chuyện để tín đồ tin theo (phổ biến chung là trích câu gốc trong Kinh Thánh dựng lên hình ảnh một người nào đó chết hiện hồn về dặn người sống).
Thống kê dưới đây của huyện Kon Rẫy cho thấy phần nào về Kinh sách, giáo lý của đạo Hà Mòn.
STT Tên kinh kệ Giáo luật (luật lệ) Kinh đọc thường ngày Kinh đọc ngày 20, 30 hàng tháng
01 Sứ điệp (giáo huấn) của Đức Mẹ (tự soạn thảo) Chưa có giáo luật (luật lệ riêng) – Lần chuỗi
– Đọc Phúc âm – Lần chuỗi
– Đọc Phúc âm
02 Sử dụng Kinh Thánh, chủ yếu là 4 phúc âm của sách Tân ước. Các nhóm vẫn sử dụng giáo luật của Công giáo. – Giảng Phúc âm
– Hát những bài hát về Đức Mẹ – Dâng hoa cho Đức Mẹ.
– Chia sẻ Phúc Âm
03 Sử dụng chuỗi là lần hạt Mân Côi của Công giáo. Chia sẻ Phúc Âm
04 Sử dụng tượng Đức Mẹ của Công giáo. Sử dụng các bài hát của Công giáo đã phổ biến. Đọc lời giáo huấn của Đức Mẹ.
Về Sứ điệp, thư Mục vụ số 29/VT/10/Tgmkt của Tòa Giám mục Kon Tum gửi tu sĩ và giáo dân trong giáo phận Kon Tum, Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh khẳng định: – Nội dung của Sứ điệp “sao chép chỗ này chỗ khác, không thống nhất, lộn xộn, có nhiều chỗ sai trái với Giáo huấn của Hội thánh.”
Ngoài ra, Y Gyin còn phổ biến nhiều “Lời khuyên nhủ” mà bà ta nhận được từ lời truyền dạy của Đức Mẹ, sau những lần cầu nguyện (hay dâng hoa, lần hạt) Đức Mẹ hiện xuống.
Ví dụ, trong thời gian ngắn của năm 2007, Y Gyin nhận được tới ba lời khuyên nhủ vào các thời gian: 7 giờ 10 phút ngày 20-2-2007; 7 giờ thứ bảy ngày 20-6-2007; 7 giờ ngày 20-8-2007; 7 giờ thứ năm ngày 30-8-2007… Bẩy giờ là thời điểm Y Gyin cầu nguyện.
“Lời khuyên nhủ” của Đức Mẹ sau đó có thể dịch ra quốc ngữ. Tất cả đều được nhân bản rồi phát tán.
Giáo lý, kinh sách của Tín ngưỡng Dương Văn Mình so với giáo lý kinh sách của đạo Hà Mòn thì đơn giản hơn nhiều.
Về kinh sách
Dương Văn Mình dựa trên giáo lý, giáo luật, những bài hát Thánh ca của đạo Tin Lành, với hình tượng Chúa Giê su làm trung tâm điểm. Dương Văn Mình và các cộng sự sáng tác bài hát ca ngợi Dương Văn Mình, tuyên truyền và phát triển tại các địa bàn trong vùng (chủ yếu bằng truyền miệng hoặc có tài liệu chép tay). Chẳng hạn, bài hát sáng tác ngày 19-12-2000, lời bằng tiếng Hmong, trong đó có đoạn (dịch): Chúa Giê su đã về trước năm 2000, về cứu người thoát khỏi ma quỷ. Được ăn ngon lành. Người cha về làm tốt cho mọi người. Đất nước, tất cả mọi người mới tin. Và đến năm 1997. Bố Trời, con trai về cứu thế. Cha nói đến nơi Cha nghỉ ngơi. Đến ngày 15 tháng 11 năm 2000. Con trai của Cha Trời cứu thế mới quay về đến.
Về nghi lễ thờ phụng
Cuối năm 2000 chuẩn bị cho lễ ra mắt, Dương Văn Mình cho chuẩn bị cơ sở vật chất, sập, ghế, cờ. Cờ đạo có hình chữ thập ở giữa (chỉ nhìn thấy bản photo copy). Cờ hình chữ nhật, hình chữ thập ở giữa. Ghế cho Dương Văn Mình ngồi là ghế mây. Phía sau lưng ghế có hình chữ thập. Sập đóng bằng gỗ (còn gọi là bệ thờ, ban thờ).
Tín đồ của Tín ngưỡng Dương Văn Mình tổ chức sinh hoạt thường xuyên vào thứ năm và chủ nhật hằng tuần. Nội dung: cầu nguyện tập thể, hát những bài hát ca ngợi Chúa Giê su và Dương Văn Mình. Xây dựng nhà đòn (nhà đựng đồ mai táng); trong nhà đòn để ghế, bàn đặt quan tài cho người chết. Bàn, ghế được khắc hình “con én” (để cõng linh hồn người chết lên trời); “con cóc” (thay cho cầu cúng kêu trời); “con ve sầu” (khóc cho người qua đời); gần đây còn thêm biểu tượng chữ thập tượng trưng cho cánh cung của người H mông.
Từ khoảng năm 2010 trở lại đây, trong vùng đồng bằng dân tộc H mông theo Tín ngưỡng Dương Văn Mình tung tin đồn thất thiệt về “Ngày phán xét”, “Người Mông sắp có vua”, “Chuẩn bị đón vua trở về”.
Như vậy, về kinh sách cả hai hiện tượng tôn giáo mới đều dựa vào kinh sách, tín lý và thực hiện cầu nguyện theo Ki tô giáo. Đạo Hà Mòn dựa vào Công giáo, Tín ngưỡng Dương Văn Mình dựa vào Tin lành. Tuy nhiên, phần lớn có sự tranh cãi, lộn xộn. Đồng thời, những “giáo chủ” đều có biên soạn thêm những “giáo lý” cho phù hợp với khả năng nhận thức của “tín đồ” là người dân tộc thiểu số; đưa một số nét văn hóa tâm linh của người dân tộc thiểu số vào giáo lý. Về tín lý, trước hết cả hai “giáo chủ” đều đề cao cá nhân mình. Họ tự nhận là thị nhân như Y Gyin (đạo Hà Mòn) hay được Thiên Chúa giao cho thiên mệnh thực hiện nơi trần thế. Đạo Hà Mòn dựa vào hình tượng Đức Mẹ Maria; Tín ngưỡng Dương Văn Mình tựa vào Thiên Chúa (Chúa Giê su).
Có nhiều cách giải thích khác nhau về hiện tượng này: Sở dĩ đạo Hà Mòn dựa vào hình tượng Đức Mẹ và sự hiện hình của Đức Mẹ bởi trên thế giới; Giáo hội La Mã đã công nhận hai hiện tượng Đức Mẹ Maria hiện ra, một lần ở Lộ Đức (Cộng hòa Pháp), năm 1858; lần thứ hai là ở Fatima (nước Bồ Đào Nha), năm 1907. Ở Việt Nam, có một số địa danh cũng được Giáo hội Công giáo Việt Nam ghi nhận là có sự Hiện ra của Đức Mẹ như ở La Vang (Quảng Trị), ở Trà Kiệu (Quảng Nam), gần đây là tin đồn Đức Mẹ Tapao (Bình Thuận)… Người Việt Nam từ lâu thể hiện lòng sùng kính dân gian với Đức Mẹ, quan niệm Đức Mẹ có nhiều mầu nhiệm (phép lạ) như cứu khổ cứu nạn, che chở, sinh sôi… nên thường đến bên tượng, ảnh cầu xin. Mặc dù theo giáo lý Công giáo, Đức Mẹ chỉ là người cầu bầu (nghĩa là đấng trung gian-trung chuyển) lời xin của tín đồ lên Thiên Chúa. Như vậy, việc tuyên truyền mầu nhiệm Đức Mẹ hiện ra sẽ được nhiều người chấp nhận. Còn một cách giải thích khá