Trang chủ Nghiên cứu "Phật giáo ở đâu…": Câu hỏi muộn màng (Bài 14)

"Phật giáo ở đâu…": Câu hỏi muộn màng (Bài 14)

116

Đoạn trích ghi nhận xu hướng cải đạo để theo Tin Lành của người di cư H’mông tự do, với những thông tin định lượng cụ thể cũng như một số nhận xét, cho thấy quan điểm của nhà nước đối với hiện tượng tôn giáo này.

Qua đoạn trích giới thiệu chúng ta có thể thấy sự phát triển của đạo Tin Lành ở đồng bào H’mông di cư tự do là bộc phát bất thường. Trong tình hình như vậy, chỉ có các tôn giáo đến từ phương Tây là phát triển. Còn tôn giáo truyền thống Việt Nam như Phật giáo, hầu như đã bị loại trừ khỏi đời sống tinh thần của đồng bào H’mông, và dĩ nhiên là hoằng pháp sẽ là công việc vô cùng khó khăn.

Đoạn trích cũng cho thấy từ chỗ chưa hợp pháp, các tổ chức Tin lành của người H’mông di cư đã có ý thức móc nối với những tổ chức hợp pháp để tìm cách từng bước hợp pháp sinh hoạt của những tổ chức Tin lành chưa hợp pháp, để làm đà phát triển mạnh hơn nữa.

 Đoạn trích cũng cho thấy Lào vốn là một quốc gia Phật giáo, lại lại trở thành căn cứ địa đào tạo, huấn luyện “người truyền đạo Tin lành trái pháp luật”.

Đoạn trích ghi nhận việc truyền đạo Tin Lành trái pháp luật đối với người H’mông di cư đã tạo ra cùng một lúc “hai vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp”.

Ở đây, có thể còn thấy vấn đề muộn màng và thiếu tầm nhìn xa từ Phật giáo Việt Nam, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động hoằng pháp cho người dân tộc thiểu số miền cao.

Dưới đây là đoạn trích: “Như vậy, có thể nói, hoạt động di cư tự do của người H’mông những năm gần đây không chỉ là sự dịch chuyển dân cư đơn thuần, mà gắn liền với nó còn là vấn đề ổn định chính trị, bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia.

Thứ bảy, phần lớn những người H’mông di cư tự do đều có nhu cầu “cải đạo” để theo Tin Lành.

Cùng với dòng di cư tự do của người H’mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên, đến miền Tây tỉnh Thanh Hóa hay sang Lào và ngược lại là sự xuất hiện của các hoạt động tuyên truyền đạo Tin Lành trái pháp luật ở những địa bàn nói trên. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến năm 2007, ở Tây Nguyên đã có 32.500 người H’mông theo đạo Tin Lành (chiếm 87% số người H’mông của toàn khu vực), hình thành  nên 119 điểm nhóm (thuộc 6 hệ phái Tin Lành khác nhau), tập trung chủ yếu ở ba tỉnh thành: Đắc Lắc (14.987 khẩu, 57 điểm nhóm), Đắc Nông (14.665 khẩu, 54 điểm nhóm) và Lâm Đồng (1.458 khẩu, 5 điểm nhóm) 1.

Tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa), ban đầu người H’mông di cư thường tụ tập thành nhóm vài ba người để nghe truyền đạo qua sóng radio bằng tiếng H’mông phát đi từ các tỉnh Viêng Chăn, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào). Tuy nhiên, về sau số lượng người H’mông nghe giảng đạo Tin lành ngày một nhiều hơn và có được sự hướng dẫn của một số đối tượng cốt cán thì tổ chức của cộng đồng người H’mông theo đạo Tin Lành ở đây được hình thành và Ban chấp sự cũng ra đời (dĩ nhiên là chưa hợp pháp và cũng chưa được chính quyền địa phương công nhận). Đến năm 2001, những người theo đạo Tin Lành ở Mường Lát đã tổ chức cầu nguyện theo hội nhóm, dạy và hát Thánh ca ở nhiều điểm thuộc các xã Trung Lý, Mường Lý và Tam Chung. Một số đối tượng còn móc nối với Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) để tìm cách hợp thức hóa “Chi hội Mường Lát”. Tính đến năm 2004, ở miền Tây Thanh Hóa có 896 hộ, 5.481 khẩu người H’mông di cư “cải đạo” (chiếm 54,37 số người H’mông di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến Thanh Hóa). Trong đó, có 733 hộ, 4.479 người theo đạo Tin Lành (chiếm 44,43% số người H’mông di cư); ngoài ra, còn có 163 hộ, 1.002 người theo Công giáo (chiếm 9,94% trong tổng số người H’mông di cư đến Mường Lát) 1.

Điều đặc biệt là từ tháng 7/2004, ở các xã  Mường Lý, Trung Lý và Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa), xuất hiện một số đối tượng cầm đầu trong các nhóm theo đạo Tin Lành móc nối với hội thánh Tin lành liên hữu Cơ đốc có trụ sở tại xã Trung Chính, huyện Hóc Môn, TPHCM thành lập trái phép “Giáo hạt miền Bắc 14”. Điều này phù hợp với ý định của Hội thánh Tin lành liên hữu Cơ đốc đang muốn mở rộng uy tín và ảnh hưởng của mình để phát triển lực lượng tín đồ ra các khu vực có người H’mông ở miền Tây Thanh Hóa và vùng Tây Bắc Việt Nam.

Bên cạnh luồng di cư tự do sang Lào, những năm gần đây, ở miền Tây tỉnh Nghệ An đồng thời tồn tại luồng di cư từ Lào về Việt Nam với quy mô tuy không lớn, số lượng không nhiều, nhưng góp phần làm cho tình hình di cư ở địa phương ngày càng trở nên phức tạp hơn. Điều đáng nói là phần lớn người H’mông di cư từ Lào về Nghệ An đều theo đạo Tin Lành. Khi về Việt Nam, họ không chỉ là người di cư bất hợp pháp mà còn trở thành những người truyền đạo Tin Lành trái pháp luật. Tuy nhiên, các cấp chính quyền của tỉnh Nghệ An luôn làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các hoạt động truyền đạo trái pháp luật. Do đó, đạo Tin Lành không có điều kiện phát triển ở vùng dân tộc H’mông Nghệ An.

Có thể nói, việc một bộ phận người H’mông di cư tự do cải đạo để theo đạo Tin Lành cũng đã dẫn đến sự xuất hiện một cộng đồng mới (tạm gọi là cộng đồng dân tộc-tôn giáo) và nó đang đặt ra cho chính quyền các địa phương có người H’mông di cư cùng một lúc phải xử lý cả hai vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, đó là vấn đề dân tộc và vấn đề hoạt động truyền giáo Tin Lành trái pháp luật”.

(1)    Ban Tôn giáo Chính phủ: Dự án khảo sát thực trạng một bộ phận đồng bào H’mông di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên – Nguyên nhân, kiến nghị giải pháp, Hà Nội, 2008, tr.53-54.

(2)    Tỉnh ủy Thanh Hóa: Báo cáo tổng kêt 10 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về một số công tác ở vùng dân tộc H’mông thời kỳ 1994-2004, Thanh Hóa, 2004, tr.1.1