Trang chủ Nghiên cứu "Phật giáo ở đâu…": Câu hỏi muộn màng (Bài 10)

"Phật giáo ở đâu…": Câu hỏi muộn màng (Bài 10)

123

Tiếp tục giới thiệu các tư liệu về tình hình tôn giáo ở vùng núi và cao nguyên Việt Nam, nhằm phục vụ cho Phật sự hoằng pháp đến đồng bào dân tộc thiểu số, có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho tăng ni Phật tử Việt Nam phát nguyện làm Phật sự quan trọng này, trong nội dung dưới đây, chúng tôi xin trích giới thiệu bài nghiên cứu “Đạo Tin Lành và công tác quản lý nhà nước với đạo Tin Lành ở Điện Biên” của tác giả Duy Nguyên, đăng trên Tạp chí “Công tác tôn giáo” số 12 (88), 12/2013, từ trang 22.

“Điện Biên là tỉnh miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài trên 400km giáp với nước Lào và Trung Quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tỉnh Điện Biên có diện tích tự nhiên 9.554,9km2, dân số khoảng 52 vạn người với 19 dân tộc, trong đó dân tộc Thái 38%, dân tộc Mông 34,8%, dân tộc Kinh 18,42% còn lại là các dân tộc khác.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 84 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố, có 8.5579 hộ với 49.280 người theo các tôn giáo khác nhau gồm: Công giáo, Tin Lành và Phật giáo, trong đó chủ yếu là đạo Tin Lành với hơn 47.500 người.

1.    Một số tình hình về đạo Tin Lành ở Điện Biên

Từ năm 1987, đạo Vàng Chứ xâm nhập vào một số đồng bào dân tộc Mông ở xã Phì Nhừ huyện Điện Biên Đông, lúc đầu mang màu sắc của Công giáo rồi sau chuyển sang đạo Tin Lành để thích nghi với điều kiện dân tộc miền núi, đó chính là cơ sở đầu tiên hình thành nên đạo Tin Lành ở Điện Biên. Cùng với thời gian, qua các kênh thông tin của các đài phát thanh nước ngoài như FEBC, đài Manila của Philippines và những người truyền đạo trong đồng bào các dân tộc thiểu số cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ về tổ chức, vật chất, tinh thần của các trung tâm, tổ chức tôn giáo trong và ngoài nước, đạo Tin Lành đã nhanh chóng phát triển trong đồng bào dân tộc Mông và lan ra các dân tộc khác trong tỉnh.

Vì trình độ dân trí hạn chế, cho nên lúc đầu, đồng bào chỉ biết tin theo chúa, chứ hoàn toàn không biết mình đang đi theo tổ chức, hệ phái tôn giáo nào. Hình thức ban đầu chỉ là tu tập theo từng nhóm, nghe người ta tuyên truyền về Chúa trời với nhiều quyền phép, ai tin theo thì không làm cũng có ăn, ốm đau không cần thuốc chữa bệnh,… sau đó hình thành nhiều điểm nhóm ở các thôn bản, xã và có người đứng đầu làm công việc truyền giáo. Nhưng thực tế những người này, trình độ học vấn thấp, thậm chí có nhiều người không biết chữ nên cũng không hiểu hết những vấn đề tín lý, giáo lý của đạo Tin Lành.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 5-2012, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có khoảng 36.000 người theo đạo Tin Lành ở 267 thôn, bản, 59 xã, 7 huyện thị và một thành phố hình thành nên hơn 270 điểm nhóm. Số người theo Tin Lành thuộc 4 dân tộc, trong đó đông nhất là dân tộc Mông gần 35.000 người, dân tộc Dao 895 người, dân tộc Sán Chỉ 85 người, dân tộc Thái 52 người. Các hệ phái Tin Lành ở đây gồm Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Liên đoàn truyền giáo Phúc Âm Việt Nam, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc, Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần, Phúc âm đời đời, Nước hằng sống…”.

Điều đáng lưu ý là toàn tỉnh Điện Biên có 49.280 người theo đạo, trong đó có đến 47.500 người theo đạo Tin Lành. Trong hơn 1000 người theo đạo còn lại (gồm cả Ca tô La Mã và Phật giáo), thì số tín đồ Phật giáo liệu là bao nhiêu người, có đạt con số ngàn không hay chỉ còn vài trăm người theo Phật giáo trong toàn tỉnh Điện Biên.

Theo thống kê nêu trên, Phật giáo đã là tôn giáo thiểu số với mức độ chêch lệch rất thấp so với tôn giáo đa số là đạo Tin Lành. Mức vài trăm tín đồ Phật giáo trên tổng số 49.280 người theo đạo của toàn tỉnh Điện Biên có thể coi như là không đáng kể, nếu cũng có thể coi Điện Biên là vùng trắng Phật giáo, điển hình cho câu hỏi Phật giáo ở đâu trên bản đồ vùng Tây Bắc mà đại đức Thích Thanh Thắng nêu ra.