Việt Nam là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á nhưng đã từ lâu chúng ta chưa có sự hiểu biết nhiều về các quốc gia trong khu vực này.
Từ năm 1995 Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN, thì nhu cầu giao lưu tìm hiểu lẫn nhau trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội ngày càng cấp thiết.
Đông Nam Á có diện tích 4.494.047 km² và bao gồm 11 quốc gia: Brunei, Campuchia, Đông Timor, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Dân số năm 2008 là 574.2 triệu người. Đây là khu vực được xem là cửa ngỏ từ Đông sang Tây, có ý nghĩa quan trọng trên con đường giao thương quốc tế và khu vưc. Có một nền văn hóa phong phú và hết sức đa dạng, chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa lớn như Ấn Độ, Trung Hoa, Ả rập, và Phương Tây.
Hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều có mặt ở khu vực này, Phật giáo chiếm đa số dân cư các nước lục địa và được xem là quốc giáo ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Mianmar.
Islam giáo, Thiên chúa giáo chiếm đa số tại các nước hải đảo. Islam là quốc giáo ở Malaysia, Brunei, Thiên chúa giáo là quốc giáo ở Philippin, Đông Timor.
Tuy nhiên ở đây tôi không chủ ý đi vào phân tích tình hình tôn giáo hiện nay ở Đông Nam Á, mà tôi xin trình bày về tình hình Phật giáo tại các nước Đông Nam Á hải đảo. Khu vực mà trước đây Phật giáo có giai đoạn phát triển cực thịnh, nhưng trong quá trình lịch sử phát triển thì hiện nay cư dân chủ yếu theo Islam và Thiên chúa giáo.
Quay lại với lịch sử thì vùng hải đảo trước đây từ thế kỷ 3-4 SCN các quốc gia trị vì trên các vùng đảo Java, Sumatra, Malaca đã tiếp nhận nền văn hóa Ân Độ và dần các vương triều trị vì đã “Ấn Độ hóa” vương quốc của mình.
Cùng với đạo Hindu thì Phật giáo cũng bắt đầu theo các lái buôn mà có mặt nơi đây. Ở miền tây Brunei các nhà khảo cổ phát hiện có nhiều tượng Phật có niên đại năm 400 SCN, ở đảo Java, Sumatra cũng phát hiện các di tích tương tự chứng tỏ nơi đây đã tiếp thu nền văn hóa, tôn giáo Ấn Độ khá sớm.
Quần đảo này đã từng chứng kiến những giai đoạn đỉnh cao của Phật giáo dưới các triều đại Sailendra (thế kỷ 8-9), Srivijaya (thế kỷ 7-13) và Medang (thế kỷ 8-10).
Theo thư tịch cổ của Trung Quốc thì năm 418, một vị cao tăng tên Pháp Hiển, trên đường qua Ấn Độ tu học đã có ghé nơi đây và ông đã chứng kiến được sự phồn thịnh của đạo Phật.
Đến thế kỷ thứ 7 thì Sumatra và Java trở thành những trung tâm Phật giáo quan trọng trong khu vực, là nơi tu học của các tăng sĩ hoặc là nơi lưu lại trên đường qua Ấn Độ.
Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự hình thành đền Borubudur ở miền trung Java.
Năm 671 nhà sư Nghĩa Tịnh đã đến đây và cho biết có hàng ngàn nhà sư và các nghi lễ giống hệt ở Ấn Độ.
Đến thế kỷ 13 dưới sự xâm nhập của Islam thì Phật giáo bị tàn lụi dần, triều đình theo Hindu-Phật giáo trước sự tấn công của nhà nước Demak theo Islam phải chạy ra đảo Bali (năm 1500).
Ngày nay tín đồ Phật giáo tập trung chủ yếu ở người Hoa với khoảng 4 triệu triệu tín đồ (năm 2000) tuy nhiên số lượng này có thể ít hơn do tín đồ Khổng giáo và Đạo giáo cũng tự nhận mình là Phật tử do Hiến pháp Indonesia chưa công nhận 2 tôn giáo này, và tín đồ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Jakarta, Yoyakarta, một số ít ở đảo Riau, Bali, Bắc Sumatra và Tây Kalimantan.
Đến 1934 Phật giáo Indonesia bắt đầu có sự hồi sinh sau sự có mặt của các tu sĩ người Srilanka, họ đã đề ra những mục tiêu để truyền bá Phật giáo tại nơi đây đánh dấu bằng một buổi lễ trồng cây Bồ đề tại Borubudur.
Đến năm 1955 một nhà sư khác tên Ashin Jinarakkhita người Thái Lan bắt đầu có chuyến đi đến Indonesia để tìm hiểu tình hình thực tế và cho gởi các nhà sư địa phương đi đào tạo tại Thái Lan, Srilanka.
Indonesia từ nhiều năm nay đều tổ chức Lễ Vesak (Waisak)-kỷ niệm ngày Phật sinh, Giác ngộ và nhập Niết bàn. Ngày này được xem là một trong những ngày nghĩ lễ công cộng trên toàn quốc thường rơi và trung tuần tháng 5 dương lịch.
Sự kiện đầu tiên của buổi lễ đánh dấu bằng việc lấy nước thiêng từ một con suối ở Jumprit ở huyện Temanggung vào ngày đầu, sau đó được đưa về chùa Mendut gần Borubudur.
Ngày hôm sau sẽ lấy lửa từ làng Grobogan, quận Purwodadi, Trung Java. Ngọn lửa và nước thiêng được lưu giữ trong chùa Mendut và được sử dụng trong các buổi lễ tại Borobudur vào ngày Vesak.
Sáng ngày lễ chính tất cả tăng đoàn và Phật tử sẽ có một cuộc đi bộ từ đền Mendut đến Borubudur, đoàn rước với nến, cờ, hoa, những chiếc xe được trang hoàng lộng lẫy tạo nên một không khí vui nhộn, hoành tráng.
Vào ban đêm dưới ánh trăng tròn mọi người thiền định tại nơi đây và thả lên bầu trời hàng trăm chiếc lồng đèn tượng trưng cho sự giác ngộ của Phật, ngoài ra còn có sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nơi.
Năm 2010 trong bài phát biểu của mình Tổng Thống Susilo Bambang Yodhoyono có nói “đây là một lễ hội tôn giáo rất quan trọng của Indonesia, Đông Nam Á và cho cả thế giới, khi con người nhận ra mục đích của cùng của cuộc sống là hòa bình, hòa hợp và hạnh phúc”.
Năm nay theo WALUBI- Hiệp hội Phật giáo Indonesia, thì chủ đề của Đại lễ Vesak 2555 là: "Tìm kiếm hạnh phúc và bình an trong chính bản thân mình".
Theo một số bản khắc bằng chữ Phạn có niên đại thế kỷ 4 thì bán đảo Mã Lai lúc đó đã có một số vương quốc tồn tại đó là Kedah, Tambralinga ở Sumatra và Palembang ở Singapore ngày nay.
Các văn bản cổ này còn cho biết sự có mặt của Phật giáo Đại thừa. Ngày nay Malaysia là quốc gia Islam giáo với gần 60% dân số theo Islam, Phật giáo chiếm trên 19% phổ biến trong cộng đồng người Hoa, ngoài ta còn có cộng đồng người Srilanka, Thái Lan, Ấn Độ…
Cũng như ở Indonesia và Singapore, Lễ Vesak là ngày nghĩ trên toàn quốc. Ngày lễ nay được tổ chức hàng năm ở chùa Maha Vihara.
Tại Kualalumpua tín đồ Phật giáo ở đây đã tham gia vào một cuộc tuần hành và rước nến thông qua các đường phố ở trung tâm của thành phố cổ trước đêm diễn ra Vesak với đủ mọi thành phần trong xã hội ngoài ra còn có sự tham gia của các du khách nước ngoài.
Hiện ở Malaysia có 35 tổ chức Phật giáo, gồm các tăng sĩ, hội đoàn của người Hoa, cộng đồng người Ấn, Srilanka…với sự tham gia diễu hành của các đoàn lân sư rồng, thậm chí cả các ban nhạc của của một số trường Công giáo.
Trong thời gian diễn ra lễ hội ngoài các nghi thức chính như tắm Phật, lễ ban phước lành, cúng dường, còn có thuyết pháp, tọa đàm, triển lãm.
Singapore là một quốc đảo có diện tích nhỏ bé, nhưng là một quốc gia phát triển nhất trong khu vực, có dân số khoảng 4,5 triệu người, gồm 3 chủng tộc tộc chính là cộng đồng người Hoa, Malay và Ấn Độ. Trong đó người Hoa chiếm 77%.
Người Hoa ở Singapore theo Phật giáo chiếm khoảng 33,6% (2010) còn lại theo Đạo giáo, Thiên chúa giáo…Nhóm nhỏ hơn theo đạo Phật khoảng trên 100 ngìn người thuộc cộng đồng người Bumar, Thái Lan, Srilanka, Nhật Bản…
Vào ngày Vesak Các ngôi chùa của phái Đại Thừa ở Singapore như chùa Phor Kark See Temple trên đường Bright Hill Road cử hành nghi lễ “tam bộ nhất bái”, để cầu nguyện cho thế giới hòa bình, an lành và sám hối cho con người.
Lễ diễu hành với xe hoa, cờ xí dọc theo các con phố chính, thu hút đông đảo Phật tử và người dân, lẫn khách du lịch.
Đối với cộng đồng người Sri Lanka và Bumar thì chùa của họ tại Geylang và ở đường St Michael’s tại đây thực hiện nghi lễ nấu cơm với sữa vào Ngày Phật Đản, để tưởng nhớ lại bữa cơm cuối cùng của đức Phật trước khi Ngài nhịn ăn dài ngày tìm đường giác ngộ. Và diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống của cộng đồng.
Ở Philippin cộng đồng Phật giáo tương đối nhỏ. Các di chỉ khảo cổ cũng tìm thấy một số di chỉ, hình ảnh Phật giáo ở Agusan có niên đại từ thế kỷ thứ 7, tuy cũng có những ảnh hưởng nhất định đến ngôn ngữ, lễ nghi, tập quán với người Philippin nhưng không rõ nét cho lắm.
Đến những năm 1920-1930 tại Davao, Cebu do số lượng người Nhật, Hoa nhập cư ngày càng nhiều và là cộng đồng Phật giáo chủ yếu, năm 1960 cộng đồng người Việt có dựng một ngôi chùa ở Palawan, cùng lúc thì một ngôi chùa và tổ chức Sokka Gakkai của Nhật cũng được xây dựng.
Ngày nay Phật giáo chiếm từ 1-3% dân số Philippin gồm cộng đồng người Hoa, Nhật, Việt Nam sau có thêm cộng đồng người Srilanka, Thái Lan, Campuchia.
Tóm lại thì Phật giáo là tôn giáo có lịch sử lâu đời tại các quốc gia vùng hải đảo, nhưng trong quá trình lịch sử phát triển của mình do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà Phật giáo dần bị lụi tàn.
Nếu tính tổng số các nước Đông Nam Á thì tín đồ Phật giáo khoảng 147,9 triệu người (25,7% dân số Đông Nam Á), tuy nhiên trong đó số lượng tín đồ Phật giáo ở 6 nước vùng hải đảo chỉ có 12 triệu người (3,5% dân số các nước hải đảo) và chỉ phổ biến trong cộng đồng người Hoa, Thái Lan, Srilanka và một vài nhóm sắc tộc khác.
Tuy nhiên chúng ta có quyền hy vọng rằng với nhiều tổ chức Phật giáo hiện được thiết lập, các trung tâm nghiên cứu, thiền đường đang được xây dựng, thì đạo Phật ở nơi này sẽ vẫn mãi được gìn giữ và phát triển.
Chúng ta biết rằng lời dạy của Đức Phật sẽ tồn tại như Ngài đã tiên đoán, cho đến khi dù chỉ có một số người duy trì chính pháp, thì đạo Phật vẫn còn ở đời. Nhưng chúng ta không được hài lòng với điều đó. Toàn thể nhân loại cần lời dạy của Đức Phật đó là lòng Từ Bi, nhằm mang tới Bình an và Hạnh phúc, và Hòa hợp cho tất cả chúng ta.
Mùa Phật Đản 2555
Tài liệu tham khảo
Tìm hiểu lịch sử các nước Đông Nam Á, TS.Nguyễn Văn Nam, Nxb.Hà nội
Đối thoại với các nền văn hóa, Biên dịch Trịnh Huy Hóa, Nxb.Trẻ
www.en.wikipedia.org
www.buddhistchannel.tv
www.walubi.or.id