Trong chiếc áo sẫm màu với chuỗi hạt trong tay, tất nhiên sư thầy Taguchi trông giống những tu sĩ Phật giáo khác. Nhưng khi thầy bắt đầu quỳ xuống để tụng kinh trước một bàn thờ trong góc phòng, mọi người xung quanh thầy vẫn tiếp tục nói chuyện, và sau đó họ mới nghe những tiếng tụng kinh theo nhịp trên nền những giai điệu nhạc Jazz.
Vài phút sau, thầy Taguchi quay trở lại chỗ ngồi với chiếc cốc trên tay. Một chai rượu rum ở phía trước thầy, bên cạnh là chiếc gạt tàn thuốc lá. Điếu thuốc trong tay Thầy tỏa khói hòa quyện với mùi hương trầm.
Một số đồng đạo có thể không đồng ý với phương pháp của thầy, song phải thừa nhận rằng giới trẻ Nhật Bản ngày càng ít quan tâm đến đạo Phật. Thầy Taguchi sẵn sàng đi tới bất cứ đâu để tiếp cận những người còn phân vân, giống như việc đến quán Bar Bozu ở Tokyo vậy.
“Tôi có thể hiểu tại sao những người trẻ lại không thấy đạo Phật hấp dẫn,” thầy Taguchi, 46 tuổi, người đã từng là một tư thương đến từ Hokkaido nói. Thầy đã đi tu ở tuổi gần 30 sau khi thị lực bị suy giảm. “Hầu hết tu sĩ đang già đi, và tôi không chắc liệu giới trẻ có muốn nghe lời khuyên từ họ không. Tôi hạnh phúc khi đến đây và nghe mọi người nói về bất cứ điều gì họ thích. Tất cả tùy thuộc vào họ nếu họ muốn để ý đến lời khuyên của tôi.”
Trong những ngày này, hàng triệu người dân Nhật Bản đang đi lễ ở những ngôi đền Thần giáo và chùa Phật giáo nhân dịp đầu năm mới con chuột. Rất nhiều người trong số họ chỉ đến đền, chùa duy nhất trong dịp này để trở về với cội rễ tâm linh của mình.
Sau hơn 1200 năm được truyền đến Nhật bản, Phật giáo ở đây đang trong khủng hoảng. Khoảng 75% trong số 127 triệu dân Nhật Bản tự coi mình là Phật tử, nhưng khi năm mới qua đi, nhiều người chỉ bước vào bên trong ngôi chùa khi một vị sư trưởng địa phương chủ trì lễ tang truyền thống (và tốn kém) của người thân.
Vì thế, số tiền cúng dàng ngày càng giảm và nhiều trong số 75.000 ngôi chùa của đất nước mặt trời mọc đang gặp khó khăn về tài chính. Số đơn xin học vào các trường đại học Phật giáo giảm nhanh đến mức nhiều trường đã bỏ từ Phật giáo trong tên trường của mình.
Chủ quán bar Bozu, Yoshinobu Fujioka, là một tu sĩ Phật giáo. Thầy cũng có thể pha chế một loại cocktail tao nhã cho những người muốn tìm một con đường nhanh hơn tới niết bàn. Thầy nói rằng các pháp môn chủ đạo của Nhật Bản cần phải thay đổi hình ảnh bảo thủ để tăng sức hấp dẫn. “Đã có thời mọi người đến chùa để tìm lời khuyên về mọi vấn đề chứ không chỉ vấn đề tâm linh,” Fujioka, 31 tuổi, người tu theo pháp môn Jodo Shinshu (Tịnh Độ) cho biết. “Trong quán bar này cũng tương tự, đây là nơi mọi người có thể đến và nói thoải mái về vấn đề của họ.”
Được tu sĩ phục vụ rượu sa-kê chỉ là một trong những cách mới lạ để khuyến khích những người còn phân vân trở về với truyền thống tâm linh của mình. Chùa Baijozan Komyoji ở Tokyo mới mở một quán cafe ngoài trời phía trước chính điện, và ở Kyoto, chùa Zendoji đã mở một cửa hiệu làm đẹp. Tại Câu lạc bộ Chippie, một bar nhạc jazz ở Tokyo, một tháng một lần, ba vị sư tụng kinh bằng tiếng Phạn trên nền tiếng kèn saxophone và khuyến khích những vị khách bị bất ngờ tham gia.
Và gần đây, hàng chục sư thầy và sư cô đã lên sàn diễn thời trang trong trang phục đầy màu sắc bằng tơ tằm. Đây là một phần của hoạt động giao tế công cộng (PR) của chùa Tsukiji Honganji ở Tokyo.
“Rất nhiều tu sĩ có cùng suy tư về sự khủng hoảng và sự cần thiết phải làm gì đó để đến gần hơn với dân chúng,” Kosuke Kikkawa, một tu sĩ 37 tuổi, người giúp tổ chức sự kiện cho biết. “Chúng tôi không thay đổi những lời dạy của Đức Phật, nhưng có lẽ chúng tôi cần trình bày theo cách khác để những lời dạy đó có thể tác động tới tình cảm của mọi người trong thời đại ngày nay.”
Thầy Taguchi tin rằng những áp lực của cuộc sống hiện đại đồng nghĩa rằng những thông điệp của Phật giáo vẫn tiếp tục phù hợp như từ trước đến giờ. “Ngày nay, mọi người phải đối mặt với một áp lực thường trực là tìm kiếm hạnh phúc, và thỏa mãn những mong muốn để có được hạnh phúc đó,” thầy nói. “Bạn có thể dễ dàng có ấn tượng rằng mọi người không cần lời khuyên từ những tu sĩ, nhưng đó không phải là vấn đề. Mọi người đều trải qua những lúc không hoàn hảo, những lúc không như dự định.”
Lịch sử Phật giáo Nhật Bản
Theo những bằng chứng lịch sử sớm nhất, đạo Phật được truyền vào Nhật Bản từ Trung Quốc và Triều Tiên vào thế kỷ thứ sáu.
Lúc đầu, Phật giáo Nhật Bản được coi là một lĩnh vực riêng biệt của các vị sư có học, những người hàng ngày cầu nguyện cho sức khỏe của hoàng tộc. Các vị sư này sống trong những ngôi chùa nổi tiếng tại cố đô Nara.
Pháp môn Tịnh độ xuất hiện ở Nhật Bản vào năm1175 và ngày nay tiếp tục có hàng triệu tín đồ.
Thiền Phật giáo cũng được truyền vào Nhật Bản cùng thời điểm, nhưng thịnh hành trong giới võ quan.
Phật giáo Nhật Bản đã tồn tại sau nhiều biến cố chính trị, đáng kể nhất là dưới thời Minh Trị cuối thế kỷ 19, thời kỳ mà Thần đạo được coi là quốc giáo.
Khoảng 90 triệu người Nhật cho mình là Phật tử, so với chỉ khoảng 1% trong 127 triệu dân cho mình theo Ki-tô giáo.
Trần Trọng Hoàng (Dịch)