Trang chủ Thời đại Xã hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam và vai trò phát triển quan...

Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam và vai trò phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam – Campuchia

148

Mối quan hệ này thực tế đã góp phần vào việc xây đắp quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Campuchia, và còn có thể đóng góp nhiều hơn nữa trong việc vun đắp tình đoàn kết Việt Nam – Campuchia trong tương lai.

Phật giáo Campuchia theo truyền thống nguyên thủy đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành Phật giáo nguyên thủy Việt Nam người Kinh. Truyền thống tu tập nghiêm cẩn, sự hoàn thiện của tổ chức tự viện, nội dung giáo lý nguyên thủy Phật giáo Campuchia đã thu hút sự quan tâm của những Phật tử Việt Nam có thuận duyên tiếp xúc gần gũi với Phật giáo Campuchia. Từ đó, dẫn đến việc nhiều vị cao tăng Phật giáo Việt Nam đã thọ giới tu tập, du học tại Campuchia như các hòa thượng Hộ Tông, Thiện Luật, Hộ Giác… Chính những vị cao tăng chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo Campuchia đã giữ vai trò khai sơn Phật giáo nguyên thủy Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX.

Như vậy, có thể nói rằng, Phật giáo Campuchia đã có ảnh hưởng gián tiếp nhưng rất sâu đậm trong việc thành lập Phật giáo nguyên thủy Việt Nam người Kinh. Tinh thần giáo lý truyền thống tu học của Phật giáo Campuchia đã được chuyển tải đến cộng đồng Phật tử Việt Nam thông qua những vị cao tăng xuất sắc đã tu tập, du học tại Campuchia, hấp thụ truyền thống tu học, tinh hoa giáo lý, phương thức hành đạo của Phật giáo Campuchia. Có thể nói, dấu ấn của Phật giáo Campuchia bàng bạc trong sinh hoạt Phật giáo nguyên thủy Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, tuy chịu nhiều ảnh hưởng từ Phật giáo Campuchia, Phật giáo nguyên thủy Việt Nam người Kinh đã không là một bộ phận, chi nhánh của Phật giáo Campuchia, mà ngay từ đầu đã xác định vị thế độc lập của mình, trở thành một hệ phái trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo nguyên thủy Việt Nam người Kinh cũng đã đóng góp một vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của Phật giáo Campuchia vào nửa sau thế kỷ XX.

Tháng 4 năm 1975, sau khi tiến chiếm Phnôm pênh, chế độ Pol Pot – Yêng Sari đã tiến hành hoạt động diệt chủng trên toàn quốc Campuchia, trong đó, có việc xóa bỏ triệt để Phật giáo, tôn giáo chính của Campuchia. Tăng sĩ Campuchia bị hoàn tục, xua đuổi khỏi chùa chiền, bắt đi lao động khổ sai. Chùa chiền bị đập phá, hủy diệt hay bỏ hoang, kinh sách bị thiêu hủy. Phật giáo Campuchia từ tháng 4/1975 bị hoàn toàn xóa sổ, rơi vào tình cảnh bi đát chưa từng có.

Tháng 1/1979, dưới sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Campuchia đã nổi dậy đánh đuổi chế độ Pol Pot – Yêng Sari, giải phóng đất nước khỏi họa diệt chủng, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia.

Trong mục tiêu khôi phục sinh hoạt bình thường của đất nước, xóa bỏ những tàn tích của chế độ diệt chủng Khmer đỏ, việc hồi sinh Phật giáo Campuchia trở thành một yêu cầu cấp bách, không những là của nhà nước Campuchia, mà là của toàn xã hội Campuchia.

Vấn đề đầu tiên được đặt ra là khôi phục tăng đoàn. Từ tháng 4/1975, tất cả các vị sư Campuchia đã bị hoàn tục. Khôi phục tăng đoàn là tái truyền giới cho những vị sư bị mất giới.

Phật giáo nguyên thủy Việt Nam người Kinh đã đảm nhận sứ mệnh thiêng liêng và quan trọng này.

Tháng 9/1979 đoàn Chư tăng Phật giáo nguyên thủy gồm các thượng tọa (giáo phẩm lúc bấy giờ) Thích Bửu Chơn, Thích Giới Nghiêm, Thích Siêu Việt, Thích Thiện Tâm đã thực hiện việc truyền giới, thượng tọa Thích Minh Châu (dự khán chứng minh) và nhiều vị sư Khmer Tây Nam bộ tháp tùng bước đầu khôi phục giáo hội tăng già Campuchia. Trong số những vị sư thụ giới trong giới đàn lịch sử đó có hòa thượng Tep Vong, nay là Tăng thống Tối cao Phật giáo Campuchia.

Việc Phật giáo nguyên thủy Việt Nam người Kinh tổ chức việc truyền giới khôi phục Phật giáo Campuchia là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Campuchia, cũng như trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sự kiện này cho thấy mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Campuchia, giữa Phật giáo nguyên thủy Việt Nam người Kinh và Phật giáo Campuchia, thể hiện sự tương trợ lên đến cao điểm của Phật giáo hai nước. Ý nghĩa tâm linh của sự kiện này bên cạnh ý nghĩa thực tiễn là giá trị siêu việt, vô giá trong lịch sử Phật giáo hai nước.

Thường xuyên nhắc nhở, kỷ niệm, giáo dục truyền thống về sự kiện Phật giáo nguyên thủy Việt Nam hỗ trợ hồi sinh Phật giáo Campuchia là vun bồi tình đoàn kết gắn bó Phật giáo Việt Nam – Campuchia.

Điều này càng trở nên cần thiết trong bối cảnh lực lượng chính trị đối lập có xu hướng phủ nhận quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Campuchia do Sam Rainsy đứng đầu đang tạo dư luận nghi ngờ về việc Phật giáo nguyên thủy Việt Nam người Kinh giúp đỡ hồi sinh Phật giáo Campuchia, mà cụ thể là đặt thẳng vấn đề vào giá trị lễ truyền giới tháng 9/1979.

Trước những diễn biến như vậy, chúng tôi đề xuất đẩy mạnh truyền thông về sự kiện Phật giáo nguyên thủy Việt Nam người Kinh giúp đỡ hồi sinh Phật giáo Campuchia bằng các biện pháp cụ thể:

–    Tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm bằng hình thức thích hợp.

–    Đặt bia kỷ niệm sự kiện tại ngôi chùa tổ chức truyền giới.

–    In ấn xuất bản phẩm, sưu tập lời kể, hình ảnh và các chứng tích về sự kiện nói trên từ những người tham dự sự kiện nói trên, đặc biệt là Hòa thượng Thích Thiện Tâm, vị giáo phẩm tham gia chủ trì việc truyền giới còn lại duy nhất hiện nay.

–    Sản xuất một bộ phim chuyên đề về sự kiện này, trình chiếu rộng rãi trên các kênh truyền hình Campuchia và Việt Nam.

–    Tổ chức hội thảo, các cuộc gặp gỡ tăng sĩ Campuchia – Việt Nam nhằm tạo những hình thức kỷ niệm cho sự kiện.

Hoạt động của Phật giáo nguyên thủy Việt Nam người Kinh giúp đỡ khôi phục Phật giáo Campuchia hồi sinh sau thảm họa diệt chủng là một bộ phận gắn liền với sự trợ giúp lớn lao mà đất nước Việt Nam dành cho Campuchia, giải phóng Campuchia khỏi địa ngục trần gian do tập đoàn Pol Pot Yêng Sari gây ra. Vì vậy, đẩy mạnh truyền thông, kỷ niêm về sự giúp đỡ của Phật giáo nguyên thủy Việt Nam người Kinh đối với Phật giáo Campuchia chính là vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Campuchia, là đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc quan hệ Việt Nam – Campuchia, không để cho lịch sử trong sáng của quan hệ 2 nước bị bôi đen.

Tính chất thiêng liêng của hoạt động tái truyền giới khôi phục Phật giáo Campuchia nếu được truyền thông một cách đúng mức, sẽ vượt lên một sự kiện lịch sử, mà trở thành một sự kiện mang màu sắc tâm linh, có tác dụng gắn kết chặt chẽ sự đoàn kết không những Phật giáo Campuchia – Việt Nam, mà là của cả 2 dân tộc.

Sự kiện Phật giáo nguyên thủy Việt Nam người Kinh giúp khôi phục Phật giáo một nước láng giềng từ hoang tàn bức hại còn là một sự kiện lịch sử có tầm vóc thế giới trong hoạt động tôn giáo, thể hiện đóng góp lớn lao của Phật giáo Việt Nam vào lịch sử Phật giáo thế giới.

MT