Trang chủ Bài nổi bật Phật giáo Nam tông – “Trái tim” của người Khmer Nam bộ

Phật giáo Nam tông – “Trái tim” của người Khmer Nam bộ

531

Phật giáo Nam tông có vai trò và vị trí quan trọng, chi phối đến mọi lĩnh vực đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer ở Nam bộ. Phật giáo Nam tông mang tính quần chúng, hướng con người đến việc “tốt đạo – đẹp đời” và đào tạo con em người Khmer thành những người có trí thức và đức hạnh. Vì vậy, Phật giáo Nam tông được ví như “trái tim” của cộng đồng người Khmer Nam bộ.

Đời người gắn với ngôi chùa

Chúng tôi có mặt ở Trà Vinh để dự trong đám cưới anh bạn người Khmer tên Thạch Ri Cơn. Trong lễ cưới, sau khi cô dâu chú rể đã làm lễ hồi hướng tổ tiên và nhận chúc phúc từ phía họ hàng hai bên, một nghi lễ không thể thiếu là nhận sự chúc phúc và nghe giảng đạo từ các sư thầy về nghĩa vợ chồng, đạo làm con với bố mẹ.

Là người làm chủ hôn cho cô dâu chú rể trong đám cưới, ông Thạch Út cho biết: “Các nhà sư là người có tri thức của cộng đồng và luôn được kính trọng nên việc giáo dục cho lớp trẻ là một phần trách nhiệm của họ”.

Chúng tôi để ý rằng trong buổi lễ hôm đó, người nhà cô dâu chú rể đều dâng cơm cho các vị sư thầy tới giảng đạo với một mong muốn được các vị sư chiếu cố dùng để mang lại điều phước lớn cho gia đình mình. Khi tôi kể rằng, không chỉ thấy trong buổi lễ cưới mà ngay khi đi trên đường cũng nhìn thấy người dân hay biếu đồ ăn hay hoa quả cho các thầy sư, anh bạn Thạch Ri Cơn cho biết đây là một nét đẹp trong lẽ sống người dân Khmer. Người Khmer cho rằng lấy việc làm điều thiện, cung tiến chùa chiền là lẽ sống thường ngày của mình. Vì vậy, triết lý của Phật giáo luôn đi cùng cách hành xử trong cuộc sống thường ngày của người Khmer. Điều này tạo nên giá trị văn hóa nhân văn cho người Khmer luôn sống nhân ái với nhau.

Sau khi lễ cưới kết thúc, chúng tôi ghé tham quan ngôi chùa ngay gần nhà anh bạn Thạch Ri Cơn. Vừa dẫn chúng tôi đi, ông Thạch Út vừa bảo rằng: “Cuộc đời mỗi người Khmer gần như đều gắn liền với một ngôi chùa nào đó, trong tiềm thức của mỗi người thì ngôi chùa như kết tụ tạo nên không gian thiêng liêng gắn kết gia đình cũng như cộng đồng người xung quanh. Vì vậy, dù đi đâu xa họ cũng hướng về ngôi chùa ở quê hương mình và sẵn sàng góp công sức, của cải để xây dựng chùa ngày càng to đẹp”.

Khi tới chùa, tham quan xung quanh chúng tôi thấy được nét kiến trúc đặc trưng của người Khmer chính là cổng và tường rào bao quanh ngôi chùa được trang trí bằng các hình tượng nghệ thuật cách điệu kể về sự tích Đức Phật. Bên cạnh đó, trong chùa có rất nhiều ngôi tháp được đặt trong khuôn viên mà theo tìm hiểu chúng tôi được biết đó chính là nơi các gia đình xây dựng để gửi tro cốt của người quá cố trong dòng họ. Bởi theo quan điểm trong phong tục tập quán của người Khmer khi sinh ra được các nhà sư làm lễ cầu an, đến tuổi trưởng thành được các nhà sư độ trì thì khi chết không mong mỏi gì hơn là được gửi lên chùa, được về với Phật.

Trong những câu chuyện kể của ông Thạch Út thì có điều đặc biệt là người con trai Khmer đến tuổi trưởng thành đều phải trải qua thời gian tu học ở chùa. Nên hầu hết người Khmer đều cho con vào chùa tu từ lúc khoảng 12, 13 tuổi. Đi tu không chỉ là hoạt động mang tính chất thuần túy tôn giáo mà mỗi người đàn ông Khmer đều ý thức rằng lên chùa để học chữ nghĩa, đạo lý làm người. Đó cũng là một cách tích phước cho gia đình, bản thân và cách thể hiện sự đền đáp công ơn cha mẹ. Sau thời gian tu học tại chùa, người con trai Khmer có thể chọn con đường tu tập trọn đời để trở thành các nhà sư hoặc xuất tu trở về với cuộc sống gia đình để đi làm việc khác.

Lên chùa vui hội

Trong những ngày ở Trà Vinh, chúng tôi còn được biết rằng, các sự tích, truyền thuyết về các lễ hội dân gian đồng bào Khmer Nam Bộ cũng thể hiện rất sâu sắc những bài học về cách sống theo triết lý đạo Phật.

Trong một năm, cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ có chừng hơn mười lễ hội, trong đó có 3 lễ hội chính: Lễ Đôn-ta, Tết Chol Chnam Thmay, Lễ cúng Trăng – Ok Om Bok. Tết Chol Chnam Thmay là Tết cổ truyền của người Khmer Nam Bộ diễn ra vào ngày 14 đến ngày 16 tháng 4 dương lịch hàng năm. Đây là dịp để bà con phật tử Khmer thể hiện tâm niệm của mình với Đức Phật, với các đấng sinh thàng và ông bà tổ tiên.

Trước Tết Chol Chnam Thmay, người dân Khmer vừa sắm Tết cho gia đình nhưng cũng không quên công việc quan trọng là đem công sức và tiền bạc để sửa sang chùa ở phum sóc gia đình đang sinh sống. Trong đêm giao thừa, sau khi đã làm lễ thắp nhang tại gia đình thì mọi nghi lễ đón Tết quan trọng đều diễn ra trên chùa để hướng lòng thành kính về Đức Phật và ông bà tổ tiên để cầu chúc cho gia đình có một năm mới bình an.
Ngôi chùa đối với 1,3 triệu đồng bào Khmer Nam bộ không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, mà còn được xem là “trung tâm văn hóa – xã hội”, là “ngôi nhà chung” của đồng bào dân tộc Khmer.

Tết Chol Chnam Thmay của người dân Khmer thường diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên lễ Phật, đọc kinh mừng năm mới. Ngày thứ hai, phật tử dâng cơm cho các vị sư và đắp núi cát. Các vị sư đọc kinh cầu siêu cho người đã mất và cầu an cho người còn sống. Ngày thứ ba là Lễ tắm tượng Phật và tắm cho các vị sư cao niên.

Trong những ngày Tết cổ truyền, ngôi chùa của người Khmer như bừng lên một sức sống mới. Tượng Phật, chính điện, cổng chào được sơn son thiếp vàng, khuôn viên chùa trang hoàng lộng lẫy.Từng đoàn người với những bộ quần áo sặc sỡ, nét mặt vui tươi, trên tay cầm nhang đèn, lễ vật vào chùa.

  

Theo phong tục truyền thống của người Khmer, những người quá cố trong gia đình đều được hỏa thiêu và gửi cốt trong chùa. Vì thế, mà trong ba ngày Tết họ có quan điểm “mình ăn gì thì ông bà mình có cái đó”. Những vật dâng cúng không thể thiếu là cặp bánh tét, trái cây vườn nhà, một sấp vải trắng để cầu siêu gửi cho ông bà, cha mẹ dùng. Qua ba ngày Tết ở chùa, mọi người mới về làm Lễ tắm tượng Phật ở nhà, mời ông bà cha mẹ đến chúc mừng, tạ lỗi và đem bánh trái tạ ơn công ơn sinh thành của ông bà, cha mẹ.

Có thể nói, trải qua nhiều thế kỷ, Phật giáo đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa độc đáo của người Khmer nói riêng và văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung./.


Bài: Ngân Hà – Ảnh: VNP