“…Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, Dân tộc Khmer luôn cùng các dân tộc anh em phát huy truyền thống yêu nước, lập nên những kỳ tích lịch sử trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer cùng các hệ phái Phật giáo trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã tích cực đưa Đạo Phật đi vào cuộc đời bằng chính trái tim, khối óc của dân tộc Việt Nam, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981, mở ra một kỷ nguyên mới với một tổ chức Giáo hội duy nhất, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước theo tiêu chí “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”, thực hiện các hoạt động Phật sự theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam với sự thống nhất trong đa dạng và đồng thuận trong các hoạt động Phật sự, do đó các truyền thống Hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp luôn được Giáo hội quan tâm và hỗ trợ thực hiện.
Trung ương Giáo hội đánh giá rất cao những đóng góp của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer vào những thành quả đạt được của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong năm nhiệm kỳ đã qua.
Kể từ sau Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ I tại tỉnh Sóc Trăng, lần thứ II tại Thành phố Cần Thơ, các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương đã chủ động hỗ trợ các yêu cầu mà Hệ phái đã đặt ra, nhất là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Ban Tôn giáo các cấp đã kịp thời đáp ứng những yêu cầu chính đáng của Phật giáo Nam tông Khmer như trong lời phát biểu khai mạc và báo cáo kết quả công tác triển khai thực Nghị quyết Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ II tại Thành phố Cần Thơ đã trình bày.
Qua những thành tựu đạt được, đã cho chúng ta thấy Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer ngày càng phát triển một cách đồng bộ trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đặc biệt, đối với công tác đào tạo nguồn nhân sự kế thừa, Trung ương Giáo hội đã hỗ trợ Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer đào tạo được hàng ngàn Chư Tăng có trình độ Cao Trung cấp Palì – Vìni và nhiều Chư Tăng đang du học ở Miến Điện, Tích Lan, Campuchia, Thái Lan.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một vài công tác chưa đáp ứng đầy đủ như đề xuất của Chư Tôn Giáo phẩm Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Vấn đề này là những tồn tại khách quan, cần có thời gian giải quyết. Trung ương Giáo hội tin tưởng rằng với sự hoan hỷ của Chư tôn Giáo phẩm Phật giáo Nam tông Khmer, một vài công tác còn tồn đọng sẽ được giải quyết trong thời gian sắp tới.
Chúng tôi hy vọng rằng thông qua Hội nghị lần này, các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer sẽ được tất cả chúng ta luận bàn thấu đáo trên tinh thần hoan hỷ và cùng chung lo Phật sự của người đệ tử Phật.
Mong rằng, sau Hội nghị hôm nay, Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer sẽ hoạt động ngày càng hiệu quả hơn trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhất là Chư tôn Giáo phẩm, Chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp để hướng dẫn đồng bào Phật tử Khmer nêu cao ý thức phục vụ đạo pháp và dân tộc, cùng nhau giúp đỡ đồng bào dân tộc Khmer phát triển về mọi mặt, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời phát huy vai trò là thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là thành viên đáng tin cậy trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện hữu hiệu phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” tại địa bàn khu dân cư và trong tất cả lĩnh vực.”
(*) Trích đạo từ của HT. Dương Nhơn – Phó Pháp chủ, Phó Chủ tịch HĐTS (đặc trách Phật giáo Nam tông) tại Hội nghị