Trang chủ Thời đại Xã hội Phật giáo: Liều thuốc xoa dịu đau thương

Phật giáo: Liều thuốc xoa dịu đau thương

180

Chúng ta còn nhớ, trong trận động đất khủng khiếp ở Thanh Hải, Trung Quốc những nhà sư Tây Tạng là những người đầu tiên đến nơi xảy ra thảm họa, cầu siêu, lo việc hậu sự, nạn nhân an ủi gia đình nạn nhân…

Trong thảm kịch mới đây ở Campuchia, khi mấy trăm thanh niên chết trong tai nạn khủng khiếp trên chiếc cầu dẫn vào đảo Kim Cương, thì bàn tay từ bi của Phật giáo lại xuất hiện vỗ về, an ủi, chia sẻ, xoa dịu nỗi đau vô hạn.

Nhưng, là tôn giáo hàng đầu về từ bi, nên hoạt động xoa dịu thương đau của Phật giáo hoàn toàn vượt trên các tôn giáo khác.

Đối với các tôn giáo nói chung, thông thường chỉ là lễ cầu siêu (các tôn giáo khác là lễ cầu hồn).

Nhưng xem những hoạt động tiếp theo sau tai nạn thảm khốc ở Campuchia, chúng ta mới thấy vai trò là liều thuốc xoa dịu nỗi đau của Phật giáo có tác dụng như thế nào.

Qua trường hợp cụ thể này, chúng ta thấy rõ đạo Phật hành động, không phải là đạo của người chết, mà là đạo của người sống, vì những người sống trong nỗi đau thương cùng tột, với những sang chấn tâm thần có thể đưa đến cuồng loạn: một gia đình có 6 người con thì chết hết cả 6, nhiều gia đình mất đứa con độc nhất, nhiều gia đình mất cả con cả cháu, nhiều gia đình có nạn nhân là những đứa trẻ lên 8, lên 10.

Trong lúc vết thương xẻ thịt cắt da của toàn xã hội Campuchia đầm đìa máu đỏ, bàn tay Phật giáo Campuchia đã đến, đã là được những điều cần thiết nhất, để máu của nỗi đau bớt chảy, đưa cả đất nước dần dần ra khỏi cảm giác khủng hoảng, chấn động.

Nhờ xem được nhiều đài truyền hình Campuchia trong những giờ phút bi thương nhất của đất nước này, người viết có dịp thấu được biểu hiện từ bi cụ thể, đặc trưng và có thể nói là đáng khâm phục của Phật giáo Campuchia.

Ngay khi tai nạn vừa xảy ra, các nhà sư đã có mặt. Nhưng họ không can thiệp vào hoạt động của cảnh sát, nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế… Những nhà sư chỉ đứng bên ngoài, xa xa từ chiếc cầu định mệnh, xa xa những bệnh viện đầy ắp người bị thương, thầm lặng, nhắm mắt, lâm râm niệm kinh.

Trước biến cố, những nhà sư không thể ở lại chùa được nữa. Họ không thể không đến với nạn nhân, dù chưa tới lúc họ có thể đến gần. Những nạn nhân vô phúc qua đời đã được hộ niệm ngay ngay từ những giây phút đầu tiên. Những nạn nhân gãy tay, gãy chân, đau đớn vì những vết thương dẫm đạp sẽ cảm thấy mình đang được sự phù trợ vô hình, cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi.

Những nhà sư ở Phnompenh vẫn tham gia trong cuộc cứu nạn, mà đến nay vẫn còn tiếp tục qua việc  chữa trị những người bị thương, bằng cách riêng của Phật giáo, bằng liệu pháp, tinh thần, dù rằng chỉ đứng bên ngoài, đứng phía xa im lặng cầu nguyện.

Ngay sau đó, trước khi lễ cầu siêu diễn ra, là hình ảnh những nhà sư dẫn đầu các đoàn Phật tử từ các chùa đến cơ quan tiếp nhận cứu trợ ủng hộ tịnh tài.

Theo truyền thống Phật giáo Nam tông, tăng sĩ không được phép giữ tiền bạc trong người. Ở đây nhà sư giữ vai trò người vận động hướng dẫn Phật tử. Sự việc cứu trợ được các đài truyền hình Campuchia trực tiếp truyền hình suốt mấy ngày sau tai nạn.

Khi những người Phật tử đến đóng tiền hỗ trợ nạn nhân, các vị sư cũng chỉ đứng bên ngoài yên lặng, chứng minh, không trực tiếp tham gia cứu trợ. Nhưng vai trò những nhà sư Phật giáo trong việc cứu trợ bộc lộ rất rõ. Phật giáo luôn luôn có mặt trong những việc làm vơi bớt nỗi đau, cả về thể xác lẫn tinh thần. Sau đó, những chiếc xe đầy ắp thuốc men lên đường tới bệnh viện.

Cũng không chờ đến lễ cầu siêu  chung, kênh truyền hình cho thấy những đoàn người mặc áo trắng đứng chật trong chánh điện, ngoài sân chùa cầu nguyện dưới sự chủ trì của các vị sư. Cờ Phật giáo treo rũ trước khi quốc tang được cử hành. Chánh điện những ngôi chùa tràn ngập những bông hoa màu trắng trầm mặc trong nghi ngút khói hương.

Lễ cầu siêu với rất nhiều vị sư tham dự như bản tin mà bạn đọc đã xem trên Phattuvietnam.net.

Sau lễ cầu siêu tập thể những nhà sư chia nhau về từng gia đình nạn nhân để giúp các gia đình bất hạnh cử hành lễ tang. Gia đình mất mát nào cũng có sư bên cạnh, cầu nguyện, an ủi, vỗ về. Đôi khi, các nhà sư cũng chỉ đứng lặng im, chứng kiến việc khâm liệm đưa xác nạn nhân về nhà, không tham gia cùng các nhân viên có phận sự. Nhưng sự có mặt của các vị sư là vô cùng quý giá. Phật giáo luôn có mặt bên cạnh những người đau khổ trong những giờ phút đau khổ nhất.

Rồi như những nhà sư Tây Tạng trong cơn động đất ở Thanh Hải, Trung Quốc, hay cũng như những nhà sư trên toàn thế giới, những nhà sư Campuchia cũng đưa nạn đến nơi yên nghỉ cuối cùng.

Hôm nay, 26/11/2010,  khi ngày quốc tang đã qua, các đài truyền hình lại trình chiếu phim ảnh, ca nhạc bình thường, quốc kỳ Campuchia ở các công sở đã treo cao như cũ, thì cái tang chung của cả nước Campuchia vẫn diễn ra tại các chùa.

Cờ Phật giáo vẫn treo rũ trong khói hương, các cuộc lễ cầu siêu vẫn tiếp tục, các nhà sư vẫn tiếp tục tụng niệm liên tục, vẫn đưa tiễn người qua đời đến nơi an nghỉ và tổ chức thăm viếng người bị thương trong bệnh viện.

Lễ cầu siêu và cầu an vẫn được những nhà sư tổ chức ở chiếc cầu treo Kim Cương, giờ được gọi là chiếc cầu “ma”.

Những nhà sư Campuchia vẫn còn thực hiện sứ mạng từ bi thiêng liêng của mình cho đến khi nào vết thương tinh thần còn rĩ máu, những người chịu sự mất mát người thân chưa nguôi ngoai nỗi đau.

Một lần nữa, ở đây, chúng ta thấy cái hay của Phật giáo. Tưởng chừng là độ tử, nhưng thực ra là độ sinh, độ những người chịu khổ nạn tang chế, độ những người kinh hoàng vì tai nạn, độ những người còn đau đớn vì những vết thương đang còn nằm la liệt trong bệnh viện, độ cả nước Campuchia đang kinh hoàng vì biến cố, độ người dân Campuchia đoàn kết lại vượt khổ đau.

Chính trong sự thương đau, Phật giáo Campuchia đã chứng tỏ đạo Phật cần thiết cho kiếp sống con người hơn bao giờ hết, chứng tỏ những giá trị từ bi của đạo Phật ngời sáng hơn bao giờ hết.

Trong khi thủ tướng Hunsen khóc nghẹn ngào khi ra về, trước lúc bước lên xe còn ngoái lại xá về nơi xảy ra tai nạn, thì chư vị tôn đức lãnh đạo Phật giáo Campuchia vẫn đứng im lặng, trầm mặc, bất động. Những nhà tu hành nhìn đời bằng con mắt đạo Phật: Sinh lão bệnh tử/lẽ thường tự nhiên.

Nhưng những nhà sư đã tham gia vào việc cứu khổ cứu nạn một cách tích cực trên tinh thần đạo Phật.

Cuối cùng, để không thiếu sót, xin đề cập đến các vị nữ tu. Trên TV trước mặt người viết khi viết bài này là những nữ tu Phật giáo Campuchia (cũng có thể gọi là chư ni, cạo tóc, mặc áo trắng) có mặt trong những tang lễ, nhưng trong tư cách như là người nhà của các nạn nhân, là một biểu hiện nữa tinh thần từ bi Phật giáo.

Xin chân thành kính gửi đến chư tăng ni Phật giáo Campuchia niềm kính phục về hạnh nguyện từ bi.

MT