Sự khác biệt giữa tin, hiểu và thực hành
Ða số người đợi đến tuổi trung niên khi cuộc sống mình có nhiều mất mát mới bắt đầu tìm hiểu tôn giáo. Một số lớn tìm hiểu tôn giáo để có một niềm an ủi cho những cái mất mát của mình. Họ hy vọng được sự cứu rỗi khi có niềm tin vào tôn giáo và nhóm hợp với những người cùng niềm tin với mình để củng cố lòng tin. Số ít hơn tìm hiểu tôn giáo như một môn học về tâm linh và họ học và so sánh lý thuyết tôn giáo. Những hiểu biết đó chỉ thuần về lý trí và lý thuyết. Những người này trở thành những diễn giả ăn nói trôi chảy diễn đạt và giải thích được tôn giáo như một môn học.
Tuy niềm tin và sự học hỏi về tôn giáo rất tốt, đó chỉ là những bước đầu để ta có thể đi sâu hơn và tự khám phá đời sống tâm linh. Khi ta giậm chân tại chỗ ở niềm tin quá độ hay dừng trên lý thuyết để diễn bài tôn giáo thì một ngày nào đó ta sẽ bị thất vọng vì hai cái cực đoan trên không giúp ích gì cho ta mà trái lại còn gây nhiều phiền phức nửa. Thí dụ khi tin ta phải “trả nghiệp” thì lòng tin mù quáng đó khiến cho ta thụ động không thay đổi cuộc sống ta, khi bị bịnh không đi trị bịnh, phải chịu bịnh như vậy để “mau hết nghiệp xấu”. Khi ta học thuyết luân hồi, ta quả quyết đó là chân lý và dùng hiểu biết ta đi tranh luận hơn thua với các nhóm tôn giáo khác không tin vào luân hồi. Ðiều này có thể gây ra sự thù hằn giữa các tôn giáo.
Vì thế muốn thực hành đạo một cách đúng đắn, lòng tin và sự hiểu biết về đạo phải đi đôi với nhau. Lòng tin là cái năng lực thúc đẩy ta hành động. Nhưng nếu hành động đó không được soi sáng bởi sự hiểu biết thì hành động đó sẽ dễ dẫn đến địa ngục của sự cuồng tín thay gì đưa đến sự giải thoát. Sự hiểu biết tạo cho ta một hướng đi. Muốn hiểu biết một cách chín chắn thì ta phải có sự thăng bằng giữa lòng tin và sự nghi ngờ. Khi học đạo ta luôn phải đặt câu hỏi là lý thuyết này có thể áp dụng được trong đời sống hàng ngày của ta không? Ðạo Phật cho phép ta nghi ngờ và đặt câu hỏi. Chỉ khi đặt câu hỏi ta mới có thể khám phá ra sự thật trong chính ta.
Tu phải đi đôi với hành
Tu là tu sửa. Ta không thể nào làm một cuộc cách mạng khi không có hành động. Vì thế tu phải đi đôi với hành. Ở xã hội ta phải chịu cực đi làm mới có tiền nuôi thân và giúp gia đình. Thế giới tâm linh cũng không có khác gì. Ta phải chịu cực thực hiện những điều ta học hỏi được thì ta mới có nghị lực giúp ta thay đổi chính mình và sau đó giúp xã hội thay đổi. Cũng như khi ta làm quan lớn mà tham nhũng thì không thể nào dạy dân có cuộc sống tinh khiết được. Vì thế tu sửa là điều rất quan trọng trong quá trình tiến hóa tâm linh và sau đó ta làm gương giúp kẻ chung quanh ta tiến hóa theo ta. Khác với Ki Tô Giáo, Phật Giáo chủ trương ta phải tu tâm trước rồi mới giúp đời sau. Có lẻ vì thế mà lịch sử cho ta thấy rằng chưa hề có chiến tranh Phật giáo.
Hiểu mà không hành dễ tạo cho ta cái cảm giác ngạo mạn hơn thua. Người học mà không hành sẽ có cái nhìn phiến diện vì họ có khuynh hướng tô điểm cho những gì họ học hỏi được là trên nhứt, là đúng nhứt. Người đời gọi là méo mó nghề nghiệp. Ông bác sĩ cho mình giỏi hơn ông kỹ sư vì mình trị được bịnh cho ông kỹ sư. Ngược lại, ông kỹ sư cho mình giỏi hơn ông bác sĩ vì không có mình làm ra những dụng cụ y khoa thì ông bác sĩ sẽ không hành nghề được. Trên thực tế con người cần nương nhau mà tồn tại. Không ai hơn ai, không có tôn giáo nào hay hơn tôn giáo kia. Tôn giáo được đặc ra để đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người. Có người thích hợp tôn giáo này, người thích hợp tôn giáo kia. Ta không nên áp đặt tôn giáo mình lên kẻ khác.
Hành đạo, thực hiện đạo trong đời sống hàng ngày giúp ta hiểu rõ được con người thật của ta. Khi ta học và hiểu được phải dẹp bỏ tham, sân, si thì ta tưởng như khi ta hiểu được điều này, tham, sân, si tự nó được dẹp. Sự thật không phải như vậy. Chỉ khi ta thực hành bố thí mà trong bụng còn cảm thấy hơi tiếc của thì lúc đó ta mới nhận thức được ta tuy hiểu mà ta vẫn còn lòng tham, còn lo âu khi rời của cải của ta. Chỉ khi nghe người khác chê hay nói xấu mình mà ta cảm thấy có sự buồn phiền nổi lên trong lòng thì ta chợt nhận ra cái sân của ta. Khi nhận ra sân nơi ta thì ta không còn đổi thừa là người nói xấu ta thật là vô duyên thất đức. Chỉ có khi thực hành ta mới nhận rõ tham, sân, si nơi chính ta và từ đó ta cố gắng tự trị lấy bịnh của mình mà không còn đổi thừa hoàn cảnh bên ngoài để tự biện hộ cho ta nửa.
Tu hành là trở về sự toàn thể
Sở dĩ ta đau khổ là ta tự ngắt bẻ mình ra ngàn phần. Phần chính được gọi là ngã và phần bị mất gọi là ngã sở. Một thí dụ cho dễ hiểu là tình yêu lứa đôi. Khi còn nhỏ thì đứa bé cảm thấy tương đối đầy đủ, không có cảm giác nhớ nhung và đau khổ của kẻ thất tình. Nhưng khi vào tuổi dậy thì, khi biết yêu thì tâm hồn nó bị phân chia ra và nó cảm thấy không đầy đủ nửa mà phải tìm người yêu khác phái để lấy về sự đầy đủ ban đầu. Cái ngã “tôi yêu” và ngã sở “người tôi yêu” bắt đầu phân chia rõ rệt. Người thanh niên thiếu nữ cần đem cái ngả sở -người yêu- về cho mình thì mới gọi được là hạnh phúc, có nghĩa là trở về sự toàn vẹn ban đầu. Khi không được tình yêu thì tâm hồn người thanh niên, thiếu nữ cảm thấy như bị cắt xén, thiếu hụt, và cô đơn. Vì thế thất tình có thể dẫn đến sự tuyệt vọng và tự tử.
Sân là phản ứng ta có khi ta bị từ chối. Bị từ chối làm ta cảm thấy mất sự đầy đủ trong tâm hồn. Ta sân khi món đồ ta thích hay người ta yêu bị lấy mất. Sự mất mát hay tình yêu bị từ chối hoặc cướp mất làm ta cảm thấy ta không toàn vẹn nửa. Tột điểm của sân là diệt bỏ người đe dọa sự toàn vẹn của ta để ta có thể trở về sự đầy đủ ban đầu. Buồn hay mặc cảm tự ti là mặt trái của sân khi đối tượng ta có nhiều quyền uy hơn ta, vì lý do nào đó ta không diệt trừ người đó được (thí dụ như ta đang cần người đó). Ta phải miễn cưỡng trở thành kẻ yếu để xin vào vòng chấp nhận và được bảo vệ, để ta có thể trở lại sự đầy đủ.
Nguồn gốc của vô minh do con người từ vô thủy đã tự đánh mất mình trong cõi vật chất vô thường. Con người dùng xác thịt làm phượng tiện sanh ra xác thịt, họ đi lạc vào vô số xác thân và muốn chiếm giữ những xác thân để mong tìm lại những phần bị đánh mất của chính mình. Càng qua nhiều chu kỳ sanh tử thì sự mờ tối trong tâm càng nhiều hơn để dần dần họ quên hẳn con đường trở về sự đầy đủ ban đầu. Một trong những lối trở về là tình yêu nói chung. Khi cha mẹ thương yêu con cái thì tạo cho con cái mình cảm giác đầy đủ trong tâm hồn. Nhưng rồi nếu ta bám vào xác thân cha mẹ thì khi cha mẹ chết ta sẽ bị cắt xén cô đơn khôn tả. Chính vì thế những tôn giáo cứu rỗi ra đời (Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo hay phái Tịnh Ðộ của Phật Giáo) đem đến cái hy vọng trở về sự đấy đủ của tâm hồn khi tín đồ được chấp nhận vào thiên đàng hay cõi tịnh độ.
Con đường trở về trong hiên tại: giác ngộ
Bát nhã là con đường tắt trở về sự đầy đủ của Chân tánh trong đời sống hiện tại. Không phải ai cũng đi được con đường này. Qua kinh Bát Nhã, Phật dạy ta không nên nương tựa trên vật chất mà cũng không nên nương tựa trên kiến thức để nhìn ra sự đầy đủ nơi ta (chân tánh). Người thế gian thường dựa trên nguyên tắc nhị nguyên để vào đạo. Bỏ cõi giới sắc về cõi giới tâm thì dễ hiểu, bỏ kiến thức bon chen của đời để học kiến thức xuất thế gian của đạo là điều dễ hiểu.
Nhưng nếu Phật dạy không nên nương tựa lên đời lẩn đạo để vào Chân tánh thì thật khó hiểu. Rồi Phật lại nói sắc tức là không, không tức là sắc, là một điều ta dùng lý trí gượng ép mà giải thích chớ không thể nào hiểu được cái tận cùng rốt ráo của lời Phật dạy.
Khi Phật sắp nhập Niết bàn, Phật dơ cành hoa sen lên mà không nói một lời, đại chúng ngớ ngẩn nhìn nhau thắc mắc, chỉ có ngài Ca Diếp chúm chím cười. Phật chọn Ngài làm người thừa kế. Khi đọc lịch sử thiền tông, ta thấy có nhiều điều kỳ quái như khi có học trò hỏi về đại ý Phật pháp thì sư tổ hét lên mà không trả lời hay dựng cây phất tử (chổi) lên trong im lặng, vậy mà có người lại ngộ đạo và liền đó quỳ lại cám ơn sư tổ. Người đệ tử này đã giác ngộ. Giác ngộ là sự liên ứng với chân tánh không qua suy nghĩ lý luận. Nhiều học giả không thích lý Bát Nhã hay thiền tông vì cách truyền dạy này không có phương pháp và không ai giải thích được một cách tường tận.
Con đường tức thời vào Chân tánh rất trơn trợt. Vừa khởi một ý nghĩ để hiểu là ta bị té rồi. Ta không thể dùng lý trí để lý giải được đạo (con đường) Bát Nhã. Muốn đi trên con đường này, hành giả phải tự cởi trói những gì đã học hỏi được. Ðây là con đường giải thoát tâm linh chớ không phải hiểu biết lý giải danh từ giải thoát. Khi dừng mọi tư tưởng, tâm hành giả biến thành bầu trời trong suốt và hành giả là sự liên ứng của Chân tánh. Sự ứng hiện từ không mà có và chính cái hiện tượng ứng hiện tức thời đó chưa từng rời cái tịch lặng sáng suốt. Bây giờ hành giả mới nhận ra rằng sự đầy đủ thật sự không phải do tích chứa mà có. Thưỏ xưa Ngài Ca Diếp mỉm cười vẫn còn là hiện tại. Nụ cười thật đẹp đó ngay nơi đóa hoa Ðức Phật đưa lên và nụ cười chính là đóa hoa sen. Phật, hoa sen và Ca Diếp đồng thời hiện ra và phản chiếu trong nhau. Ca Diếp vừa không phải là Phật mà vừa là Phật chính nơi lúc đó. Cái thực trạng tức thời đó thật khó diễn bày qua chữ nghĩa.
Phân tâm học và Bát Nhã
Theo phân tâm học, ta đau khổ do ta phân liệt (split) tâm ta một cách tự động mà ta không ý thức được. Chính sự phân liệt đó duy trì ngã và ngã sở. Sự phân liệt đó xuất hiện ở nhiều dạng khác nhau. Cái cảm nhận sự thật liên hệ rất nhiều tình trạng phân liệt đó. Một trong những cách phân liệt là hiện tượng phóng tâm (projection) mà dân gian gọi là đổ thừa. Ta đổ thừa người này vô duyên nói những lời chọc ta giận, ta đổ thừa người kia dụ dỗ và lường gạt ta. Ðó là sự thật không chối cãi mà ta cảm nhận được. Qua những lần phân tích tâm lý thì sự phóng tâm ít dần đi. Khi ta ít giận hơn, ít ham muốn hơn thì ta cảm thấy cùng một lời nói đó mà bây giờ ta có thể bỏ qua được. Ta có cảm tưởng như lời nói đó không còn quan trọng nửa. Nói theo nhà Phật thì lúc trước ta còn vô minh (không hiểu rõ chính mình) cái ngã ta còn lớn nên bị cái thế giới ngã sở làm ta điên đảo. Khi ta hiểu biết ta hơn thì chấp ngã mỏng dần và ta bớt lệ thuộc vào cái ngã sở. Nói một cách khác, cái thế giới quan thay đổi theo sự nhận thức của ta.
Cái tột đỉnh của sự tu hành diệt khổ là ta tập nhận thức sự phân liệt của tâm ta (vọng tưởng) và dần dần trở về cái tâm nhận thức không suy nghĩ của ta (chân tâm). Phân tâm học cho ta biết rằng khi ta càng suy nghĩ nhiều thì ta càng đi lạc vào những cảnh giới của phân liệt. Thí dụ như ta theo những tư tưởng trả thù ghét bỏ người nói xấu ta. Ta dùng những suy nghĩ lý luận biện hộ phần đúng về ta. Càng suy nghĩ nhiều, cái cảm tưởng người đó xấu càng in sâu đậm vào tâm thức ta. Diều đó khiến cho ta thật khó mà nhận ra chính lòng bực tức của ta vẻ ra cái cảnh đó. Khi ta thấy người đó hoàn toàn xấu rồi thì dù ta có học đạo cách mấy cũng vẫn không thể tha thứ người đó được.
Khi ta dẹp bỏ được tất cả những thế giới ngoại cảnh do tâm phân liệt của ta vẽ ra thì ta trở về với con người nhận thức đầy đủ của ta. Tu hành rất đơn giản nếu ta chịu khó nhìn chính mình và rất phức tạp nếu ta không chịu thay đổi mình mà cứ muốn thay đổi người khác. “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”: khi hành đạo ta biết không làm gió dừng được nhưng có thể làm tâm ta dừng được. Khi tâm ta dừng rồi thì gió bên ngoài sẽ dừng theo. Ðiều này ta chỉ có thể thể nghiệm chớ không lý luận ra được. Có lẻ Phật muốn cho ta nhận ra điều này nên vào phút cuối cuộc đời, Phật dạy: Trong 49 năm thuyết pháp, Như Lai chưa từng nói một lời. Khi tâm ta bám vào cái đúng của pháp Phật, sớm muộn gì nếu không tạo bão táp thì ta cũng tạo gió tranh chấp.
Thần kinh học và Bát Nhã
Những nghiêng cứu gần đây cho ta biết não bộ của ta phản ứng với hoàn cảnh bên ngoài qua 3 hệ thống thần kinh (neural systems) ảnh hưởng qua lại với nhau: hệ thống thần kinh limbic, hệ thống prefrontal cortex, và hệ thống paralimbic. Hệ thống limbic là phần não bộ cũ kỹ nhứt liên hệ đến bản năng và tình cảm ban sơ (sợ, ham muốn, giận dữ), hệ thống prefrontal cortex phát triển gần đây hơn trên quá trình tiến hóa của loài người, liên hệ đến suy nghĩ, tính toán, và chiến lược. Ở những người không tu tập, hai hệ thống này làm việc song song mà không liên lạc với nhau, sanh ra hiện tượng phân liệt tâm mà phân tâm học nghiên cứu ở phần trên. Có nghĩa là ta có thể học hỏi lý luận trôi chảy (hoạt động của prefrontal cortex) mà không nhận ra những tình cảm tham, sân, si của ta phát ra từ hệ thống limbic. Ngược lại ta dùng sự hiểu biết của hệ thống prefrontal để ta phát triển sự sân hận: dùng trí khôn biện hộ, làm vũ khí độc hại hay dùng mưu lược chính trị xâm chiếm nước láng giềng.
Từ khi hệ thống prefrontal cortex của loài người phát triển, họ tạo ra sự mất quần bình trên quả địa cầu. Nguyên do của sự phân chia lãnh thổ và xử dùng tài nguyên một cách bất cân xứng là hâu quả của sự phát triển của hệ thống này. Chỉ có loài người mới tạo ra chiến tranh vì mâu thuẫn với nhau. Hiện nay, họ giết lẫn nhau vì tranh giành tài nguyên ít hơn là vì mâu thuẫn tư tưởng. Mâu thuẫn không có ở bản năng. Bản năng tự nó có sẵn sự quân bình trong đó. Thí dụ loài thú chỉ đi săn khi nó đói và không giết các sinh vật khác nhiều hơn sự cần thiết của bao tử. Khi thức ăn hiếm thì sự sanh sản ít theo, chớ không phải như loài người sanh sản không nương theo nhu cầu cung cấp của thiên nhiên.
Hệ thống paralimbic đóng vai trò rất quan trọng trong sự liên kết hai hệ thống limbic và prefrontal cortex kể trên, nó nối liền lý trí và tình cảm thuộc về bản năng. Hệ thống này có nền tảng vật chất, là nhóm tế bào thần kinh nằm phía sau vùng orbitofrontal cortex và có những đường thần kinh nối liền với hệ thống limbic. Nhờ hệ thống này mà ta có được sự nhận thức toàn diện khi tình cảm và hiểu biết được phối hợp một cách hài hòa. Cái giây phút phối hợp đó gọi là giác ngộ nhỏ, so với giác ngộ toàn diện của Phật. Khi ta không thiền định hoặc trải qua những khóa phân tích tâm lý thì hệ thống này không tích cực hoạt động. Khi ta khởi động nó thì ta sẽ có những giây phút trực hiểu thế giới một cách toàn diện (integrated and insightful knowledge), còn gọi là giác ngộ.
(Quý đọc giả muốn tham khảo thêm về những hệ thống thần kinh này xin đọc: Mesulam MM, ed. 2000. Principles of Behavioral and Cognitive Neurology, 2nd ed. NewYork: