Thế nhưng, trên trang phattuvietnam.net, tôi ít thấy có ý kiến, lời khuyến tấn hay giáo huấn của chư Tôn túc, chỉ có một vài lời bày tỏ của một số Tăng Ni trẻ than thở rằng mầm non mới mọc không đủ thẩm quyền.
Tự xét lại, trải qua bao biến cố thăng trầm, Đạo Phật vẫn tồn tại, phát triển trên mảnh đất hình chữ S này. Hơn thế, Phật giáo còn lan toả sang các nước châu Âu.
Vậy cớ gì trong khi đất nước hoà bình, ấm no, kinh tế phát triển, điều kiện hành đạo, hoằng pháp cũng đa dang hơn, những cơ sở vật chất càng ngày càng khang trang, tốt đẹp hơn, đời sống vật chất cũng phong phú hơn, Phật giáo lại trì trệ, thậm chí một số mặt lâm vào cảnh báo động. Hay như dự báo trước mà trong Kinh Duy Ma Cật: Đức Phật nói, những người đệ tử ưu tú nhất của Ngài lại không dám thăm bịnh một trưởng giả là Duy Ma Cật, hay vì ngày nay trong Tăng đoàn xuất hiện sự lợi dưỡng. Qua nhìn thấy (Nghiêm Minh Kiên), Suy tư đong đếm (Minh Thạnh), chúng ta nghĩ gì?
Không thể nói suông, như HT. Tuyên Hoá nói: trong thời đại ngày nay, giới Lãnh Đạo cần lên tiếng: khắt khe, kỷ cương hơn, mọi người phải trách nhiệm hơn, đừng thoái thác nhiệm vụ mà chí nguyện ban sơ đã dũng mãnh khi tìm đến con đường Xuất gia.
Con đường Xuất gia là lý tưởng, là hoài bão, là mục tiêu hướng đến. Vậy hãy tự rèn luyện cho mình có nghị lực vững vàng. Một sự tỉnh giác nhanh, để có thể ứng đối với hoàn cảnh xã hội hiện tại, một xã hội hiện đại hoá, toàn cầu hoá. Một xã hội với nền công nghệ thông tin phát triển cao với vô số điều kiện quyến rũ…
Tuy nói Hoà nhi bất đồng ,tuỳ duyên bất biến, nhưng nếu kém tỉnh giác thì đối duyên xúc cảnh (biến mà không hay, đồng mà không biết). Cần trang bị cho mình bộ áo giáp nhẫn nhục, mang đôi hài tinh tấn, mài gươm trí huệ cho bén sẵn sàng chiến đấu, mới mong bảo tồn chí nguyện Độ tha, giải thoát.
Đó là những gì những người Phật tử hết lòng vì Đạo pháp mong cầu nơi chư Tôn đức, những người thay Phật Tổ nối tiếp sự nghiệp truyền đăng hầu làm cho Đạo Phật ngày càng hưng thịnh.
Còn trách nhiệm của người Phật tử, chúng ta không chỉ giao phó cho Giáo hội, cho các cấp lãnh đạo, hay ngồi đó than thở, mà cần hành động, cần chung tay, việc gì chưa làm cần làm gấp, việc gì chưa thay đổi cần thay đổi, cần lên tiếng thì mạnh dạn lên tiếng.
Xét lý do đạo Phật hạn chế trong việc phát triển, có thể là:
– Đạo Phật là Đạo Từ Bi, không cưỡng ép
– Chúng ta chưa Phật hoá gia đình
– Phật tử cảm thấy hụt hẫng rồi bỏ Đạo
– Mê tín tìm đến những nơi thoã mãn tà kiến
– Chưa đủ sức lôi cuốn lớp trẻ tìm hiểu và đến với Đạo
– Vô tình hay yếu đuối để cho tôn giáo khác lôi kéo tín đồ .
Vậy chúng ta cần làm gì? Cần đoàn kết chặt chẽ, tận tâm tận lực lo cho Phật pháp, cần có ý chí kiên cố, cần thành tâm cống hiến không trông đợi, không vì danh thơm tiếng xấu mà thối chuyển tâm nguyện. Vì Đạo Pháp quyết chí xông pha (địa ngục ta không vào thì đợi ai).
Qua loạt bài tình trạng Phật giáo hiện nay, là người Phật tử nơi vùng xa xôi, dù kiến thức hạn hẹp cũng xin bày tỏ đôi điều với quí Đạo hữu hòng tìm giải pháp đưa Đạo Phật ngày càng hưng thịnh, đừng để phải thốt lên “Đạo Phật suy vong”.
Vào những ngày cuối năm, với những ngày lễ lớn đầu năm mới như Lễ vía Phật A Di Đà, Đại hội Nữ Phật tử thế giới, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cận kề, xin cầu chúc mọi người an vui, thế giới hoà bình và đạo Phật Việt Nam hưng thịnh.
Khi Phật Pháp sắp đến bờ mé diệt vong, bất luận là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà- tắc hay Ưu-bà-di cũng đều nên lấy việc phục hưng Phật giáo làm nhiệm vụ của mình, gọi là: “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách.” Bây giờ chúng ta có thể nói là: “Phật giáo hưng vong, nhân nhân hữu trách.” Đã là Phật tử, chúng ta lại càng nên có trách nhiệm hơn nữa, chứ đừng thoái thác cho người khác. Chúng ta nên tự hỏi lòng rằng: Chúng ta phải làm sao để phục hưng và phát huy Phật giáo cho rạng rỡ thêm hơn? Đây tức là tự mình nên có sự phản tỉnh sâu sắc! Từng giờ từng khắc nên tự kiểm xét lấy mình! Những việc đáng làm, mình đã làm chưa? Nếu chưa, vậy tại sao mình chưa làm? Hoằng dương Phật Pháp là công việc của mọi người. Nhưng chỉ khi nào mọi người cùng phân công hợp tác làm việc với nhau như: Người có tiền thì góp tiền, ai có sức thì góp sức, và cùng nhau nỗ lực nhất trí đoàn kết thì mới có thể làm cho Phật giáo hưng thịnh trở lại. Cho nên có câu nói: “Đoàn kết là sức mạnh.” Chúng ta không nên phân tán như mâm cát rời rạt, cũng đừng nên có quan niệm tụ thủ bàng quan, tức là chỉ biết khoanh tay đứng nhìn. Là đệ tử Phật, một khi đã hiểu rõ nhiệm vụ của mình, chúng ta lại càng không nên có tâm ỷ lại rằng: “Dù sao cũng đã có người hoằng dương Phật Pháp rồi, tôi bất quá chỉ là một phần tử thì có ảnh hưởng gì đâu.” Nếu ai ai cũng có tư tưởng như vậy, thế thì đến bao giờ Phật giáo mới được phục hưng, được vẻ vang khác thường đây? E rằng sẽ không bao giờ! Trong thời đại nầy, nếu trên thế giới không có ai chân chánh phát tâm tu hành để làm người lãnh đạo, e rằng Phật giáo nhất định sẽ suy sụp dần dần rồi đi đến chỗ diệt vong. Chúng ta đã là Phật tử thì nên tận tâm tận lực lo cho Phật giáo. Trong thời kỳ hoằng dương Phật Pháp, chúng ta nên dõng mãnh tiến tới, không nên nhát gan lo trước lo sau, cũng đừng sợ người ta ghen ghét, hay sợ bị người gây chướng ngại, vì đó đều là khảo nghiệm thử thách đấy thôi. Bởi một khi trải qua lò lửa hồng tôi luyện thì cũng phải ngàn lần nung nấu, trăm lược trui rèn mới thành được thép tinh, gọi là: “Ngật đắc khổ trung khổ, phương vi nhân thượng nhân.” Chịu được cực khổ trong cảnh khổ mới là hơn người. Đó là lời bàn của người có nhiều kinh nghiệm từng trải. Chúng ta nên thành tâm cống hiến cho Phật giáo, nên đem ý chí kiên cố và lòng quyết tâm chân thật của mình để làm Phật sự. Được như vậy, Phật giáo mới có thể mỗi ngày một chuyển biến tốt đẹp trở lạ Mọi người đều biết chúng ta tuyệt đối không phải là dân bịp bợm giả dối. Cho nên chúng ta phải thật lòng y theo giáo pháp thi hành, chứ đừng giả mang mặt nạ để lừa gạt người đời. Chúng ta cũng không nên có ý tưởng tham muốn những chuyện viễn vông, xa rời thực tế. Mình biết bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, như vậy mới đúng là bổn phận của người tu hành. Nếu chúng ta chỉ biết nói suông mà không chịu làm thì chỉ là những lời nói đầu môi, không tốt chút nào. Như vậy chúng ta làm sao có hy vọng phục hưng Phật giáo trở lại cho được. HT. Tuyên Hóa |