Với truyền thống lâu đời, Phật giáo Hàn Quốc đã đẩy mạnh các công tác giáo dục xã hội, tham gia và đáp ứng các nhu cầu quần chúng hiện nay. Hầu hết các ngôi chùa đều có xây dựng nhà trẻ và trường tiểu học. Các tăng sĩ Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục phổ cập. Hiện tại Phật giáo Hàn Quốc có rất nhiều trường sơ, trung, cao đẳng, đại học trên toàn quốc. Trường Đại học Phật giáo ở Dong-Guk đã mở thêm chi nhánh ở Seoul và Kyongju, đặc biệt chú trọng đến đào tạo những thế hệ Tăng ni kế thừa làm rường cột cho giáo hội. Đặc biệt, có rất nhiều chương trình thuyết giảng, tu học đáp ứng cho nhu cầu của nhiều giới, nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Sau chiến tranh thế giới thứ II và cuộc chiến Nam-Bắc Hàn, Phật giáo Hàn Quốc đã phải đối diện với nhiều thách thức và đang dần thích nghi với cuộc sống của thế giới hiện đại. Từng bị lãng quên một thời gian dài nơi rừng sâu, nay đã trở lại sinh hoạt nơi thị thành. Nhiều chùa chiền đã được xây dựng, khôi phục, các hoạt động vì lợi ích cộng đồng được nhân rộng…
Một du học sinh Việt Nam hiện đang học Đại học ở Hàn Quốc nhận xét, không khí sinh hoạt Phật giáo ở đất nước này được phổ cập mạnh mẽ trên các phương tiên truyền thông. Phật giáo có riêng một kênh truyền hình phát sóng cho công đồng học tập và tìm hiểu. Những ngày lễ lớn, các ngã tư trên khắp đường phố đều treo cờ hoa. Điển hình là ngày Lễ Phật Đản, được tổ chức long trọng, về đêm bầu trời tràn ngập pháo hoa đón mừng Khánh Đản. Tuy khoảng cách của giới trẻ với sinh hoạt chùa viện chưa rút ngắn nhanh như mong muốn, nhưng càng ngày càng có đông giới trẻ Hàn Quốc chú ý và tham gia vào các sinh hoạt Phật pháp như: ghi danh theo học các khóa giáo lý, khóa tu thiền ngắn hạn, công tác từ thiện xã hội…
Sự phát triển của Phật giáo Hàn Quốc
Hàn Quốc xuất hiện khoảng 4000 năm trước. Ảnh hưởng tôn giáo đầu tiên là đạo Shaman, một hình thức của chủ nghĩa vật linh tương tự như tôn giáo của dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Phật giáo đến Hàn Quốc năm 372 chủ yếu từ Trung Quốc và lúc đó được thiết lập ở vương quốc Koguryo. Năm 384, được truyền vào Paekche và sau đó đến Shilla vào thế kỷ thứ 5. Phật giáo lập tức phát triển mạnh ở Shilla, trở thành tôn giáo của chế độ quân chủ và giới quý tộc. Trước thế kỷ 7, Phật giáo là một tôn giáo nổi bật ở Hàn Quốc và là một sức mạnh cho phép triều đình thống nhất đất nước. Phật giáo đã có ảnh hưởng vào nền văn hóa Hàn Quốc, triết học và ngôn ngữ. Trong những năm đầu, Phật giáo ở Hàn Quốc, nhiều nhà sư đã đi qua lại giữa Hàn Quốc và Trung Quốc do vậy dễ dàng trao đổi văn hóa và giới thiệu nền văn hóa Trung Quốc vào Hàn Quốc.
Sự ảnh hưởng của Cơ đốc và chủ nghĩa cá nhân đang phát triển cùng với sự phát triển rực rỡ nền kinh tế Hàn Quốc từ những năm 1960, Hàn Quốc Phật giáo có phần yếu thế đi. Hiện nay, rất hiếm thấy những ngôi chùa ở thành thị, mà hầu hết các ngôi chùa đều ở miền quê (Phật giáo đã bị đuổi ra khỏi thành phố trong thời kỳ sự đàn áp của đạo Khổng hiện đại ở triều đại nhà Lý) và có rất nhiều chùa ở trên núi bởi vì các nhà sư sớm sử dụng tín ngưỡng đạo Shaman và tín ngưỡng vật linh trong các vị thần núi để kết hợp tôn giáo địa phương và áp dụng chúng vào đền thờ các thần Phật giáo như những vị Bồ đề đạt ma. Nhiều ngôi chùa ở thôn quê trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời với những rặng tre, bụi hồng, và những đám hoa dại. Phần lớn các Phật tử thăm chùa vào những ngày lễ lớn âm lịch.
Sự kiện nổi bật năm 2009
Tổng thống Hàn Quốc đã tham dự Hội nghị Phật giáo Hàn Quốc vào 18/3/2009, đây là lần đầu tiên Tổng thống Lee tham dự một sự kiện Phật giáo kể từ khi ông nhậm chức vào đầu năm 2008.
Hơn 1000 Tăng Ni, Phật tử đại diện cho 27 tông phái Phật giáo Hàn Quốc đã tham dự hội nghị được tổ chức 2 năm 1 lần này.
Chủ đề của hội nghị Phật giáo là “Vượt qua khủng hoảng kinh tế và thống nhất nhân dân.” Tổng thống Lee đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các nỗ lực của cộng đồng Phật giáo trong việc tuân thủ các giá trị khác nhau trong một đất nước đa tôn giáo. Tổng thống Lee nói tinh thần đạo Phật đã giúp cho Hàn Quốc tránh được những cuộc xung đột tôn giáo, và kết quả là cộng đồng Phật giáo Hàn Quốc đã có những đóng góp to lớn vào việc thống nhất nhân dân.
Sự hiện diện của Tổng thống Nam Hàn tại hội nghị Phật giáo là một cử chỉ thiện chí nhằm hòa giải với các tín đồ Phật giáo sau khi sự quản trị của ông bị chỉ trích là có sự phân biệt đối xử giữa các tôn giáo nhằm chống lại Phật giáo vào cuối năm 2008.
( theo Diễn Đàn Văn Hóa Học)