Trang chủ PGVN GHPGVN Phật giáo Hải Dương góp phần xây dựng thành công ngôi nhà...

Phật giáo Hải Dương góp phần xây dựng thành công ngôi nhà chung PGVN

85

PV: Kính bạch Thượng toạ, chúng con được biết ngày 28/10 tới Phật giáo tỉnh nhà có tổ chức Đại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập GHPGVN, Thượng toạ có thể cho Phattivietnam.net biết về chương trình này?

TT Thích Thanh Vân: Vâng, từ ngày 04 – 07/11/1981, tại chùa Quán Sứ – Thủ đô Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) chính thức được thành lập. Qua 06 nhiệm kỳ hoạt động, GHPGVN đã không ngừng phát triển bền vững và ổn định về mọi mặt từ Trung ương đến địa phương.

Đồng hành cùng với sự hình thành và phát triển của TWGHPGVN. Dưới sự hướng dẫn của Ban vận động thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự giúp đỡ của chính quyền, MTTQVN tỉnh Hải Hưng, để làm tiền đề cho sự thống nhất của giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày 4 – 7/11/1981, ngày 1, 2/11/1981 tại chùa Đông Thuần, hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo được tổ chức và đã kiện toàn nhân sự BTS tỉnh hội Phật giáo Hải Dương nhiệm kỳ 1 (1981-  1987).

Trải qua 6 nhiệm kỳ trưởng thành và phát triển trong lòng dân tộc, trong lòng Giáo hội. Phật giáo Hải Dương đã có nhiều thành tựu. Đại lễ kỷ niệm lần này cũng là để đánh giá những thành tựu đó. Đồng thời cũng là để hướng đến chào mừng Đại lễ kỷ niệm của TWGH sẽ được tổ chức vào ngày 7/11/2011.  

PV: Thượng toạ có thể nói rõ hơn về những thành tựu đã đạt được của Phật giáo Hải Dương?

TT Thích Thích Thanh Vân: Về thành tựu đã đạt được của BTS tỉnh hội, chúng tôi sẽ gửi đến quý vị toàn văn Báo cáo quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Hải Dương trong 30 năm qua. Ở đây chúng tôi cũng xin nói sơ qua về những thành tựu đó.

Trước hết về công tác Tăng sự: Tỉnh hội luôn kế thừa và phát huy có chọn lọc trong công tác tổ chức kiện toàn bộ máy điều hành lãnh đạo từ tỉnh tới các ban đại diện. Quán triệt tinh thần hiến chương nội quy Ban tăng sự của TWGH cũng như các chỉ thị, nghị định, pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước Ban hành trên tinh thần đoàn kết hoà hợp, thống nhất ý chí, thống nhất hành động, thống nhất tổ chức và lãnh đạo theo phương châm " Đạo pháp – Dân tộc – XHCN"

Công tác quản lý Tăng Ni tự viện thông qua danh bộ thống kê hàng năm đề nghị cấp giấy chứng nhận Tăng Ni thành viên của giáo hội. Bổ nhiệm Tăng ni có đủ tiêu chuẩn đi trụ trì tại các cơ sở tự viện của Giáo hội nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân Phật tử cũng như ổn định tình hình tôn giáo của mỗi địa phương. Với tổng số danh bộ 370 vị Tăng Ni (Tăng: 131 vị, Ni 239 vị)  và 970 ngôi chùa, tỉnh hội đã bổ nhiệm được 250 vị trụ trì và 60 vị kiêm nhiệm trụ trì.

Đi cùng với công tác Tăng sự là công tác Giáo dục Tăng Ni. Tỉnh hội cùng với trường TCPH đã tổ chức 5 khoá cơ bản Phật học nay là Trung cấp Phật học, mỗi khoá có từ 45- 70 Tăng Ni sinh theo học và đã tốt nghiệp.

Chúng tôi cũng đã tạo điều kiện cho Tăng Ni có nhu cầu theo học các lớp Cao đẳng, học viện Phật giáo tại Hà Nội, TP HCM và TP Huế; cho Tăng Ni đi du học tại Ấn Độ, Đài Loan. Tới nay toàn tỉnh có 71 vị Tăng ni đã tốt nghiệp hệ cử nhân Phật học, cao đẳng và nhiều vị đang theo học tại Học viện và các lớp cao đẳng PGVN tại Hà Nội (khoá 6), Huế và TP Hồ Chí Minh, 280 vị tốt nghiệp hệ trung cấp và 81 vị hiện đang theo học khoá 6 trường TCPH tỉnh nhà. Nhiều vị đã trưởng thành và trở về giữ các trọng trách của tỉnh hội.

PV: Thưa thượng toạ đó là các công tác đối với Quý vị Tăng Ni. Thế còn công tác Hoằng pháp?

TT Thích Thanh Vân: Vâng, công tác Hoằng pháp, chúng tôi luôn gắn kết đi đôi với công tác hướng dẫn tín đồ Phật tử. Đây được xem là mũi nhọn để thúc đẩy các hoạt động của Phật giáo tỉnh nhà.

Nhằm phát triển số lượng tín đồ Phật tử, hàng năm tỉnh hội cũng đã chỉ đạo các tự viện tổ chức quy y và cấp chứng điệp cho các tín đồ Phật tử. Đến nay toàn tỉnh đã lên đến con số trên 163.000 Phật tử quy y (chiếm 9.3 % dân số toàn tỉnh) và hàng trăm nghìn tín đồ có tín ngưỡng theo Đạo Phật.

Các tự viện có đủ điều kiện đã thành lập các đạo tràng hướng dẫn tu học cho Phật tử như đạo tràng Tịnh độ chùa Đông Thuần, chùa Linh Thông, chùa Ngọc Uyên, chùa Cự Linh, chùa Thiên Phúc, Đạo tràng Pháp Hoa chùa Phong Hanh, đạo tràng Tịnh Nghiệp chùa Đống Cao, đạo tràng Linh Quang chùa Bụt Dẫm, Đạo tràng chùa Nghiêm Quang (Gia Lộc).

Các Ban đại diện cũng tổ chức và duy trì các mô hình khoá tu quy tụ Phật tử tập trung để hướng dẫn tu học cho tín đồ Phật tử như Ban đại diện huyện Tứ Kỳ, huyện Chí Linh, TP Hải Dương… qua đó đã thắp sáng được niềm tin tu học Phật pháp cũng như làm tròn các bổn phận của Phật tử tại gia, kính Phật trọng Tăng theo tinh thần " tốt đạo, đẹp đời".

PV: Chúng con thấy Hải Dương là một địa phương có hệ thống chùa tháp dầy đặc (hơn 900 ngôi chùa), trải qua quá trình tàn phá của chiến tranh nhưng đến nay hầu như các chùa dù lớn dù nhỏ đều được quan tâm chỉ đạo việc trùng tu xây dựng. Tỉnh hội Phật giáo Hải Dương đã tổ chức việc này như thế nào?

TT Thích Thanh Vân: Tỉnh hội luôn chú công tác trùng tu tôn tạo, nâng cấp các cơ sở thờ tự của giáo hội ngày một trang nghiêm tú lệ, xứng đáng là các công trình văn hoá tâm linh Phật giáo của các địa phương.

Nếu nói về công tác xây dựng chùa cảnh, trước tiên phải kể đến công tác tu bổ các di tích lịch sử cấp quốc gia. Tỉnh hội đã và đang sát cánh cùng với các cấp chính quyền bảo vệ và phát triển các công trình văn hoá vật thể và phi vật thể của nhân loại.

Mỗi năm Tăng Ni trên toàn tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc xây dựng tôn tạo chùa cảnh. Toàn tỉnh có 80% số chùa được nâng cấp trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới.

Trong 30 năm trên địa bàn toàn tỉnh đã có tổng số 38 ngôi chùa và chùa thuộc cụm di tích đình đền chùa được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia,  42 ngôi chùa và chùa thuộc cụm di tích đình đền chùa được công nhận di tích cấp tỉnh. Chùa Côn Sơn được công nhận là di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia.

PV: Kính bạch thượng toạ, xin hỏi thượng toạ, trên đây thượng toạ đã cho thấy những thành tựu về các công tác Phật sự. Chúng con xin hỏi thượng toạ về những thành tựu trong các phong trào xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?

TT Thích Thanh Vân: Trên tinh thần Phật pháp bất ly thế gian pháp, từ khi thành lập giáo hội đến nay, Phật giáo Hải Dương đã có 4 vị tôn túc lãnh đạo tỉnh hội được Tăng Ni Phật tử tín nhiệm, giới thiệu tham gia đại biểu HĐND tỉnh, nhiều vị tham gia hội đồng nhân dân cấp huyện, thành phố, thị xã và tại các địa phương sở tại

Đặc biệt trong đợt bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vừa qua có 16 vị trúng cử HĐND các cấp (cấp tỉnh 1 vị, cấp huyện 9 vị, cấp xã: 6 vị).

9 vị tham gia Uỷ viên UBMTTQ tỉnh Hải Dương qua các thời kỳ. Các ban ngành hội đều có sự tham gia của quý vị Tăng Ni.

Thông qua các kỳ đại hội đảng, các kỳ họp HĐND, đại hội UBMTTQ, và các diễn đàn,Tăng Ni Phật giáo Hải Dương cũng đã phát huy vai trò là đại biểu dân cử đã đóng góp nhiều ý kiến vào các văn kiện quan trọng, các ý kiến tham luận để góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam – xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, trong những nhiệm kỳ đầu mặc dù tình hình kinh tế các cơ sở còn khó khăn, Chư tôn đức lãnh đạo tiền bối đã tích cực vận động tham gia Tăng Ni Phật tử tham gia phong trào toàn dân tiết kiệm xây dựng đời sống mới, mua công trái xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đi đôi với các hoạt động xã hội phải kể đến các công tác cứu trợ nhân đạo. Bằng tinh thần từ bi cứu khổ, ban vui cùng với đạo lý thương người như thể thương thân Tỉnh hội cùng với Tăng Ni Phật tử trong tỉnh luôn tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào từ thiện nhân đạo như ủng hộ cứu trợ đồng bào bị thiên tai Bão lụt miền trung, ủng hộ quỹ Nạn nhân chất độc mầu da cam. quỹ khuyến học…. thăm tặng quà các gia đình chính sách, phụng dưỡng mẹ VNAH, xây nhà tình nghĩa và các công trình phúc lợi.

Số tiền ủng hộ hàng năm của Tăng Ni toàn tỉnh lên đến con số hàng tỷ đồng/ 1 năm. Tất cả những việc làm trên đều được nhân dân và các cấp chính quyền tán thán ghi nhận.

PV: Thượng toạ có thể tổng kết về những thành tựu đã đạt được?

TT Thích Thanh Vân: Nhìn lại chặng đường 30 xây dựng và phát triển, tuy không dài, nhưng tỉnh hội Phật giáo Hải Dương cũng đã không ngừng phát triển bền vững và ổn định về mọi mặt từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở, khẳng định được vị thế của mình trong lòng dân tộc, góp phần xây dựng thành công ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng thời củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và phát triển quê hương Hải Dương ngày một văn minh giầu đẹp.

PV: Chúng con xin thành kính tri ân TT đã dành cho Phattuvietnam.net một buổi làm việc. Chúng con kính chúc thượng toạ sức khoẻ để tiếp tục lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà ngày một phát triển và bền vững.