Trang chủ Thời đại Xã hội Phật giáo gắn kết chặt chẽ với đời sống xã hội

Phật giáo gắn kết chặt chẽ với đời sống xã hội

81

Khi du nhập vào các nước, cũng như khi du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 2000 năm, Phật giáo đã sớm đi sâu vào lòng của các tầng lớp nhân dân, được mọi tầng lớp nhân dân quý trọng, thờ cúng và hành theo. Người dân Việt Nam đón nhận cả văn hoá vật thể, lẫn văn hoá phi vật thể của Phật giáo.

Đem lại hạnh phúc an lạc cho chúng sinh

Có thể tìm thấy nhiều nét đẹp văn hoá trong Phật giáo. Đối với văn hóa vật thể, Đại đức Thích Minh Nghiêm cho biết: "Khi Phật giáo du nhập vào nước nào sẽ tiếp thu và mang màu sắc đất nước đó. Ở Việt Nam, nét đẹp văn hóa vật thể của Phật giáo thể hiện rõ nhất ở kiến trúc đình chùa, cách bố trí tượng Phật và nơi thờ phụng".

Cách bài trí sắp xếp trong chùa ở nước ta có sự khác biệt giữa miền Nam và miền Bắc. Ở miền Bắc thường thờ điện mẫu, trong nơi thờ phụng thường thờ tam bảo (ba pho tượng Phật). Ngoài thờ Phật còn thờ còn thờ các tín ngưỡng văn hóa dân gian khác.

Kiến trúc chùa miền Bắc thời Lý, Trần, Lê cổ kính và xây dựng cầu kì, thời nhà Nguyễn xây dựng đơn giản mộc mạc do ảnh hưởng văn hóa nhà Thanh (Trung Quốc).

Ở miền Nam do ảnh hưởng văn hóa phương Tây chủ yếu thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chùa được xây dựng thoáng đãng, rộng rãi hơn chùa miền Bắc.

Ở phương diện văn hóa phi vật thể Đại đức Thích Minh Nghiêm cho rằng: "Phật giáo lấy nhân duyên làm gốc, tư tưởng mang ý nghĩa triết học vĩ đại của Đức Phật là: từ, bi, hỷ, xả, là cứu độ chúng sinh, không phân biệt màu da, sắc tộc, giàu, nghèo".

Phật giáo phải luôn đem lại hạnh phúc an lạc cho chúng sinh, đồng hành cùng sự thịnh suy của dân tộc, cứu giúp những hoàn cảnh bất hạnh bằng cách 2 cách bố thí đó là tài thí (cứu giúp chúng sinh thiếu thốn về vật chất) và pháp thí (cứu giúp chúng sinh đau khổ về tinh thần) giúp họ tìm thấy rõ căn nguyên nỗi khổ, hướng dẫn họ đi đến Chân – Thiện – Mĩ.

Nhắc đến văn hóa Phật giáo không thể không nhắc tới ngày lễ báo hiếu Vu Lan rằm tháng 7 thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và tổ tiên, răn dạy con cái thấy được ý nghĩa, niềm hạnh phúc khi cha mẹ còn ở trên đời.

Bông hồng màu đỏ (dành cho người còn cha mẹ) và bông hồng màu trắng (dành cho người đã mất cha hoặc mẹ) cài ngực là sự nhắc nhở những người con phải thường xuyên báo đáp phụng dưỡng cha mẹ như thế nào để khi họ mất đi ta không phải hối hận.

Ngoài ra, trong Phật ngôn diễn giảng có dạy: “Ta không làm tội thì đời ta được trong sạch”, câu này hầu như ai cũng thích, cũng muốn đời mình được trong sạch, nhưng trong thực tế cuộc sống có người vẫn cứ muốn làm tội, làm điều không hợp lẽ phải, dù biết rằng điều xấu đó sẽ bị xã hội lên án.

Ở đây có thể vì không làm chủ được chính cái tâm của mình, để tâm bị mê muội không thấy rõ định luật vô thường, khổ não và vô ngã. Đây chính là một trong những nguyên nhân sinh ra tệ nạn xã hội, tranh giành quyền lực, mất đoàn kết trong nội bộ, mâu thuẫn trong xã hội…

Để khắc phục những thói hư, tật xấu như nói trên phải tự tu thân. Đức Phật khuyên rằng: Muốn đem pháp môn của Ngài đi hoá độ chúng sinh, để chúng sinh từ bỏ cõi tối mê lầm lạc, đi đến bờ giác ngộ, thì trước nhất những người hành đạo, người đi dẫn dắt dạy bảo đó phải làm cho thân mình thấy rõ và hành đúng theo pháp Như Lai, phải là người trong sạch, không làm điều ác.

Ở trong xã hội cũng vậy, muốn cho mọi người nghe và hành theo thì người đứng đầu, người dẫn dắt chỉ lối soi đường, trước hết, bản thân cũng phải trong sạch, phải là: Chân, Thiện, Mỹ; phải là người: Đức, Năng, Cần, Tiết.

Phật giáo gắn kết chặt chẽ với đời sống xã hội

Hội Phật giáo tỉnh Phú Thọ tuy mới hoạt động được 3 năm song đã có những đóng góp đáng kể trong các phong trào, hoạt động góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Công tác từ thiện xã hội luôn là điểm mạnh của Ban trị sự tỉnh hội.

Trong năm 2009, các cấp hội trong tỉnh đã vận động và xây dựng được 14 loại quỹ với tổng số tiền gần gần 4 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2010, Hội đã ủng hộ tổng số trên 1 tỷ đồng cho các chương trình từ thiện "Một trái tim một thế giới", "Nối vòng tay nhân ái vì người nghèo đất Tổ"…

Năm 2009, trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng mới được 17 chùa với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng; nét đẹp văn hóa Phật giáo tại các khu dân cư được duy trì tốt. Phong trào thi đua trở thành chùa “Tinh tiến” theo 3 tiêu chuẩn của giáo hội được tích cực triển khai, gắn các nội dung đạo pháp với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Hội đã góp phần tích cực làm nên nét đẹp trong văn hóa tang lễ, thành lập các tổ đạo tràng để phúng viếng cầu liệm cho các vong linh được siêu sinh. Hội Phật giáo tỉnh đã phối hợp hiệu quả với Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ tăng cường tuyên truyền một cách mạnh mẽ và có hiệu quả về HIV/AISD.

"Công tác từ thiện xã hội là truyền thống tốt đẹp hữu ích rèn luyện cho tăng ni tinh thần cộng đồng cao sống trong sự an lạc, hoà hợp, biết lắng nghe và học hỏi với tinh thần cầu thị trên bước đường tiến tu đạo và xây dựng giáo hội"- Đại đức Thích Minh Nghiêm chia sẻ./.