Trang chủ Diễn đàn Phật giáo bỏ mặc giáo dục cộng đồng

Phật giáo bỏ mặc giáo dục cộng đồng

180

Đó có thể là một phát biểu hơi sỗ sàng, nhưng là sự thật. Đạo Phật là đạo như thật không cần ngại sự thật.

Mà số không thì không có giá trị cứu rỗi cho bất cứ điều gì.

Chỉ lấy mầm non, mẫu giáo mà xét, TPHCM là một trung tâm Phật Giáo năng động nhất cả nước, mỗi năm làm từ thiện hàng trăm tỷ đồng, nhiều trung tâm, nhà mở nuôi người cơ nhở, neo đơn, quán cơm miễn phí, phòng mạch từ thiện… Nhưng có được mấy cơ sở giáo dục cộng đồng? Nhà trẻ, mẫu giáo đã khó kiếm, kiếm không ra, làm gì có ở bậc tiểu học…

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Sở giáo dục TPHCM, hiện tại trên địa bàn TP có khoảng 700 trường mầm non, trong đó có khoảng 300 là trường dân lập, tư thục, ngoài ra còn có gần 1000 nhóm, lớp mầm non tư thục, dân lập có xin phép.

Chúng ta đang đứng ở đâu trong những con số đầy ám ảnh đó!

Hiện tại đã thế, trong tương lai gần khoảng 10 năm trở lại cũng khó có, vì theo dõi định hướng giáo dục Phật Giáo hiện tại không thấy. Hiện nay, trong các trường đại học, các ngành Xã hội học, Tâm lý học, Sư phạm, Nhà trẻ mẫu giáo… Hầu như  là các Ma Xơ học, cực hiếm thấy có quý Sư Tăng Sư Ni.

Với tình trạng này, nếu trong tương lai muốn làm nhân sự đâu để làm!

Trong khi nhu cầu gửi con đi học là một nhu cầu có thật. Nên bênh cạnh hệ thống trường công lập của nhà nước mà không phải ai cũng gửi con được, thì hệ thống tư thục của quý Mai Sơ nhà dòng luôn là ưu tiên vì sự tận tuỵ và hiền lành của người tu, thậm chí con em Phật tử cũng gửi vào đây, vì không còn lựa chọn nào khác.

Vấn đề này có đáng để chúng ta phải suy nghĩ không?

Câu chuyện dưới đây cứ ám ảnh đầu óc tôi không ngừng.

Một Phật tử có cháu gửi cháu vào trường dòng, khi về ăn cơm bắt bà nội phải làm dấu thánh mới chịu ăn cơm. Điều gì sẽ xảy ra nếu nó lập lại thường xuyên và theo em đến lớn! Tôi không dám tưởng tượng.

Vấn đề tưởng chừng như đơn giản này sao trở nên khó khăn đến thế. Phật tử muốn gửi con cháu vào trường để học, đồng thời cũng có thể tiếp cận được với Phật giáo, nhưng hiện tại là thiên nan vạn nan.

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn trong khi ta có quá nhiều tu sĩ so với bất kỳ tôn giáo khác trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả những tôn giáo đang làm cực tốt công tác giáo dục cộng đồng, nhưng ở lĩnh vực này đối với Phật giáo lại là một khoảng trắng mênh mông.

Tại sao như thế là một câu hỏi làm nhức đầu với tất cả mọi người có quan tâm.

Thê thảm hơn, mới đây, báo Giác ngộ đăng tin Ban đặc trách Ni giới phải thông báo ngưng tuyển sinh lớp “Cô giáo mầm non” vì một lý do hết sức giản dị đến bi kịch, là học viên đăng ký quá ít.

Chúng ta đón nhận thông tin này như thế nào? Phật giáo hiện nay quá ít Sư Ni hay quý Sư Ni không thích học ngành “Cô giáo mầm non”?

Nhìn các trường Phật học tại TPHCM từ Trung cấp đến Cao đẳng, Học viện, Lớp giảng sư, các lớp chuyên ngành… luôn đầy ấp học viên, trong đó quý Sư Ni luôn chiếm quá bán, thế mà không tuyển nổi một lớp “cô giáo mầm non”, khiến cho một kế hoạch tôt đẹp của Ban đặc trách Ni giới phá sản từ trong ý tưởng.

Như vậy, đi tìm vị trí giáo dục cộng đồng của Phật giáo nên chăng trở thành đi tìm vị trí của chư Ni trong hoạt động giáo dục cộng đồng?

Vì xét về mặt thiên chức, Quý Sư Ni có ưu thế tuyệt đối để làm công tác giáo dục mầm non.

Cũng trong câu chuyện này, vừa rồi Quỹ khuyến học Đổng Minh ở Khánh Hòa đã về các Huyện, các trung tâm tu học lớn của Quý Ni, đặc biệt là Lớp Ni Trường TCPH Khánh Hòa phổ biến kế hoạch tặng học bổng cho Quý Ni nào chịu học ngành y tế, giáo dục cộng đồng, nhưng cũng không nhận được bất kỳ tín hiệu phản hồi nào, đến nổi Thầy Hiệu trưởng của Trường đã ngao ngán nói rằng “các Cô bây giờ chỉ thích học các ngành hoằng pháp giảng sư thôi!”

Nếu hiểu hoằng pháp là giảng kinh, nói pháp thì thường chỉ phù hợp với các vị Trụ trì, lãnh đạo Giáo hội, các vị ấy mới có đạo tràng, quần chúng để giảng pháp, và một số người có khả năng đặt biệt chứ đâu phải cho mọi người.

Với lại sao có thể quan niệm về Hoằng pháp một cách hẹp hòi và cứng nhắc như thế. Ai trói tay trói chân và cấm cản đầu óc chúng ta để thấy rằng Hoằng pháp chỉ là chừng đó. Nếu nói rằng Hoằng pháp là đem đạo đến với mọi người, đưa mọi người đến với đạo thì ta có thể thấy một trời công việc có giá trị Hoằng pháp, trong đó dứt khoát có ngành nhà trẻ mẫu giáo.

Người viết đã từng có thời gian dài chứng kiến một lớp học phong thủy ngày giờ ở TPHCM. Lớp mở đến 14 khóa, sau đó người dạy có việc bận nên lớp nghĩ. Mỗi khóa có từ 20-30 người học, học trong vòng 2-3 tháng. Điều đặc biệt của lớp này là gần 3/4 là Sư Ni trẻ.

Ở đây không bàn luận học thế là đúng hay sai. Cái chính là hình như ở lãnh vực này Quý Cô không hơn được Quý Thầy, vì tôi thấy rất nhiều Sư Tăng nổi tiếng trong lãnh vực này nhưng không thấy Sư Ni nào cả.

Quan trọng hơn, với cách học như thế Tăng Ni sẽ dẫm chân lên nhau, cạnh tranh lẫn nhau, triệt tiêu lẫn nhau mà không làm cho cả hai cùng mạnh, vì cùng hoạt động trong một lãnh vực. Trong khi mảng giáo dục mầm non đầy sức mạnh, phù hợp với thiên chức, Quý Sư Tăng không bằng được thì Quý Sư Ni lại lơ là. Thật buồn!

Trên thực tế cũng có một số Quý Sư Cô đi học nghành sư phạm nhà trẻ mẫu giáo, nhưng khi đối diện với công việc lại bỏ ngang cho rằng đã đi tu rồi còn về chăm trẻ nữa là sao? Nếu Quý Sư Cô gặp một đứa trẻ con của gia đình Phật tử yêu cầu Sư Cô làm dấu Thánh trước khi ăn, Sư Cô có dám nói rằng đó không phải là việc của mình?

Chẳng lẽ những đứa trẻ đó không là một chúng sinh cần giáo hoá sao. Nếu bảo rằng em còn nhỏ biết gì mà giáo hoá thì chưa hiểu gì về giáo dục mầm non. Chính sự gần gũi chăm sóc tận tình, sự yêu thương triều mến, nhân từ … của mẹ đã hình thành nên nhân cách của đứa bé sau nay, hơn nữa bây giờ em không biết gì, nhưng khi biết gì rồi thì em đã có niềm tin tâm linh khác rồi, Quý Sư Cô có đủ sức thay đổi niềm tin này ở nơi em không?

Đức phật dạy có bốn cái nhỏ không được xem thường, trẻ em hôm nay thế giới ngày mai, trẻ em sẽ là chủ nhân của thế giới, làm việc với những chủ nhân của thế giới trong tương lai không là vinh dự sao?

Nhà giáo là kỹ sư tâm hồn. Quý Sư Cô có chân lý Đức Phật trong tim, có từ bi trí tuệ của Phật dạy, có đạo đức của người tu, Quý Sư Cô không thấy rằng đó là những điều đáng quý của một nhà sư phạm sao, chẳng lẽ không có gì để trao truyền sao, chẳng lẽ với chùng đó phương tiện không đào tạo được những tâm hồn tốt sao. Quý Sư Cô nỡ nào không quan tâm đến sự nghiện trồng người.

Đã có tôn giáo xác lập nhà giáo là những người thực thi sứ mạng tông đồ, và giáo dục là con đường phát triển đạo chính yếu. Họ đã xây dựng được hệ thống giáo dục khá hoàn chỉnh, chí ít là từ mầm non cho đến tiểu học, trung học cơ sở. Con đường họ đang đi với vô vàn những thành quả trong quá khứ, và hiện tại họ đang ngồi chờ mùa gặt lớn từ lãnh vực này, còn chúng ta đang trong đợi một mai qua cơn mê!

Phật giáo Hàn Quốc hiện tại là một tấn thảm kịch, vì liên tục bị chính quyền Tin Lành Giáo o ép. Từ vị trí gần như quốc giáo, Phật giáo đã trở thành một thiểu số đầy mặc cảm trên chính quê hương mình. Mặc cảm vì chính Phật giáo gây ra tình trạng này. Và con đường đi của Tin lành giáo cũng rất đơn giản, bắt đầu bằng và giáo dục từ thiện.

Friedman đã nói thế giới ngày nay là thế giới phẳng, ở đó mọi thứ chỉ có thể tồn tại ngang qua cuộc chạy đua không ngừng. Hình ảnh con Linh dương và Sư tử là tiêu biểu cho sự tồn sinh quyết liệt đó. Để tồn tại con linh dương phải chạy nhanh hơn con Sư tử nhanh nhất, còn con Sư tử muốn tồn tại phải nhanh hơn con Linh dương chậm nhất

Phật giáo không cần thiết phải đua tranh như thế, những cũng phải nên mở mắt nhìn đời để thấy thiên hạ họ chạy như thế nào, vì dù sao Phật giáo cũng đang tồn tại trong cuộc đời này.

Trên cở sở đó chúng tôi đề xuất một số ý kiến như sau:

Về nhận thức. Muộn còn hơn không, chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ ngay từ bây giờ. Phải suy nghĩ nghiêm túc về giáo dục cộng đồng, phải thấy rằng giáo dục là cốt lõi để xây dựng con người, ở đó không thể thiếu phật giáo. Phật giáo có đầy đủ từ bi, trí tuệ, nhân ái, hiếu sinh… mà cuộc sống hiện đại đang rất cần, phật giáo không nên từ bỏ sức mạnh của mình ở lãnh vực này. Phật giáo có thể đóng góp sức mình ngang qua việc đào tạo nên những con người có tri thức và có đạo đức trên nền tảng đạo đức phật giáo ngay từ tấm bé. Hoằng pháp và giáo dục là một.

Về định hướng. Ban giáo dục Tăng Ni cần có một chiến lược cụ thể để xây dựng ngành giáo dục cộng đồng, trên cơ sở đó định hướng Tăng, Ni, Phật tử theo học ngành này.

Các trường Trung cấp Phật học kết hợp với Bổn sư, Y chỉ sư đẩy mạnh định hướng giáo dục cho Tăng Ni trẻ. Cho họ thấy được những lãnh vực đầy ý nghĩa mà phật giáo đang rất cần, tránh tình trạng ngành thì dư thừa nhân sự, ngành thì tìm người không ra.

Ở những cấp học cao hơn có thể mở, hoặc liên kết với các trường khác mở ngành sư phạm để đạo tạo nhân sự.

Có thể thành lập các quỹ học bổng để khích lệ cũng như tạo điều kiện để Tăng, Ni an tâm học ngành này

Về thu hút chất xám. Nếu chỉ khuyến khích đi học nhưng không có chổ để cống hiến thì cũng không thuyết phục, thiếu động lực, do đó cần tạo đầu ra cho họ.

Giáo hội cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các chùa, các Phật tử có khả năng mở trường, lớp nhà trẻ mẫu giáo. Ban từ thiện xã hội các tỉnh thành cần đặt ra chỉ tiêu cụ thể để phát triển nhà trẻ mẫu giáo, xem đó như một tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả hoặc động. Qua đó thu thu hút chất xám quý Tăng, Ni, Phật tử học ngành này.

Từng bước làm tốt mảng giáo dục mầm non, qua đó xây dựng đội ngũ, tích lũy kinh nghiệm, khi điều kiện cho phép chúng ta hoàn toàn có thể mở lên những cấp học cao hơn nữa.

Mỗi năm có thêm hàng trăm ngàn trẻ em đến trường. Chúng ta đã làm gì với lý tưởng tốt đẹp của chúng ta cho trẻ em!

Một lần nữa cần long trọng khẳng định “trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai”. Nhưng ngày mai ấy sẽ không có Phật giáo nếu các em không còn niềm tin nơi Phật pháp.