Trang chủ Diễn đàn Phật đản trong bối cảnh phát triển nhảy vọt của lễ hội

Phật đản trong bối cảnh phát triển nhảy vọt của lễ hội

125

Bài viết chỉ yêu cầu nhận thức việc tổ chức đại lễ Phật đản, lễ hội, về mặt lý thuyết, là lớn nhất của Phật giáo, trong mối quan hệ với việc phát triển hoạt động tổ chức lễ hội tín ngưỡng tại Việt Nam trong hai thập niên gần đây, thấy được sự tương quan của lễ hội Phật đản với các lễ hội tín ngưỡng, thấy được nhu cầu khách quan của việc nâng cao quy mô tổ chức lễ Phật đản, sao cho tương xứng với mặt bằng chung của hoạt động xã hội về tổ chức lễ hội tín ngưỡng.

Tuy không tìm đến mục tiêu đưa việc tổ chức lễ Phật đản vào cuộc đua tổ chức lễ hội tín ngưỡng, nhưng tuyệt đối cũng không thể để việc tổ chức Đại lễ Phật đản rơi ra bên lề hoạt động tổ chức lễ hội tín ngưỡng tại Việt Nam hoạt động, đang có những chuyển biến hết sức căn bản và quan trọng.

Trong một loạt bài viết trước đây, chúng ta đã có dịp tìm hiểu việc tổ chức Đại lễ Phật đản trong mối quan hệ với việc tổ chức các ngày lễ tôn giáo tại Việt Nam. Trong đó, lẽ ra, lễ Phật đản được xác định về lý thuyết là ngày lễ lớn nhất của tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam, lẽ ra đó là ngày lễ tôn giáo hàng đầu tại Việt Nam. Thế nhưng, trong thực tế, Đại lễ Phật đản lại là ngày lễ tôn giáo có quy mô đứng thứ 5 trong các ngày lễ tôn giáo tại Việt Nam, đứng sau các ngày lễ Noel, Phục sinh của Ky tô giáo, lễ hội tháng Giêng và lễ Rằm tháng Bảy trong Phật giáo. Vị trí đáng tiếc này của lễ Phật đản dẫn đến yêu cầu khách quan đặt ra trước Phật giáo Việt Nam về việc nâng cao quy mô tổ chức lễ Phật đản.

Trong bài viết này, yêu cầu nói trên đối với Phật giáo Việt Nam một lần nữa được xác định lại không chỉ trong sự so sánh với quy mô tổ chức các ngày lễ tôn giáo tại Việt Nam, mà còn trong bối cảnh phát triển hoạt động tổ chức lễ hội tín ngưỡng tại Việt Nam.

Bài viết nhấn mạnh đến chiều kích tuy không cạnh tranh trong tổ chức lễ hội, nhưng người tu sĩ và tín đồ Phật giáo Việt Nam cần phải có ý thức giữ gìn vị thế nhất định của đại lễ Phật đản trong mặt bằng tổ chức lễ hội tín ngưỡng chung tại Việt Nam, không để đại lễ Phật đản diễn tiến thoái hóa so với sự phát triển chung của hoạt động tổ chức lễ hội tín ngưỡng.

Bài này được viết trong bối cảnh ngay ở một số tỉnh thành lớn, những địa phương có truyền thống tổ chức đại lễ Phật đản lại có chiều hướng xuống dốc, “đột quỵ” với việc tự triệt hạ, cắt hủy, loại bỏ những nghi lễ truyền thống và đang phát triển là xe, thuyền rước Phật. Mục tiêu cụ thể của bài viết là ngăn chận việc xuống dốc đó, nâng cao nhận thức đối với việc tổ chức quy mô Đại lễ Phật đản, cải thiện hoạt động tổ chức Đại lễ Phật đản tại Việt Nam. Nhận thức về Đại lễ Phật đản cần phải là nhận thức đúng đắn, toàn diện, trên quan điểm lịch sử cụ thể, phù hợp với những bước tiến của thời đại, tránh việc chỉ đạo tổ chức lễ Phật đản một cách chủ quan, tùy tiện, gia trưởng, muốn làm thì làm, muốn bỏ là bỏ, gây tổn thương đến hoạt động hoằng pháp lợi sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.

1)    Lễ hội Phật đản được hồi phục cùng với đa số lễ hội tín ngưỡng dân gian vào thập niên 1990

Trước thời kỳ Đổi mới từ năm 1986, lễ hội tín ngưỡng và tôn giáo được giới hạn ở mức tối đa. Nhiều công trình, bài viết nghiên cứu đã đưa ra những giải thích về sự hạn chế này. Chẳng hạn, trong bài “Một số xu hướng biến đổi của tín ngưỡng, lễ hội trong đời sống xã hội đương đại”, tác giả Nguyễn Thị Phương Châm, tạp chí “Văn hóa học”, số 2 (12) -2014 đó là do “Chiến tranh và những sự kiềm chế nhất định của đời sống bao cấp, và cả những ứng xử chưa hợp lý từ phương diện quản lý” (trang 35).

Sau đổi mới năm 1986, lễ hội tín ngưỡng được phục hồi. Đây không phải là sự phục hồi đồng loạt, mà là một quá trình kéo dài hàng chục năm. Bài đã dẫn thông tin: “Các nhà nghiên cứu đã dùng nhiều thuật ngữ để chỉ giai đoạn sôi nổi này của tín ngưỡng, lễ hội dân gian như “phục hồi”, “phục hưng”, trở lại “mạnh mẽ”, “bùng nổ”, “bùng phát””. Có thể nói 15 năm, từ 1986 đến cuối thập niên 1990 là giai đoạn phục hồi lễ hội tín ngưỡng.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch “tính đến tháng 10/2003, cả nước có 8297 lễ hội trong đó có 6566 lễ hội dân gian” (theo bài viết đã dẫn, trang 35).

Các lễ hội nói chung phần lớn đều mang yếu tố tín ngưỡng, thường gắn với đình, đền, chùa, miếu, phủ. Lễ hội tập trung vào mùa xuân, nhưng cả năm ở các địa phương khác nhau đều có lễ hội.

Yếu tố tín ngưỡng được nói đến ở đây gồm cả yếu tố tôn giáo và rất đa dạng. Nó gắn liền với nhiều tôn giáo khác nhau như đạo Phật, đạo Ca tô La Mã, đạo Mẫu cũng như đủ loại hình thức tín ngưỡng tâm linh dân gian.

Lễ Phật đản là một trong những lễ hội tín ngưỡng được phục hồi trong giai đoạn này. Nếu trước đây, lễ Phật đản thu hẹp lại trong phạm vi nhà chùa, chỉ còn phần lễ, còn phần hội thường là ngoài khuôn viên nhà chùa, như xe, kiệu rước Phật bị hạn chế, cắt bỏ, thì trong giai đoạn này, phần hội của lễ Phật đản được phục hồi. Từ giữa thập niên 1990, TPHCM và nhiều địa phương ở phía Nam đã phục hồi xe rước Phật trên đường phố. Hoạt động hội này của lệ hội Phật đản mau chóng phát triển hầu như đều khắp trên phạm vi cả nước.

Nhờ khôi phục phần hội diễn ra trên đường phố, với chủ yếu là xe rước Phật, số người tham dự lễ hội Phật đản có thể lên đến hàng trăm ngàn người.

Như vậy, trong giai đoạn phục hồi lễ hội tín ngưỡng (1986-2000), lễ Phật đản đã được khôi phục cùng với các lễ hội tín ngưỡng khác. Việc khôi phục lễ Phật đản đạt mức tương đương với việc khôi phục các lễ hội tín ngưỡng khác, coi như đã có cùng bước tiến.

2)    Việc phát triển, nâng cấp lễ hội Phật đản không theo kịp bước phát triển nâng cấp lễ hội tín ngưỡng

Nếu giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2000 được coi là giai đoạn phục hồi lễ hội tín ngưỡng, thì giai đoạn từ năm 2000 đến nay có thể coi là giai đoạn phát triển, nâng cao việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng.

Việc nâng cao mức sống, cải thiện phương tiện giao thông đã đưa người dân thành thị đến nhiều hơn với các lễ hội tín ngưỡng phân bố đều ở các địa phương trên cả nước. Nhiều lễ hội tín ngưỡng sau khi đạt quy mô trước khi khôi phục, đã nhanh chóng gia tăng số người tham dự.

Bài báo đăng trên tạp chí “Văn hóa học” đã dẫn ghi nhận (trang 36): “Việc phục hồi tín ngưỡng, lễ hội mạnh mẽ hiện nay còn thể hiện ở việc các lễ hội được tổ chức ngày càng lớn, thu hút không chỉ người dân tại nơi có lễ hội mà còn từ rất nhiều nơi khác, ít lễ hội nào còn gói gọn trong phạm vi làng, nhiều lễ hội được tổ chức lớn trong phạm vi liên làng, vùng và quốc gia, như hội đền Hùng, hội đền Gióng, hội Phủ Giày, hội đền Đô, hội Lim,… Hội làng (hay vùng) nào cũng được tổ chức lớn hơn trước, số tiền đầu tư cho việc tổ chức lễ hội ngày càng lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của dân chúng với sinh hoạt văn hóa tâm linh này.

Ví như lễ hội đền Đô (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) mấy năm gần đây chi tới hơn 1 tỷ đồng, đám rước trong lễ hội này thường xuyên lên tới 8.000 người tham gia (3); lễ hội cố đô Hoa Lư năm 2008, riêng việc dựng chiếc cổng chào “Hoa Lư Môn” đã tốn 150.000.000 đ,… Con số người đi dự hội cũng là một chỉ báo quan trọng cho sự tấp nập của lễ hội hiện nay. Theo bài báo Cả nước náo nức hội xuân thì lượng khách về Yên Tử mùa hội năm 2009 đạt con số kỷ lục trên 10 vạn lượt người (từ mồng 1 đến 6 tết Kỷ Sửu); Lượng khách đến chùa Hương trong ngày khai hội (6 tháng giêng năm 2010) tăng đột biến với khoảng 6 vạn lượt khách; Chợ Viềng ngày 7 tết Canh Dần 2010 thu hút 90.000 khách thập phương tham dự, tăng gấp 2 lần năm 2009 do vào đúng ngày cuối tuần nên khách từ Hà Nội, Hải Phòng,… về rất đông; Ngoài ra rất nhiều báo chí đưa tin về việc lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội) thu hút 1 vạn khách tham dự, hay trong 10 ngày diễn ra lễ hội đền Hùng đã có xấp xỉ 3 triệu lượt người tham dự.”

Bên cạnh việc nâng cấp các lễ hội tín ngưỡng đã phục hồi tăng mạnh số người tham dự, nhiều lễ hội mới đã ra đời mà phần lớn nhằm mục tiêu quảng bá du lịch, quảng bá thương hiệu địa phương. Một số các lễ hội này, do nhu cầu thu hút du khách, cũng có những yếu tố tín ngưỡng tâm linh. Hình ảnh lễ hội tín ngưỡng được đưa lên một tầm mức mới được truyền thông mạnh mẽ. Trong đó, nhiều lễ hội dù quảng bá du lịch, vẫn mang yếu tố tín ngưỡng được trực tiếp truyền hình phát sóng toàn quốc. Đã có một bước phát triển về chất trong việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng.

Trong bối cảnh như thế, việc tổ chức Đại lễ Phật đản diễn tiến thành 3 khuynh hướng:

a.    Khuynh hướng cố gắng nâng tầm tổ chức lễ Phật đản chẳng hạn bằng việc thúc đẩy đăng cai Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc.

b.    Khuynh hướng duy trì quy mô Đại lễ Phật đản ở mức độ như cũ.

c.    Và khuynh hướng tổ chức lễ hội Phật đản xuống dốc ở một số địa phương, với việc tự cắt hủy, triệt hạ những hoạt động nghi lễ truyền thống cũng như đang phát triển như xe, thuyền rước Phật.

Việc đăng cai tổ chức đại lễ Vesak Liên hiệp quốc đã có tác động tích cực thúc đẩy nâng tầm lễ hội Phật đản nhưng chỉ diễn ra trong một vài năm, trong khi đó bên cạnh đó khuynh hướng thu hẹp Đại lễ Phật đản tại một số địa phương qua nhiều biểu hiện như đưa Đại lễ Phật đản vào hẻm cụt đường cùn, từ triệt tiêu hoạt động lễ hội, đã kéo lùi mặt bằng chung của việc tổ chức Đại lễ Phật đản, làm tổn hại đến những bước tiến đã đạt được.

Hệ quả của điều này là trong bối cảnh hoạt động tổ chức lễ hội tín ngưỡng nói chung được nâng tầm, phát triển lên một tầng nấc mới, thì hoạt động tổ chức lễ hội Phật đản ở một số nơi bị kéo trì xuống. Nhiều lễ hội tín ngưỡng lớn hơn, quy mô hơn, đông người hơi đã có tác dụng khỏa lấp đại lễ Phật đản, làm nhỏ hơn lễ hội Phật đản một cách tương đối (trong tương quan so sánh với các lễ hội tín ngưỡng). Điều này tất không thể không làm ảnh hưởng đến diện mạo, vị thế của Phật giáo Việt Nam đương đại.

Nếu trình trạng này không được cải thiện, thì khoảng cách giữa quy mô lễ hội Phật đản so với các lễ hội tín ngưỡng khác sẽ ngày càng bị kéo dãn, với sự tụt hậu lớn hơn trong hoạt động tổ chức lễ hội Phật đản, sẽ ngày càng không có lợi cho Phật giáo Việt Nam, là một vấn đề cần sớm được giải quyết.

MT

Thông tin riêng: [email protected] hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh