Trong bối cảnh như vậy, với những đặc điểm như vậy, bất ngờ Đại lễ Phật đản ở một vài địa phương sụp xuống với hành động tự cắt hủy, xóa bỏ, loại trừ, triệt tiêu những hoạt động lễ hội truyền thống cũng như đang trên đà phát triển như xe, thuyền rước Phật đến mức khó hình dung nổi, khó dự đoán nổi.
Trong bài này, chúng tôi sẽ đi tìm nguyên nhân vì sao đưa đến thảm cảnh “đột quỵ” trong việc tổ chức lễ Phật đản ở một số địa phương như vậy. Trong các bài sau, sẽ là việc tìm hiểu hệ quả, tác động của thảm trạng “đột quỵ” đó.
Dùng từ “đột quỵ”, chúng tôi coi đây là một thứ bệnh lý cấp tính trong việc phát triển Phật giáo Việt Nam đương đại, với tiên lượng rất xấu, cần nhanh chóng điều trị, nếu không, ắt sẽ có những hậu quả trầm trọng hơn nữa cho Phật giáo địa phương.
Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng “đột quỵ” trong việc tổ chức Đại lễ Phật đản ở một số địa phương, có thể dễ nhìn thấy, đó là tình trạng vô cảm, mất hoàn toàn sự giao lưu, tương tác với môi trường chung, để tự hình thành một tình trạng tự suy sụp, cô lập, đối kháng với hoàn cảnh.
Lễ giỗ của một vị tổ sư được một hệ phái tổ chức hoành tráng đến mức đáng ngạc nhiên, thán phục, không khí sôi động chuẩn bị Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc tưng bừng trên cả nước, nhiều địa phương nỗ lực đưa việc tổ chức Đại lễ Phật đản lên những tầm mức mới, nhu cầu thiết tha từ Trung ương GHPGVN muốn có sự cộng hưởng toàn quốc cần thiết cho việc đăng cai tổ chức đại lễ Vesak, nguyện vọng của Tăng ni Phật tử…, tất cả đã bị đặt qua một bên, không một chút lưu tâm, để thay vào đó là quyết định tự triệt hủy, loại bỏ những hoạt động Phật đản có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với tăng tín đồ Phật giáo và toàn xã hội.
Hình ảnh đặc trưng về Vesak được trình chiếu truyền thông cổ động trên Đài Truyền hình Việt Nam và các đài địa phương, phản ánh chủ trương một Đại lễ Vesak tổ chức thành công rực rỡ trên khắp cả nước, lại trở thành một sự mỉa mai đối với những địa phương, nơi hoạt động này bị tự triệt tiêu, loại bỏ.
Về mặt truyền thông, việc tự cắt hủy, loại trừ, xóa bỏ, triệt tiêu xe, thuyền rước Phật trong Đại lễ Phật đản là một việc làm rất không khôn ngoan, tự đưa mình vào vị trí tâm điểm phê phán, chỉ trích của truyền thông đại chúng Phật giáo, tự làm xấu đi hình ảnh truyền thông của đơn vị mình trước công chúng, để hứng lấy những phản ứng bất bình.
Về mặt tu tập, tự triệt tiêu, loại bỏ, cắt hủy một phần nghi lễ chủ yếu của Đại lễ Phật đản là xe, thuyền rước Phật là hành động bất kính với Phật bảo, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động hoằng pháp lợi sinh, mà yêu cầu quan trọng là ảnh hưởng đến số đông, tác động xấu đến việc tổ chức nghi lễ Phật đản theo truyền thống, là một tấm gương xấu đối với việc hành trì hạnh lắng nghe, một pháp môn căn bản trong Phật pháp, được nhấn mạnh trong Kinh Pháp Hoa. Đó là một bước suy thoái trầm trọng trong việc tu tập Phật pháp, gây mất lòng tin ở tăng ni Phật tử.
Đặc biệt tổ chức Đại lễ Phật đản nhỏ hơn, theo chiều xuống cấp, “đột quỵ” so với việc tổ chức lễ tưởng niệm tổ sư đạt đến quy mô chưa từng thấy ở cùng một địa bàn, là một điềm không lành, chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là một biểu hiện “đột quỵ” trong tu tập, với ngôi thứ trên dưới đảo lộn, đổi ngược trật tự Phật bảo/Tăng bảo, quy mô lễ tưởng niệm Phật lần đầu tiên bị kéo xuống thấp so với tưởng niệm tổ, tạo nên một hình thái đảo kỳ lạ trong sinh hoạt Phật giáo Việt Nam.
Lẽ ra, khi lễ giỗ tổ đã đạt được đỉnh cao về tổ chức, thì lễ Phật đản địa phương phải được đưa lên một đỉnh cao mới, vượt trội. Đàng này, xu hướng đảo ngược diễn ra, tạo nên một hình thái đảo, mang tính “đột qu”.
Nhìn lại tương quan giữa lễ Phật đản so với các địa phương, lễ Vesak trong tương quan toàn xã hội và trên quy mô cả nước, thì mọi so sánh đều cho thấy hình thái đảo, đột quỵ như thể ở một địa phương cá biệt, nơi từng là hình mẫu tổ chức Đại lễ Phật đản cho cả nước.
Hình thái đảo, đột quỵ. Tại sao có chuyện kỳ dị như thế?
Chúng tôi mong bạn đọc đóng góp ý kiến để tìm nguyên nhân, mà có thể là tổng hợp từ những nguyên nhân khác nhau, dẫn đến cùng một hiện tượng kết quả.
Điều có thể nghĩ đến trước tiên là sự già lão của những nhà lãnh đạo Phật giáo địa phương.
Tại các địa phương, các hệ phái, cũng như cấp trung ương tổ chức Đại lễ Vesak hay lễ tưởng niệm tổ sư thành công, nhân sự chịu trách nhiệm tổ chức đều trong hạn tuổi năng động, có sức khỏe, tháo vát.
Còn ở những địa phương tổ chức lễ Phật đản đi xuống, suy sụp, thoái hóa, “đột quỵ” theo hình thái đảo, thì nhân sự chịu trách nhiệm tổ chức đều già lão.
Việc tự cắt hủy, triệt tiêu, xóa bỏ nghi lễ Phật đản truyền thống là kết quả tất yếu của việc điều hành lãnh đạo Phật giáo của những vị tuổi đã cao, sức đã yếu, không tránh khỏi bệnh tật, suy kiệt.
Ngược lại, những biểu hiện suy sụp, “đột quỵ”, thoái hóa, hình thái đảo trong việc tổ chức điều hành Phật sự cũng là những triệu chứng cho sự kiệt quệ sức khỏe ở những người lãnh đạo, báo trước những cấp độ suy sụp đột quỵ mới.
Có thể nói, quy mô kết quả tổ chức Đại lễ Phật đản ở các địa phương là thước đo, là hàn thử biểu sức khỏe của các nhà lãnh đạo Phật giáo.
Nhìn vào sức khỏe tổ chức lễ Phật đản ở những địa phương, chúng ta có thể nhìn thấy sức khỏe của chính những nhà lãnh đạo Phật giáo địa phương đó. Mũi tên đồ thị diễn biến tổ chức lễ Phật đản ở từng địa phương chính là mũi tên diễn biến đồ thị sức khỏe của các nhà lãnh đạo Phật giáo tương ứng.
Cấp độ tổ chức thành công lễ Phật đản là triệu chứng bệnh lý của tuổi già. Tuổi cao, bệnh nặng hay sắp bệnh nặng tất yếu phản ánh qua hoạt động điều hành nếu người đó vẫn còn ở cương vị lãnh đạo.
Khi ấy, tất nhiên, bệnh lão điều mà kinh Phật miêu tả rất kỹ và thường xuyên nhắc lại, sẽ chứng tỏ sự hiện diện của nó ở mọi nơi, mọi lúc, với điều mà bất cứ ai đều có thể hình dung, là tự cắt hủy, triệt tiêu, xóa bỏ những hoạt động của chính mình. Đó là hệ quả tất yếu của già lão, suy kiệt, đồng thời cũng là những dấu hiệu báo trước những tầng nấc mới của lão suy, kiệt quệ.
Vì vậy, nói “đột quỵ” nhưng chẳng có gì là đột ngột cả. Cũng như nói hình thái đảo nhưng cũng chẳng có gì là đảo cả. Vì đó là lẽ tất nhiên của lão, bệnh. Nếu nhân sự tổ chức lễ tưởng niệm tổ sư là những người còn sung sức, tráng kiện, thì không có cách gì giới hạn kết quả tổ chức của họ. Còn đột quỵ trong tổ chức lễ Phật đản ở địa phương thì cũng là kết quả tất yếu của một quá trình diễn biến sức khỏe, mà dù đột ngột cũng chỉ là một cái mốc đánh dấu.
Chúng ta không thể trách sự già bệnh, vì đó là quy luật vĩnh viễn của vũ trụ. Nhưng rõ ràng là rất đáng trách khi tu theo đạo Phật mà không nhận thức được quy luật của già, bệnh, để nó chi phối đến Phật sự chung, ảnh hưởng đến đạo pháp.
Người xưa thường nhắc “Trí giả tự xử”. Đừng nên để dù tuổi già, sức yếu, bệnh tật nhưng vẫn ôm đồm xử lý đủ mọi công việc, để bệnh tật có mặt trong mọi các cách xử lý công việc vốn rất cần sinh lực, sức khỏe, khả năng tháo vát, đảm đương.
MT