Trang chủ Diễn đàn Phật đản năm nay (2010): Hoan hỷ và băn khoăn

Phật đản năm nay (2010): Hoan hỷ và băn khoăn

180

Hoan hỷ

Tại thủ  đô Hà Nội, việc tổ chức lễ Phật đản năm nay là bước đột phá, cũng có thể gọi là “nhảy vọt”, hay mạnh hơn nữa, bằng cụm từ “cách mạng Phật Đản” như một bài viết đã dùng, dù cách mạng ấy xảy ra ở một vài chùa như Cự Đà, Văn Quán, Quan Âm, Bằng…

Hai năm nay, địa điểm lễ đã được dời từ Sóc Sơn, ở một tự viện khá xa trung tâm thủ đô, về quảng trường giữa thủ đô Hà Nội. Ý nghĩa của việc tổ chức tại địa điểm mới này không nằm ở giới hạn vấn đề ở ngoại ô hay nơi trung tâm, mà hơn nữa, đó là việc chuyển dịch địa điểm tổ chức lễ Phật đản từ khuôn viên cơ sở tự viện của riêng Phật giáo đến trung tâm sinh hoạt công cộng của thủ đô. Bước chuyển dịch địa điểm này cho thấy vai trò mới của Phật giáo trong đời sống tinh thần của người dân thủ đô Hà Nội.


TT. Thích Bảo Nghiêm thuyết pháp trước hàng ngàn người đêm 14/4 tại quảng trường 1/5 – Một nét mới của Lễ Phật đản năm nay

Chương trình Lễ Phật đản tại thủ đô cũng có nhiều nét mới. Lễ bắt đầu từ các chùa, cả  chùa lớn lẫn chùa nhỏ từ cả tuần trước, ngày càng đông vui sôi động, dâng lên dần, rồi đến đỉnh cao là cuộc lễ do Trung Ương Giáo hội tổ chức. Nhiều hình thức tiết mục thu hút, gây phấn khởi cho người tham dự, chẳng hạn như các cuộc rước Phật ở cự ly trung bình, mà điển hình hơn cả là lễ rước Xá lợi Phật từ chùa Quán Sứ đến lễ đài.


Rước Xá lợi Phật từ chùa Quán Sứ sang Lễ đài Phật đản

Từ trước đến nay, việc rước Lễ Phật Đản chỉ có ở cự ly dài (xe hoa, vài chục km) và cự ly ngắn (nhiễu Phật, quanh sân chùa). Việc bổ sung hình thức rước Phật ở cự ly trung bình (một quãng đường vài trăm mét đến vài km) là một cố gắng lớn để quần chúng hóa lễ Phật đản.

Đặc biệt, việc cung nghinh xá lợi đến lễ đài là một hoạt động sáng tạo, nhiều ý nghĩa. Phật tử chúng ta đã quen với việc chiêm bái xá lợi tôn trí tĩnh tại, còn việc cung nghinh thường chỉ tổ chức một lần khi rước xá lợi về nơi thờ tự. Nay, trong một dịp lễ Phật giáo, xá lợi Phật được cung nghinh trên đường phố Hà Nội để hàng ngàn Phật tử chiêm bái trong bối cảnh lưu động. Hoạt động này tạo nên khí sắc mới cho lễ hội, rất nên được duy trì hàng năm và nhân rộng qua các địa phương khác trên cả nước.

Do việc tổ chức tại trung tâm và chuyển dịch trên đường phố Hà Nội, nên số người tham dự lễ Phật đản tất nhiên là đông đảo hơn, không khí tưng bừng hơn. Việc tổ chức sôi nổi nét hiện đại, nhưng cũng mang dấu ấn truyền thống qua lễ tắm Phật (mộc dục).

Ở phần lớn các tỉnh thành, theo truyền thống, kể từ khi chuyển ngày Lễ Phật Đản chính thức từ mùng tám tháng tư sang ngày rằm tháng tư âm lịch, lễ tắm Phật được tổ chức vào ngày mùng tám tháng 4 như nghi lễ truyền thống, còn lễ ngày rằm tháng tư dành cho các tiết mục có tính hiện đại như diễn  văn, dâng hoa… .

Như thế, việc tắm Phật trên lễ đài như một tiết mục chính thức trong khóa lễ ngày rằm tháng 4, đối với Phật tử miền Nam, cũng là điều mới mẻ và thú vị. Nếu mọi lễ đài, trong suốt tuần lễ Phật đản, từ mùng tám đến rằm tháng tư đều bố trí tượng Phật sơ sinh và gáo nước, bồn nước rắc hoa tẩm hương thơm để mọi Phật tử đều có thể thực hiện nghi thức tắm Phật tượng trưng, thì nét truyền thống càng được khắc sâu trong ngày lễ Phật đản hiện đại.

Xe hoa Phật  đản trên đường phố Hà Nội cũng vô  cùng rực rỡ, đẹp đẽ, làm người xem trầm trồ dù chỉ xem qua hình, qua TV. Xe hoa Phật đản chỉ mới có ở thủ đô những năm gần đây, nhưng khởi sắc hết sức nhanh chóng, chứng tỏ sự phát triển của Phật giáo thủ đô.


Xe hoa là một điểm thu hút sự chú ý của người dân vào đêm trước Đại lễ Phật đản

Băn khoăn

Trong khi đó, tại TPHCM, nơi tổ chức lễ Phật đản với quy mô hàng đầu cả nước trong hàng mấy chục năm liền, nay có vẻ mọi chuyện đã thay đổi

Không khí  lễ Phật đản trầm lắng ở phía tổ chức lẫn từ phía người tham dự.

Mọi năm, đêm 14, đêm rằm, bước ra các đường phố chính là cảm nhận được ngay không khí Phật  đản, với cờ phướn, hương lài, xe hoa… Năm nay, nhà treo cờ cũng ít và xe hoa cũng không thấy nốt.

Đêm 14, đến chùa Vĩnh Nghiêm thấy có văn nghệ Phật Đản. Nhưng chương trình bị tạm dừng vì mất điện (chỉ khu vực sân khấu). Nhưng điều băn khoăn là số người đến tham dự, tuy ngồi kín những hàng ghế, nhưng xem ra, chỉ tương đương số người tham dự Giáng sinh ở một thánh đường nào đó trên cao nguyên. Trong khi đó, chùa Vĩnh Nghiêm được coi là ngôi chùa lớn nhất thành phố, nằm ở trung tâm.

Đến sân vận động quân khu 7 thì không thấy cảnh xe hoa tập trung ngày hội như mọi năm.

Ghé vào chùa Phổ Quang, thấy người đi lễ chùa khá  đông, nhưng cũng khoảng như dịp tết.. Đây là  nơi tôn trí lễ đài để sáng ngày rằm cử  hành khóa lễ chính thức. Người đi chùa chợt nhớ  đến không khí chen chúc mỗi đêm 14 tháng 4 trước lễ đài tại chùa Ấn Quang trong thập niên 1970. Đêm đó, buổi thuyết pháp phải tổ chức ngoài trời cho cử tọa hàng chục ngàn người.

Lễ Phật  Đản sáng  rằm tổ chức tại sân chùa Phổ  Quang, với số người tham dự vừa kín sân chùa. Chạnh lòng khi nhớ đến thông tin 30.000 người tham dự một đêm truyền giảng Giáng sinh do giáo phái Tin Lành tư gia tổ chức tại một sân vận động ở Gò Vấp chỉ mới năm ngoái.

Trở  về tổ chức trong sân chùa, phải chăng lễ  Phật đản tại TPHCM được tổ chức theo hướng vận hành khác hẳn tại thủ đô Hà Nội. Tại Hà Nội, lễ Phật đản từ chùa vùng ven đã vào quảng trường trung tâm. Còn tại TPHCM lễ Phật Đản giã từ sân vận động 20.000 chỗ ngồi để về lại sân chùa nhỏ hẹp.

Tổ chức sân chùa, nên tất nhiên không còn cảnh xe hoa diễn hành quanh lễ đài trong tiếng reo hò, vỗ tay như năm trước.

Đêm 14 ở thiền viện Vạn Hạnh, người đến lễ chùa vắng hơn những ngày tết. Lễ đài, thì so với 10 năm trước, giờ đã nhỏ hơn nhiều. Nhưng điều đáng nói là người đến dự không còn chen chúc ở phòng phát hành kinh sách, mà lúc trước người nào trở ra cũng cầm quyển kinh cuốn sách trên tay.

Kinh sách bây giờ được bày ở hành lang của tòa nhà Học viện Phật giáo Việt Nam như một chiếu sách bên đường, với số sách chỉ còn 1/3 so với lúc trước. Nhưng đa số chỉ còn là những cuốn sách mỏng, thiếu hẳn những bản sách dày do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản như cách đây mấy năm.

Ra về  mới nhận thấy trước cửa thiền viện không còn những xe bong bóng với những quả bóng in hình đức Phật sơ sinh như năm nào. Tất nhiên không còn cảnh kẹt xe nữa.

Đêm rằm, nhắc một vài người bạn về lễ Phật đản, thì hầu như ai cũng ngạc nhiên: “Không nghe thấy gì cả!”. Mọi năm, ở TPHCM, không ra đường, vẫn “nghe  được lễ Phật đản từ âm thanh những chiếc xe hoa diễu hành thành đoàn trên các đường phố chính rồi trở về khắp mọi quận huyện.

Tôi chỉ  lẳng lặng chỉ vầng trăng tròn mờ mờ trên thành phố để chứng tỏ mình không lầm ngày và chìm trong nỗi băn khoăn.