Và câu trả lời của đức Phật là những lời giải thích dùng khái niệm nghiệp – quả, vốn là một niềm tin rất thịnh hành ở Ấn độ, nhưng cách phân tích của đức Phật cho thấy một sự lý giải mới, khác với niềm tin thông thường của đại chúng.
“-Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, một số hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục? Này Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, một số hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào nơi tốt đẹp, Thiên giới, đời này?
–Này các Gia chủ, do nhân hành phi pháp, hành phi pháp chánh đạo, này các Gia chủ, mà như vậy, ở đây có một số hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Do nhân hành đúng pháp, hành đúng chánh đạo, này các Gia chủ, mà như vậy, ở đây, một số hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào nơi tốt đẹp, Thiên giới, đời này.
–Chúng con không thể hiểu đầy đủ những gì Tôn giả Gotama thuyết một cách vắn tắt nếu không được giải thích rộng rãi. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho chúng con để chúng con có thể hiểu đầy đủ những gì Tôn giả Gotama thuyết một cách vắn tắt.
–Như vậy, này các Gia chủ, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
–Thưa vâng, Tôn giả.
Các vị Gia chủ Bà la môn ở Sa la vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
–Này các Gia chủ, có ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo, có bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo, có ba loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo. Này các Gia chủ, thế nào là ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo? Ở đây, này các Gia chủ, có người sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.
Người này lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy. Người ấy sống tà hạnh đối với các dục lạc, giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, nữ tù nhân, cho đến những nữ nhân đã đính ước. Như vậy, này các Gia chủ, có ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo. [10 ác nghiệp 3 qua thân, 4 qua khẩu và 3 qua ý hành].
Này các Gia chủ, có ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo, có bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo, có ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo? Này các Gia chủ, thế nào là ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo?
đây, này các Gia chủ, có người từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình; từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy không lấy trộm tài vật ấy; từ bỏ sống theo tà hạnh đối với các dục, không giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, vv. Như vậy, này các Gia chủ, có ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo.
Và này các Gia chủ, thế nào là bốn loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo? Ở đây, này các Gia chủ, có người từ bỏ vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: “Này người kia, hãy nói những gì Ông biết”, nếu biết, người ấy nói: “Tôi biết”; nếu không biết, người ấy nói: “Tôi không biết”; hay nếu không thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”; nếu thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”. Như vậy, lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân vị kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì.
Từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đi đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia; như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tang tưởng những kẻ hòa hợp, vui thích hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, những lời nói nhu hòa, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp long nhiều người, vui long nhiều người, người ấy nói những lời như vậy. Từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, người ấy nói những lời chân pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ.Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi.Như vậy, này các Gia chủ, có bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo.
Và này các Gia chủ, thế nào là ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo? Ở đây, này các Gia chủ, có người không có tham ái, không tham lam tài vật của kẻ khác, không nghĩ rằng: “Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!” Lại có người không có tâm sân, không có khởi lên hại ý, hại niệm, nhưng nghĩ rằng: “Mong rằng những loài hữu tình này sống không thù hận, không bị oán thù, không nhiễu loạn, được an lạc, lo nghĩ tự thân!” Người ấy có chánh kiến, không có tưởng điên đảo, nghĩ rằng: Nh“Có bố thí, có kết quả của bố thí, có tế lễ, có cúng dường, các hành vi thiện ác có kết quả sai biệt, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trong đời, có các Sa môn, Bà la môn, chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau”.
Như vậy, này các Gia chủ, có ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo. Như vậy, do nhân hành đúng pháp, đúng chánh đạo, này các Gia chủ, ở đây, một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào nơi tốt đẹp, nhân gian hay thiên giới.
Này các Gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước: “Ôi, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, tôi được sanh vào đại phú gia, vương tộc Sát đế lỵ!” Sự kiện này xảy ra, vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào đại phú gia, vương tộc Sát đế lỵ. Vì sao vậy? Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo.
Này các Gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước: “Ôi, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, tôi được sanh vào đại phú gia Bà la môn… đại phú gia gia chủ!” Sự kiện này xảy ra, vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào đại phú giag a chủ. Vì sao vậy? Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo.
Này các Gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước: “Ôi, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, tôi được sanh thân hữu với chư thiên, Tứ thiên vương… với chư thiên cõi trời thứ ba mươi ba… với chư thiên Dạ ma… với chư thiên Đâu suất đà… với chư thiên Hóa lạc… với chư thiên Tha hóa tự tại… với chư thiên Phạm chúng… với chư thiên Quang thiên… với chư thiên Thiểu quang thiên… với chư thiên Vô lượng quang thiên… với chư thiên Quang âm thiên… với chư thiên Tịnh thiên… với chư thiên Thiểu tịnh thiên… với chư thiên Vô lượng tịnh thiên… với chư thiên Biến tịnh thiên… với chư thiên Quảng quả thiên… với chư thiên Vô phiền thiên… với chư thiên Vô nhiệt thiên… với chư thiên Thiện hiện thiên… với chư thiên Thiện kiến thiên… với chư thiên Sắc cứu cánh thiên… với chư thiên Hư không vô biên xứ thiên… với chư thiên Thức vô biên xứ thiên… với chư thiên Vô sở hữu xứ thiên… với chư thiên Phi tưởng Phi phi tưởng xứ thiên!” Sự kiện này xảy ra, vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thân hữu với chư thiên Phi tưởng Phi phi tưởng xứ thiên. Vì sao vậy?Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo.
Này các Gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước: “Ôi, mong rằng, với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí, ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu!” Sự kiện này xảy ra, vị ấy với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí, ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu. Vì sao vậy?Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo.
Khi nghe nói vậy, các gia chủ Bà la môn ở Sa la bạch Thế Tôn:
–Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc.
Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện để trình bày. Và nay chúng con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỳ kheo Tăng, mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng!” (Saleyyasatta M.41)
Như vậy, tu là chuyển nghiệp hay sửa đổi thái độ và cách hành xử trong cuộc sống.Sự sửa đổi này được bắt đầu từ chánh tín (niềm tin đúng đắn) và chánh kiến (hiểu biết về nhân quả thiện ác) để rồi bỏ ác làm lành, tu tâm sửa tánh.Như vậy ai cũng phải ‘tu’ thì mới có hạnh phúc an lạc ngay trong đời này, và cũng là tạo duyên cho một sự tái sinh tốt đẹp cho đời sau.
Việc tu thường bắt đầu từ một sự nhận thức hay kinh nghiệm nào đó khiến người ta phải thay đổi cách sống và cách nhìn nhận về con người và cuộc đời. Sự kiện này có thể đến từ một cú sốc nào đó trong các mối quan hệ, cũng có thể nó đến từ một sự mất mát lớn lao khiến người ta cảm thấy hụt hẫng trong cuộc sống khiến họ thấy khổ, nó cũng có thể là một người suy nghĩ về tính chất vô thường giả tạm của đời sống qua những gặp gỡ, tiếp xúc và chiêm nghiệm.
Nhưng thấy khổ và thấy vô thường giả tạm cũng chưa đủ để người ta vượt qua chúng, người ta cần phải hiểu chính mình qua các mối quan hệ và các sự kiện xảy ra trong đời sống, và từ đó thấy ra rính vô ngã trong vạnpháp để thôi thủ chấp và tích lũy.
Như vậy, đến giai đoạn cuối, tu là buông bỏ, bắt đầu từ buông bỏ tà kiến chấp thủ, buông bỏ các ác hạnh khiến mình và người đau khổ, buông bỏ các định kiến và thói quen không lành mạnh đã được điều kiện hóa, cho đến buông bỏ cả pháp môn đã từng tu tập trong một giai đoạn nào đó trên con đường giải thoát. Phải biết rằng Pháp Phật như những liều thuốc chữa bệnh cho chúng sanh, khi bệnh hết thì không cần phải uống thứ thuốc đó nữa.
Diệu pháp là thần dược, Pháp (như dược liệu) được liệt kê là gồm 37 ‘vị’, chia ra thành 7 ‘thang’, nhưng tựu trung lại là có ‘7 pháp’ gọi là ‘bồ đề phần’. Khi Phật Pháp được xem như một con đường sống để có hạnh phúc an lạc chân thật, thì nó lại được gọi là ‘Bát Thánh Đạo’.Và khi Pháp được miêu tả như những gì cần phải huấn luyện, học tập để có được an lạc giải thoát thì chúng ta lại phải thực hành ‘Giới – Định – Tuệ”. Người Phật tử tu chính là học hỏi và thực hành những pháp trên.
Rằm Tháng Ba, Chùa Bồ Đề, Melbourne 10. 04. 09.
Theo: Vẻ đẹp cuộc sống dưới ánh sáng Tứ Diệu Đế
Tác giả: Dhammananda Bikkhuni (Tỳ khưu ni Pháp Hỷ)
Đánh máy: Thái Dũng Trung
Mời bạn đọc đón xem tiếp bài hai: Vô Minh Duyên Hành