Theo đó, bài pháp thoại đươc chia sẻ tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi (287A ấp Vĩnh Hòa, Tân Ngãi, Tp. Vĩnh Long), với sự tham dự của trên 1500 phật tử tại thành phố Vĩnh Long và một số tỉnh thành lân cận.
Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa cho rẳng trong thời mạc pháp, chúng sinh nghiệp dày phúc mỏng, số người tu chứng ngày càng hiếm hoi dần. Rất nhiều trường hợp đã gãy ngang đường tu chỉ vì tà kiến nào đó, hay vì những trở ngại trong thiền. Cho nên trong bài giảng này, từ kinh nghiệm sau bao năm tu hành, Thượng tọa đã phân tích những chướng ngại trong thiền một cách kĩ lưỡng, sâu sắc, qua đó thính chúng có được cái nhìn bao quát hơn, cũng như được tiếp thêm tâm thế, nghị lực để bước trên hành trình tu thiền đầy gian nan.
Vào đầu đề tài, Thượng tọa tản mạn vài câu chuyện trong cuộc sống. Mỗi câu chuyện là một bài học, một góc nhìn thú vị cho người nghe và đưa ra nhận xét: người ngoại quốc khi đến với Việt Nam, họ không cần những tụ điểm để ăn chơi hưởng thụ trác táng, vì ở nước họ đã có quá nhiều. Họ cần thứ gì đó mà nước họ chưa có, đó là văn hóa của Việt Nam, là tâm linh từ đạo Phật. Và đến với đạo Phật, người ta cũng không cần một mục tiêu đơn giản là sinh về cõi trời như mục tiêu của những tôn giáo tồn tại từ lâu ở nước họ nữa. Điều mà thế giới ngày nay đi tìm là một chân lý nào đó sâu sắc, hợp lý, thấu đáo, một giá trị tâm linh vượt bật. Và Thiền định đáp ứng được yêu cầu này.
Có thể nói rằng, thiền định cũng là đỉnh cao của nền văn minh nhân loại. Trên thế giới tồn tại nhiều trường phái thiền khác nhau, tuy nhiên thiền Phật giáo vẫn là hoàn hảo nhất vì được tuyên dạy bởi một bậc chứng ngộ tuyệt đối. Cho nên được là đệ tử Phật và được học thiền là một phước duyên từ rất nhiều đời, đôi khi chúng ta chưa ý thức hết.
Nhân đây, Thượng tọa đã phân tích sự khác nhau giữa Thiền của Phật và những trường phái thiền khác trên thế giới.
– Thứ nhất, Thiền đạo Phật có lý thuyết, công thức chặt chẽ giống như một môn khoa học vậy, lý thuyết không mơ hồ lãng đãng, không chủ trương muốn hiểu sao cũng được.
– Thứ hai, Thiền đạo Phật có lộ trình rõ ràng, dựa vào đây mà hành giả tu đến đâu biết mình đi đến đó, dù cảnh giới lạ hiện ra, dù tâm thức yên lắng đến đâu. Vì vậy tránh được sự ngộ nhận tưởng mình đã chứng rất cao. Còn không phải thiền của Phật thì lộ trình mơ hồ, khi lọt vào cảnh giới lạ, đối diện với nhiều hiện tượng như thấy ánh sáng lạ, người lơ lửng giữa hư không, nghe được âm thanh rất nhỏ của côn trùng v.v.. hành giả không biết mình đang đi đến đâu, thậm chí lầm tưởng mình đã chứng ngộ, dẫn đến tổn mất phước duyên.
Cho nên người tu đúng thiền của Phật tự nhiên toát ra phong cách khiêm tốn, chuẩn mực, không phóng túng, bừa bãi, không làm ra vẻ mình đã giải thoát rồi. Nhân đây Thượng tọa nhắc nhở thính chúng rằng, đã may mắn được về đúng với con đường của Phật thì hãy nỗ lực tu tập, đừng phụ bạc cái duyên này.
Nói về đề tài “Những chướng ngại trong thiền”, Thượng tọa cho biết chỉ trừ những bậc đại thiện căn, còn lại đa phần người tu đều phải đối diện với hiện tượng công phu khi tiến khi lùi, khi được khi mất. Theo Thượng tọa, chướng ngại là điều rất bình thường, nếu vì trở ngại mà ta động tâm, mất lý tưởng thì sẽ tổn phước nặng. Do đó phải kiên cường vượt qua.
Mà thật ra tất cả những trở ngại trên đường tu đều do nghiệp đời xưa, cho nên đời này chúng ta ta vừa phải tinh tấn tu mà vừa không quên sám hối. Ngay cả những vị có đời sống trong sạch như băng tuyết rồi vẫn hàng ngày sám hối vì biết rằng cái nghiệp từ vô lượng kiếp xưa vẫn còn vương, huống hồ là những phàm phu như chúng ta. Phàm phu chỉ cần sơ sẩy trong tích tắc là mang tội, mà nhiều khi không phải do ác tâm, do cố ý, có khi chỉ do vô tình cũng tạo thành cái nghiệp cho đời sau. Cho nên hạnh tu căn bản là lễ Phật sám hối thường xuyên, sẽ giúp tâm hồn ta vững vàng hơn, nghiệp xưa vơi dần.
Đi vào trọng tâm bài, Thượng tọa trình bày sáu chướng ngại trong thiền như sau:
– Thứ nhất là “dụng công sai phương pháp”, mà hậu quả thường là điên loạn. Có rất nhiều cách dụng công sai, không thể kể hết trong giây phút, Thượng tọa cho biết thông thường thì có hai cái sai căn bản:
+Thứ nhất là tin theo lý thuyết từ một đạo sư, một cuốn sách nào đó, cho nên càng tu càng kiêu mạn, ví dụ tự cho mình đã chứng đạo, đã thành Phật, đã vượt ngoài tam giới. Cái ý niệm kiêu mạn này cũng có thể do ác ma tác động. Nên đầu mỗi thời thiền, hành giả phải tác ý ba tâm hạnh căn bản là tôn kính Phật tuyệt đối, thương chúng sinh vô hạn và khiêm hạ thấy mình như đất bụi mà thôi.
+ Cái sai thứ hai là cách dụng công làm lực chạy lên đầu. Từ lâu, Đông y đã nói rất nhiều về hệ thống khí lực vô hình của cơ thể, trong đó quan trọng nhất là vùng dưới đan điền. Khí lực tụ ở dưới gọi là có chân âm, khí lực bốc lên trên đầu gọi là mất chân âm, lúc này cơ thể bắt đầu đổ bệnh. Đó là lý do mà Phật dạy rằng phải biết rõ toàn thân.
Ngày nay một số người chủ trương phải tâm trên đầu để canh chừng vọng tưởng, hoặc trụ tâm ở một huyệt đạo, một luân xa nào đó trên đầu. Không ngờ làm khí lực bốc lên, đến lúc chín mùi sẽ gây ra bệnh về thần kinh, làm căng thẳng bứt rứt, mất ngủ, khó tập trung. Kiêu mạn thì dẫn đến điên loạn, còn khí lực bị tổn thì không làm điên loạn, nhưng cũng làm hành giả sống dở chết dở rất đáng thương. Đó là trở ngại đầu tiên: dụng công sai phương pháp.
– Trở ngại thứ hai là “thiếu phước”. Thiếu phước rồi thì phát sinh hai điều: một là tâm khó nhiếp, hai là hoàn cảnh bất lợi, dẫn đến khó tu tập.
Người khôn ngoan là người vừa tu mà vừa tạo phước từng chút, từ cái phước cao nhất là giúp cho người tu tập, đến cái phước thấp nhất là bố thí miếng ăn đều không bỏ qua.
Thượng tọa cho biết thêm, nếu ai vào thiền mà tâm nhiếp được trong định thì cũng như đang hưởng phước cõi trời, bởi sự an lạc khi đó ngang bằng với sự an lạc của chư Thiên tử. Cho nên tu thiền đòi hỏi cái phước rất lớn. Nếu nhẩm lại ta thấy mình chưa làm được nhiều điều phước thì hãy biết rằng hiện tại mình vẫn phải tinh tấn tu, nhưng sẽ chưa có kết quả nào đáng kể. Phải qua vài chục năm tạo phước rất dày tâm linh mới bắt đầu khai mở.
– Trở ngại thứ ba là “thiếu sức khỏe”. Theo nguyên tắc của tâm lý, khi cơ thể khỏe mạnh thì chúng ta minh mẫn tỉnh táo, nếu gặp chuyện buồn, hay những bất trắc khó khăn trong đời sống ta vẫn bình thản để từ từ giải quyết. Còn khi cơ thể mệt mỏi, chúng ta khó có được sự ổn định vững vàng như vậy. Rất khó duy trì một nội tâm sáng suốt vững vàng trong một cơ thể yếu đuối. Hơn nữa, tư thế ngồi thẳng lưng, bắt chân kiết già, giữ thân bất động đòi hỏi sức khỏe phải tốt. Sức khỏe thì vừa do phước, vừa do tập luyện, ăn uống hợp lý mà có.
– Trở ngại thứ tư của người tu thiền là “thiếu đạo đức”. Đức Phật đã từng nói: “Khi nhìn vào tâm của một chúng sinh mà thấy còn nhiều hắc Pháp, ta biết rằng người này không thể chứng đạo được trọn vẹn. Còn khi nhìn vào tâm một chúng sinh mà thấy không còn hắc pháp, ta biết rằng chúng sinh này sẽ được giải thoát rốt ráo”. “Hắc pháp” tức là những bất thiện pháp trong tâm, ngày nay chúng ta hiểu rằng người còn hắc pháp có nghĩa là đạo đức chưa hoàn hảo, còn nhiều sân si tật đố kiêu mạn… Chỉ khi nội tâm đã đến mức độ thuần thiện rồi, hành giả mới nhập được vào định.
– Trở ngại thứ năm là “hoàn cảnh chưa thuận lợi”. Ví dụ hoàn cảnh nghèo khó. Trong cái nghèo, người ta luôn bị tâm lý căng thẳng tìm miếng ăn, không thể yên ổn nhiếp tâm. Đó là lý do mà trong Bát chánh đạo thì “Chánh nghiệp” (làm phước) đứng trước “Chánh tinh tấn” (nỗ lực tu hành), vì phải có phước rồi, không phải quá lo lắng tìm miếng ăn thì người ta mới yên tâm tu được. Hoặc nơi ồn ào, nắng nóng, lạnh lẽo, hay bận bịu sinh kế, thiếu ngủ… đều là những trở ngại làm cho đời tu hơi vất vả.
– Trở ngại thứ sáu là “không được hướng dẫn kĩ lưỡng”. Hành giả tu tiến đến một trạng thái nào đó rồi không biết mình đã đến đâu, không được ai giải thích giúp, loay hoay không dám bước thêm, mà lui lại thì uổng phí. Đây cũng là trở ngại rất lớn.
– Trở ngại thứ bảy là “ý nghĩ thầm kín làm tổn phước”.
Thực tế rất nhiều người đã phát bệnh tâm thần chỉ vì cả đời đã tích lũy quá nhiều ý nghĩ sai, ví dụ thường âm thầm phỉ báng thần thánh. Còn chúng ta có thể không đến mức phỉ báng thần thánh, nhưng lại thường mắc phải lỗi khinh chê người quá đáng. Cái ý nghiệp này lâu ngày cũng sẽ đánh vào não bộ, tuy không gây điên loạn nhưng cũng làm não bộ luôn căng thẳng, bứt rứt khó chịu, và đương nhiên không thể nhiếp trong thiền định.
– Trở ngại thứ tám là “chưa đủ duyên để đắc đạo”. Vì vậy kiếp này chúng ta phải vừa tu vừa gieo duyên. Cái duyên đó là lòng tôn kính Phật tuyệt đối, lòng thương yêu chúng sinh vô hạn, là công lao giúp cho người cùng được tu, giúp Thầy, phụ giúp huynh đệ hoằng hóa, mang chánh pháp, mang thiền định hoằng dương khắp nơi… Nói chung, rất nhiều công đức mà ta phải tác thành trong suốt cuộc đời mình.
Tóm lại, để hỗ trợ cho công phu thiền định, chúng ta có ba điều phải ghi nhớ suốt đời mình:
– Thứ nhất, suốt đời đừng làm gì sai (mà Phật đã dạy là phải “thấy sự nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhặt).
– Thứ hai, kiên trì tích lũy phước (trong đó không bao giờ quên công hạnh lễ Phật mỗi ngày)
– Thứ ba, ngồi thiền đều đặn đúng phương pháp Phật dạy.
Nếu suốt mấy mươi năm sống được như vậy thì đến cuối đời có thể chứng Tu Đà Hoàn, hoặc nếu đủ phước duyên thì sẽ chứng luôn Sơ thiền. Sơ thiền rất vĩ đại, chứng được Sơ thiền không phải chuyện đùa, nên chúng ta chỉ mong đời này mình có thể chứng được Thánh quả Tu Đà Hoàn. Chứng Tu Đà Hoàn rồi xem như đã lọt vào dòng Thánh, không bao giờ thoái đọa vào súc sinh, ngạ quỷ nữa, và chắc chắn sẽ có kiếp chứng A La Hán.
Thượng tọa nhấn mạnh, “đừng làm gì sai lầm” nghe thì đơn giản nhưng không dễ thực hiện, bởi phải có phước thì ta mới không phạm lỗi. Vì sao vậy, vì khi có phước rồi thì tự nhiên ta may mắn, sáng suốt, thường được gia hộ. Còn người kém phước thì cũng rất dễ phạm lỗi, mà đã phạm lỗi rồi thì phước lại càng tổn thêm.
Cho nên nếu ai thấy mình thường phạm lỗi thì hãy biết rằng cái phước của mình còn mỏng. Vì vậy càng phải siêng lễ Phật để nhờ Phật lực gia hộ, che chở, giữ gìn, đồng thời siêng giúp đời giúp người, giúp cho huynh đệ cùng tu hành. Những cái phước này đều sẽ quay lại bảo vệ đời tu, bảo vệ tâm hồn của chính mình.
Trên đây những giải tỏa khúc mắc cho người tu thiền. Như ánh sáng từ ngọn hải đăng chiếu xuyên màn đêm, cũng vậy, qua trí tuệ, kinh nghiệm cùng lối diễn giảng gần gũi, logic, Thượng tọa đã làm sáng tỏ những chướng ngại chập chùng trong thiền định. Thiết nghĩ, chỉ một thử thách nhỏ thôi cũng đủ đánh gãy đời tu của chúng ta, nếu ta không đủ công đức, trí tuệ, không được chỉ dạy đúng đắn.
Nhờ gặp được bậc minh sư soi đường chỉ lối mà ta không sa chân vào hố sâu, vực thẳm, mà nếu có vấp ngã ta vẫn biết phương pháp vượt qua, đứng dậy đi tiếp. Đó là phước duyên rất lớn. Vậy mỗi người chúng ta hãy biết trân trọng, nắm chắc hướng đi và cố gắng dụng công hành trì để có được an lạc ngay trong đời sống này căn cứ trên nền tảng đạo đức, trí tuệ và từ bi.
Đó là kết quả tâm linh mà ai tu cũng phải có, nhằm góp phần phát triển đời sống đạo đức và làm nền tảng cho sự giác ngộ giải thoát./.