Theo đó, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm thuyết giảng đề tài TÌNH CẢM CỦA CƯ SĨ ĐỐI VỚI CHƯ TĂNG, NI với sự tham dự trên 1000 phật tử xa gần, trong đó còn có sự hiện diện của đông đảo phật tử là người dân tộc thiểu số đến từ tỉnh Đắk Lắk.
Một điều đặc biệt, trên Pháp toà hôm nay là sự hội ngộ của 3 huynh đệ đã nhiều năm gắn bó trong Phật pháp, đó là: HT. Thích Viên Giác – Phó ban Văn hóa GHPGVN TP. HCM, Chủ tịch Hội Cựu Sinh Viên HVPG TP.HCM; HT. Thích Minh Thiện – UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN, Trưởng BTS tỉnh hội PG tỉnh Long An, Trụ trì chùa Thiên Châu và TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang.
Được biết, HT Thích Viên Giác, HT Thích Minh Thiện và TT Thích Chân Quang đã có những năm tháng gắn bó dưới mái trường Cơ bản Phật học tỉnh Long An cho sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ Tăng Ni kế thừa kể từ năm 1992 cho đến nay.
Tại Pháp toà, HT Thích Minh Thiện đã giới thiệu với Hội chúng rằng: HT Thích Viên Giác là một vị Giáo thọ chủ lực của trường. Từ nơi đây Người đã có nhiều giáo trình, giáo án giảng dạy cho các trường Cơ bản Phật học. Và hôm nay cũng đã được T.Ư GHPGVN chọn làm những giáo trình mẫu để giảng dạy cho chương trình Trung cấp toàn quốc.
Đồng thời, trong thời điểm này, TT Thích Chân Quang, cũng là một huynh đệ đầy lòng nhiệt huyết, luôn mong có được những chương trình khởi sắc, nhất là chương trình giáo dục hoằng pháp để cho Tăng Ni, cư sĩ Phật tử hiểu được Phật Pháp, huân tập được Phật Pháp và phát nguyện hộ trì Phật Pháp. Do vậy, Người cũng là một vị Giáo thọ gắn kết nhiều khóa tại trường Trung cấp Phật học Long An. Và Thượng toạ đã có một chương trình giảng dạy, đó là Tâm lý Đạo đức Phật giáo, quan điểm người Trụ trì, Giáo trình Thiền học, và những bài Sám nguyện rất hay.
Thiết nghĩ, trong ba huynh đệ, tuy mỗi người một tâm nguyện, mỗi người một sự truyền đạt, nhưng mục đích chung là giáo dục thế hệ Tăng Ni trẻ có đầy đủ giới đức, tâm đức và tuệ đức để phục vụ cho đạo pháp, cho dân tộc và cho chúng sinh một cách thiết thực và hiệu quả nhất. Kết quả, hiện nay đội ngũ Tăng Ni trẻ do trường Cơ bản Phật học tỉnh Long An đào tạo đã có một số vị tham gia trong mọi sinh hoạt Phật sự và công tác Lãnh đạo Giáo hội tại địa phương hoặc tỏa đi các tỉnh vùng sâu vùng xa với khả năng chuyên môn của mình.
Điển hình là ĐĐ Thích Lệ Trí, ĐĐ Thích Đức Hoàng, ĐĐ Thích Lệ Ngôn là những Tăng sinh đầu tiên của trường và cũng là học trò của ba “Vị” đây đang có những đóng góp tích cực vào các hoạt động Phật sự của tỉnh Long An.
HT. Thích Minh Thiện cho rằng, đối với những thăng trầm, những sự cố gắng phát triển Phật giáo Long An cũng như để thành tựu công trình chùa Thiên Châu của Người là luôn có những huynh đệ thân cận cùng gia tâm, cùng hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp, mong sao phục vụ được những Phật sự lớn của BTS GHPGVN tỉnh Long An. Và hôm nay là buổi giảng đầu tiên cho ngôi chùa mới, tại giảng đường mới.
Đi vào nội dung bài Pháp thoại, trước nhất, TT Thích Chân Quang nhận định: Trong cuộc đời không ít người có trái tim đầy ắp tình cảm, nhưng lại hướng về những đối tượng rất tạm bợ, phù du. Nếu ai thương được một vị Thầy đạo hạnh tu hành, cả một đời thúc liễm thì xem như họ đã thương được một người sẽ giúp họ nâng dậy tâm hồn trong dòng luân hồi này. Đó là duyên phúc rất lớn. Nhưng trên đời này không phải tất cả mọi người đều có thể biết đặt tình yêu thương đó với chư Tăng.
Lòng thương chùa, thương Phật, thương Tăng, thương Pháp, thương huynh đệ đồng đạo là tình thương rất tinh khiết. Có người nói rằng nếu ta đặt trái tim chỉ trong ngôi chùa thì làm sao thương được vô số con người ngoài kia, thậm chí thương từng con giun, con dế? Sự thật, nếu ai gửi lại trái tim ở chùa, yêu kính được Phật, Pháp, chư Tăng thì sau đó trái tim mình sẽ mở rộng muôn hướng để có thể yêu thương được tất cả chúng sinh. Còn khi lấy trái tim ra khỏi chùa, ta chỉ thương được vài người, nhưng tình cảm đó thường mang lại cho ta bao nhiêu nhớ nhung, xao xuyến, muộn phiền, khổ nhau.
Để khách quan hơn, Thượng toạ đặt câu hỏi với HT Thích Viên Giác, xin Hoà thượng cho biết: Lý do (đặc điểm) nào khiến cho một người cư sĩ có thể khởi tâm thương kính vị Tăng nào đó.
Theo cái nhìn của Hoà thượng: Người càng hiểu đạo lý chừng nào thì càng yêu kính chư Tăng chừng nấy, người hiểu đạo ít thì yêu kính chư Tăng ít. Như vậy, ta cứ nhìn tình cảm người đó đối với chư Tăng thì ta biết ngay người này có hiểu đạo nhiều hay không.
Từ nhận định đó, Thượng toạ nêu ra có 4 nguyên nhân để phật tử yêu kính chư Tăng.
Yếu tố đầu tiên là HIỂU ĐẠO LÝ. Càng hiểu đạo, người ta càng yêu kính chư Tăng nhiều. Ta biết rằng chư Tăng cũng là con người chứ không phải là Thánh thần gì, quý thầy cũng có những khát vọng, dục vọng, những cái gọi là chi phối của bản năng, của đời thường. Tuy nhiên trong khi mọi người chạy vạy, kiếm tìm để thỏa mãn bản năng thì quý thầy biết kiềm chế, biết kiểm soát tâm mình để tu tập, để vượt thoát những chi phối của bản năng mà thăng tiến về tâm linh. Quả thật là các thầy rất là đáng kính. Và đây là nhu cầu mà các phật tử gắn bó với chùa.
So sánh giữa chùa và nhà, thì tại sao nhà êm ấm mà quý vị lại thích vào chùa? Vì trong chùa cho quý vị một sự ấm áp khác, đó là tình yêu thương của Tam Bảo, và nhất là mình thấy được những giá trị cao đẹp siêu việt qua lời Phật dạy, có thể là chiếc thuyền để cứu khổ mình trong đời sống hiện tại cũng như tương lai. Và do nương tựa, thân cận học hỏi chư Tăng, nên ta mới biết cách gạn lọc thân tâm. Từ đó lòng thương của mọi người đối với quý thầy càng mạnh hơn, càng tin tưởng hơn. Điều này cho thấy chúng ta kính chư Tăng bằng đạo lý, không phải bằng cảm tính. Đây là nguyên nhân thứ nhất, mà là nguyên nhân chân chính nhất khi một người biết yêu kính chư Tăng.
Thứ hai, người CÓ DUYÊN với cá nhân một vị Tăng.
Trong cuộc đời hoằng hóa, người xuất gia nào cũng thấm thía được rằng dù lòng họ thương yêu tất cả chúng sinh, nhưng không phải tất cả chúng sinh đều thương lại họ.
HT Thích Minh Thiện tâm sự, khi Người đã phủi đi mái tóc xanh, dám đi ngược với dòng đời là đã chấp nhận nhìn tất cả mọi người đều như thân quyến của mình. Với tất cả chúng sinh, Người đều dành tình thương tròn đầy và nuôi ý nguyện mang Phật pháp đến với họ. Tuy nhiên trong nhiều đời, chắc chắn rằng có những lúc chúng ta đã thương yêu, kính trọng, giúp đỡ nhau; cũng có những khi chúng ta vì tham, sân, si mà ngược đãi lẫn nhau. Vì vậy không phải đệ tử nào cũng dễ thương dễ mến; cũng không phải người đệ tử nào cũng quý thầy.
Theo Thượng tọa Thích Chân Quang, tình thương yêu giữa chúng sinh dành cho nhau không đồng đều là do sai biệt về cái duyên từ đời xưa. Một vị dù là người xuất gia ở đời này, nhưng đời trước chắc chắn cũng đã trải qua vô số kiếp với những vai trò, địa vị khác nhau. Vị đó gieo ân nghĩa rất nhiều với người này, ít duyên với kẻ khác, thậm chí đã có oan trái với không ít người. Cho nên, có trường hợp, có người căm ghét vị Thầy một cách không giải thích được, đó là chắc chắn đời xưa đã có oan trái với nhau.
Có người không giàu nhưng vẫn cố gắng bòn mót từng chút để giúp chùa, giúp Thầy, thậm chí có người mang hết gia tài cúng dường cho một vị Thầy … đây chắc chắn đời xưa, người đã được thầy cưu mang, giúp đỡ, nên ân nghĩa với nhau rất nhiều. Chính cái duyên, ân nghĩa nhiều hay ít đã làm cho tình cảm của người phật tử đối với chư Tăng cũng theo đó mà sâu đậm hay hờ hững.
Yếu tố thứ ba là ĐẠO HẠNH của chư Tăng. Bậc thầy có đạo đức tự nhiên luôn được mọi người đặt niềm tin kính.
Khi có người đang trong cơn khốn cùng, khổ nạn tìm đến chùa để nhờ quý thầy giúp đỡ, nếu họ gặp được vị Thầy có đạo hạnh, vị đó sẽ không bao giờ đặt vấn đề tiền bạc, mà sẵn sàng đắp y áo lên Chánh điện, tụng cho một thời kinh, cầu nguyện giúp một lời. Rất nhiều trường hợp đã nhờ vào lời cầu nguyện đó mà vượt qua tai họa một cách nhẹ nhàng. Chỉ những vị thầy có đạo hạnh rất cao thì mới được sự linh ứng như vậy. Đó là một trong những lý do khiến phật tử luôn tin kính các vị xuất gia mẫu mực. Nếu quý thầy cô đạo hạnh chưa sâu, nhìn vào trong ánh mắt ta không cảm nhận được tình thương yêu, chỉ thấy một tâm hồn xao động, hẹp hòi, không có sự cảm thông thì chưa nói có duyên hay không duyên, lòng ta vẫn cảm thấy không yêu mến lắm.
Thứ tư là CÔNG ĐỨC CỦA NGƯỜI XUẤT GIA ĐỐI VỚI CHÚNG SINH
Hai vị tu hành mẫu mực giống nhau, đạo đức giống nhau, nhưng một vị thì sống đời thầm lặng, còn một vị thì dấn thân, hi sinh, tự nhiên ta vẫn yêu kính vị thứ hai hơn. Công đức gieo vào cuộc đời đã giúp cho vị đó thu hút được sự yêu mến của chúng sinh. Vì vậy trong cuộc đời tu hành của mình, chư Tăng đừng bao giờ thụ động hay sống quá tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng rất cần thiết để thúc liễm thân tâm, tuy nhiên ai cũng cần một sự cân đối trong đó ta vừa tu, vừa làm lợi ích cho chúng sinh, xây đắp cho đạo pháp để công đức được tròn đầy.
Yếu tố thứ năm là chính ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ. Trên đời, người có bản ngã lớn thường kiêu ngạo, chủ quan và vì thế rất khó kính trọng ai. Ngược lại, người khiêm hạ luôn nhìn thấy vô số ưu điểm của kẻ khác để cảm phục, cúi đầu. Nên việc có kính trọng được chư Tăng hay không lại lệ thuộc vào đạo đức của phật tử. Nếu họ biết tu hành, hàng ngày lễ Phật, tọa thiền, thanh lọc nội tâm, tự nhiên khi gặp chư Tăng lòng họ rất yêu kính. Còn người ít có thúc liễm tu tập, lâu lâu mới tới chùa, đạo hạnh không dày thì lòng kính chư Tăng không có. Cho nên, cùng đi chùa giống nhau, nhưng nhìn người nào mà thấy họ kính trọng chư Tăng thì rõ ràng người đó có tu tập.
Lại nữa, có những người cư sĩ họ có phước, nên có quyền chức và tiền bạc thì thường họ ỷ vào tiền bạc và quyền chức của mình mà đôi khi cũng coi thường chư Tăng. Chỉ những người biết tu thì mới vượt qua được tâm lý tự cao bởi phước của mìn, lúc nào họ cũng giữ lòng khiêm hạ để tôn kính chư Tăng.
Theo HT Thích Viên Giác, có hai trường hợp của những người phật tử ngã mạn rồi mất niềm kính trọng dành cho chư Tăng. Thứ nhất là những người đã làm được nhiều việc cho đạo, thứ hai là người có quyền chức, tiền bạc. Chấp vào công lao, vào địa vị, quyền lực, tâm tự cao của họ cũng theo đó mà ngày một tăng trưởng. Còn TT Thích Chân Quang cho rằng, không ít người đã học hỏi đạo lý, nghiên cứu kinh điển, thậm chí tham gia học ở trường Phật học để lấy những bằng cấp tương đương với quý thầy, quý sư cô… rồi nghĩ mình không thua kém gì người xuất gia. Tuy nhiên họ đã không hiểu rằng tu hành mới là việc khó làm. Dù họ có nghiên cứu sâu, dù có học hỏi nhiều, nhưng khoảng cách giữa người cư sĩ và người tu sĩ vẫn rất xa. Sự miên mật giữ giới, sự tinh tấn tu hành là điều người cư sĩ không tích cực thực hiện được trong môi trường thế tục, khuấy đảo với bao nhiêu sự tranh đua, ganh ghét, trách nhiệm ràng buộc.
Thời Đức Phật có những người cư sĩ chứng được quả Thánh đến mức có thần thông nhưng vẫn chỉ là cư sĩ, chỉ chứng đến quả A Na Hàm, không thể chứng đến A La Hán. Bởi khi là cư sĩ, họ vẫn còn trách nhiệm, sự ràng buộc với gia đình làm tâm họ không thể nào bình đẳng với tất cả chúng sinh. Ta không ngờ chỉ điều đó thôi mà họ đã không chứng được A La Hán. Chư Tăng dù biết rõ xuất thân, biết rõ thân quyến của mình, nhưng không bị ràng buộc phải ưu tiên riêng, bất kì là ai. Cho nên các vị đạt được sự bình đẳng với tất cả chúng sinh. Đạt được cái mốc của tâm bình đẳng, vị đó mới có thể chứng được A La Hán.
Dịp này, Thượng toạ nhắc nhở: Trong tình cảm đối với chư Tăng, quý phật tử hãy lưu ý vài điểm.
Trước tiên, quý Thầy chưa phải là Thánh nên không thể hoàn hảo, vẫn còn những lỗi lặt vặt, còn sự sơ suất nào đó. Vì thế, phật tử đừng quá khắc khe với quý thầy. Tuy nhiên, ta cũng không chiều chuộng quý thầy quá đáng. Ta vừa là người học trò, vừa là người bảo vệ cho thầy, bởi có những người rắp tâm phá hoại đạo tâm, đập tan cuộc đời tu hành của quý Thầy, bằng cách này cách nọ, dẫn đến chư Tăng đi vào điều sai lầm. Thế nên, ta vẫn phải có sự quan sát, đánh giá, không được mê muội. Ta không quá xét nét, bới lông tìm vết, nhưng cũng không nuông chiều. Trong tình thân, nếu cần thiết ta sẽ ta sẽ nhắc nhở, góp ý với quý Tăng Ni.
Thêm nữa, người cư sĩ phải là gạch nối giữa chư Tăng với thế giới bên ngoài. Có những nơi quý thầy không đến được như ở chợ búa sầm uất, nhưng tại đó vẫn có nhiều người có đạo tâm. Vì thế phật tử hãy thay quý thầy đến thăm hỏi, mang đạo lý thầy dạy đến chia sẻ với họ.
Đồng thời ta cũng là gạch nối giữa thế tục bên ngoài với chư Tăng. Ví dụ hiện nay giới trí thức, giới trẻ khắp nơi đang tìm hiểu đạo Phật, nhưng khi họ tìm đến chùa thì những bản kinh khó hiểu, điệu đọc tụng xa lạ với thời đại… như bức tường thành ngăn họ có cảm xúc đối với đạo lý. Vì thế, ngày nay sự thay đổi nghi thức, nghi lễ Phật giáo đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Hãy góp ý điều đó với quý thầy. “Xin thầy hãy từ bi, yêu thương, nghĩ đến lớp trẻ mà hãy chọn lại những bài kinh và cách đọc tụng phù hợp với thời đại để có thể dẫn dắt các em về với đạo”.
Hoặc ta góp ý với thầy về tổ chức buổi lễ, phần ăn uống phải làm sao đảm bảo cho tất cả mọi người đều được no đủ, tự nhiên họ sẽ quý mến chùa. Đó là tâm lý rất tự nhiên của con người trên đời. Vai trò cư sĩ là đem đời vào trong đạo cũng như đem đạo ra ngoài đời.
Nhưng để mình làm được gạch nối đó là do lòng thương kính Thầy.
Ngoài ra, để làm tốt vai trò gạch nối thì ngoài kính thầy, biết bảo vệ thầy, người cư sĩ còn phải có thêm một tính chất rất đẹp nữa là LÒNG SẮT SON, CHUNG THỦY. Đây là một tâm lý cực kì khó có, là một đạo đức ở tầng cao. Ngay cả vợ chồng cũng không thể chung thủy với nhau được, huống hồ những người không hề có sự ràng buộc về huyết thống hay trên pháp luật. Một vị Vua muốn chọn người thì cũng phải chọn người trung thành mới giao việc. Cái lòng trung thành hay không trung thành không ai kiểm soát được mình, chỉ tự mình giữ mình được thôi.
Trong đạo cũng vậy, khi chúng ta tôn kính Phật, tôn kính Pháp, tôn kính Tăng, nhưng mà Phật Pháp coi vậy chứ vô hình, còn Tăng là cụ thể, hiện diện trực tiếp thực tế trên cuộc đời này. Đây mới là thước đo lòng yêu kính của ta với Tam bảo. Lòng tôn kính của ta với Tam bảo cần lòng sắt son chung thủy, cần hơn cả tình yêu quê hương đất nước, vì có cả một triệu người bên kia đang chờ ta nói xấu thầy ta. Lực lượng đó bây giờ rất đông, khắp nơi, thấy chùa nào đông người là trà trộn vào rỉ tai nói bậy, nếu ta không sắt son, chung thủy ta lay động liền.
Thực tế, có không ít thế lực đã cho người trà trộn vào làm cư sĩ, thậm chí vào xuất gia luôn trong chùa để chia rẽ giữa phật tử với chư Tăng, giữa chư Tăng với nhau. Nếu không có lòng thương yêu, sắt son, chung thủy với Thầy mình, ta sẽ dễ đánh mất lí tưởng tu hành. Cho nên, đừng bao giờ để cho sự đàm tiếu hoặc bưng bít của người khác thao túng tâm hồn mình. Thường lời khen dễ làm cho ta bị ảo tưởng; tiếng chê dễ làm ta bị lầm tưởng. Những người ít kinh nghiệm thì không thấy, nhưng những người từng trải thì thấy khá rõ: Ngôn từ, giọng điệu, bộ dạng, kiểu cách của lời nói… đã cho người khác một đánh giá khá chính xác về tâm hồn họ. Dĩ nhiên cũng có những tay “cáo già” có thể lòe bịp và qua mắt được thiên hạ, nhưng rồi thời gian vẫn là phương cách hữu hiệu để nắm bắt những điều cơ bản nơi một con người.
Tiếp theo, Thượng toạ đặt vấn đề, vậy mục tiêu của người cư sĩ là đi về đâu?
Theo HT Thích Viên Giác, đạo Phật chỉ có một con đường giải thoát khỏi khổ đau – không phải có hai con đường tu – một cho tu sĩ và một cho cư sĩ. Chỉ khác, khi người cư sĩ còn phải chu toàn những bổn phận trách nhiệm với gia đình thì quý thầy đã cắt ái, từ thân để đi tu một cách quyết liệt hơn, trọn vẹn hơn, nhất tâm hơn. Vì vậy, nếu người phật tử tìm đến nương tựa, học hỏi, sắt son trung thành với quý thầy thì họ sẽ có thêm nguồn đạo lý để đặt từng bước vững vàng hơn trên con đường đạo.
Sau cùng, Thượng tọa đúc kết lại: Chúng ta đã trao đổi với nhau về vấn đề Tình cảm của cư sĩ đối với chư Tăng. Tình cảm đó có khi biến động lên xuống, nhiều ít vì lệ thuộc vào mức độ hiểu đạo lý, đạo đức của người cư sĩ, cái duyên của người cư sĩ đối với chư Tăng, đạo hạnh và công đức của chư Tăng đối với chúng sinh. Tuy nhiên, nếu người cư sĩ nào có thể yêu kính chư Tăng được thì đây là một phúc phần lớn cho người đó. Ta cũng mong rằng tình cảm đó đạt đến được mức độ ở tầm cao là chung thủy, sắt son, trung thành, để người cư sĩ làm được gạch nối của chư Tăng đối với thế tục.
Nói về mục tiêu, sự thật chư Tăng đi trước, cư sĩ đi theo sau… chúng ta cùng đi trên con đường giác ngộ giải thoát. Hiện tại, nơi tất cả chúng ta phải dừng bước chân lại là mái chùa yêu thương, chứ không phải nơi cuộc sống thế tục đầy lao xao, bất an và ràng buộc.
Bài Pháp thoại TÌNH CẢM CỦA CƯ SĨ ĐỐI VỚI CHƯ TĂNG xuất phát từ chính sự trải nghiệm của quý Thầy, nên các phật tử rất hoan hỷ chấp nhận những lời dạy đó một cách trọn vẹn để đạt đến đỉnh cao của trí tuệ và đi đúng con đường đạo.
Tuy nhiên, muốn đạt được điều đó, chúng ta phải cố gắng, phải nỗ lực hết sức mình, nhưng đừng quên rằng trên con đường dẫn đến như ý nguyện đó, phải cần rất nhiều trợ duyên, trợ lực của những người chung quanh dẫn dắt tu tập, đó là người Thầy của chúng ta, cùng với các bậc Minh sư thiện hữu hiểu rõ giới pháp, chân chánh tu hành. Ngày nay cách Phật rất xa, chúng ta lại là những chúng sanh sống trong thời mạt pháp. Cho nên, sự cẩn thận của chúng ta là cần thiết và quan trọ̣ng trong đời sống tu tập của mình./.