Những lời dạy đó của Ngài được kiết tập thành ba tạng Kinh Luật Luận lưu lại đến ngày hôm nay, cho dù đức Phật không còn nữa, nhưng giáo pháp của Ngài vẫn thường lưu chuyển trong nhân gian, và pháp tài đó là một tài sản trí tuệ vô giá của nhân loại.
Thế thì pháp tài của đức Phật ở Việt Nam, hiện tại như thế nào? Qua bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu sơ lược quá trình kiết tập, gìn giữ giáo pháp của người xưa, và một lần nữa nhìn lại giá trị trong đó, để làm định hướng phát triển về sau của Phật giáo Việt Nam. Cũng qua đó tự hào về trang sử của thế hệ Tiền bối, và chúng ta viết tiếp dòng còn lại.
Thông thường chúng ta đều nghĩ rằng sau khi đức Phật nhập Niết-bàn mới tổ chức kiết tập Kinh Luật, do Ngài A Nan và Ưu Ba Li tụng đọc, và hội đồng 500 vị A La Hán tán thành thông qua.
Đó là hình thức được mọi người công nhận, nhưng khi đức Phật còn tại thế, đứng trước vấn đề đức Phật sẽ nhập diệt, Ngài Xá Lợi Phất đã có tầm nhìn cho hậu thế, và nhân vì xảy ra sự kiện Ni-kiền-tử giáo chủ của đạo lão thể từ trần, đã nảy sinh các vấn đề tranh chấp đáng tiếc, nên khi ấy Ngài Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:
“Nay trong thành Ba-bà này có Ni-kiền Tử mạng chung chưa bao lâu, nhưng các đệ tử chia ra làm hai bộ, luôn luôn tranh chấp nhau, tìm sở trường và sở đoản của nhau, mắng nhiếc lẫn nhau, thị phi với nhau rằng: Ta biết pháp này. Ngươi không biết pháp này. Ngươi theo tà kiến. Ta theo chánh kiến. Ngươi nói năng hỗn loạn, chẳng có trước có sau, tự cho điều mình nói là chân chính. Lập ngôn của ta thắng. Lập ngôn của ngươi bại. Nay ta làm chủ cuộc đàm luận, ngươi có điều muốn hỏi thì đến hỏi ta.”
“Này các Tỳ-kheo, lúc bấy giờ nhân dân trong nước những ai theo Ni-kiền Tử đều chán ghét những tiếng cãi vã của bọn này. Đó là vì pháp ấy không chân chính. Pháp không chân chính thì không có con đường xuất ly. Ví như ngôi tháp đã đổ thì không còn đổ nữa. Đó không phải là điều mà Đấng Chánh Giác đã dạy.”
“Các Tỳ-kheo, duy chỉ Pháp vô thượng tôn của Đức Thích-Ca là chân chính mới có thể có con đường xuất ly. Cũng như ngôi tháp mới có thể được dễ dàng trang hoàng. Vì đó là điều mà Đấng Chánh Giác giảng dạy.”
“Các Tỳ-kheo, hôm nay chúng ta cần phải kiết tập pháp luật để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài làm lợi ích cho số đông, cho chư Thiên và nhân loại được an lạc.”[1]
Và trong Kinh Trường Bộ, Kinh Phúng Tụng cũng ghi chép như vậy:
“…này các Hiền giả, pháp này được Thế Tôn khéo giảng dạy, khéo trình bày, một Chánh pháp có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Ðẳng Giác trình bày. Ở đây, tất cả mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không cãi cọ nhau, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người…”[2]
Ở trên là trích dẫn từ “Kinh Chúng Tập thuộc Kinh Trường Bộ” tương đương với “Kinh Phúng Tụng trong Kinh Trung A Hàm”, thì chúng ta thấy được nỗi niềm suy tư về thế hệ sau của Ngài Xá Lợi Phất, từ đó việc lưu giữ lời Phật dạy, đã trở thành một trọng trách thiêng liêng, và kiết tập theo sự đề xuất kết cấu của Ngài Xá Lợi Phất như thế.
Vì khi đức Phật nhập Niết bàn, thì lấy gì làm căn bản cho giáo pháp, nếu không gìn giữ lời của đấng giác ngộ, thì nương vào đâu để tu tập, nương vào đâu để hành trì. Đó là mục đích lớn nhất của các bậc A La Hán đã giải thoát, chỉ vì lòng thương tưởng cho Hậu thế, mà tiến hành trong thời gian sớm nhất, chứ họ không tranh giành giai cấp quyền vị như các tôn giáo khác. Đó là việc làm cấp thiết nhất, họ không phân chia cấp bậc cho nhau để người này quản lý người kia, mà chỉ lấy “giáo pháp và giới luật làm thầy”.
Và theo lịch sử ghi chép:
Lần kiết tập thứ nhất
Sau khi đức Phật nhập diệt 3 tháng, do ngài Ca diếp (Mahakassapa) mời 500 vị A La Hán, dưới sự bảo trợ của vua A Xà Thế (Ajaratthu), tại thạch động Sattapanna trên núi Vebhàra ở thành Ràjagaha để kết tập, hoàn thành trong 7 tháng.
Lần kiết tập thứ 2
Khoảng sau khi đức Phật nhập diệt 100 năm, gồm 700 vị Thánh Tăng tham dự, nhà vua Kàkàsoka bảo trợ, tại Vesàli, và kỳ kết tập này thời gian 8 tháng.
Lần kiết tập thứ 3
Khoảng sau Phật nhập diệt 226 năm, 1000 vị kết tập, tại kinh thành Pàtaliputta, vua Asoka bảo hộ, thời gian 9 tháng.
Lần kiết tập thứ 4
Theo quyển “Đại Sử” và các nhà học giả hiện nay là vào năm Phật lịch 313 (năm 232 trước CN), ngôi chùa tháp Thùpàrama ở thủ đô Anuradhapura, vị chủ tọa kỳ kết tập kinh điển này chính là Ngài Mahinda. Chư Thánh Tăng tham dự đại hội gồm có 68.000 vị, thời gian kéo dài 9 tháng. Ðức vua Devànampiyatissa là người bảo trợ.
Và theo truyền thống của Ðại Chúng Bộ, Phật lịch khoảng năm 600, chư Thánh hiền Tăng tổ chức kỳ kết tập kinh điển lần thứ IV tại Kasmira thuộc nước Gandhàra, miền tây bắc Ấn Ðộ, người khởi xướng và bảo trợ cuộc kết tập là đức vua Vasumitra được biết như là vị hộ pháp tương đương với A Dục Vương.
Kỳ kiết tập thứ 5
Năm 1871, Chư Tăng chọn thủ đô Miến Ðiện là Mandalay làm địa điểm kết tập. Thời gian kéo dài 5 tháng, 2.400 Chư Tăng tham dự, vua Mindon là người bảo trợ cuộc kết tập kinh điển kỳ này.
Lần kiết tập thứ 6
Niên đại bắt đầu từ ngày 17.5.1954 đến ngày lễ Tam Hợp (Phật đản) năm 1956, Phật Lịch 2500, nghĩa là trong 2 năm mới hoàn tất. Nơi tổ chức kỳ kết tập là trong một thạch động vĩ đại tại thủ đô Rangoon (Yangon), thủ tướng U Nu của chính phủ Miến Ðiện tài trợ chi phí cho cuộc kết tập kinh điển kỳ này.
Trong kỳ kết tập Tam tạng lần thứ sáu này, đại hội sử dụng 729 phiến đá khắc Tam tạng và 1774 phiến đá cẩm thạch khắc chú giải của kỳ kết tập thứ 5 làm căn cứ. Ðồng thời các bản kinh cổ của Tích Lan, Thái Lan, Campuchia và Hiệp hội Thánh điển Pàli ở Luân Ðôn được đem ra nghiên cứu, so sánh và hiệu đính. Sau khi đại hội hoàn mãn, cho in ra để phổ biến, tổng cộng là 45 cuốn chánh tạng và 92 cuốn chú giải. Lần kết tập này có mời đại diện tám quốc gia Phật giáo Nam truyền đến tham dự, trong đó có Việt Nam.
Trải qua hơn 6 kỳ kiết tập lớn, từ 2500 năm trước đến hiện tại, sự nghiệp đó được Tăng đoàn coi trọng nhất, quốc gia đặt lên hàng đầu. Chúng ta cứ nghĩ ở thời đại xưa, việc tổ chức 500 đến 1000 vị có nơi ăn chốn ở và chi phí kết tập, chư Tổ sư làm việc theo tinh thần quá vĩ đại, tinh thần này chúng ta nên học hỏi.
Giả sử chúng ta có một điều ước, ước gì hơn 46.000 Tăng Ni, trên 15.000 cơ sở Phật giáo trong và ngoài nước, đồng tâm hiệp lực giải quyết vấn đề cơ bản này, thì sẽ tránh được những điều đáng tiếc, và người ngoài không còn chỉ trích, như Đức Phật từng dạy:
“Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Người và Ta nghĩ: "Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật". Và này các Tỷ-kheo, nếu các Người là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự Pháp, thì không những các Người trở thành những người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp", mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp".
Và này các Tỷ-kheo, nếu các Người là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật, thì không những các người trở thành những người mà người ta nói: "Cả Thầy và trò là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật", mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả Thầy và trò đều là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật". Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Người và Ta nghĩ: "Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?".[3]
Có thể cách đây 130 năm, khi chưa sử dụng chữ phiên âm Latinh thì ông cha ta chỉ cần khắc chữ Hán hoặc Hán Nôm cho bản Đại Tạng thì có thể học, đọc theo đó.
Nhưng hiện tại, thế hệ trẻ ít đọc được trực tiếp văn bản theo cách ghi chép như trên, vậy chẳng lẽ chúng ta không còn hướng giải quyết nào khác.
Pháp tài đó được hứa hẹn truyền trao quả là mơ hồ, giống như một sự hứa hẹn bằng miệng không có văn bản. Vì muốn thâm nhập Phật pháp, chúng tôi phải tìm đến ai để thảo luận, đọc Kinh sách thì đọc làm sao, trong khi các chữ nó biết mình còn mình chưa quen nó, thế thì lớp thế hệ này đành chịu hay sao.
Trong khi đó các quốc gia Phật giáo khác đã hoàn thành từ rất lâu các bản Đại tạng Kinh, còn Việt Nam chúng ta thì thế nào.
Vì các yếu tố chủ quan và khách quan, nên Pháp tài đó chưa được hoàn thành trọn vẹn, Pháp tài được ghi chép bằng chữ Hán, Hán Nôm, Quốc ngữ qua các thời đại vẫn chưa bao giờ biên tập in ấn hết toàn bộ. Gần đây phát hiện bản Kinh gỗ ở chùa Vĩnh Nghiêm chỉ còn lại 3500 bản, nhưng so sánh với Nam Bắc truyền thì vẫn chưa đầy đủ.
Chữ Việt hiện đại, quý Hòa thượng như: Minh Châu, Trí Quang, Thanh Từ, Đổng Minh, Trí Tịnh, Tịnh Hạnh, Tuệ Sỹ, Minh Cảnh…, sư bà Diệu Không, Ni sư Trí Hải…, Phật tử Tâm Minh, Đào Nguyên v.v… đã dịch được một phần, nhưng căn bản thì chúng ta chưa hoàn thành xong các bộ Đại tạng Kinh dịch từ Pali, Hán ngữ và Tạng ngữ, thế thì Pháp tài của chúng ta giữ gìn bằng hình thức chữ viết này chưa được hoàn thiện. Do đó, công việc này cần tất cả những người con Phật, sinh ra từ giáo pháp, mang trong mình sứ mạng thiêng liêng. Giáo pháp Kinh Luật Luận ghi chép bằng tiếng Việt chưa hoàn thành, vì vậy chúng ta hãy cùng nhau dốc hết tâm lực và tài lực để thực hiện, nhằm mang lại lợi ích cho chính mình và lưu lại lợi ích cho hậu thế.
Vì Phật giáo có một gia tài trí tuệ xuất thế hoàn mãn nhất, nó được ví như viên ngọc quý, nhưng hiện tại viên ngọc quý ấy còn ẩn tàng ở nơi này nơi khác nên chưa được sáng tỏ.
Có thể chúng ta không có nhiều tác phẩm nghiên cứu về Phật học để so sánh với thế giới, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta không có những tác phẩm hay và đặc sắc. Điều quan trọng là làm thế nào mở được cánh cửa đang bị khép kín kia để chào đón người Việt nói chung và các Tăng ni nói riêng vào xem để nâng cao nhận thức và coi đó là niềm tự hào của dân tộc. Điều đó thật là ý nghĩa lắm thay.
Hiện tại, theo những nguồn tin được biết, 4 học viện Phật giáo, 4 lớp cao đẳng, 31 trường trung cấp, các lớp sơ cấp, và các tự viện lớn đều có bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, hoặc Càn Long Đại Tạng Kinh, Tục tạng v.v… đều bằng chữ Hán, chủ yếu là từ Phật Đà giáo dục cơ kim hội, do ngài Tịnh Không sáng lập, cùng các Phật tử thuần thành đã đóng góp công đức để in ấn, rồi hiến tặng đến mọi nơi.
Còn tạng nguyên văn Pali hoặc từ Pali dịch ra tiếng Anh, hiện tại ở Việt Nam có được các bộ này rất ít, ngoại trừ các học viện, và các học giả lớn như Ngài Minh Châu, Tuệ Sỹ, Trí Siêu, Hạnh Bình, Tâm Minh, Chơn Minh v.v…thì mới có và sử dụng được.
Vì vậy nếu chúng ta muốn “thâm nhập Kinh tạng”, phải làm sao đây, “trí tuệ như hải”, làm sao ta đạt đến?
Hiện tại Việt Nam có gần 90 triệu dân, có bao nhiêu người đọc được nguyên văn tiếng Hán, tiếng Pali, Tây Tạng v.v.. Cho nên thế hệ Tiền bối không thể trách, sao lớp sau ít nghiên cứu học tập Kinh điển, vì do các yếu tố chủ quan và khách quan đã để lại những công việc chưa xây dựng xong.
Và đó cũng là cơ hội còn gì bằng hơn nữa, khi mọi người con Phật cùng nhau hoàn thành nghĩa cử cao thượng này.
Qua bài viết này, mong muốn giáo hội và các đại thí chủ, các bậc thiện hữu tri thức Phật tử, ủng hộ các trung tâm phiên dịch trong ngoài nước, nhằm xúc tiến nhanh nhất việc hoàn thành Đại tạng Kinh, để cho tất cả các thư viện lớn nhỏ trong nước đều có bản Kinh này, để người học Phật có nhân duyên và cơ sở khám phá kho tàng pháp bảo của mình.
—————————————————————
Tài liệu tham khảo từ các Kinh và sách:
Kinh Trường A Hàm, Thượng tọa Tuệ Sỹ dịch.
Kinh Trung A Hàm, Hòa thượng Minh Châu dịch.
Đạo Phật Xưa và Nay, Thích Hạnh Bình viết, xuất bản năm 2006.
W. Rahula, History of Buddhism in Ceylon, p 50- 60.
Đào Nguyên “Góp chút công sức cho đại Tạng kinh Việt Nam” http://giacngo.com.vn/thuvien/2011/10/16/7B7642/
[1] Thượng tọa Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trường A Hàm, Kinh Chúng Tập.
[2] Hòa thượng Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Kinh Phúng tụng, 1991.
[3] Hòa Thượng Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1992, trang 31 ~32.