ÂN ÐỨC PHẬT THỨ NĂM
V- Itipi so Bhagavà Lokavidù
(Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Lô-ká-ví-đu).
(Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Lô-ká-ví-đu).
Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Lokavidù = Ðức Thông Suốt Tam Giới.
Ý nghĩa Loka
Loka: Thế giới đó là các pháp có sự sanh, sự diệt, sự thành, sự hoại,… nhất là ngũ uẩn chấp thủ của mình, gọi là thế giới.
Thế giới có 3 loại:
1- Chúng sinh thế giới (sattaloka).
2- Cõi thế giới (okàsaloka)
.
3- Pháp hành thế giới (sankhàraloka).
3- Pháp hành thế giới (sankhàraloka).
Ðức Thế Tôn có hai loại trí tuệ đặc biệt mà Chư Phật Ðộc Giác và bậc Thánh Thanh Văn không có là:
– Trí tuệ thấy rõ biết rõ căn cơ cao thấp của mỗi chúng sinh.
– Trí tuệ thấy rõ biết rõ phiền não ngấm ngầm, thiện nghiệp, ác nghiệp của mỗi chúng sinh.
Cho nên, Ðức Thế Tôn có khả năng thông suốt cả ba thế giới.
1- Thế nào gọi là chúng sinh thế giới?
Chúng sinh thế giới:
* Về nơi sanh có 4 loại:
– Thai sanh: Chúng sinh sanh từ bụng mẹ như: loài người, trâu, bò…
– Noãn sanh: Chúng sinh sanh từ trứng như: gà, vịt, chim…
– Thấp sanh: Chúng sinh sanh từ nơi ẩm thấp như: con dòi, con trùn,…
– Hoá sanh: Chúng sinh sanh hiện hữu ngay tức thì như: chư thiên, phạm thiên, loài ngạ quỷ, atula, chúng sinh địa ngục, con người đầu tiên xuất hiện trên trái đất này…
* Về uẩn có 3 loại:
– Chúng sinh có ngũ uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn ở cõi dục giới và cõi sắc giới.
– Chúng sinh có tứ uẩn: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn (không có sắc uẩn) ở cõi vô sắc giới.
– Chúng sinh có nhất uẩn: sắc uẩn (không có 4 danh uẩn) ở cõi sắc giới Vô tưởng thiên. V.v…
Ðức Thế Tôn biết rõ tất cả mọi loài chúng sinh có căn cơ cao hoặc thấp; có phiền não ngấm ngầm nặng hoặc nhẹ, có bản tánh riêng của mỗi chúng sinh; có nguyện vọng cao quý hoặc thấp hèn, có 5 pháp chủ [*] già dặn hoặc còn non nớt…
[*] 5 pháp chủ: tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ.
Chúng sinh có khả năng chứng đắc Thánh Ðạo – Thánh Quả trong kiếp hiện tại, hoặc kiếp vị lai trở thành Toàn Giác Phật, hoặc Ðộc Giác Phật, hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác bậc nào…
Chúng sinh không có khả năng chứng đắc Thánh Ðạo – Thánh Quả trong kiếp hiện tại bởi do nguyên nhân nào… Ðức Thế Tôn thông suốt tất cả các loài chúng sinh không còn dư sót.
2- Thế nào gọi là cõi thế giới?
Cõi thế giới là nơi tạm trú của tất cả các loài chúng sinh hiện hữu tuỳ theo thiện nghiệp, ác nghiệp cho quả và hỗ trợ chúng sinh.
Tam giới
Tam giới là một thế giới nhỏ, gồm có 31 cõi:
– Dục giới có 11 cõi.
– Sắc giới có 16 cõi.
– Vô sắc giới có 4 cõi.
* 11 cõi dục giới.
– 4 cõi ác giới:
* Cõi Ðịa ngục: có tuổi thọ không nhất định.
* Cõi Atula: có tuổi thọ không nhất định.
* Cõi Ngạ quỷ: có tuổi thọ không nhất định.
* Cõi Súc sanh: có tuổi thọ không nhất định.
– 7 cõi thiện dục giới:
* Cõi Người: có tuổi thọ không nhất định.
* Cõi Tứ đại thiên vương: có tuổi thọ 500 tuổi trời, bằng 9 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 50 năm cõi người).
* Cõi Tam thập tam thiên: có tuổi thọ 1.000 tuổi trời, bằng 36 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 100 năm cõi người).
* Cõi Dạ ma thiên: có tuổi thọ 2.000 tuổi trời, bằng 144 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 200 năm cõi người).
* Cõi Ðâu xuất đà thiên: có tuổi thọ 4.000 tuổi trời, bằng 576 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 400 năm cõi người).
* Cõi Hoá lạc thiên: có tuổi thọ 8.000 tuổi trời, bằng 2.304 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 800 năm cõi người)
* Cõi Tha hoá tự tại thiên: có tuổi thọ 16.000 tuổi trời, bằng 9.216 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 1.600 năm cõi người).
* 16 cõi sắc giới phạm thiên.
– Ðệ nhất thiền hữu sắc có 3 cõi:
* Cõi Phạm chúng thiên: có tuổi thọ 1/3 a tăng kỳ kiếp trụ. (Vivattatthàyì asankheyyakappa = a tăng kỳ kiếp trụ của trái đất.)
* Cõi Phạm phụ thiên: có tuổi thọ 1/2 a tăng kỳ kiếp trụ.
* Cõi Ðại phạm thiên: có tuổi thọ 1 a tăng kỳ kiếp trụ.
– Ðệ nhị thiền hữu sắc có 3 cõi:
* Cõi Thiểu quang thiên: có tuổi thọ 2 đại kiếp. (Ðại kiếp = trải qua 4 a tăng kỳ: thành – trụ – hoại – không của kiếp trái đất.)
* Cõi Vô lượng quang thiên: có tuổi thọ 4 đại kiếp.
* Cõi Quang âm thiên: có tuổi thọ 8 đại kiếp.
– Ðệ tam thiền sắc giới có 3 cõi:
* Cõi Thiểu tịnh thiên: có tuổi thọ 16 đại kiếp.
* Cõi Vô lượng tịnh thiên: có tuổi thọ 32 đại kiếp.
* Cõi Biến tịnh thiên: có tuổi thọ 64 đại kiếp.
– Ðệ tứ thiền sắc giới có 7 cõi:
* Cõi Quảng quả thiên: có tuổi thọ 500 đại kiếp.
* Cõi Vô tưởng thiên: có tuổi thọ 500 đại kiếp.
* Cõi Phước sanh thiên: có 5 cõi dành riêng cho bậc Thánh Bất Lai chứng đắc đệ tứ thiền hữu sắc:
– Cõi Vô phiền thiên: có tuổi thọ 1.000 đại kiếp.
– Cõi Vô nhiệt thiên: có tuổi thọ 2.000 đại kiếp.
– Cõi Thiện hiện thiên: có tuổi thọ 4.000 đại kiếp.
– Cõi Thiện kiến thiên: có tuổi thọ 8.000 đại kiếp.
– Cõi Sắc cứu cánh thiên: có tuổi thọ 16.000 đại kiếp.
* 4 cõi vô sắc giới phạm thiên.
– Không vô biên xứ thiên: có tuổi thọ 20.000 đại kiếp.
– Thức vô biên xứ thiên: có tuổi thọ 40.000 đại kiếp.
– Vô sở hữu xứ thiên: có tuổi thọ 60.000 đại kiếp.
– Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên: có tuổi thọ 84.000 đại kiếp.
1 thế giới có tam giới, gồm có 31 cõi.
1 tiểu thế giới có 31.000 cõi.
1 trung thế giới gồm có 31 triệu cõi.
1 đại thế giới gồm có 31 triệu triệu cõi hay 31.000 tỉ cõi.
Ðức Thế Tôn không những thông suốt 31.000 tỉ cõi mà còn thông suốt vô lượng thế giới (ananta-cakkavàla).
3- Thế nào gọi là pháp hành thế giới?
Pháp hành thế giới đó là ngũ uẩn chấp thủ do nhân duyên cấu tạo, nên có sự sanh, sự diệt.
Chúng sinh thế giới và cõi thế giới thuộc về thế giới do Chế định pháp (Pannattidhamma), còn pháp hành thế giới thuộc về Chân nghĩa pháp(Paramatthadhamma).
Ðức Thế Tôn thông suốt pháp hành thế giới có nhiều loại như sau:
– Thế giới có 1 pháp: tất cả chúng sinh được tồn tại do nhờ nhân (àhàra).
– Thế giới có 2 pháp: danh pháp và sắc pháp.
– Thế giới có 3 thọ: thọ khổ, thọ lạc, thọ xả.
– Thế giới có 4 pháp dẫn đến quả: vật thực dẫn cho sanh mạng được tồn tại; xúc dẫn đến thọ; tác ý dẫn cho quả tâm; tâm dẫn cho tâm sở nương nhờ và sắc pháp phát sanh từ nghiệp.
– Thế giới có 5 uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.
– Thếgiới có 6 xứ bên trong: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và có 6 xứ bên ngoài: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp…
Ðức Thế Tôn thông suốt cả vô lượng thế giới, bắt nguồn từ thế giới ngũ uẩn của mình.
Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Lokavidù = Ðức Thông Suốt Thế Giới.
Niệm Ân Ðức Lokavidù
Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, "Ân Ðức Lokavidù" này, sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai hoạ, phước thiện được tăng trưởng.
Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Lokavidù…, Lokavidù…, Lokavidù…", hoặc câuÂn Ðức Lokavidù: "Itipi so Bhagavà Lokavidù…, Itipi so Bhagavà Lokavidù…, Itipi so Bhagavà Lokavidù…", làm đối tượng thiền định…
(Phần còn lại giống như Ân Ðức Araham).
–
ÂN ÐỨC PHẬT THỨ SÁU
VI- Itipi so Bhagavà Anuttaro purisadammasàrathi
(Cách đọc: Í-tí-pí-xô Phá-gá-voa Á-nút-tá-rô pú-rí-sá-đăm-má-sa-rá-thí).
(Cách đọc: Í-tí-pí-xô Phá-gá-voa Á-nút-tá-rô pú-rí-sá-đăm-má-sa-rá-thí).
Ðức Thế Tôn có ân đức Anuttaro purisa-dammasàrathi = Ðức Vô Thượng giáo hoá chúng sinh.
Ðức Thế Tôn giáo hoá các loại chúng sinh như: súc sanh, nhân loại, dạ xoa, chư thiên, phạm thiên trở thành bậc Thiện trí.
a) Giáo hoá loài súc sanh
Ðức Thế Tôn giáo hoá các loài súc sanh như rồng chúa Apalàla, rồng chúa Cùlodara, rồng chúa Mahodara… trở thành rồng hiền lành. Voi chúa Nàlàgiri rất hung dữ trong cơn say, chạy đến hại Ðức Thế Tôn, Ngài rải tâm từ đến voi chúa, ngay tức khắc voi chúa tính lại, bò đến quỳ mọp xuống hai bàn chân của Ðức Phật, Ngài giáo hoá voi chúa này trở thành voi hiền lành, biết quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới. Kể từ đó về sau, voi chúa rất hiền lành dễ thương, Ðức Thế Tôn đặt tên là voi chúa Dhanapàla.
b) Giáo hoá người ác trở thành bậc Thánh nhân
Kẻ cướp sát nhân cắt ngón tay xâu thành vòng đeo ở cổ có biệt danh Angulimàla. Y có võ nghệ cao cường, một mình ở trong rừng, từng đoàn người 20 – 30 người đi qua khu rừng, không một ai thoát chết.
Một hôm, Ðức Thế Tôn một mình đi vào rừng, nơi trú ẩn của Angulimàla, để giáo hoá y. Y thức tính, từ bỏ sát nhân, xin xuất gia trở thành Tỳ khưu nơi Ðức Phật. Về sau không lâu Tỳ khưu Angulimàla chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả, cho đến Arahán Thánh Ðạo – Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng…
c) Giáo hoá Dạ xoa ác trở thành bậc Thánh nhân
Tích dạ xoa Àlavaka ăn thịt người rất hung ác, tàn bạo, có nhiều phép mầu cực kỳ nguy hiểm. Ðức Thế Tôn đến ngự trên bảo tọa trong lâu đài của dạ xoa Àlavaka, y bực tức dùng mọi phép mầu để xua đuổi Ðức Thế Tôn ra khỏi cung điện của y. Nhưng y hoàn toàn bất lực, không xua đuổi Ðức Thế Tôn được.
Cuối cùng, y có những câu hỏi mà quên câu trả lời, y đã hỏi nhiều Sa môn, Bà la môn mà không một ai có thể trả lời đúng được. Nay y đem những câu hỏi ấy đặt điều kiện hỏi Ðức Thế Tôn.
Ðức Thế Tôn đã giải đáp đúng ý nghĩa những câu hỏi, dạ xoa Àlavaka vô cùng hoan hỉ liền chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh thứ nhất trong Phật giáo. *
* Bạn đọc có thể đọc tích dạ xoa Ālavaka ăn thịt người: Đức Phật cảm thắng dạ xoa Ālavaka
d) Giáo hoá phạm thiên tà kiến trở thành chánh kiến
Phạm thiên Baka ở cung trời sắc giới Quang âm thiên phát sanh thường kiến mê lầm. Ðức Thế Tôn từ chùa Jetavana, hiện lên cõi trời sắc giới để tế độ phạm thiên Baka từ bỏ tà kiến trở lại chánh kiến…
Ðức Thế Tôn giáo hoá tế độ chúng sinh hữu duyên nên tế độ. Nghĩa là, những chúng sinh ấy tiền kiếp có liên quan với Ngài, hoặc tiền kiếp đã từng gieo duyên lành nơi chư Phật trong quá khứ, hoặc đã từng tạo ba la mật, gieo phước duyên trong giáo pháp của chư Phật ấy. Nay kiếp hiện tại, có duyên lành được Ðức Thế Tôn quan tâm đến, để giáo hoá tế độ chúng sinh ấy. (Không có nghĩa Ðức Thế Tôn gặp chúng sinh nào cũng giáo hoá tế độ chúng sinh ấy được cả thảy).
Ðức Thế Tôn giáo hoá những chúng sinh mà không có một ai có thể giáo hoá tế độ được, không có một vị nào sánh được như Ngài.
Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Anuttaro purisa-dammasàrathi = Ðức Vô Thượng giáo hoá chúng sinh.
Riêng Ân Ðức Phật Anuttaro purisadamma-sàrathi: trong bộ Thanh Tịnh Ðạo, phần giảng dạy Ân Ðức Phật, Ân Ðức Phật này phân chia làm hai Ân Ðức riêng biệt.
– Anuttaro = Ðức Vô Thượng.
– Purisadammasàrathi = Ðức giáo hoá chúng sinh.
Giải thích:
– Ân Ðức Anuttaro = Ðức Vô Thượng như thế nào?
* Ðức Thế Tôn có giới đức trong sạch thanh tịnh không một ai trong toàn thế giới hơn Ngài.
Cũng như vậy,
* Có định đức trong sạch thanh tịnh…
* Có tuệ đức trong sạch thanh tịnh…
* Có giải thoát đức trong sạch thanh tịnh…
* Có giải thoát tri kiến đức trong sạch thanh tịnh không một ai trong toàn thế giới hơn Ngài.
Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Anuttaro = Ðức Vô Thượng.
– Ân Ðức Purisadammasàrathi: Ðức giáo hoá chúng sinh như thế nào?
Ðức Thế Tôn giáo hoá các loài chúng sinh có duyên lành, mà không có một ai trong toàn thế giới chúng sinh có khả năng giáo hoá tế độ chúng sinh như Ngài được.
Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Purisa-dammasàrathi = Ðức giáo hoá chúng sinh.
Niệm Ân Ðức Anuttaro purisadammasàrathi
Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, "Ân Ðức Anuttaro purisadamma -sàrathi", này sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai hoạ, phước thiện được tăng trưởng.
Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Anuttaro purisadammasàrathi…, Anuttaro purisadammasàrathi…, Anuttaro purisa-dammasàrathi…", hoặc câuÂn Ðức Anuttaro purisadammasàrathi: là "Itipi so Bhagavà Anuttaro purisadammasàrathi…, Itipi so Bhagavà Anuttaro purisadammasàrathi…, Itipi so Bhagavà Anuttaro purisadammasàrathi…",làm đối tượng thiền định…
(Phần còn lại giống như Ân Ðức Araham).
Nguồn: Buddhnet.net
Mời bạn đọc xem tiếp Pháp môn niệm ân Đức Phật (Phần 6)