Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Phản hồi của tác giả bài viết “Hoằng pháp: bài toán vừa...

Phản hồi của tác giả bài viết “Hoằng pháp: bài toán vừa khó, vừa dễ”

120

Kính thưa quý vị

Tôi thật cảm động vì những phản hồi của quý vị đều xuất phát từ tấm lòng lo cho đạo pháp, nghĩa là chúng ta “gặp nhau” ở cùng một điểm. Nếu có chỗ nào khác biệt thì không sao, có thể ngồi lại chia sẻ, bổ sung. Tôi tiếp thu ý kiến về số lượng Phật tử trên thế giới mà quý vị đã cập nhật giùm. Rất cảm ơn.

Về biện pháp bắt buộc con em mình đi chùa (giống như Thiên Chúa giáo bắt con chiên đi nhà thờ từ lúc bé), thì chắc hơi khó. Ngay cả Phật tử lớn tuổi, Phật tử thuần thành của mình mà không ai dám bắt buộc họ đi chùa mỗi tuần được (như con chiên đi nhà thờ vào sáng chúa nhật), nên dùng “pháp lệnh” kiểu đó chắc… không tưởng.

Cuối cùng, PG chúng ta chỉ trông chờ vào hai chữ “tự giác” mà thôi. Tất nhiên, tôi cũng từng mong ước như quý vị là “bắt buộc”, nhưng qua thực tế thấy quá khó, tôi đành quay về với “tự giác” và tìm biện pháp khác mà hoạt động, trong lúc chờ đợi.

Ai cũng biết, muốn thay đổi một cơ chế phải cần thời gian khá lâu, không lẽ mình cứ thụ động chờ. Thôi thì mình phải len lỏi tìm cách khác, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Tôi mạnh dạn nói như thế, vì chính tôi đã thử nghiệm hoằng pháp suốt 10 năm trong cơ chế đó, và đúc kết được kinh nghiệm thành công. Tôi không thể bắt buộc các em đến chùa, nhưng tôi “khuyến khích” được. Đầu tiên là phát quà, rồi mở lớp. Những lớp của tôi phụ trách đều đông đúc, bởi người dạy phải “đa năng” mới làm các em thích thú.

Nào giảng hay, hát giỏi, biết vẽ, biết thêu, nấu món chay, biết Anh văn, biết pha trò, dí dỏm làm bài học bớt khô khan…Cộng với trụ trì nhiệt tình, địa phương ủng hộ…

Nói chung, giảng sư càng có năng lực thì các em càng mê học. Có một số đạo tràng, vị giảng sư hơi yếu, nên sau đó các em chán nản, rời bỏ.

Quý vị nhớ lại xem hồi đi học mình cũng thích thầy cô nào dạy hay, vui tính, còn tới giờ của thầy cô nào dạy khô khan thì mình ngán học hết sức. (Nhưng bị bắt buộc nên không dám nghỉ đó thôi). Tâm lý người học ở đâu cũng vậy. Ngay cả bây giờ thầy nào thuyết pháp hay cũng được Phật tử đến dự rất đông, mua băng đĩa nhiều hơn. Đúng không nào?

Một giảng sư giỏi, có phước đức thì dễ hoằng pháp hơn, dễ thu hút người chưa biết đạo hơn. Chúng tôi đi dạy, hầu hết là các em chưa bao giờ đến chùa, chưa hề quy y. Đó chính là đối tượng mà quý vị đòi hỏi. Tôi cũng nhắm đến đối tượng ấy. Có vậy mình mới phát triển tín đồ chứ.

Thành ra, tuy không bắt buộc, nhưng vì mô hình lớp học của mình thú vị quá mà các em theo luôn. Chúng tôi đã nhân rộng mô hình này ra nhiều tỉnh, và các thầy cô trẻ bây giờ đang mở lớp khắp nơi, đều rất thành công.
Về các tiêu chuẩn của một vị giảng sư, tôi chỉ đúc kết kinh nghiệm vậy thôi, ai có được bao nhiêu tiêu chuẩn thì mừng bấy nhiêu, chứ đâu có nói là một người phải đủ đầy tất cả. Nhưng sự thật, đã có những vị gần như đủ đầy. Cuộc đời có những điều kỳ diệu, chúng ta càng trải nghiệm nhiều thì sẽ thấy, sẽ tin, và sẽ yêu.

Thực sự Giáo Hội chưa có nhiều động thái mạnh mẽ cho công cuộc hoằng pháp, nhưng bên dưới đã có biết bao người đang âm thầm tự mở lối, tự phát triển đạo pháp. Mùa xuân chưa đến, nhưng đã có nhiều cánh én bay ngang trời.

Tôi cũng chỉ mong mỗi người chúng ta ráng làm một cánh én đánh thức cuộc đời. Còn mùa xuân, đúng thời khắc thì nó sẽ tới. Tôi chợt liên tưởng tới xã hội thời bao cấp, đã xuất hiện những việc làm của ông Kim Ngọc, ông Sáu Dân… mãi gần chục năm sau xã hội  mới thay đổi cơ chế, mà chúng ta gọi là “thời đổi mới”.

Con én luôn luôn bay trước khi mùa xuân về. Những tích cực hôm nay của quý vị sẽ không hề uổng phí, sẽ tích tụ để có mùa xuân cho ngày mai.