Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Phân biệt PG Nam tông Khmer và Nam tông người Việt

Phân biệt PG Nam tông Khmer và Nam tông người Việt

1432

Xin chân thành cảm ơn về ý kiến trên, đã là một gợi ý để tôi tiếp tục mở rộng trình bày, đào sâu những ý kiến của mình đối với những đề tài mới, những đề tài mà bạn đọc quan tâm.

Tuy cùng là Phật giáo Nam tông, nhưng Phật giáo Nam tông Khmer và Phật giáo Nam tông của người Việt là hai nhánh phát triển khác nhau, hình thành hai hệ phái khác nhau, hoàn toàn tách rời nhau, trước 1981 là những giáo hội độc lập, tuy có liên hệ nhưng không có quan hệ trực thuộc, có địa phương hoạt động khác nhau (Phật giáo Nam tông người Việt phát triển ở Sài Gòn, Đông Nam Bộ, Huế, một số địa phương miền Trung, trong khi Phật giáo Nam tông, nhất là vùng phía Nam sông Tiền là các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, TP Cần Thơ…).

Trước đó, năm 1964, hai hệ phái nói trên cũng tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất theo hai đơn vị riêng rẽ.

Năm 1969, hệ phái Phật giáo Nam tông của người Việt, có danh xưng chính thức là Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Giới Nghiêm, đã tách rời khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, xác định hoạt động hoàn toàn độc lập.

Tuy nhiên, cũng có một số vị tôn đức Phật giáo Nam tông người Việt tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang) trong vai trò cá nhân và giữ các chức vụ lãnh đaọ.

Trong khi đó, Phật giáo Nam tông Khmer có xu hướng ngã về phía Việt Nam Quốc Tự trong cuộc trong cuộc phân chia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào năm 1967.

Vì vậy, khái niệm Phật giáo Nam tông, đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang, thường được hiểu là Nam tông người Việt, mà các vị tôn đức vẫn được nhắc đến khi đó là Họa thượng Thiện Luật (phó Tăng thống), Thượng tọa Pháp Tri (phó Viện trưởng Viện Hóa đạo), Thượng tọa Hộ Giác (Tổng vụ Trưởng Tổng vụ xã hội)…

Trong khi đó, khái niệm Nam tông trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Việt Nam Quốc tự thường được hiểu là Phật giáo Nam tông Khmer, cụ thể là Hòa thượng Lâm Em, giữ vai trò đại diện lãnh đạo Phật giáo Nam tông.

Sở dĩ có những sự kiện như vậy là vì các bản Hiến chương với mục tiêu thể hiện sự thống nhất Phật giáo lúc đó đều quy định các chức vụ Phó Tăng thống, phó viện trưởng Viện hóa đạo phải có hệ phái khác với vị tăng thống và Viện trưởng Viện Hóa đạo. Cho nên, đưa đến việc hiểu các vị phó tăng thống, phó Viện trưởng Viện Hóa đạo cần phải là chư tôn đức Nam tông.

Sau năm 1975, không còn phái Việt Nam Quốc tự. Riêng với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang hoạt động tới năm 1981, thì không thấy có sự hiện diện thực tế của chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer. Và chức vụ Phó Tăng thống cũng do một vị hòa thượng Bắc tông đảm nhiệm.

Trên đây là những thông tin, có thể nói là bên lề, giúp cho bạn đọc hình dung sự khác biệt giữa Phật giáo Nam tông Khmer và Phật giáo Nam tông người Việt.

Những tư liệu đầy đủ và có tính chính thức về vấn đề này, quý bạn đọc có thể tìm ở trang web Phatgiaonguyenthuy.com, đặc biệt là bài viết dài Sơ thảo Phật giáo Nam tông Việt Nam của sư Thiện Minh.

Bài viết này phân biệt rất rõ Phật giáo Nam tông Khmer tại Việt Nam và Phật giáo Nam tông người Việt (trong bài nói trên dùng cụm từ “Nam tông Kinh”) ở các lĩnh vực lịch sử, cơ cấu tổ chức, nhân sự, hoạt động, nghi lễ…

Những thông tin bổ sung mà chúng tôi trình bày ở trên, có một số thông tin bài viết của sư Thiện Minh không đề cập đến. Chúng tôi thấy cần thiết phải chuyển tải đến bạn đọc vì nó thể hiện mối quan hệ giữa Phật giáo Nam tông Khmer và Phật giáo Phật giáo Nam tông người Việt đối với Phật giáo miền Nam Việt Nam trước đây và làm rõ hơn sự phân biệt 2 hệ phái Nam tông trong mối quan hệ này.

Chúng tôi sẽ trình bày một số suy nghĩ riêng của mình về sự phát triển của Phật giáo Nam tông người Việt (Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam) trong một bài viết sau.

MT