Chiều ngày 27/4 (mùng 8 tháng 3, Quý Mão), tại văn phòng thường trú phía Nam Ban Văn hóa Trung ương (chùa Pháp Hoa, đường Trường Sa, quận 3) Phân ban Kiến trúc, kiến thiết công trình Phật giáo trực thuộc Ban Văn hóa Trung ương đã tổ chức phiên họp thảo luận xây dựng bộ quy chuẩn kiến trúc các chùa thuộc hệ phái Khất sĩ và Bắc tông Nam bộ.
Phiên họp do Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hóa T.Ư ,Trưởng phân ban Kiến trúc, kiến thiết công trình Phật giáo chủ trì, cùng sự tham dự của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Thượng tọa Thích Lệ Trí – đồng Phó trưởng ban Văn hóa T.Ư; chư Tôn đức Thường trực Ban Văn hóa, chư tôn đức đại diện văn phòng thường trực phía nam, các chuyên gia kiến trúc sư, nhà nghiên cứu, Phật tử là thành viên phân ban đồng tham dự.
Phát biểu đề dẫn, Hòa thượng Thích Thọ Lạc thông báo kết quả lễ ra mắt và hội nghị khoa học về kiến trúc phật giáo diễn ra tại Hà Nội vào ngày 14, 15, 16 tháng 04 vừa qua thành công tốt đẹp.
Hòa thượng cho biết, triển lãm Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các giới chuyên môn cũng như quần chúng nhân dân Thủ đô.
Hòa thượng nhấn mạnh vai trò quan trọng của phân ban Kiến trúc, kiến thiết công trình Phật giáo trong nhiệm kỳ này, là đồng hành những thành tựu đạt được trong hai đề án pháp phục và ngôn ngữ, với phạm trù chuyên môn sâu, khối lượng công việc lớn đòi hỏi sự nỗ lực công tác của các thành viên ở từng khu vực với nhau.
Tại phiên họp, chư Tôn đức và các thành viên Phân ban Kiến trúc, kiến thiết công trình Phật giáo đã thông qua nội quy, quy chế hoạt động, phương hướng, đề cương làm việc trong suốt nhiệm kỳ, trong đó nội dung chính là thảo luận về vấn đề kiến trúc Phật giáo Bắc tông miền Nam và Kiến trúc Phật giáo Khất sĩ.
Dịp này, Hòa thượng Thích Thọ Lạc đã trao quyết định nhân sự Phân ban Kiến trúc, kiến thiết công trình Phật giáo đến các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu chưa nhận quyết định trong lễ ra mắt tại Hà Nội.
Phiên họp đã tiếp thu nhiều ý kiến có giá trị trong công tác hoàn thiện đề cương xây dựng bộ quy chuẩn cho các công trình kiến trúc Phật giáo Bắc tông tại Nam bộ và hệ phái Khất sĩ.
Chư Tôn đức, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư đóng góp, bổ sung và làm rõ các khái niệm, phạm trù, phạm vi điều chỉnh của bộ tiêu chuẩn mà Ban Văn hóa triển khai sắp tới.
Kiến trúc sư Nguyễn Thọ Hùng đề nghị phân ban tham khảo các văn bản pháp quy nhà nước về lĩnh vực liên quan đến kiến trúc, xây dựng.
Thượng tọa Thích Giác Nghi góp ý mô hình Chánh điện các chùa tại Nam bộ, cần loại bỏ các hoa văn, họa tiết chưa phù hợp, thay vào đó là biểu tượng văn hóa Phật giáo tiêu biểu. Về không gian chùa Nam bộ, cũng cần lưu ý đến bãi đậu xe, không gian mảng xanh công trình, áp dụng các vật liệu, kết cấu mới trong xây dựng.
Tiếp đó, Thượng tọa Thích Lệ Trí đóng góp một số ý kiến về việc nên có những biểu tượng của kiến trúc Phật giáo mang đặc trưng vùng miền, đặc trưng hệ phái riêng biệt, song song với những biểu tượng chung cho Phật giáo Việt Nam. Thiết kế, sưu tầm những biểu tượng kiến trúc, mỹ thuật và trang trí mang nét đặc trưng cho từng khối công trình (Chánh điện, Tổ đường, Tăng xá,…).
Thượng tọa đề xuất Ban Văn hóa định hướng các chùa nên xây dựng hài hòa về màu sắc, hệ thống tượng thờ, câu đối, trang trí tạo ra nét đặc trưng riêng, tránh trường hợp quy nạp đa dạng nhưng không hài hòa tổng thể, gây phản cảm, mất trang nghiêm.
Đúc kết phiên họp, Hòa thượng Trưởng ban Văn hóa Trung ương, Trưởng phân ban Kiến trúc, kiến thiết công trình Phật giáo Thích Thọ Lạc tán thán và ghi nhận những ý kiến đóng góp tích cực của chư Tôn đức đặc biệt là các nhà nghiên cứu kiến trúc sư trong công tác hoàn thiện khung đề cương quy chuẩn kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Qua đó, sẽ tổng hợp và đưa ra đề cương quy chuẩn kiến trúc Phật giáo.
Hòa thượng đề nghị phân ban sắp xếp nhân sự, phân công các thành viên đến các công trình kiến trúc tiêu biểu kiểu mẫu khảo cứu chi tiết, số hóa kích thước, họa tiết, hoa văn công trình làm tài liệu, đồng thời thực hiện “ngân hàng biểu tượng Phật giáo” với mô hình mở, mục đích định hình mỹ thuật kiến trúc và tạo không gian chia sẻ sáng tạo, phát huy các giá trị truyền thống và thích ứng với công năng sử dụng hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Thái Hòa – Đức Phước