Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Phạm Thiên Thư tự cứu mình bằng thơ

Phạm Thiên Thư tự cứu mình bằng thơ

279

Thơ hay phải trầm trong nhạc, nạp trong tình

19 tuổi tổ chức Học hội Hồ Quý Ly thu hút 100 người. Nhà nước chế độ cũ nghi ngờ ông là cộng sản, công việc của ông bị gián đoạn. Ông vào chùa học Phật pháp. Mười năm tu trong chùa, học đại học vạn hạnh, đã thơ hóa 7 bộ kinh Phật. Năm 1975 nhập thế, lấy vợ, vẫn tiếp tục làm thơ. Ông là Phạm Thiên Thư.

Năm 1971, 30 tuổi, ông viết cuốn truyện thơ Đoạn trường vô thanh. Đây là một cuốn thơ hậu Truyện Kiều, nói chuyện Kiều … về quê. Lời thơ tiêu dao, thơ táo bạo, nhiều nét lạ.

Ông nói: “Toàn bộ tác phẩm thơ của tôi đến nay là 126.000 câu thơ. Có tư tưởng”. Tôi hỏi: “Tư tưởng của thơ ông là gì?”. Ông nói: “Thơ hay phải dày kinh nghiệm. Phải chiếm cảm quan, phải san trí tuệ, phải để trong tâm, phải trầm trong nhạc, phải nạp trong tình, tụ hình nơi khoảng trống, để sống với tất cả”.

Là một người chìm đắm trong tư tưởng của Phật giáo nhưng tinh thần của ông luôn mở rộng. Ông nói, cốt lõi của các tư tưởng là “Luôn biết mình dốt (Socrat), để gột tính kiêu ( Phật giáo), để yêu như mới (Công giáo), để cởi mối hiềm (thế giới đại đồng), để thêm tinh tiến (kết quả cuối cùng). Tổng hòa các tư tưởng này để sống”.

Tự điều chỉnh

Phạm Thiên Thư nói: “Tôi trải qua 3 đời vợ. Một người mất, một người chia tay, hiện sống với bà thứ ba. Tôi nghĩ phải có con”.

Nụ cười là liều thuốc chữa bách bệnh

Phạm Thiên Thư là một trong số những nhà văn nổi tiếng trước 1975 còn lại ở Sài Gòn. Ông được giới văn nghệ rất quan tâm, để ý. Quán cà phê nhỏ của ông là nơi nhiều anh em qua lại, kể cả giới sáng tác trẻ.

Ông thường nói: “Sáng tác phải có cái riêng của Việt Nam. Người ta sáng tác, không theo nhà này thì theo nhà khác. Nên phải có cái riêng. Muốn như vậy, cần trước hết là một cái hiện thực của Việt Nam. Là nghệ sĩ, sáng tác, thì hướng về dân tộc”.

Sở thích của ông là thơ thiền. Trước 1975 ông nghiên cứu về thiền, năm 1977, tập trung viết.

Bố mẹ là thầy thuốc nổi danh, ông cũng có nghề thuốc. Y lý của ông tóm gọn trong câu: “Con người có khả năng điều chỉnh”. Ông thường nói: “Con thú tự điều chỉnh, ai chữa cho nó? Nó tìm cỏ cây mà ăn. Tự điều chỉnh cho mình”.

“Con người tự điều chỉnh. Để con người tìm thấy bản thân, biết bệnh của mình, biết mình phải chữa cái gì. Dùng văn chương chữa bệnh cũng là một cách. Chữa tâm bệnh của con người”.

Ông thường khiêm tốn bảo: “Nhờ gia đình nuôi, chỉ biết làm thơ. Bà xã là bác sĩ nha khoa”. Nhưng người ta bảo ông chữa bệnh cứu người cũng có tiền, còn làm từ thiện nữa!

Thơ chữa bệnh

 

Nhờ "Từ điển cười" gồm 24.000 câu tứ tuyệt ông được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng kỷ lục "Người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ"

Làm thơ thì không có gì mới. Nhưng làm thơ ngụ ý chữa bệnh thì quả là hiếm. Ông đã hoàn thành cuốn “Từ điển cười” với cái tên y học là “Tiếu liệu pháp”, giải thích từ vựng dưới góc độ thơ hài hước.

Trong cuốn từ điển này, mỗi từ được ông lật đi lật lại, cười mấy bận. Ông nói: “Cái tâm của con người phải có niềm vui, có sự sáng tạo thì nó mới có thể hồi sinh, khỏe khoắn, chiến thắng được bệnh tật từ chính trong tư tưởng của mình”.

Cái tư duy sống động của ông đưa người ta vào thế giới của một thứ thơ cười, giải trí, độc đáo.

Ví dụ ông định nghĩa từ “Á”:
Ấm “á” – là khi bị véo tai
Riêng từ á hậu chỉ ngôi hai
Còn từ á khẩu – là câm họng
Chỉ miệng quan tham – lắm biệt tài

Cách ông nhìn về cái gọi là “Chửi êm ả”:
Cách chửi của mấy bà có học
Văn ngôn chửi bới toàn có học
Nghe như dao lam-cứa vào da
Chửi như hát ru- mà bật khóc

Chiết tự “Ả đào”:
Ngày xưa, hủ hóa cũng văn chương
Đàn hát ca ngâm-mới chiếu giường
Ca kỹ bỗng dưng thành bất tử
Nào Kiều Ngưng Bích- gái Tầm Dương

Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã ghi nhận hai kỷ lục của Phạm Thiên Thư đó là người đầu tiên thơ hóa Kinh Hiền Ngu (gồm 9 quyển, 46 chương), chuyển thể thi hóa thành 12.062 câu thơ lục bát với tên là Kinh Hiền Hội Hoa Đàm, và người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ.

Mối đồng điệu giữa hai người họ Phạm

Phạm Duy (tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh năm 1921) và Phạm Thiên Thư (tên thật là Phạm Kim Long, sinh năm 1940) đều là người Bắc di cư.

 

Nhạc sĩ Phạm Duy

Ông và Phạm Duy có mối quan hệ khá đặc biệt. Phạm Duy đã phổ nhạc ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu, Em lễ chùa này, Huyền thoại trên một vùng biển, Loài chim bỏ xứ và 10 bài Đạo ca của Phạm Thiên Thư.

Trao đổi với chúng tôi, Phạm Duy cho biết đạo ca là một trong những sáng tạo âm nhạc rất đáng chú ý của ông: “Tôi là một người luôn tiên phong và đạo ca là một trong số những hướng sáng tạo của tôi, bên cạnh thiền ca, tục ca, rong ca…”. Với Phạm Thiên Thư, ông đã dành rất nhiều thời gian để thi hóa Kinh Phật, ông có Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ…

Phạm Thiên Thư viết hậu Truyện Kiều còn Phạm Duy đến nay vẫn tiếp tục hoàn thiện tác phẩm “Minh họa Kiều”.

Sự đồng điệu giữa các nghệ sĩ như Phạm Duy, Phạm Thiên Thư nằm ở cốt lõi của tinh thần sáng tạo của họ, như Phạm Duy nói, đó là xây dựng “dân tộc tính”, giữ bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Với Phạm Thiên Thư, ít người biết rằng để có thể sáng tác ông đã từng trải qua những ngày tháng khó khăn, có lúc phải mở tiệm hớt tóc kiếm kế sinh nhai, rồi đương đầu với bệnh tật, khiến ông gặp phải rất nhiều khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ. Ông làm Từ điển cười, trước hết là để khôi phục ngôn ngữ cho chính bản thân và vượt qua những nỗi ám ảnh về sự trầm cảm.

Nghĩ cho cùng, sức sáng tạo của ông thật lớn, nhưng cũng chính thơ ca đã là cứu cánh cho cuộc đời ông và thơ đã đem ông trở lại với cõi đời này sau những tổn thương và bệnh tật nan y.

Ngày ngày, người ta vẫn thấy Phạm Thiên Thư ngồi dưới tán cây, với những cuốn sách mới in, những trang bản thảo. Với ông, cuộc sống đã trôi qua với bao đổi thay, nhưng những con chữ sống động thì vẫn luôn cuốn hút ông và đem tới cho ông muôn điều mới lạ.

Tác phẩm chính của Phạm Thiên Thư: Thơ Phạm Thiên Thư (1968), Kinh Ngọc (Thi hoá Kinh Kim Cương), Động Hoa Vàng (Thơ, 1971), Đạo ca (Nhạc Phạm Duy); Hậu Kiều – Đoạn Trường Vô Thanh (1972), Kinh thơ (Thi hoá Kinh Pháp Cú); Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài (Thơ), Kinh Hiếu (Thi hóa), Kinh Hiền (Thi hoá Kinh Hiền Ngu, gồm 12.000 câu lục bát), Ngày xưa người tình (thơ), Trại Hoa Đỉnh Đồi (thơ, 1975), Thơ Phạm Thiên Thư (NXB Đồng Nai tái bản), Tự điển cười ( 24.000 bài tứ tuyệt tiếu liệu pháp)… Nguồn: Wikipedia