Vào chiều ngày 2/9, Phái đoàn đã có chuyến thăm Chùa Hưng Thạnh. Đây là một trong số những ngôi chùa Đại thừa Việt Nam tại tỉnh Nakhon Pathom, Thái Lan. Ngôi chùa nằm dưới sự quản lý của Tăng đoàn Anam Nikaya. Thượng tọa Thích Thiện Bảo đã được bổ nhiệm làm trụ trì chùa này vào ngày 30 tháng 12 năm 2007. Nhằm xây dựng một nơi nương tựa cho Phật tử tu tập, Thượng tọa trụ trì đã phát tâm đúc tượng Dược sư lưu ly Quang Vương Phật bằng bạc, đây là tượng Phật đúc bằng bạc lớn nhất Thái Lan và được tôn tạo để khích lệ tinh thần Phật tử, cũng như để những người bị bệnh tật có nơi cầu nguyện.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Phái đoàn đã tiếp tục đến thăm chùa Wat Ratchabophit, Bangkok, Thái Lan. Theo truyền thống của Thái Lan, mỗi vị vua sẽ cho xây dựng một ngôi chùa để đánh dấu cho sự trị vì của mình. Vào năm 1869, Ngôi chùa này được xây dựng đánh dấu triều đại của vị quốc vương Rama V. Hiện nay, ngôi chùa được vị sư Somdet Phra Ariyavongsagatanana trụ trì, và cũng là đức Tăng thống Phật giáo Thái Lan.
Tiếp theo đó, Phái đoàn Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đã thăm chùa Khánh Vân tại Bangkok, Thái Lan và đỉnh lễ Đức Phó Tăng trưởng Phật giáo An Nam tại Thái Lan. Được biết, chùa Khánh Vân hay Wat Upairadbamrung là một ngôi chùa gốc Việt rất độc đáo ở thủ đô Bangkok của Thái Lan. Chùa tọa lạc tại số 864 đường Charoenkrung, quận Sampanthavong. Năm 1878, chùa được vua Chulalongkorn (Rama V) ban sắc tứ với tên là “Sắc Tứ Trấn Quốc Khánh Vân Thiền Tự”.
Trong nhà thờ Tổ của chùa có lưu giữ nhục thân của Hòa thượng Thích Phổ Sái (Rueng Mathura Sakul) một trong những vị trụ trì chùa Khánh Vân, viên tịch năm 1958. Dù không nói được tiếng Việt, các nhà sư trong chùa vẫn tụng kinh bằng tiếng Việt theo ký âm.
Theo Bà Thuý Hà – Giảng viên Trường Đại học Chulalornkon chia sẻ rằng: “Phật giáo Việt tông chiếm một vị trí quan trọng trong tín ngưỡng Phật giáo ở Thái lan. Đến đời Vua Rama V thì các lễ nghi quan trọng trong Hoàng cung bắt buộc phải mời các Hòa thượng Việt tông vào làm lễ. Kể từ đó cho đến bây giờ, tất cả các lễ tang trong Hoàng cung, nếu chưa có các Hòa thượng Việt tông đến làm lễ thì coi như là lễ tang chưa xong. Có nghĩa là bắt buộc phải có thì mới đúng lễ nghi. Cho đến bây giờ, các bộ trang phục hay mũ nghi lễ của các Hòa thượng sử dụng làm lễ trong Hoàng cung vẫn được đặt từ Huế sang.”
Trong chùa hiện còn cây Bồ đề do đích thân nhà vua trồng, và là 1 trong 4 cây Bồ đề được mang về từ Ấn Độ và đích thân các vị vua trồng, trở thành biểu tượng tâm linh, là kỷ vật quý giá của quốc gia.
Diệu Tường