Trang chủ Diễn đàn Phải chăng vua Trần Nhân Tông là một vị Phật Chánh Đẳng...

Phải chăng vua Trần Nhân Tông là một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác?

543
Trong những năm gần đây, theo dõi trên phương tiện truyền thông đại chúng đặc biệt là các tạp chí và website của Phật giáo, chúng ta thường thấy những bài viết về vua Trần Nhân Tông và tôn xưng ngài như một vị Phật, và nếu như cảm nhận (không lầm) của tôi khi đọc các bài báo đó thì những tác giả  đó không so sánh theo kiểu ví von rằng vua Trần Nhân Tông với một vị Phật bởi vì sự đức độ, những phẩm chất tốt đẹp của con người của ngài khiến ngài có phẩm chất đáng kính,  mà lại tôn xưng vua Trần Nhân Tông như một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thực sự, ngang hàng với Đức Phật Thích Ca. Tôi còn nhớ đã từng đọc một bài viết trong đó có vị nói đại loại rằng Án Độ có một vị hoàng tử, đã từ bỏ ngai vàng đi tu và thành Phật, Việt Nam chúng ta  đặc biệt hơn vì có một ông vua hẳn hoi, coi ngai vàng như chiếc giày rách, bỏ đi tu và thành Phật.
 
Và gần đây nhất, tôi tình cờ đọc bài viết “ Trần Nhân Tông, một ông Vua – Phật” của tác giả Trần Trương, phần kết luận được viết nguyên văn như sau, “Họ bồi hồi tưởng niệm đức Vua Trần. Một ông vua đã khước từ phú quý, vinh hoa, tước vị cao sang, giã biệt chốn phồn hoa đô hội lên non xanh Yên Tử tu hành, trút bỏ một cuộc sống lý tưởng của người thường để trở thành một đức Phật Đại Hùng Đại Lực, Đại Bi và Đại Trí, xứng danh là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của Việt Nam.”
 
Về quả vị Giác Ngộ, Tam tạng Pháo bảo của Phật giáo Nguyên Thuỷ chia rõ ba bậc: Một là Samma-Sambuddha, Phật Chánh Đẳng Chánh Giác (hay Chánh Biến Tri); hai là Pacceka-Buddha cũng gọi là Bích Chi Phật hay Độc Giác Phật hay Đức Phật Im Lặng, ba là Araham hay cũng gọi là Thanh Văn Phật (Savakabuddha).
 
Trong ba quả vị Giác Ngộ kể trên, về mặt phẩm chất và khả năng của mỗi quả vị có nhiều điểm khác nhau:
 
Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác (Samma-Sambuddha) như Đức Phật Thích Ca là bậc tự giác ngộ, không thầy chỉ dạy. Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác có nhiều đức hạnh Ba-La-Mật, cho nên khi tìm ra con đường, Ngài nhớ tất cả những gì mà Ngài đã trải qua để dạy lại cho chúng sanh và có đầy đủ đức hạnh để tế độ họ. Ngài biết rõ quá khứ, vị lai, biết rõ chúng sanh nào có thể tế độ hay không tế độ được.
 
Bậc Độc Giác cũng tự giác ngộ, nhưng không có những oai lực như bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Giác ngộ xong, các Ngài không nhớ những phương pháp để tế độ cho chúng sanh để giúp cho họ có thể đạt được sự Giác Ngộ như Ngài.  Các Ngài  được ví như những người nằm mơ nhưng khôngbiết cách diễn tả giấc mơ cho người khác nghe.
Araham hay A la hán hay cũng gọi là Thanh Văn Phật (Savakabuddha) cũng là bậc giác ngộ dưới sự hướng dẫn của một vị thầy là một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác như Đức Phật. Họ có hoặc không có khả năng giáo hóa và giúp đỡ người khác đạt giác ngộ.
Araham hay Savakabuddha là các  đệ tử của Ðức Phật đã chứng đắc giác ngộ dưới sự chỉ dạy của Ngài,  gồm ba hạng:
 
– Các đệ tử chính: Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.
 
– Các đại đệ tử: Kiều Trần Như, Ca Diếp, Ananda, A Nậu Ðà La (Arudhana).
 
– Các thánh đệ tử đã đạt quả A La Hán.
 
Căn cứ theo kinh điển trong Tam Tạng Pali, muốn làm một vị Phật thì phải tu hạnh Bồ tát. Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thuộc về hạnh trí tuệ như Đức Thích Ca Mâu Ni phải tu hạnh Bồ Tát trong 4 A- tăng kỳ 100 ngàn đại  kiếp mới đắc đạo quả và hướng dẫn cho chúng ta để giúp chúng ta đạt  được đạo quả Giác Ngộ như Ngài.
Muốn tu hạnh Bồ Tát, một người phải phát những lời nguyện rất lớn và phải hội đủ những điều kiện rất cao:
 
– Người ấy phát nguyện hành Bồ Tát Ðạo trước mặt một vị Phật tại thế và được chính Ðức Phật ấy chứng minh cho.
 
Theo chuyện tiền thân của Ðức Phật Thích Ca, trong một kiếp rất xa xôi, Ngài là đạo sĩ Sumedha, được gặp Ðức Phật hiện tiền lúc bấy giờ là Phật Nhiên Ðăng (Dipancara), Ngài phát tâm muốn trở thành vị Phật với lời nguyện như sau:
 
"Khi ta vượt thoát đến bờ bên kia rồi, ta sẽ giúp chúng sanh vượt thoát khỏi giòng trầm luân nầy. Nếu ta có thể cắt đứt được giòng sanh tử, lên được thuyền Chánh pháp. Ta sẽ giúp cho các chúng sanh cũng được như ta".  
 
Muốn phát đại nguyện nầy và muốn được Ðức Phật hiện tiền thọ ký phải hội đủ 8 điều kiện sau:
 
1. Phải là một con người ở cõi nhân gian chứ không phải chúng sanh ở các cõi giới khác.
 
2. Phải là người đàn ông. Nếu một người nữ muốn phát nguyện thì phải chuyển thân nam trước.
 
3. Dù có khả năng đạt Thánh quả giải thoát A La Hán trong kiếp đó, vị nầy vì tâm đại bi đối với chúng sanh, cũng tự nguyện bỏ qua cơ hội đó.
 
4. Phải tự thốt lời nguyện trước mặt một vị Phật hiện tiền. Nếu chỉ nguyện trước một vị Phật đã nhập diệt hoặc trước một tôn tượng thì sẽ không giá trị vì thiếu sự hứa khả của một vị Phật thật sự.
 
5. Phải là một vị tỳ kheo sống đời phạm hạnh vì nếp sống cư sĩ tại gia không thích hợp với con đường Bồ Tát hạnh.
 
6. Phải toàn thiện tám tầng thiền (bốn tầng thiền Sắc giới và bốn tầng thiền Vô Sắc giới) và năm pháp thần thông.
 
7. Phải có tâm quyết định triệt để xả ly tất cả, ngay cả thân mạng mình để cúng dường cho các vị Phật.
 
8. Phải có ý chí vô cùng mạnh mẽ để đạt Phật quả. Nếu có ai nói rằng cõi trần thế này là một đại dương vô tận, vị ấy cũng sẵn sàng lội qua, hay là một biển than nóng đỏ mênh mông vị ấy cũng sẵn sàng bước lên để vượt đến bờ bên kia.
 
Sau khi đã được Ðức Phật hiện tiền thọ ký, vị ấy sẽ chính thức trở thành một Bồ Tát và bắt đầu hành trì cho đến mức viên mãn đầy đủ 10 Ba-la-mật. (Ba-la-mật là những phẩm hạnh tuyệt hảo, tuyệt đối mà một vị Bồ Tát tự biết được do trí tuệ đặc biệt của mình.)
 
Mười Ba-la-mật, những phẩm tính của các hiền nhân cao cả, gồm  bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, chân thật, quyết định, tâm Từ và tâm Xả.
 
Một vị Bồ Tát phải hoàn thiện tất cả các phẩm tính nầy qua vô lượng kiếp sống và nhiều chu kỳ thế giới. Người bình thường như chúng ta cũng có thể hành các hạnh nầy nhưng  chỉ ở các mức độ khác nhau.
 
Ví dụ:
 
– Khi bố thí cúng dường, người thường như chúng ta chỉ cho ra một phần nhỏ những gì mình có, trái lại Bồ Tát thì cho ra đến tận cùng, ví như một hủ đầy nước được lật úp xuống, chẳng còn giọt nào bên trong.
 
– Khi trì giới, phật tử chúng ta hay bị đứt giới vì nhiều lý do, sau đó xin giới lại. Nhưng giới đức của Bồ Tát thì không khi nào bị đứt đoạn cho dù phải bỏ đi mạng sống của mình.
 
– Vị Bồ Tát lúc nào cũng hướng về sống xả ly dù đang ở vị trí quyền uy giàu có.
 
– Bồ Tát lúc nào cũng hướng về sự phát triển trí tuệ cho đến mức cùng tột. Ngài không từ bỏ bất cứ một cơ hội quán sát, học hỏi nào hướng đến Giác ngộ.
 
– Vị Bồ Tát không bao giờ dễ duôi, giải đãi trên con  đường hành đạo.
 
– Ðức kiên trì, nhẫn nhục của vị Bồ Tát được ví như đất, luôn luôn chịu đựng mọi thứ cấu tịnh đổ lên trên mình.
 
– Vị Bồ Tát luôn luôn chân thành chính trực, không bao giờ nói dối, được ví như ngôi sao mai đầu tiên trên bầu trời, không bao giờ thay đổi vị trí của mình.
 
– Tâm quyết định vững chắc của Bồ Tát được so sánh như núi đá hùng vĩ không sức mạnh nào có thể lay chuyển nổi.
 
– Tâm Từ của Bồ Tát được trải rộng đến tất cả mọi người, oán thân bình đẳng. Ba-la-mật nầy được ví như nước, đối với người tốt hay xấu khi dùng nước thì nước đều đem lại sự mát mẻ cho họ như nhau.
 
– Tâm Xả Ba-la-mật được ví như đất, luôn luôn thăng bằng và bình thản.
 
Tất cả 10 Ba-la-mật nầy được thực hành ở ba mức độ khác nhau. Lấy  hạnh bố thí làm ví dụ:
 
– Ở mức độ căn bản, các Bồ tát cho những gì bên ngoài thân như của cải, vợ con…
 
-Ở mức độ trung bình, các ngài bố thí những gì trong thân như tay, mắt…
 
– Ở mức độ cùng tột các ngài cho luôn cả mạng sống.
 
Nhân 10 Ba-la-mật trên với 3 mức độ trên sẽ có cả thảy là 30 loại Ba-la-mật. Cùng với 30 loại Ba-la-mật nầy, vị Bồ Tát phải thực hiện 5 đại xả ly (chân tay, mắt, tiền của, vương quốc, vợ con) và 3 đối tượng thực hành là vì hạnh phúc của chúng sanh, vì sự bảo vệ cho gia đình thân thuộc, và vì sự viên thành quả vị Phật.
 
Tóm lại, phải hội đủ tất cả điều kiện và phẩm hạnh trên đây, , vị Bồ Tát với tâm Ðại Bi vô lượng phải trải qua vô lượng kiếp trôi lăn trong đau khổ cùng với chúng sinh để cứu giúp chúng sinh bớt đau khổ mới mong thành đạt Phật quả.
 
Cần bao nhiêu thời gian để một vị Bồ Tát hành trì và hoàn tất 10 Ba-la-mật nầy?
 
Các vị Phật được tiêu biểu tùy theo 3 đặc điểm, phẩm hạnh của các Ngài:
 
1) Vị Phật mà trí tuệ là thù thắng
 
2) Vị Phật mà đức tin là thù thắng
 
3) Vị Phật mà tinh tấn là thù thắng
 
Do đó, vị Bồ Tát nào mà trí tuệ là phẩm hạnh nổi bật nhất thì sẽ trở thành Trí Tuệ Phật sau 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Vị Bồ Tát có đức tin là phẩm hạnh nổi bật nhất thì sẽ trở thành Tín Tâm Phật sau 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Vị Bồ Tát có tinh tấn là phẩm hạnh nổi bật nhất thì sẽ trở thành Tinh Tấn Phật sau 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. 
 
Qua sự trình bày trên, chúng ta thấy rằng,  muốn trở thành một A la hán thì còn dễ chứ để trở thành một vị Phật thì phải là những người hết sức phi thường.
Như vậy, đứng về mặt đạo quả giác ngộ, Đức Phật là một A la hán như tất cả các A la hán khác, nhưng Đức Phật là một vị A la hán đặc biệt duy nhất vì Ngài còn là một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác do Ngài là người duy nhất tìm ra con đường, khai mở con đường và chỉ dạy con đường qua sự xác nhận của Ngài, "Như Lai là người đã khai mở Con Ðường mà chưa từng ai khai mở, Như Lai là người chỉ bày Con Ðường mà chưa từng ai chỉ bày ra, Như Lai là người tuyên khai Con Ðường chưa ai tuyên khai, Như Lai là người hiểu biết Con Ðường mà chưa được ai hiểu biết, Như Lai là người đã tinh luyện Con Ðường mà chưa từng ai đã tinh luyện và tất cả đệ tử của Như Lai sau này sẽ sống an trú trên con đường ma Như Lai đã khai ngộ"
 Trên quả đất này có tất cả 5 vị Chánh Đẳng Chánh Giác là Câu-lưu-tôn Phật, Câu-na-hàm Phật, Thích-Ca Mâu-Ni Phật và Di-Lặc Phật.  Đức Phật Thích Ca được gọi là Đức Phật hiện tại vì hiện nay chúng ta đang hành theo giáo pháp của Ngài .  Vị Phật thứ năm cũng là vị Phật cuối cùng của quả địa cầu này là Phật Di Lặc.
Trong thời gian  không có giáo lý của Đức Chánh Đẳng Chánh Giác (giáo pháp bị hoại diệt) thì Đức Phật Độc Giác ra đời. Đức Phật Độc Giác phải tu 2 A-tăng-kỳ 100 ngàn đại kiếp và đắc đạo quả trong thời kỳ không có giáo lý của Đức Toàn Giác. Ngài tự giác ngộ vì duyên lành của Ngài rất nhiều.
Như vậy căn cứ theo lời Đức Phật để lại trong kinh điển, trái đất này không có một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác nào có tên là Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông cũng không phải là một vị  Phật Độc Giác vì Phật Độc Giác chỉ ra đời khi giáo lý của Đức Phật Thích Ca đã bị hoại diệt.
Các A la hán là những người học trò theo học dưới sự hướng dẫn của Đức Phật và đạt được giác ngộ. Tương tự như vậy,  vua Trần Nhân Tông, nếu đạt được Giác Ngộ Niết Bàn, thì cũng chỉ là người áp dụng giáo pháp của Đức Phật để tu tập, và như vậy ngài cũng chỉ có thể là một Thanh Văn Phật  thuộc hàng thánh đệ tử đã đạt quả A La Hán của Đức Phật Thích Ca mà thôi.
Và nếu theo giáo pháp của Đức Phật để tu chứng đắc Thanh Văn Phật  như vậy thì từ trước đến nay có nhiều thiền sư tại Thái, Sri Lanka hoặc Miến Điện cũng được coi là những bậc chứng đắc, đâu phải chỉ có vua Trần Nhân Tông của Việt Nam? Vì vậy việc có ý tôn vinh vua Trần Nhân Tông là một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác ngang hàng với Đức Phật Thích Ca là một sự thổi phồng quá đáng và đồng thời cũng là một sự bất kính đối với Ngài vì đã đánh đồng Ngài với các thánh đệ tử đã đạt quả A La Hán của Ngài.
Tôi biết rằng, là người Việt Nam và là phật tử, lòng tự hào dân tộc và tôn giáo khiến chúng ta có tâm lý muốn rằng đất nước chúng ta phải có một cái gì đặc biệt hơn các nước khác, tôn giáo chúng ta phải có một cái gì đặc biệt hơn các tôn giáo khác, thậm chí Phật giáo tại Việt Nam phải có một cái gì đặc biệt, vượt trội hơn Phật giáo ở các nước khác, chính vì lòng tự hào dân tộc và tôn giáo của mình khiến chúng ta lắm khi thấy “sự vật không đúng như bản chất của chúng” như Đức Phật dạy, và từ đó mà đâm  ra tà kiến, từ tà kiến chúng ta tiến  tới một bước nữa là  mắc vào bẫy của lạm dụng ngôn từ, do mắc vào bẫy lạm dụng ngôn từ,  chúng ta đâm ra lộng ngôn và vọng ngữ. Theo tinh thần Phật giáo thì lộng ngôn và vọng ngữ cũng là tội, mà lộng ngôn và vọng ngữ đối với Đức Phật Thích Ca, vị Thầy đáng kính của chúng ta,  rõ ràng đây là  một việc mà phật tử chúng ta phải càng nên tránh.
Vấn đề là nếu chúng ta  lộng ngôn và vọng ngữ, chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc làm của chúng ta là chuyện đương nhiên , nhưng hậu quả của việc làm của chúng ta không ngừng tại đó vì chúng ta gieo rắc tà kiến cho bao nhiêu thế hệ con cháu của chúng ta mai sau, do vì không có điều kiện nghiên cứu sâu kinh điển, đã vội vàng ôm lấy những gì mà chúng ta nói ra do tà kiến mà cho đó là sự thật,  rồi phát biểu cũng y như chúng ta và cuối cùng lại mắc tội lộng ngôn và vọng ngữ y như chúng ta vậy. 
Tôi nhớ đọc đâu đó trong một phản hồi của một độc giả trêm trang phattuvietnam.net rằng đạo Phật  lan tỏa trên toàn thế giới, được nhiều học giả trí thức kính trọng không "nhờ" một pháp môn nào mà chính là nhờ vào hào quang của Đức Phật, nhờ vào giáo pháp vi diệu của Ngài. Đúng vậy, Đức Phật là một con người vĩ đại có một phẩm cách cao quí và trí tuệ siêu việt, là Thầy của trời và người, là ân nhân không những của toàn nhân loại mà của cả chúng sanh trong ba giới bốn loài trong khi vua Trần Nhân Tông chỉ là vĩ nhân và ân nhân của dân tộc Việt Nam. Trong khi các tôn giáo khác cố gắng hết sức mình để đánh bóng giáo chủ của họ bằng cách gán ghép cho vị giáo chủ của mình những phẩm chất siêu việt,  tốt đẹp hết sức  đặc biệt mà vị giáo chủ của mình không hề có để làm cho giáo chủ của họ được nổi bật thì chúng ta, phật tử Việt Nam lại đi đánh đồng Đức Phật, một vĩ nhân được toàn thế giới ngưỡng mộ với vua Trần Nhân Tông một con người cũng vĩ đại, nhưng có lẽ chỉ vĩ đại với một dân tộc Việt Nam mà thôi. Làm sao chúng ta lại có thể so sánh phẩm chất con người của vua Trần Nhân Tông, một vị Savakabuddha  với Đức Phật, một vị Samma-Sambuddha,  và tôn xưng vua Trần Nhân Tông như  là một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác như Ngài?
Cứ như vậy thì đừng trách sao các tôn giáo khác coi thường Phật giáo và cứ tìm cách cải đạo tín đồ Phật giáo. Chúng ta hãy nhìn lại xem tự nhận mình là phật tử, thậm chí là phật tử thuần thành, bao nhiêu trong số chúng ta đã hiểu được hết những phẩm chất tốt đẹp của Đức Phật và đã và đang làm những việc cần phải làm để bày tỏ lòng tri ân và kính trọng với Ngài một cách đúng mực, để đưa Ngài lên vị trí xứng đáng với tầm vóc vĩ đại và cao thượng của Ngài trước mắt tín đồ của những tôn giáo khác? Nếu chưa tận dụng được lợi thế (thậm chí còn đánh mất lợi thế sẵn có của tôn giáo mình ) thì đừng trách tại sao các tôn giáo cứ tìm cách cứ xâm lấn vào “đất” của chúng ta. Giậu đổ thì bìm leo, đành vậy thôi!
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Tài liệu tham khảo: Hương vị Pháp Bảo, hoà thượng U Silananda.