Chúng ta đều biết, so với nhiều tôn giáo lớn, Phật giáo là tôn giáo thuộc loại có mức độ phân hóa, cục bộ hóa ở mức cao.
Không có giáo quyền quốc tế đã đành, riêng Phật giáo Việt Nam tính chất cục bộ vẫn còn là điều đáng quan tâm, dù rằng trong nước đã có một tổ chức Giáo hội chung.
Nếu mở rộng Phật giáo Việt Nam bao gồm cả Phật giáo của người Việt ngoài nước, thì vấn đề cục bộ, phân hóa sẽ càng trở nên phức tạp hơn nữa. Ở một nước như Mỹ có đến hàng chục tổ chức “Phật giáo Việt Nam”.
Trên hết vẫn là việc tu học. Nhưng dưới việc tu học, sẽ là rất nhiều khác biệt, dẫn đến một hệ quả, có thể tạm gọi là một sự “vận động ly tâm”, nếu không muốn nói là có một sự chia rẽ nào đó.
Nếu không còn việc tu học hoằng pháp, thì những tổ chức, hệ phái… không còn là Phật giáo nữa. Cái mà gây ra “vận động ly tâm”, phân hóa là điều quan tâm ở hàng thứ hai, với rất nhiều hướng nhìn khác nhau.
Trong Phật giáo, quyền lợi kinh tế tuy có, nhưng không phải là vấn đề lớn, nên sự phân hóa không hình thành những nhóm lợi ích, như đối với ngoài đời. Sự phân hóa nằm ở cách suy nghĩ, quan tâm đối với các vấn đề chính trị, xã hội, vấn đề khẳng định giá trị cục bộ (tổ chức, hội đoàn, tông phái, tổ đình, đạo tràng, chùa, và cả một khái niệm mới là “tông phong”).
Đó không phải là một sự khác biệt tĩnh, tức là hoàn toàn tách rời nhau, không tương tác với nhau. Mà trong Phật giáo Việt Nam, nhất là bộ phận ở nước ngoài, là một sự khác biệt động, tức là nó ảnh hưởng sự khác biệt lên nhau, nếu không muốn dùng đến từ va chạm.
Nếu so với các tôn giáo khác, những tương tác trong khác biệt trong Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng không và chắc chắn không bao giờ đến mức như Hồi giáo (dẫn đến xung đột bạo lực), nhưng so với Tin Lành, thì sự tương tác khác biệt trong Phật giáo Việt Nam (trong và ngoài nước) có phần sâu sắc hơn so với Tin Lành (dù Tin Lành có nhiều giáo hội khác nhau).
Sự khác biệt động trong Phật giáo Việt Nam (trong và ngoài nước) thấy rất rõ trên mạng, trên các loại hình truyền thông khác ở nước ngoài, trong hoàn cảnh giao tiếp trực tiếp, trong các băng giảng, ấn phẩm không chính thức, và có vẻ tương đối mờ nhạt ở những ấn phẩm chính thức.
Click vào một cụm từ viết tắt “PGVN” chẳng hạn trên Google, chúng ta sẽ thấy ngay sự “khác biệt động” đó (chúng tôi cố tránh từ va chạm, hay cụm từ “mất đoàn kết”).
Nhiều vị tăng ni Phật tử Việt Nam có tâm đạo, trong cũng như ngoài nước, thao thức trước tiền đồ đạo pháp, nghĩ rất nhiều đến các giải pháp giải quyết sự “vận động ly tâm”, “khác biệt động” đã nói ở trên, như trông cậy vào một vài vị tôn đức cao niên có năng lực, hay nghĩ đến một điều mà một số vị gọi là “tổng hội toàn cầu”, “liên giáo hội”…
Những giải pháp đó không thành công vì không thực tế. Hiện trạng “khác biệt động” của Phật giáo Việt Nam vẫn còn nguyên.
Cùng suy nghĩ về vấn đề trên, chúng tôi đề xuất đến việc đưa một giá trị mới vào vị trí quan tâm thứ hai của Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, dưới việc tu học và hoằng pháp, là mối quan tâm về cải đạo tín đồ Phật giáo, tức là quan tâm đến việc hộ pháp.
Nguy cơ về việc cải đạo tín đồ Phật giáo, thiểu số hóa Phật giáo Việt Nam là nguy cơ lớn, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, nếu không muốn nói đến khái niệm tồn vong, sinh tử.
Từ trước năm 1963, đặc biệt vào cao điểm từ tháng 5 đến tháng 11 năm 1963, việc cải đạo được tiến hành bằng bạo lực, nên rất dễ dàng nhận thức đối với tăng ni Phật tử miền Nam Việt Nam, tạo sự nhất trí cao độ, thúc đẩy sự đoàn kết đạt mức chưa bao giờ có trong Phật giáo Việt Nam, để đối phó với nguy cơ cải đạo, thiểu số hóa.
Hiện nay, hoạt động cải đạo được tiến hành lặng lẽ, nhưng ngày càng mạnh, trong thế tiềm ẩn. Do hoạt động ngầm, nên tăng ni Phật tử Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ đúng mức về nguy cơ cải đạo. Từ đó, hộ pháp, đối phó với cải đạo chưa là mối quan tâm hàng thứ hai của Phật giáo Việt Nam, mà thay vào đó là các quan tâm khác (các vấn đề chính trị, xã hội tổ chức, quan hệ nội bộ…).
Ngày nào Phật giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước nhận thức đầy đủ hiểm họa cải đạo mới, cải đạo mềm, cải đạo bằng thuốc độc bọc đường, cải đạo bằng hút máu không gây vết thương, cải đạo phi bạo lực, thì ngày đó sẽ có sự đoàn kết, nhất trí, cùng hướng về mục tiêu bảo vệ đạo pháp thay vì những quan tâm khác.
Trong bối cảnh hiểm họa cải đạo được báo động, tăng ni tín đồ Phật giáo Việt Nam đã nhận thức đầy đủ, thì nếu ai đó lãng trách nhiệm vụ hộ pháp, làm ngơ hay đồng lõa với hoạt động cải đạo, thì ắt sẽ hiện nguyên hình là những Diemist, như nhà sư đứng ra bênh vực cho hoạt động hoạt động cải đạo bạo lực do Diệm tiến hành 50 năm trước.
MT