Phật giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc
Phần 2: Thượng Đế, Tính Không
Mỗi thực thể vật lý hay mỗi hệ thống tín lý có lịch sử tồn tại lâu dài, ít nhất cũng chứng tỏ được sức mạnh có thật qua thử thách của thời gian. Sức mạnh nội tại của một thực thể là một thực lực không đứng yên một chỗ để chống chọi với sự tàn phá từ bên trong lẫn bên ngoài mà phải quyền biến linh hoạt. Khả năng trường tồn không chỉ đơn phương chống lại sự phá hủy mà còn là khả năng tái tạo, xây dựng lại sau khi bị phá hủy.
Đạo Phật đã ra đời và tồn tại hơn 2 nghìn 500 năm; cũng đã trải qua bao biến đổi tồn vong, hưng phế dưới nhiều hình thái và hoàn cảnh khác nhau. Sự có mặt của đạo Phật thường được xem hay bị xem như một "biệt lệ" trong hệ thống tôn giáo nhân loại: Trong khi tất cả các tôn giáo khác đều dồn hết mọi phương tiện thế gian và sức mạnh tâm linh để tiến đến cái Hiện Hữu được kinh sách của họ xác quyết một cách rõ ràng, sừng sững như một cứu cánh sau cùng thì ngược lại, đạo Phật tiến đến cái Rỗng Lặng (Tính Không) như một chân lý giải thoát cùng tột.
Các tôn giáo khác động thì Phật giáo tĩnh. Bên động hô hào tấn công chiếm lĩnh thì Phật giáo chủ trương an nhiên tự tại, nhìn rõ bản thể rỗng lặng của chính mình và đối vật để buông xả không dính mắc.
Sự tĩnh mặc quán chiếu đầy tích cực bên trong nầy thường bị những đầu óc chật chội, đầy ắp những nguyên lý luận lý học phương Tây suy diễn một cách sai lầm và hời hợt là “tiêu cực”, là “phủ định” ý nghĩa sinh động của đời sống đang trôi chảy.
Trước khi đi vào trọng tâm của vấn đề, tưởng cũng cần nêu dẫn những giới hạn tất nhiên mà trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, khó tránh khỏi:
Phương tiện tương đối đang được sử dụng để bàn về những chân tính tuyệt đối như Thượng Đế và Tính Không là ngôn ngữ. Trong khi đối với tinh thần truyền thừa của Phật giáo, ngôn ngữ được xem là phương tiện “hữu lậu” (lỏng lẻo, rơi vãi, không mô tả hết được bản chất đích thực) dễ gây ra nhiều hiểu lầm và biên kiến nhất. Một nghệ sĩ vận dụng ngôn ngữ thi ca tài hoa của dân tộc, đồng thời cũng là một thiền giả như cụ Nguyễn Du đã phải thú nhận sự bất lực của ngôn ngữ khi đọc kinh Kim Cương luận về Tính Không:
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ
Chung tri: vô tự thị chân kinh.
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ
Chung tri: vô tự thị chân kinh.
Kim Cương đọc đến ngàn lần
Mông lung ảo diệu như gần như xa
Thạch Đài đến đó hiểu ra:
Không lời không chữ mới là chân kinh (TKĐ)
Hai cột mốc ghi dấu ấn đậm nhất trong lịch sử thiền tông Phật giáo Trung Quốc mà Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm hơn cả là sự xuất hiện của Sơ Tổ Đạt Ma và Lục Tổ Huệ Năng thì cả hai đều khẳng định sự bất lực của ngôn ngữ: “Không dùng kinh văn. Ở ngoài chữ nghĩa. Thẳng tới chân tâm. Thấy tính thành Phật.”
Trong khi đó, tất cả các hệ thống tôn giáo khác đều cần một đấng thần linh cao cả nhất như Thượng Đế, Vua Trời, đấng Toàn Năng, thần Tối Cao… cùng với một pho Thánh Kinh, một nhà Tiên Tri và thường khi có thêm phép lạ. Đạo Phật phủ nhận một nguyên nhân đầu tiên sáng tạo ra muôn vật và hệ luận tất nhiên là không hề có một đấng thần linh uyên nguyên và chủ tể nào đứng ra sáng tạo muôn vật, muôn loài như thế.
Bởi vậy, trong sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, Đạo Phật không hướng lên trên, không vọng ra ngoài cầu xin ơn cứu rỗi của một tha lực đầy quyền năng hay tối thượng nào cả mà chủ trương quay vào bên trong để tìm tòi, soi rọi, nhận ra và tiếp cận với "đấng" cao cả nhất nằm trong chính mình: Đó là chân tâm, là Phật tính, là bản lai diện mục, là tự tính thường hằng, là thật tính tuyệt đối…hay nói cho đơn giản hơn là sự hiểu biết rạch ròi về Sự Thật. Đó chính là cái Thật Tuyệt Đối của mỗi con người mà mọi cá thể chúng sinh và vạn vật nói chung đều có sẵn từ cội nguồn của sự hiện hữu trong dòng sống trôi chảy triền miên từ điểm không-có-khởi-đầu đến điểm không-có-kết-thúc. Đấy không phải là một sự phủ định theo cái hiểu máy móc đời thường mà là một sự minh định, một sự xác tín từ trạng thái “ngỡ như là” của giả tướng để tìm đến bản thể “thực là”của thật tính nơi mọi loài và mọi vật.
Và, đây cũng chính là điểm then chốt cho những người muốn xây dựng luận cứ cho rằng, đạo Phật không phải là một tôn giáo mà là một hệ thống triết lý vì 4 lý do: (1) đức Phật không phải là một đấng thần linh và đạo Phật không tin vào một Thượng Đế; (2) đạo Phật giúp con người giác ngộ (enlightment) chứ không phải là cứu rỗi (salvation); (3) đạo Phật chủ trương vô ngã (nonself) và phủ nhận sự hiện hữu của linh hồn bất biến, thường tại; (4) đạo Phật không chinh phục và thuyết phục người theo bằng bùa chú, tín điều hay phép lạ.[7]
Nơi đây, cũng nên dừng lại một chút để nhìn về đạo Phật như một tôn giáo.
Trong chính niệm tính không và duyên khởi, lý nhà Phật tin vào nguồn năng lượng vô biên của hợp duyên. Đó là nguồn năng lượng do sự kết tập qua nhiều đời nhiều kiếp mà thành.
Đó chính là “nhiên liệu” kích hoạt động cơ của mọi hành động tạo nghiệp, hành nghiệp hay giải nghiệp. Với những bậc đã tu chứng từ vô thủy thì nguồn năng lượng lành không đong đếm nổi. Đó là cái “suối nguồn nhiên liệu tâm linh” cảm ứng khắp mọi thời, mọi nơi và mọi hoàn cảnh.
Chư Phật và chư Bồ tát là hiện thân của kho năng lượng lành. Khi có người thành tâm cầu xin, tức là “giải mã” để mở khóa cho nguồn năng lượng lành tuôn vào nơi đang cạn kiệt. Ví như lửa, điện, nước, sóng từ trường… có sẵn thường trực khắp nơi nhưng chỉ xuất hiện thành mây, mưa, sấm, chớp, hút, đẩy… khi có một điều kiện hợp duyên nào đó đưa tới.
Đức Phật thường nhắc đến hằng hà sa số chư Phật và chư Bồ tát trong ba nghìn thế giới. Do vậy, đạo Phật là một tôn giáo “hơn cả tôn giáo” với kho năng lượng lành phong phú không thể nghĩ, bàn theo tính cách đời thường. Sự giao hưởng tâm linh giữa người thường và đối thể ẩn chứa năng lượng lành (thường hiểu như thánh thần) hoàn toàn không vắng bóng trong đạo Phật.
Trong sinh hoạt văn hóa toàn cầu, cho đến đầu thế kỷ 20, các hệ thống thần học phương Tây vẫn có khuynh hướng chủ động và chủ quan làm “phán quan” trong việc định nghĩa những khái niệm nhân văn theo những tiêu chuẩn và hệ thống giá trị truyền thống của chính họ. Đặc biệt là khái niệm về Thượng Đế và tôn giáo. Những ý niệm nào không vừa vặn với định nghĩa theo thước, tấc, phân, ly của họ đều bị coi là… dị giáo, là ngoại đạo cần phải bị loại trừ.
Nếu khái niệm về Thượng Đế mang ý nghĩa như là sự trả lời cho một câu hỏi đã có từ khi loài người sinh ra trên trái đất nầy, rằng: “Ai/nguyên nhân/năng lực/vị thế… Đầu Tiên sinh ra vũ trụ và vạn vật, con người; và, con người sẽ biến mất như cát bụi hay còn tồn tại dưới một dạng thức nào khác sau khi chết, thân xác tan rã, thời gian trôi qua…?” thì Phật giáo cũng có một “ Thượng Đế” riêng. Đó là vạn vật đều không có một tự tính riêng thường hằng bất biến (Không Tính).
Nhưng khi những vật không có tự tính đó gặp nhau và hợp lại với nhau trong những điều kiện nào đó thì sẽ tạo ra một hợp thể mới (Duyên Khởi). Tất cả đều quay theo vòng sinh diệt của quá trình thành, trụ, hoại, không từ vô thủy đến vô chung. Con người cũng như mọi loài có sinh có chết đều tồn tại dưới một dạng năng lượng “chủng tử” và biến hiện không ngừng trong dòng sinh diệt đó.
Như thế, Thượng Đế của đạo Phật (nếu cần phải gọi theo ngôn ngữ quy ước của lý tính phương Tây) chính là Duyên Khởi. Vũ trụ, vạn vật được tạo nên hay hủy diệt là do duyên khởi và duyên hợp hay duyên tan qua vô số hình tướng hợp thể giả tạm, tuyệt đối không có tự tính thường hằng bất biến.
Mahatma Gandhi, người tin vào Thượng Đế Ấn Độ giáo từng nhận định rằng: “Đạo Phật không phủ nhận Thượng Đế nhưng định nghĩa Thượng Đế theo cách riêng của mình.” Nhà vật lý lừng lẫy nhất thời hiện đại, giáo sư Stephen Hawking, qua tác phẩm hàn lâm khoa học Sự Tạo Tác Vĩ Đại (The Grand Design) vừa xuất bản đã làm chấn động “tư tưởng sáng thế” toàn cầu khi xác định rằng, không có một đấng uyên nguyên nào đứng ra sáng tạo vũ trụ cả. Toàn thể vũ trụ được sáng tạo ra từ những thành tố không mang tính chất tiền định. Vô hình chung, Hawking và đạo Phật gặp nhau vừa vặn trong cuộc hành trình của tư tưởng khoa học nhân loại dài hơn 25 thế kỷ!
[7] Washburn, Phil (2000). Philosophical Dilemmas: A Pro and Con Introduction to the Major Questions, 78, 79 – 80.