Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ PGS.TS Cù Lệ Duyên & chữ duyên với nhạc Phật

PGS.TS Cù Lệ Duyên & chữ duyên với nhạc Phật

108

PGS.TS Cù Lệ Duyên sinh năm 1965 tại Hà Nội, từng học sơ cấp và trung cấp piano tại Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; sau đó tốt nghiệp đại học, cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành Lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Nga. Năm 1998, chị bảo vệ thành công luận án tiến sỹ Nghệ thuật học tại Nhạc viện Tchaikovsky. Trở về nước, TS Cù Lệ Duyên tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

* Là giảng viên của Khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ  huy, nhưng sau bao nhiêu năm hoạt động trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, tại sao đến bây giờ chị mới có những sáng tác đầu tiên?

– Làm việc tại một ngôi trường chuyên đào tạo về âm nhạc chuyên nghiệp, bản thân tôi từ khi còn đi học đã từng học qua những môn học về sáng tác. Nhưng không giống như những chuyên ngành khác của âm nhạc, sáng tác đòi hỏi cảm xúc, sự thăng hoa, xuất thần của tâm hồn hơn là những kiến thức tích luỹ. Cá nhân tôi chưa bao giờ định liệu cho mình khi nào phải sáng tác, khi nào không. Mọi ý tứ, giai điệu đến với tôi rất bất ngờ, giống như duyên Phật trời đã định trước cho tôi vậy.

PGS.TS Cù Lệ Duyên

* Vậy còn lí do chị chọn nhạc Phật thì sao?

– Tất cả những sáng tác của tôi trong album Hương Sơn ca vol.2 đều là những ca khúc về chùa Hương, với nội dung ca từ để tôn vinh cảnh đẹp của chùa Hương và cảm xúc của tôi trước cảnh núi non hùng vĩ tại đó.

Bản thân là một Phật tử, tôi đã từng có cơ hội đi viếng cảnh nhiều chùa đẹp của đất nước, nhưng thực sự chuyến đi về chùa Hương vừa rồi mang lại cho tôi nhiều cảm xúc rất lạ. Tôi có vinh dự được diện kiến thầy trụ trì tại chùa Hương, thầy Thích Minh Hiền. Được đàm đạo với thầy, nghe thầy thuyết giảng về giáo lý đạo Phật làm tôi mở mang được nhiều điều. Đặc biệt, thầy Thích Minh Hiền còn ưu ái tặng tôi đĩa Hương Sơn ca vol.1. Về nhà xem đĩa, nhất là phần phim tài liệu về chùa mang tên Bầu trời cảnh Bụt làm tôi xúc động khôn tả. Cảm xúc trào dâng trong lòng đã thôi thúc tôi sáng tác ca khúc Hương Thiên, ca khúc đầu tiên của album.

Sau đó, như được gia hộ, những sáng tác tiếp theo lần lượt ra đời một cách nhanh chóng. Vậy là chỉ trong vòng nửa năm, hơn 30 ca khúc Phật giáo đã được tôi hoàn thiện và ra mắt.

Bìa đĩa Hương Sơn ca vol.2

* Lần đầu sáng tác ca khúc, lại là những ca khúc Phật giáo – thể loại khó và chưa hề phổ biến, chị có gặp khó khăn gì không?

– Tôi nghĩ ai cũng vậy thôi, mới bắt đầu làm việc gì cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Nhưng như đã nói ở trên, việc tôi sáng tác ca khúc Phật giáo như là một mối lương duyên trời cho. Việc sáng tác giai điệu – những gì thuộc về cảm xúc – diễn ra rất tự nhiên nhưng đến khi tôi viết lời cho những giai điệu đó thì hơi khó một chút. Đây là những ca khúc Phật giáo, nên nội dung là điều rất quan trọng, không thể mang nguyên những ngôn từ của cuộc sống đời thường vào nhạc chùa được.

Nhưng tuy nhiên tôi vẫn muốn ca từ của mình phải mang đậm chất thơ, có nội dung dễ hiểu và gần gũi với đời sống một chút. Nói nôm na là trong đạo có đời, trong đời có đạo, đạo đời hoà quyện. Nhưng tôi cũng may mắn vì nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ thầy Thích Minh Hiền. Nhờ có thầy cố vấn, góp ý tôi mới có thể hoàn thành được những ca khúc của mình.

* Trong số nhạc sĩ hoà âm phối khí cho album, nhiều người là nhạc sĩ trẻ, lại đang sáng tác chủ yếu những ca khúc thị trường. Chị có thấy mình hơi “liều lĩnh” khi giao cho những nhạc sĩ “rất đời” các ca khúc nhạc Phật?

– Khi đem bài đến nhờ các nhạc sĩ phối khí giúp, cá nhân tôi không hề phân biệt ai là thị trường, ai là hàn lâm. Đối với tôi họ đều là những người đồng nghiệp, học trò mà tôi rất tin cậy. Chúng tôi đã cùng nhau làm việc rất nghiêm túc, chăm chỉ và rất có trách nhiệm. Có bạn, do từ trước tới nay chưa nghe nhạc chùa bao giờ nên chưa có nhiều hình dung về công việc mình phải làm. Vì thế bạn ấy đã dành hẳn 3 ngày liên tiếp để lên chùa, tìm hiểu không gian, cảnh vật nơi cửa chùa, tìm hiểu đời sống của các tăng ni Phật tử để có thêm vốn sống nhằm đưa vào các bản phối của mình.

Việc làm này của các bạn khiến tôi vô cùng xúc động. Không có sự giúp sức của các bạn, những ca khúc của tôi sẽ mãi chỉ là những nốt nhạc nằm trên giấy và không thể trở thành một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh được.

* Xin cảm ơn chị!