Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam PGS Tống Trung Tín: Chùa Phật Tích đã tạm ngừng thi công

PGS Tống Trung Tín: Chùa Phật Tích đã tạm ngừng thi công

53

Tôi chưa được biết nội dung chính thức của văn bản đó như thế nào, nhưng rõ ràng đó là một quyết định kịp thời và đúng đắn. Qua những người có trách nhiệm với ngành văn hóa ở Bắc Ninh mà tôi có dịp tiếp xúc, tôi nghĩ rằng công việc xử lý tiếp theo chắc chắn sẽ đảm bảo đúng luật Di sản văn hóa- PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam.


Thông tin tạm ngừng việc trùng tu ngôi chùa cổ Phật Tích để có những bước xử lý khoa học tiếp theo đúng với các quy định của Luật Di sản đã được PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cố học Việt Nam trả lời chiều 27/11:


Chiều 23/11, Đoàn chuyên gia quốc tế đến dự hội thảo “Nhận diện giá trị Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh” xuống thăm chùa Phật Tích đã lên tiếng khi việc tu bổ chùa đã xâm hại đến di tích khảo cổ học trong lòng đất. PGS có biết việc này?


– Tôi là người tham gia tổ chức hội thảo này, và có cử cán bộ của Viện dẫn đoàn đi tham quan một số di tích tiêu biểu của đất nước như Cổ Loa, Văn Miếu… Các nhà khoa học muốn được thăm những di tích có liên quan đến việc so sánh với HTTL thời Lý, Trần, Lê, nên chùa Phật tích được xây dựng dưới thời Lý thánh Tông 1057 cũng là điểm dừng chân.


Khi đoàn khách trở về, một số nhà khoa học trong nước và ngoài nước có hỏi tôi rằng “Hiện nay ở chùa Phật Tích đang có tu sửa, và việc tu sửa đã làm xâm hại di tích khảo cổ học (KCH) dưới lòng đất. Ông có biết gì về việc đó không?”. Tôi hoàn toàn không biết gì, nếu biết có tu sửa thì tôi sẽ yêu cầu BTC không đưa đoàn đến đó tham quan, mà sẽ tìm một địa điểm khác như chùa Bà Tấm ở Gia Lâm- Hà Nội hay tháp Long Đọi Sơn (Hà Nam) cũng là những di tích của thời Lý…


Là Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN, khi nghe tin này ông đã phản ứng như thế nào? Viện có đề xuất gì với các cơ quan có thẩm quyền?


– Khi biết tin có một số việc xảy ra ở chùa Phật tích, thực sự tôi rất quan tâm cũng như rất sốt ruột. Chiều 26/11, đang đi dự hội nghị kỷ niệm 700 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Quảng Ninh, tôi đã tranh thủ cùng TS Nguyễn Văn Sơn (Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội) đã ghé vào thăm chùa. Tới hiện trường, tôi thấy lòng chùa đã được đào móng và xây dựng những móng nền mới, và đồng thời ở chính giữa lòng chùa thì nền móng của chùa Phật tích xây bằng gạch đã xuất lộ toàn bộ, rất chắc chắn và đẹp, bề dày của tường móng lên tới 2.4m. Điều đó làm tôi suy nghĩ, rằng đúng đây là một tháp rất kiên cố vào thời Lý, và đây có thể chính là dấu vết nền tháp mà KTS Louis Bezacier đã khai quật trước 1945. Tôi cũng liên tưởng tới ghi chép thời đó, rằng tháp cao đến mức đứng ở Thăng Long có thể thấy ngọn tháp.


Tại hiện trường, không thấy tiếp tục hoạt động xây dựng. Hỏi thăm một vài cán bộ di tích Bắc Ninh đang có mặt ở đó, được biết cấp trên sau khi có phản hồi dư luận đã biết và kịp thời có những chỉ thị tạm dừng xây dựng. Tôi cũng có liên lạc tại chỗ với các vị có trách nhiệm quản lý ngành văn hóa ở Bắc Ninh, các vị cũng nói hiện nay đã nhận được những chỉ thị từ Bộ VH – TT – DL là sẽ tạm dừng để có những bước xử lý khoa học tiếp theo. Tôi chưa được biết nội dung chính thức của văn bản đó như thế nào, nhưng rõ ràng đó là một quyết định kịp thời và đúng đắn. Qua những người có trách nhiệm với ngành văn hóa ở Bắc Ninh mà tôi có dịp tiếp xúc, tôi nghĩ rằng công việc xử lý tiếp theo chắc chắn sẽ đảm bảo đúng luật Di sản văn hóa.


Với những di tích quốc gia, công tác trùng tu bảo tồn phải theo quy trình gì để tránh những câu chuyện đáng tiếc như ở chùa Phật tích?


– Theo tôi, tốt nhất là thực hiện thật nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa của Bộ VH – TT – DL, của Cục Di sản. Viện KCH đang thực hiện các chương trình KCH phục vụ trùng tu ở Nam Định, Đông Triều, Yên Tử (Quảng Ninh), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa)… Chi tiết chắc chắn Bộ sẽ có hướng dẫn cho các nơi, nhưng có thể nói nôm na là Bộ VH TT DL luôn yêu cầu trước khi trùng tu những di tích, đặc biệt di tích đã xếp hạng, phải có thám sát, khai quật KCH xem dưới lòng đất có gì không? Rồi quy trình thám sát khai quật cũng phải được tuân thủ: xin giấy phép khai quật, khai quật thám sát, khai quật mở rộng, chụp ảnh, làm hồ sơ khoa học…


Nếu như có móng những công trình kiến trúc ở dưới, việc giữ, phát huy hay xây dựng tiếp theo như thế nào phải tính toán hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng, nhiều trường hợp phải có hội thảo nghiên cứu thì mới đề xuất được những bước hợp lý nhất, nhiều trường hợp phải giữ nguyên di tích dưới lòng đất, việc đào móng xây mới không được đụng vào tầng văn hóa. Một ví dụ gần đây nhất là ở chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), một ngôi chùa nổi tiếng thời Lý, Trần. Trước đây, nhân dân và cán bộ địa phương đã tự nguyện xây dựng ngôi chùa mới trên nền chùa này. Khi Sở VH – TT – DL tỉnh biết, họ đã tự đình chỉ công trình, sau đó Bộ cho phép Viện KCH và tỉnh phối hợp khai quật, hiện nay đã làm xuất lộ móng cũ của chùa, và đang tiến tới nghiên cứu đề xuất các bước tiếp theo. Quy trình đó đã làm rõ giá trị lâu đời của di tích, nhân dân và cán bộ rất hiểu và phấn khởi với công việc khảo cổ ở di tích này.


Nhiều người cho rằng chùa Phật tích dù xây từ thời Lý, nhưng đã qua rất nhiều lần trùng tu, lần mới nhất vào những năm cuối thế kỷ trước, nên không còn giá trị nhiều. Với hơn 30 năm nghiên cứu các di tích, ông có thể cho biết về giá trị của chùa Phật tích?


Theo chính sử, văn bia, ngôi chùa Phật tích được xây dưới thời Lý Thánh Tông, chính xác hơn theo những viên gạch xây chùa là “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (tương ứng năm 1057), hay “Lý gia đệ tam đế Trương Thánh Gia Khánh thất niên tạo” (năm 1065). Theo sử sách mô tả, ngôi chùa thời Lý đó quy mô rát lớn, kiến trúc rất đẹp. Cho đến tận thế kỷ 18, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án còn mô tả Chùa Phật tích do vua Lý xây dựng cung son điện vẽ san sát ở trong núi. Tấm bia thời Lê ở chùa này cũng mô tả chùa rất hoành tráng. Tuy nhiên, trải qua thời gian cũng như các biến động khách quan, toàn bộ ngôi chùa thời Lý cũng như ngôi chùa trùng tu dưới thời Lê đã bị phá hủy. Rất may là qua thời gian, ngay tại khu di tích này còn giữ được rất nhiều dấu tích của nghệ thuật kiến trúc thời Lý.


Đó là những tầng nền được san bạt vào núi rồi xếp đá kè bên ngoài, chứng minh cho quy mô to lớn của chùa xưa. Đặc biệt, pho tượng Phật bằng đá hiện nay còn có cả bệ bát giác trạm rồng và sóng nước là pho tượng đá lớn nhất và đẹp nhất, cổ nhất trong lịch sử tạo tượng Phật VN. Cùng đó còn cả dãy tượng 10 con thú đá cũng là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc rất đẹp và cũng rất hiếm còn lại của thời Lý. Hệ những tháp đá ở vườn tháp cũng là những chứng cứ phản ánh lịch sử tồn tại lâu dài của chùa Phật tích, qua thời Lê, thời Nguyễn. Đó là sơ lược những gì còn lại trên mặt đất.


Còn dưới lòng đất, hiện nay KCH chưa có dịp thăm dò ở đây nên không biết rõ sẽ có gì, nhưng theo tài liệu của trường Viễn đông Bác cổ Pháp để lại thì khoảng trước năm 1945, KTS nổi tiếng của Pháp là Louis Bezacier đã tiến hành trùng tu ngôi chùa Phật tích. Trước khi trùng tu, theo yêu cầu của viện Viễn đông bác cổ, ông đã tiến hành khai quật nền chùa, đã phát hiện ra nền của ngôi tháp thời Lý còn nằm nguyên vẹn dưới lòng chùa, cùng rất nhiều di vật tiêu biểu cho nghệ thuật xây chùa Phật Tích, cũng là nghệ thuật xây dựng đặc sắc thời Lý. Theo các tài liệu chúng tôi đọc được, ông đã nghiên cứu, đo vẽ rất cẩn thận, rồi giữ nguyên trạng di tích và lấp đi. Mọi hoạt động trùng tu chỉ diễn ra trên mặt đất nên không đụng gì đến lòng chùa nữa.


Giá trị nổi bật của chùa Phật Tích (trước khi phát lộ HTTL) là nguồn tư liệu phong phú, phản ánh nghệ thuật thời Lý giai đoạn giữa TK11, có thể gọi là thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật thời Lý. Do có niên đại chắc chắn nên các di tích, di vật của chùa Phật tích thường được dùng làm mẫu để so sánh với di tích, di vật thời Lý ở các nơi khác. Chẳng hạn ở HTTL, cũng có loại gạch tạo tác năm 1057, 1065, nhiều di vật như rồng uyên ương, cũng có những đặc điểm tương tự như ở chùa Phật tích. Cũng chính vì vậy, di tích được xếp hạng cấp quốc gia rất sớm, luôn là điểm đến tham quan nghiên cứu của giới khoa học và công chúng.