Trang chủ Thời đại PGS Nguyễn Duy Hinh: Tôn giáo cũng phải luôn đổi mới

PGS Nguyễn Duy Hinh: Tôn giáo cũng phải luôn đổi mới

83

Trong cuộc trò chuyện không dài nhưng rất cởi mở và thẳng thắn với PGS. Nguyễn Duy Hinh, tôi đã kịp nhận ra rằng, không phải ông không thích sự thành đạt, nhưng vì sao đấy ông lại hay thích giễu cợt những sự thành đạt trong công vụ… Ông có lẽ cũng là một người sành sỏi trong mọi sự ở đời (một người có học vấn sâu sắc như thế, từng trải như thế, đi đây đi đó nhiều như thế thì không thể không là một người lịch lãm) nhưng lại luôn miệng nói rằng mình rất nổi tiếng nhưng chỉ với những bà bán nước chè ở đầu cái ngõ nhỏ tùng tiệm trên đường Trương Định, nơi ông đang cư trú, mà thôi.

PGS. Nguyễn Duy Hinh đã tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc trên dưới 10m2 của mình. Tại đây có một cái giường nhỏ, một bàn làm việc, vài ba kệ sách đầy chật ở xung quanh, giống hệt như những gì tôi đã từng trải qua 30 năm trước, trong thời bao cấp. Nói thực rằng, lâu lắm rồi tôi mới được gặp lại một khung cảnh như thế ở tư gia của một học giả… Và cũng trong khung cảnh như thế, PGS. Nguyễn Duy Hinh đã từ biệt cõi đời ba tháng sau (tháng 8-2008) cuộc trò chuyện với chúng tôi, một cách bất ngờ, giản dị… Ông là một trí thức, một học giả đích thực, xứng đáng được chúng ta ngưỡng mộ và tôn kính…

Những gì mà PGS. Nguyễn Duy Hinh đã trao đổi với chúng tôi năm năm trước cho tới nay vẫn còn nguyên tính thời sự và sâu sắc. Câu chuyện của chúng tôi với PGS. Nguyễn Duy Hinh đã bắt đầu từ sự kiện Phật giáo lớn mới diễn ra khi đó, lễ hội Vesak Liên Hợp Quốc.

– Hồng Thanh Quang: Xin phép được hỏi, ấn tượng của ông như thế nào về Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc vừa diễn ra ở nước mình?

– PGS. Nguyễn Duy Hinh: Nếu nói một cách đơn giản thì phải dùng tới hai chữ “hoành tráng”. Tổ chức UNESCO của Liên Hợp Quốc đã công nhận Đại lễ Phật đản như một lễ hội Phật giáo lớn.

– Điều này có đồng nghĩa với việc UNESCO “thiên vị” Phật giáo không?

– Không nên lầm lẫn như thế. Với tư cách là Tổ chức Văn hóa và Khoa học của Liên Hợp Quốc, UNESCO phải có thái độ bình đẳng đối với mọi tôn giáo. Việc công nhận một lễ hội Phật giáo vì những ý nghĩa xứng đáng của nó như một hiện tượng văn hóa hoàn toàn không đồng nghĩa với việc đặt nó lên trên các tôn giáo khác.

Đấy quả là chuyện tế nhị và rất hay. Tôi nghĩ rằng trong đời sống hiện đại, thừa nhận các lễ hội tôn giáo khác nhau là rất có lý và nhờ thế có thể giúp cho các tôn giáo khác nhau dễ giao hòa với nhau hơn và đỡ trở nên đối kháng với nhau.

– Đấy là một vấn đề rất tế nhị trong lĩnh vực tôn giáo. Bởi vì nếu anh không bảo đảm được sự bình đẳng giữa các tôn giáo thì sẽ sinh ra rắc rối. UNESCO là một cơ quan văn hóa nên rất chú trọng đến cách ứng xử với các tôn giáo sao cho có văn hóa nhất.

Và phải công nhận rằng, trong chuyện này, họ đã xử lý rất tốt. Và Việt Nam cũng đã làm rất tốt việc tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak 2008. Tôi xin được chuyển chủ đề: Thưa ông, trong thời hiện đại, rất nhiều tôn giáo dù đã được phổ biến đến mấy thì cũng đều cố gắng thay đổi, cách tân để thích ứng với điều kiện sống của người đương thời. Ông nghĩ thế nào về các xu hướng tân thời hóa, hiện đại hóa của các tôn giáo?

– Trong một bài viết cho một cuộc hội thảo khoa học, tôi từng chứng minh rằng, không một tôn giáo nào lại không bao giờ đổi mới. Bởi lẽ, không đổi mới thì không tồn tại được, chứ đừng nói gì tới phát triển. Phật giáo đang tồn tại trong xã hội hôm nay đã có nhiều đổi khác, rất khác so với đạo Phật từng tồn tại trong triều nhà Lý.

Mọi sự đều bèo trôi nước chảy nên chúng ta cũng phải thay đổi thôi…

– Cho nên tất cả các tôn giáo đều luôn có sự đổi mới. Đổi mới tức là thích nghi với không gian và thời gian. Nếu không thích nghi với không gian và thời gian thì bất cứ hiện tượng tôn giáo nào cũng dễ bị triệt tiêu. Ngay triết học cũng phải đổi mới, cho nên trong lĩnh vực triết học có khái niệm “tân”, “new”… 

Có triết học Hegel thì cũng sẽ có triết học tân Hegel…

– Tôn giáo cũng cần phải thích ứng với thời gian và không gian. Thế nào là thích ứng về không gian? Tức là đạo Phật xuất phát từ Ấn Độ nhưng khi được truyền sang Trung Quốc thì phải thích ứng với điều kiện của Trung Quốc, với văn hóa Trung Quốc. Đạo Phật sang Việt Nam cũng đổi mới để thích ứng với điều kiện cụ thể của văn hóa và con người Việt Nam. Còn thích ứng với thời gian thì là chuyện dễ hiểu rồi.

Không thể sống ở hôm nay mà tâm hồn cứ y nguyên như nghìn thuở xưa…

– Nhìn từ góc độ này, một số người đưa ra khẩu hiệu “Chùa phải ra chùa, sư phải ra sư” là hơi có ý bảo thủ. Vì sao? Vì, ngày xưa nhà sư thường chỉ đi bộ, bây giờ nhà sư đi xe máy thì có sao? Cũng như vua ngày xưa đi kiệu, bây giờ đi máy bay thì có sao! Chùa cũng vậy, chùa cổ với chùa hiện đại rất khác nhau. Những chùa mới xây xong như chùa trên Sóc Sơn chẳng hạn thì không giống với chùa cổ. Tất nhiên, có một nguyên tắc nào đó giống nhau nhưng tựu trung thì chùa hiện đại không nhất thiết phải hoàn toàn giống như những ngôi chùa cổ về hình thức.

Ý nghĩa của tôn giáo có thể là bất biến nhưng cách truyền giáo và cách hành đạo thì mỗi thời mỗi khác. Và điều đó không hề ảnh hưởng gì tiêu cực đến ý nghĩa của tôn giáo…

 

 Ảnh: Minh Trí.

 

– Tất nhiên. Trước kia làm gì có bê tông cốt sắt! Tôi từng giúp một nghiên cứu sinh làm luận văn tiến sĩ về  kiến trúc các ngôi chùa ở TP Hồ Chí Minh. Trong luận văn đó có đưa ra một nhận xét: Về cơ bản, các ngôi chùa ở TP Hồ Chí Minh bây giờ đã có thay đổi từ mặt bằng sang mặt thẳng đứng. Tức là sao? Tức là nếu ngày xưa, kết cấu một ngôi chùa là trải ra trên một mặt phẳng, từ tiền đình sang thiêu hương rồi thượng điện. Ngày nay, lắm khi tiền đình là tầng trệt, thiêu hương là tầng hai còn thượng điện là tầng ba. Bên Singapore, tại các ngôi chùa thờ Phật của người Hoa, lắm khi tiền đình còn là nhà hàng, vừa phục vụ sách vở, vừa phục vụ ăn uống nữa. Thậm chí là cả khách sạn…

Trong tôn giáo, hình thức rõ ràng không phải là điều quan trọng nhất, vì đến ngay cả nghi lễ thì cũng có thể thay đổi mỗi thời mỗi khác. Có lẽ cái quan trọng nhất trong bất cứ một tôn giáo nào cũng là sự tu luyện về mặt tinh thần. Có mối liên hệ nào giữa sự tu luyện về mặt tinh thần với sự phải trải nghiệm bằng thể xác? Ngày xưa thì hai cái đấy đã hòa quyện với nhau rất rõ, muốn đi lấy kinh phải qua chừng ấy chặng đường và vượt qua từng ấy kiếp nạn; muốn vào chùa Hương phải đi bộ từng ấy bậc đá. Bây giờ có rất nhiều phương tiện kỹ thuật giúp đỡ… Trong bối cảnh mới, những tiện nghi làm giản tiện các phép hành xác liệu có ảnh hưởng đến sự tu luyện về tinh thần hay không?

– Trong tôn giáo phải phân biệt hai tầng lớp: tu sĩ và quần chúng tín đồ. Giữa tu sĩ và quần chúng tín đồ có một khoảng cách rất lớn. Quần chúng tín đồ không nhất thiết phải hiểu các giáo lý như tu sĩ và chính tầng lớp quần chúng tín đồ này sẽ sản sinh ra cái gọi là tôn giáo dân gian. Họ không giống các ông tu sĩ; các ông tu sĩ thuộc về dòng văn hóa bác học. Các ông ấy đọc kinh, đọc kệ, giải thích kinh kệ, hành xác… đủ mọi thứ. Nhưng tầng lớp quần chúng tín đồ tin ở tôn giáo chủ yếu về mặt đạo đức chứ không quá đi sâu vào các giáo lý. Tất nhiên, tín đồ thì cũng tin ở thần phật nhưng những cái mà họ vận dụng cho phù hợp với lợi ích của mình là ở yếu tố đạo đức, ở tinh thần cứu khổ, cứu nạn, bố thí, hỉ xả, là hướng thiện…

Tiêu chí ở đây là bác ái nhân nghĩa…

– Bác ái nhân nghĩa, họ gọi là từ, bi, hỉ, xả. Còn ở trong nhà chùa, trên thượng tầng Phật giáo, các ông tu sĩ mới chia ra nào là tứ diệu đế, nào là thập nhị nhân duyên, nào là ngũ giới… Và chia ra nào là Đại thừa, Tiểu thừa… Và nhận thức của các ông tu sĩ về những điển tích, giáo lý có khi rất khác nhau… Đó là hai việc ở trong bất kỳ tôn giáo nào, đặc biệt là trong Phật giáo. Còn ở Thiên Chúa giáo thì sự phân biệt này ít hơn, bởi vì Thiên Chúa giáo rất chú trọng việc giảng dạy về giáo lý cho quần chúng. Nhưng bên Phật giáo việc này không bắt buộc, không nhất thiết, chỉ cần anh tin vào Phật, anh “nam mô a di đà Phật”, và anh không sát sinh, không làm điều ác, anh chăm chú làm điều thiện là coi như anh là tín đồ…

Tôi hiểu, trong điều kiện của cuộc sống hiện đại, một tôn giáo càng giản tiện các thể thức nhập cuộc thì càng có cơ hội giúp quần chúng, tín đồ đến với nó được thuận lợi hơn. Nhưng đối với các tu sĩ thì sao? Nên chăng là để những tu sĩ cũng được dễ dàng hơn, sung sướng hơn khi tiếp nhận giáo lý? Và nếu đúng như thế, liệu quá trình giản tiện hoá đó có làm giảm bớt ý nghĩa và vai trò của tôn giáo không?

– Trên thế giới gần đây có một việc là một số tu sĩ cũng muốn lấy vợ. Các mục sư Tin Lành chẳng hạn, đều có vợ cả. Trong đạo Phật ở một số nơi cũng có những trường phái mà người đi tu được lấy vợ. Như tại Nhật Bản chẳng hạn, theo những gì tôi biết. Cũng đã có lần những nhà nghiên cứu tôn giáo chúng tôi có đưa ra thảo luận vấn đề này. Ý kiến của tôi là, có thể để người tu hành lập gia đình nhưng đã lập gia đình rồi thì không được ở trong chùa nữa. Thì từ ngày xưa, bản thân Phật giáo từ thuở ban đầu đã có hai loại, là các nhà sư hành khất gọi là tỳ kheo, và một nhóm gọi là cư sĩ. Cư sĩ ở nhà, họ có vợ, có con đàng hoàng; có những cư sĩ rất nổi tiếng như là Duy Ma Cật. Ông này viết hẳn một bộ kinh mang tên mình, gọi là bộ kinh Duy Ma Cật…

Ông nói cũng có lý của mình. Theo cái hiểu của tôi trước đây, muốn ngộ một điều gì đấy thì cần phải có sự ép xác nhất định, cần có sự chịu đựng về da thịt mình nhất định. Nếu bây giờ muốn nhận thức chân lý hay giáo lý mà lại hoàn toàn không muốn bị ràng buộc bởi những mối quan hệ vật chất nhất định, không có sự chịu đựng nhất định khác với người thường thì liệu có thỏa đáng không?

– Vấn đề này đã tồn tại ở trong bản thân Phật giáo, ngay tại Ấn Độ. Đấy chính là vấn đề đã tách rời đạo Phật ra thành Tiểu thừa và Đại thừa. Đại thừa thừa nhận cuộc sống của người và cứu vớt nỗi đau khổ của người bằng những phép thuật. Nhưng Tiểu thừa chủ trương đời là bể khổ, phải chấm dứt luân hồi, không tái sinh nữa. Đại thừa nhấn mạnh là phải yêu thương con người và phải giúp đỡ họ vượt qua những đau khổ đó…

Để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống trần thế này?

– Đúng vậy. Nhưng Thích Ca Mâu Ni từng nói rằng, không nên quá ép xác, cũng không nên quá phóng túng, phải đi theo con đường trung đạo. Bản thân Đức Phật khi bắt đầu ngồi ở trên Tuyết Sơn là tu ép xác, gầy gò, sắp chết. Cuối cùng, Người mới bỏ Tuyết Sơn xuống ngồi ở Bồ Đề Đạo Trường thì mới thành ra kết quả. Nghĩa là không tiếp tục hành xác kiểu cũ mà chuyển sang một dạng mới, có ăn uống và ngồi suy nghĩ. Đấy là một thái độ đúng với ép xác, tức là không cực đoan. Thích Ca Mâu Ni không chủ trương cực đoan, không chủ trương quá ép xác…

Theo tôi hiểu, thì tôn giáo là một con đường khác để giúp con người xử lý tất cả các mâu thuẫn, những khó khăn, những phức tạp trong cõi nhân sinh của mình để cố gắng tiếp cận đến cái chân – thiện – mỹ. Tôn giáo tác động đến con người hoàn toàn khác với cách mà chính trị tác động đến con người, mặc dù một nền chính trị lành mạnh thì cũng là giúp con người như thế. Trên quan điểm như thế, hiện nay chúng ta nên hiểu thế nào trong việc một số người hoạt động tôn giáo chủ trương rất tích cực tham gia vào đời sống xã hội thường nhật với những phương thức trần tục nhất?

– Người ta từng nói về nhập thế và xuất thế. Nhưng theo tôi thì, tôn giáo mà khi anh nhận thức được với tư cách là giáo chủ, anh truyền cho người khác, như thế là nhập thế rồi. Nhưng người ta nói nhập thế và xuất thế là ở chỗ này: Ông sư đã đi tu không quản đến việc đời nữa, gọi là xuất thế…

Không màng đến danh lợi ở đời nữa…

– Không màng danh lợi và chỉ tu cho mình, tức là tự giác, đấy là những người tu thành La Hán. Đấy là trường phái đầu tiên, giai đoạn trước Đại thừa, tu thành La Hán, người ta gọi là tự giác, mình giác mình thôi, không màng đến các ông xung quanh. Từ Đại thừa mới đưa ra khẩu hiệu “tự giác giác tha”, tức là tôi tự giác nhưng tôi giúp ông kia “giác”, giúp ông này “giác” nữa, gọi là giác tha… Đó là Bồ Tát thừa…

Tôi vẫn muốn biết ý kiến của ông về một kiểu nhập thế, khi người tu hành lại muốn tác động vào cõi thế bằng những biện pháp của cuộc sống trần tục. Liệu điều này có làm mất đi nghĩa của hoạt động tu hành hay không?

– Việc bói toán, cúng sao, giải hạn… của một số nhà sư, nhà chùa cũng là một sự thích nghi với không gian. Thư tịch cổ còn lại cho thấy, những việc này có từ thời nhà Lê; sớm hơn nữa có hay không thì hiện ta không còn thư tịch để chứng minh. Chúng ta nên coi những cái đó như một sự thích nghi với bản thân không gian và thời gian. Nhưng xét cho cùng, những cái đó không phải là Phật giáo, nhưng bởi vì tư tưởng anh là cứu độ, cứu nạn, nên người dân muốn gì thì anh phải làm cái đấy. Đó là những thủ pháp cụ thể để cho anh giải quyết vấn đề cứu độ, cứu nạn. Ở đây có hai việc như thế này: Đứng về một mặt nào đó, phải công nhận rằng những việc như thế không phải là giáo lý, nhưng mặt khác cũng không thể bài bác được, bởi vì bản thân đó là một biện pháp để thích nghi với tư tưởng cứu khổ cứu nạn của người bình thường.

Tôi hiểu… Xin được hỏi tiếp: Trong điều kiện hiện nay thế giới rất phức tạp và sự tồn tại của các dân tộc trong thế giới hiện đại có rất nhiều mâu thuẫn thì thực sự vai trò của tôn giáo thế nào để vừa phù hợp với lòng yêu nước cụ thể của từng dân tộc vừa không mâu thuẫn với những giáo lý đại đồng?

– Đây là vấn đề giữa thần quyền và pháp quyền. Bao giờ thì hai bên cũng đều muốn nương tựa vào nhau cả. Bao giờ một tôn giáo muốn tồn tại được đều phải dựa vào pháp quyền, còn những tôn giáo nào chống đối pháp quyền thì sẽ sinh ra pháp nạn; khi nào anh chống đối với pháp quyền thì sinh ra pháp nạn.

Và lúc đấy các nhà hoạt động tôn giáo phải tự trách mình chứ không thể trách ai khác được. Bởi vì không có cách nào khác được, một khi anh đã sử dụng biện pháp của chính trị can thiệp vào chính trị và đời sống thế tục thì chắc chắn thế tục sẽ đối với anh theo đúng thế tục chứ không phải lại lấy giáo lý ra làm cái khiên chống đỡ. Có đúng như vậy không ạ?

– Tôn giáo nào cũng vậy, khi nó đã vào cuộc sống thì nó trở thành một lực lượng xã hội. Một xã hội có rất nhiều lực lượng xã hội, nhiều sức mạnh xã hội riêng, thuộc về hệ tư tưởng khác nhau. Nó sẽ diễn ra sự cọ xát giữa các hệ tư tưởng khác nhau và nó sẽ có hai xu hướng, một xu hướng là hòa nhập lẫn nhau, tiếp thu lẫn nhau; một xu hướng là bài xích lẫn nhau. Trong một xã hội tích cực thì xu hướng hội nhập bao giờ cũng là xu hướng chủ đạo. Đấy là xét về mặt toàn thế giới và tất cả các loại tôn giáo đều như vậy. Riêng văn hóa Việt Nam lúc nào cũng chủ yếu là văn hóa tam giáo, lúc nào cũng có Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Các anh cứ xem đi, chẳng qua trong một thời gian nào đó thì có bộ phận này trội hơn bộ phận khác…

Thí dụ như thời Lý, Trần thì Phật giáo trội hơn…

– Thời Lê thì Nho giáo trội. Nhưng nói Nho giáo trội thì không có nghĩa là Phật giáo hay Đạo giáo bị mất đi.

Vẫn tồn tại song song và hòa quyện…

– Đúng thế. Cũng cần phải hiểu là, tam giáo còn có nghĩa là ba hệ tư tưởng. Bản thân Phật giáo vừa là một tôn giáo, vừa là một hệ tư tưởng. Người ta sử dụng Phật giáo có khi về mặt tôn giáo và cũng có thể về mặt hệ tư tưởng. Tôi không tán thành Khổng giáo là tôn giáo. Mặc dù có nhiều ông thầy cũ của tôi ở Trung Quốc đang chuyển sang quan điểm coi Khổng giáo là tôn giáo; đó là vì định nghĩa về tôn giáo của mỗi người một khác. Nhưng nếu nói theo thuật ngữ tôn giáo theo định nghĩa chung của cả thế giới thì Nho giáo không lọt được là tôn giáo… Phải nhìn nhận mọi sự một cách công bằng và khoa học! Trong mỗi tôn giáo có hệ tư tưởng, nhưng trong hệ tư tưởng không nhất thiết phải có tôn giáo…

Tôi vẫn muốn hỏi ông chuyện này: Nếu các tu sĩ muốn mình cũng được sống trong điều kiện vật chất không khác gì lắm so với người bình thường thì liệu tôn giáo như thế có tương lai không? Và liệu tôn giáo như thế có còn giá trị đích thực của nó hay không?

– Có người nói rằng tôn giáo trong tương lai vẫn tồn tại. Có người bảo rằng nó còn phát triển…

Tôi hiểu, nhưng tôi muốn hỏi ông một việc cụ thể hơn. Cái việc làm giảm nhẹ những trải nghiệm thể xác vật chất của tu sĩ đóng vai trò thế nào đối với việc hiểu đạo, thẩm thấu đạo, ngộ đạo, giác ngộ giáo lý? Được giảm nhẹ đi những gánh nặng thể xác thì có làm tăng thêm sự thăng hoa của tinh thần trong việc giác ngộ đạo lý, giáo lý hay không?

– Xu hướng thế tục hóa đời sống tu hành tất nhiên là có ảnh hưởng đến bản thân tôn giáo. Nhưng đấy lại là một xu thế không thay đổi được.

Theo ông, đã là nhà tu hành mà vẫn muốn sự hoành tráng, vẫn muốn sự sặc sỡ, sự to cao, uy quyền… thì như thế có mâu thuẫn gì không?

– Phật đã nói, dùng sắc, tức là hình thức, để mà đến với ta thì đó không phải là thờ phụng ta, không phải là tín đồ của ta. Nhưng thời gian đã khác rồi, không gian đã khác rồi. Và cũng vì thế nên đa phần các tôn giáo hiện nay đang đứng trước những thay đổi không thể nào tránh khỏi, bởi không thay đổi thì khó duy trì được vị thế của mình.

Như chính bản thân của xã hội loài người hiện nay, những biểu hiện văn minh của xã hội loài người hiện nay. Một số mặt dường như đã đến đỉnh của nó và đã đến giai đoạn “cùng tắc biến”, sẽ phải có những biến đổi nào đó…

– Có những hiện tượng mới cần phải để tâm nghiên cứu kịp thời.

Ông đã có một quá trình rất dài nghiên cứu về tâm linh của người Việt, văn hóa Việt, tôn giáo Việt. Công việc này tác động như thế nào đến cuộc sống của ông?

– Tôi là một người nghiên cứu khoa học, tôi không phải tín đồ của bất cứ tôn giáo nào. Có người hỏi tôi, thầy có theo đạo Phật không. Tôi nói, tôi giống như kiểu các cụ nói ngày xưa, “lắm mối tối nằm không”. Tôi thấy tôn giáo nào cũng có cái hay của nó. Và có thể cũng có những hạn chế riêng. Bây giờ tôi đã nghiên cứu quá nhiều thứ ấy nên tôi không theo được “ông” nào cả.

– Nên ông vô thần?

– Cũng không phải vô thần. Nói vô thần theo nghĩa cũ thì tôi không phải vô thần.

– Có tín ngưỡng, có đức tin?

– Thừa nhận là có một hiện tượng tâm linh. Rõ ràng những cái người ta gọi là trường sinh học, hào quang… thực sự là những hiện tượng khoa học. Con người có thể còn hai bộ phận, một bộ phận là khả kiến, một bộ phận là bất khả kiến. Nhưng cái bất khả kiến không có nghĩa là duy tâm; có người giải thích bất khả kiến này là một loại năng lượng, có người giải thích bất khả kiến này là vật chất tinh. Thì bây giờ người ta đã bắt đầu nghiên cứu. Đấy là những hiện tượng khoa học mà chúng ta phải chờ đợi nữa mới giải thích được.

Tôi biết là các nhà khoa học đã có lúc làm thí nghiệm đo khối lượng của linh hồn. Tức là họ cần người lúc chuẩn bị lìa đời là bao nhiêu cân, rồi lúc lìa đời là bao nhiêu cân, trừ đi ra trọng lượng của linh hồn!

– Vâng, mọi sự bây giờ đều được đo đạc hết đấy. Nhưng nếu muốn biết việc nghiên cứu tôn giáo có tác động thế nào đến đời sống của tôi thì xin cứ nhìn căn phòng tôi đang làm việc hiện nay. Tôi không quá câu nệ vật chất, cái tôi thích nhất là được ngày ngày làm việc, thế là vui rồi!

– Xem ra, ông sống còn “chay tịnh” hơn các tu sĩ.

– Nhưng tôi vẫn vui vẻ, tự nhiên. Ăn đủ no, mặc đủ ấm và ngày nào cũng làm việc, thế là được. Các bạn tôi khá hơn tôi nhiều, anh cứ gặp rất nhiều giáo sư nhưng sẽ không có ai giống như tôi đâu…
  H.T.Q.